CTV Danlambao - Nguyễn Xuân Phúc vừa gửi ra Dự thảo ngày 03/10/2018 cho Luật An Ninh Mạng. Luật này sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2019. Kể từ sau ngày đó, mọi hoạt động, dữ kiện, thông tin trên mạng internet sẽ nằm gọn trong tay an ninh. Đó là ý nghĩa thật sự của cái gọi là "an ninh mạng". Bản dự thảo 43 trang có những điểm cần lưu ý như sau:
Dữ liệu phải lưu trữ ở VN:
Dữ liệu thông tin cá nhân gồm có:
- Ký hiệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh... để xác định chính xác danh tính một cá nhân.
- Mọi thông tin khi người dùng khởi tạo một tài khoản.
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, địa chỉ ở, địa chỉ email, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số căn cước, số hộ chiếu, số thẻ bảo hiểm, số thẻ tín dụng, hồ sơ tài chính / sức khoẻ, sở thích, quan điểm chính trị...
- Dữ liệu do cá nhân tạo ra.
- Dữ liệu về quan hệ cá nhân gồm bạn bè, trang/tài khoản/từ khoá/nhóm mà cá nhân liên hệ.
- "Nhật ký" về hoạt động của người dùng, thông tin thanh toán các dịch vụ, địa chỉ IP truy cập dịch vụ, thói quen tìm kiếm, log chat, thời gian giao dịch...
Tất cả những dữ kiện trên không chỉ áp dụng cho các hoạt động truy cập, viết bài, liên lạc trên internet mà cho mọi dịch vụ khác như điện thoại, tài chính, ngân hàng.
Từ cái gọi là "thông tin cá nhân" này đối tượng nằm trong vòng kiểm soát không chỉ giới hạn trong thành phần quần chúng mà còn đối với tất cả các thành phần khác trong xã hội: doanh nghiệp, quân đội, đảng viên, cán bộ và thành phần lãnh đạo trong guồng máy cai trị.
Kiểm soát người truy cập:
- Không một tài khoản truy cập nào được tạo ra khi chưa được "cấp có thẩm quyền" phê duyệt.
- Mỗi tài khoản truy cập phải được gán cho một người sử dụng duy nhất.
- Có quyền thu hồi quyền truy cập của người dùng.
Với những quy định về thông tin, kiểm soát như trên... mọi dữ kiện về tài khoản như userid, password của người dùng sẽ nằm trong tay Cục An ninh mạng và Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng.
Dữ liệu nằm trong tay ai?
Hai bộ phận chính sẽ có thẩm quyền là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng.
Bất cứ lúc nào, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có quyền yêu cầu các công ty cung cấp dữ liệu về mọi thông tin như đã nêu ở trên của người dùng. Các công ty phải cung cấp tài liệu, thông tin của người dùng chưa được mã hoá hoặc đã được giải mã.
Tuy nhiên lại có thêm điều khoản "Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân, mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra..." "Bảo vệ" có nghĩa là mọi dữ kiện phải nằm trong tay an ninh.
Luật An Ninh Mạng, thực chất là đặt Mạng vào tay An Ninh. Toàn bộ sinh hoạt, dữ kiện riêng tư, quan hệ của người dùng đều thuộc vào quyền sở hữu của những kẻ cai trị độc tài.
Bạn đọc có thêm xem qua bản dự thảo nghị định này tại đây:
10.10.2018