Trần Thị Hải Ý (Danlambao) - “Con người không phải là thiên thần hay ác quỷ, nhưng điều bất hạnh muốn rằng kẻ nào muốn là thiên thần thì sẽ là ác quỷ. Và đó đây trên “đất nước Hồ Chí Minh” non 1/4 đầu thế kỷ XXI, nghệ nhân trọc phú nào tự cho mình là ‘Tinh hoa quý tộc’ thì sẽ thành Huyết hoa quỷ tộc!”
*
Đồng chí Phó trưởng ban tuyên giáo thành uỷ Hà Nội Phan Đăng Long tức Long Pháo Hoa đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ đảng giao và coi như đã hạ cánh an toàn từ 02/10/2015, nhưng thành tích ‘lở mồm long móng’ theo ý đảng của đồng chí ấy chắc chắn còn trụ mãi với thời gian. Đồng chí Long Pháo Hoa nói, nguyên văn:
1-. Về vụ bắn pháo hoa, 25/01/2015: “Bắn pháo hoa thường xuyên, đâu phải chỉ phục vụ người giàu! Biết đâu, những người nghèo họ cũng khao khát được xem bắn pháo hoa, những lúc thưởng thức bắn pháo hoa giúp họ quên đi cái nghèo, cái khó”.
2-. Về vụ đốn hạ 6700 cây xanh tại Hà Nội, 17/03/2015: “Cái gì cũng phải hỏi ý kiến hay sao? Bây giờ chỉ có chuyện trồng cây mà phải hỏi ý kiến dân! Tôi hỏi thế đất nước bây giờ động đến cái gì đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì?”. Vậy chuyện chặt cây có phải hỏi dân không, thưa ông? “Không phải hỏi gì cả, đấy là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của chính quyền. Một cái cây chặt đi cũng phải hỏi dân trong khi còn rất nhiều việc khác”.
Nay nhân sự kiện Thành uỷ và 100% đại biểu Hội đồng nhân dân thành Hồ tái khẳng định Ý đảng ‘Cấp bách vì cần cho người Dân’ nên phải xây bằng được Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại Thủ Thiêm trị giá đầu tư 1508 tỷ Hồ tệ, bất chấp hàng triệu Lòng dân phẫn nộ, mặc kệ hiện nay Thủ Thiêm vẫn là nơi đẫm nước mắt và đầy những mảnh đời rách nát, chưa thấy ánh sáng công lý, Hải Ý em trích dẫn lại như trên, thay lời dẫn nhập cho bài Tổng hợp nhỏ bé này.
*
C$ Mỹ Linh 1: “Ngày xưa nhà mình thiếu đói quanh năm, gạo ăn đong từng bữa mà đến kỳ lương mẹ vẫn mua hoa về cắm, lọ hoa bé giản dị thôi mà nó ngời lên. Cả góc nhà hy vọng. Tết thiếu miếng thịt nhưng chả thiếu cành đào đón xuân, tất thảy chỉ vì yêu cái đẹp thôi. Ai dám phán xét người nghèo không có cái quyền yêu cái đẹp?” (*).
C$ Mỹ Linh 1: “Các bạn phản đối xây nhà hát Thủ Thiêm, mình tôn trọng. Nhưng đừng phản đối vì lý do “dân không cần [múa] ba lê và nhạc giao hưởng. Ai cho các bạn quyền phán xét đó? Rất có thể nước mình bây giờ nhiều sự vô cảm, thô lỗ, vì ngày xưa có những nhà cách mạng vô sản đã nghĩ đúng như vậy: Dân chỉ cần cày cuốc không cần ba thứ tư sản như ca hát múa may!” (*).
Dự thảo kịch bản Opéra đầu tiên cho Nhà hát Giao hưởng Thủ Thiêm tương lai: Mộ táng nhân tâm!
Bà Bích Phượng, cư dân Hà Nội: “Cô ta (C$ Mỹ Linh) cho rằng bất cứ ai, dù nghèo, cũng có quyền được hưởng những cái tinh túy của nghệ thuật. Nhưng cô không hiểu rằng khi bụng đói, rét, không có nhà ở thì còn tâm trạng đâu để thưởng thức nghệ thuật”.
Còm sĩ Be Nguyen Huu:
Dân còn bữa đói bữa no,
Nhà hát hoành tráng quá to làm gì?
Cái chung chưa chắc khả thi,
Cái riêng chắc chắn phong bì “nặng” tay.
Tham mưu ai “khéo” vẽ bày,
Tiền dân đóng thuế xài vầy đúng chưa?
Hay như câu nói người xưa:
Có làm thì mới có mà để “ăn”!
Cái nào thật sự đang cần,
Nếu như đúng đắn thì dân đồng tình!
William Ralph Inge: “Nhà hát, hẳn nhiên là phản chiếu của cuộc đời. Có lẽ chúng ta cần-nên-phải cải thiện cuộc đời trước khi nghĩ đến việc chúng ta có thể cải thiện nhà hát / Le théâtre est, bien sûr, le reflet de la vie. Peut-être que nous devons améliorer la vie avant de pouvoir améliorer le théâtre”.
Bà Trương Thị Yến, một đại diện của nhóm dân oan Trường Thịnh - Thủ Thiêm: “Cô Ca $ĩ Mỹ Linh đang ở chỗ nào? Tôi cần gặp cô đó. Lý do gì mà cổ ủng hộ nhà hát đó trong khi tài sản của nhân dân chúng tôi bị cướp hết? Người dân chúng tôi phải sống khổ sở, lầm than, đói khát. Tài sản của dân thì không trả, mà chính quyền lại cất nhà hát giao hưởng 1.508 tỷ trên phần đất của dân chúng tôi, cất nhà hát giao hưởng trên xác người, trên mồ hôi nước mắt của nhân dân”.
Jean Paul Sartre: “Đứng trước một em bé sắp chết đói, tác phẩm Buồn Nôn của tôi chẳng là gì cả / En face d’un enfant qui crêve de faim, La Nausée ne fait pas le poids”.
Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành Hồ: “Phải làm Nhà hát Thủ Thiêm 1.508 tỷ ‘vì dân’ bởi đã được quy hoạch từ rất lâu [20 năm], không thay đổi”.
Thiền sư Muju (Vô Trú): Tutsugen, một người hiến mình cho Thiền ở Nhật, quyết định xuất bản một bộ kinh mà thời bấy giờ chỉ được thông dụng bằng chữ Nho.
Những quyển sách được in bằng những tấm bảng gỗ trong một lượt xuất bản bảy ngàn bản, thật là một việc làm kinh khiếp.
Tutsugen bắt đầu du hành làm một cuộc lạc quyên để thực hiện việc in kinh. Một vài người có nhiều thiện cảm cho Tutsugen một trăm đồng tiền vàng, nhưng phần nhiều Tutsugen chỉ nhận được vài xu nhỏ của những kẻ khác. Tutsugen tạ ơn những người có hảo tâm bằng một tấm lòng biết ơn bằng nhau. Sau mười năm, Tutsugen đã đủ tiền và bắt đầu công việc.
Nhằm mùa nước lớn của sông Uji tràn ngập. Nạn đói xảy ra. Tutsugen đem tất cả vốn liếng đã góp để in kinh, cứu những người khác khỏi chết đói. Rồi Tutsugen bắt đầu đi quyên lại.
Bảy năm sau đó, bệnh dịch lan tràn khắp nước Nhật. Tutsugen lại đem những gì đã góp được ra giúp mọi người.
Vì thế, Tutsugen lại bắt đầu lần thứ ba và sau 20 năm ý nguyện của Tutsugen đã được thực hiện hoàn toàn. Những bản in gỗ ra đời lần thứ nhất là những bộ kinh mà ngày nay người ta thấy trong tu viện Obaku ở Kyoto.
Người dân Nhật bảo với con cái họ rằng Tutsugen đã làm được ba bộ kinh, và hai bộ đầu vô hình nhưng vượt hẳn bộ sau cùng (1).
George Orwell: Trong Trại súc vật “tất cả các loài vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật được bình đẳng hơn những con khác / All animals are equal, but some animals are more equal than others”.
Karl Marx: Và “tất nhiên, chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, và chăm lo riêng cho bộ da của mình / Only animals turn away from human suffering and busy themselves looking after their own skins”.
*
N$ Anh Quân (chồng C$ Mỹ Linh) 1: “Tôi trộm nghĩ nếu đa số người dân Việt Nam đều nói “tôi không cần nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch”, thế thì liệu Việt Nam chúng ta có tồn tại tầng lớp tinh hoa, quí tộc hay không? Nếu Việt Nam không có tầng lớp tinh hoa, quý tộc có hiểu biết và nếp sống văn minh như người dân các nước phát triển, thì ai sẽ là người dẫn dắt dân tộc Việt trở thành quốc gia giàu có, văn minh, sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới? (*).
TT Hải Ý: Hậu bán thế kỷ XVII, nước Pháp có kịch tác gia Molière với vở hài kịch tuyệt tác “Trưởng giả học làm sang” (Le Bourgeois gentilhomme, 1670). “Trưởng giả học làm sang” truyền thần lại bức tranh xã hội Pháp thời đó vô cùng sống động và chân thực, trong đó có cảnh những tay trọc phú rởm đời học đòi quý tộc một cách kệch cỡm ngu ngốc; những tên tân quý tộc vô cảm, giả dối, hợm hĩnh, lố bịch.
N$ Anh Quân (chồng C$ Mỹ Linh) 2: “Nếu cách đây hơn 100 năm, người Pháp cũng hỏi dân chúng Việt Nam có xây nhà hát lớn hay không thì chắc chắn bây giờ không có nhà hát lớn Hà Nội, nhà hát lớn Hồ Chí Minh, nhà hát lớn Hải Phòng để chúng ta tự hào” (*).
Còm sĩ Van tho Nguyen: “Người Pháp xây những nhà hát đó cho họ chứ không phải cho giống dân mà họ gọi một cách khinh miệt là A na mít, họ cho xây để thưởng thức nền văn hoá của Pháp chứ không phải cho nhân dân Việt Nam thưởng thức Quan họ hay Chèo cổ.
Do đó họ không cần hỏi ý kiến người Việt Nam lúc bấy giờ, đó là cách làm của quân thống trị chứ không phải của chính quyền “do dân, vì dân”. Bây giờ khi người Pháp không còn nữa thì người Việt thừa hưởng cái họ để lại chứ không có gì đáng tự hào cả. Nếu tự hào thì bây giờ lại rước người Tàu, người Mỹ, người Pháp vào lần nữa để cho họ xây dựng các công trình vĩ đại, rồi ta lại đổ máu để tống chúng đi và lại tự hào vì có các công trình rất hoành tráng đó.
Viết ngu như thế mà cũng tự cho mình là tầng lớp tinh hoa, hèn chi mà đất nước hiện nay nát bét như vậy cũng là do giống “tinh hoa” này đây. Đần độn mà hay làm tài khôn”.
Mark Twain: “Chẳng thà im mồm, để thiên hạ tưởng mình là một đứa ngốc, còn hơn mở họng ra và xoá hết mọi nghi ngờ / It's better to keep your mouth shut and appear stupid than open it and remove all doubt”.
TT Hải Ý: Blaise Pascal từ thế kỷ XVII có câu nói vẫn luôn luôn đáng suy gẫm: “Con người không phải là thiên thần hay ác quỷ, nhưng điều bất hạnh muốn rằng kẻ nào muốn là thiên thần thì sẽ là ác quỷ (2). Và đó đây trên “đất nước Hồ Chí Minh” non 1/4 đầu thế kỷ XXI, nghệ nhân trọc phú nào tự cho mình là “Tinh hoa quý tộc” thì sẽ thành Huyết hoa quỷ tộc!
Tin vỉa hè: Để chứng minh không là người Vô cảm trước núi oan khiên, bất công của dân nghèo tại Thủ Thiêm, vợ chồng C$ Mỹ Linh và N$ Anh Quân muốn hiến toàn thể cơ ngơi và miếng đất vườn nho nhỏ chừng 1,3 hecta tại Sóc Sơn (2 hình dưới) để xây Nhà hát Giao hưởng Thủ Thiêm. Thiện tai! Thiện tai!
(Bruxelles, 17/10/2018)
______________________________________
Chú thích:
(*) Những phát biểu này đã được gỡ bỏ hay bị ẩn trong FB của vợ chồng Mỹ Linh – Trương Anh Quân, nhưng hình chứng còn tràn lan trên mạng.
(1) Xuất bản kinh, bài 37 – trích từ Góp nhặt cát đá (nguyên tác Nhật ngữ Thạch Sa Tập của Thiền sư Muju / Vô Trú), bản việt dịch Đỗ Đình Đồng, xuất bản tại Sài Gòn trước 1975, trang 52.
(2) Blaise Pascal: “L’homme n’est ni ange ni bête, et le malheur veut que qui veut faire l’ange fait la bête”.