Tháng Chín (Danlambao) - Từ trước đến nay nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn phủ nhận chuyện chia rẽ, phe cánh và đấu đá nội bộ trước công luận. Trong hàng loạt bài báo Nhân Dân, các chương trình tuyên truyền lề đảng, ban Tuyên giáo Cộng sản luôn cho rằng các thế lực thù địch có "âm mưu chia rẽ đảng và nhân dân". Đảng CSVN cũng phủ nhận chuyện lựa chọn đồng minh chính trị khi có dư luận "thân Mỹ hay thuộc Tàu". Tuy nhiên, bất cứ người dân nào quan tâm đến các tin tức chính trị - xã hội cũng có thể thấy rằng, các lãnh đạo của đảng CSVN luôn có thông điệp gửi đi cho Bắc Kinh mỗi khi có một động thái thuần phục. Vậy lần này, khi Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng chính thức ngồi vào ghế Chủ tịch nước trong một cuộc bầu cử kín không có đối thủ, đảng CSVN muốn thưa gì cùng đàn anh Trung Cộng?
Ngày 23/10/2018, ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư đảng - chính thức đắc cử chức vị Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong một cuộc bầu cử không có đối thủ.
Trước đó, sau tang lễ của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang một tuần, hàng loạt hãng tin, báo chí lề đảng đồng loạt đưa tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được "đề cử" ngồi vào ghế chủ tịch với sự đồng thuận 100% của ban chấp hành trung ương đảng (bao gồm luôn cả phiếu tự đồng thuận của Nguyễn Phú Trọng).
Ông Trọng điềm nhiên, chễm chệ bước vào một cuộc chạy đua không cần phí sức. Trong cuộc đua này người thắng nằm ở tận nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa còn người thua là người dân Việt Nam, những người hoàn toàn không có quyền quyết định.
Trước đó, trên con đường thuần phục của mình, đảng CSVN đã ban hành Luật Đặc khu và nhận được sự phản ứng dữ dội từ phía người dân. Sự phẫn nộ của hàng triệu trái tim Việt Nam đã làm chậm tiến trình thuần phục một chút nhưng với sự chuẩn bị kỹ càng từ việc mở thẳng đường bay đến các thành phố đặc khu như Nha Trang, Phú Quốc, mở đường xe hơi lái thẳng đến Quảng Ninh thì dường như việc Luật đặc khu được thông qua chỉ là vấn đề về thời gian.
Ngày 28/8/2018, hai tháng sau các cuộc biểu tình phản đối Luật đặc khu của người dân Việt Nam và Luật Đặc khu bị hoãn, để vuốt ve và "tạ lỗi" thiên triều, thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Thông tư số 19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc. (1) Thông tư vừa được ban hành và đã chính thức đi vào thực thi vào ngày 12.10.2018 đã làm dấy thêm lên sự nghi ngờ về các cam kết từ Hội nghị Thành Đô 1990.
Ngày 23/10/2018, ngày tân thái thú Nguyễn Phú Trọng chính thức lên ngôi, báo lề đảng đưa tin "Anh thợ điện bị phạt 90 triệu vì đổi 100 USD tại tiệm vàng (2). Những tưởng đây chỉ là một bản tin bình thường nhưng thật ra nó có thông điệp chính trị trong đó khá rõ ràng. Ai cũng biết nhắc đến đồng đô la người ta nghĩ ngay đến nước Mỹ. Và ở Việt Nam, khi có hoạt động mua bán trao đổi ngoại tệ người dân thường chọn giao dịch tại các tiệm kinh doanh vàng bạc đá quý.
Thông điệp mà tân thái thú Nguyễn Phú Trọng gửi đến cho đảng mẹ Trung Cộng đã quá rõ ràng: "Đảng Cộng sản Việt Nam không chấp nhận nước Mỹ và các giá trị tự do của người Mỹ". Tương lai của Việt Nam gần như đã được quyết định.
Đảng Cộng sản đã đưa ra sự lựa chọn của mình, vậy thì 90 triệu con dân Việt Nam liệu có chấp nhận vận mệnh, tương lai của đất nước sẽ phủ bóng cờ Phúc Kiến hay không?
24.10.2018
_______________________
Chú thích: