Đỗ Thành Nhân (Danlambao) - Hiện nay đang giai đoạn công nghệ 4.0 rồi, đưa số liệu về “nhân dân” ra phải có cơ sở thống kê minh bạch, khoa học; chứ tuyên truyền kiểu như những bài báo "Tổng bí thư làm Chủ tịch nước sẽ được toàn dân ủng hộ, đồng tình"; "Trên thuận ý trời, dưới hợp lòng người";... không còn phù hợp nữa, chẳng khác gì xem dân ngu, lấy dân ra làm trò đùa để giễu cợt. “Nhân dân” tôi chỉ mong được như thế hệ cha ông của mình từ hơn 60 năm trước, năm 1955 được cầm lá phiếu “trưng cầu dân ý” để chọn lựa người làm Tổng thống giữa Quốc trưởng Bảo Đại và Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Đảng muốn làm gì thì làm, đừng lấy “nhân dân” ra giễu cợt!
*
1. Nhân dân
Định nghĩa “nhân dân” là tập hợp đông đảo những dân tộc thuộc mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng đang sống trong một khu vực địa lý nhất định.
Rộng hơn chút nữa, “nhân dân” hay còn gọi là người dân, quần chúng, dân là thuật ngữ chỉ về toàn thể những con người sinh sống trong một quốc gia, và tương đương với khái niệm dân tộc. Nhân dân còn có khái niệm rộng hơn và được sử dụng trong chính trị, pháp lý, tư tưởng chính trị. Trong lĩnh vực chính trị pháp lý, nhân dân còn tương đồng với thuật ngữ công dân là những con người mang quốc tịch và được bảo hộ của một nhà nước nơi họ đang sinh sống và thông thường là không bao gồm những người trong bộ máy cai trị.
Dù cho định nghĩa nào đi nữa, thì tôi cũng là “nhân dân”. Và, bài viết dưới đây là bài viết của một “nhân dân”; bởi vì “nhân dân” tôi đang bị giễu cợt.
Bài viết của một người chuyên môn về vật lý làm tin học; không được đào tạo về chính trị, xã hội, pháp lý; bài viết với văn phong đơn giản để nhiều “nhân dân” cùng hiểu được.
oOo
2. Hội nghị Trung ương 8: Giới thiệu Tổng bí thư làm Chủ tịch nước
Nội dung thông tin từ các báo đài trong nước:
{Theo tin từ Văn phòng Trung ương Đảng, ngày làm việc thứ hai (3-10) của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII (Hội nghị Trung ương 8) làm việc tại hội trường về công tác nhân sự.
Theo đó, BCH Trung ương Đảng đã thống nhất 100% giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 22-10 tới đây.} (1)
2.1. Với các quốc gia dân chủ phát triển
Các nước châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan; châu Mỹ như Mỹ, Canada; các nước Châu Âu v.v... thì một đảng phái giới thiệu người ứng cử vào vị trí nguyên thủ quốc gia là hoàn toàn bình thường.
Sự tồn vong của từng đảng phái phụ thuộc vào tài năng, đức độ của người ứng cửa và quan điểm điều hành quốc gia của đảng phái đề cử.
“Nhân dân” sẽ bầu người ứng cử vào vị trí nguyên thủ quốc gia trực tiếp, hoặc gián tiếp qua các vị đại biểu quốc hội.
Đại biểu quốc hội do người dân trực tiếp bầu ra và thuộc nhiều đảng phái khác nhau.
Do đó, dù cho có đảng phái nào giới thiệu đi nữa thì nguyên thủ quốc gia cũng được sàng lọc qua cơ chế bầu cử dân chủ. Nếu người ứng cử độc tài trong đảng của mình ra tranh cử, khi bầu không trúng cử thì bản thân người ứng cử cùng với đảng của họ cũng sẽ dẫn đến suy vong.
2.2. Với Việt Nam
a. Theo Hiến pháp năm 2013 (2):
{Điều 4
1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Namhoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.}
b. Theo kết quả Bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa XIV tháng 5 năm 2016 (3):
{Trong số 496 đại biểu được bầu 21 đại biểu là người ngoài đảng (chiếm 4,2%), Quốc hội khóa XIV có tỷ lệ đảng viên cao nhất từ trước đến nay.}
Như vậy, Quốc hội có 475 đại biểu là đảng viên, chiếm tỷ lệ 95,8%.
c. Theo Điều lệ Đảng (4)
{Điều 2.
Đảng viên có nhiệm vụ:
1. Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng. }
Chú ý: Đảng viên “phải chấp hành nghiêm chỉnh”: “nghị quyết, chỉ thị của Đảng” rồi sau đó mới đến “pháp luật của Nhà nước”.
{Điều 9.
Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản của nguyên tắc đó là:
1. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.}
Như vậy: Căn cứ theo a, b, c nói trên thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được 95,8% đảng viên - đại biểu quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước là đương nhiên.
* Nhận xét: Phân tích Hiến pháp năm 2013 Điều 4, và Chương VI. Chủ tịch nước; Điều lệ Đảng (cập nhật lên website năm 2015).
Nếu như trước kia, thì đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thông qua 3 nhánh quyền lực Hành pháp, Tư pháp và Lập pháp tương đối độc lập theo Hiến pháp.
Nhưng khi Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, lúc này một cá nhân sẽ lãnh đạo đất nước: quyền Hành pháp với vai trò Chủ tịch nước và quyền Tư pháp và Lập pháp với tư cách Tổng bí thư - người có quyền lãnh đạo tập trung cao nhất của đảng Cộng sản Việt Nam.
{“Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối”} - câu nói nổi tiếng của Lord Acton (1834-1092) đã được lịch sử hiện đại kiểm chứng. Chính vì vậy mà nhiều quốc gia có nguyên tắc xây dựng một nhà nước pháp quyền, một thể chế dân chủ là chống quyền lực tập trung vào một cá nhân hay đảng phái chính trị.
Đó là ý kiến “nhân dân” tôi.
oOo
3. Những sự so sánh khập khểnh
Nhà nước tăng thuế xăng dầu thì báo chí so sánh giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn Singapore, nhưng lại không so sánh tiền thuế xăng dầu Singapore sử dụng như thế nào, tình hình tham nhũng ở Singapore ra sao?
Nhà nước tăng giá điện thì báo chí so sánh giá điện Việt Nam thấp hơn giá điện ở Châu Âu lại không so sánh chính sách phát triển năng sạch, thu nhập người dân, thể chế minh bạch của Châu Âu như thế nào?
Khi đưa tin “BCH Trung ương Đảng đã thống nhất 100% giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước” thì báo chí cũng đưa tin mang tính chất so sánh như:
- Ông Hồ Chí Minh đã làm Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước.
- Mô hình Trung Quốc: ông Tổng bí thư Tập Cận Bình kiêm nhiệm Chủ tịch nước.
- Nhiều nước phát triển lãnh đạo đảng làm nguyên thủ quốc gia: ý này tôi đã phân tích ở mục 2.1.
3.1. So sánh với Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lịch sử Quốc hội Việt Nam:
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I ngày 02/03/1946 công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Trong kỳ họp này đại diện các đảng phái, gồm: Việt Minh 120 ghế, đảng Dân chủ Việt Nam 46 ghế, đảng Xã hội Việt Nam 24 ghế, Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội 20 ghế, Việt Nam Quốc dân đảng 50 ghế và không đảng phái 143 ghế.
Ghi chú: Đ ảng Cộng sản Đông Dương đã tuyên bố tự giải tán ngày 11/11/1945, trước kỳ bầu cử Quốc hội 1946.
Bầu cử Quốc hội khóa II năm 1960 ở miền Bắc ngoài đảng Lao động Việt Nam còn có 2 đảng là đảng Dân chủ Việt Nam (1944-1988) và đảng Xã hội Việt Nam (1946-1988)
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước là một việc hoàn toàn mới; nhưng báo của đảng viết: "Theo ông Vũ Mão, soi lại lịch sử của Đảng, Nhà nước từ giai đoạn đầu tiên, có thể thấy Bác Hồ đã làm Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước. Đó là mô hình rất tốt." (5)
Lấy ông Hồ Chí Minh đã làm Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước để so sánh với Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước là một kiểu nói lấy được, một sự so sánh hoàn toàn phiến diện bởi các chứng cứ lịch sử sau:
Thứ nhất. Cả hai lần bầu Chủ tịch nước theo Quốc hội khóa I dựa trên Hiến pháp 1946, theo Quốc hội khóa II dựa trên Hiến pháp 1959; thì cả hai bản Hiến pháp này đều không có điều khoản nào giao cho đảng Cộng sản Đông Dương (1946); hay đảng Lao động Việt Nam (1960) toàn quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Đó là chưa kể, từ năm 1945 đảng Cộng sản Đông Dương đã tuyên bố tự giải tán, cho nên ông Hồ Chí Minh không phải là người đại diện cho Đảng ra tranh cử đầu năm 1946.
Hiện nay, theo Hiến pháp 2013 thì đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Thứ hai. Trong giai đoạn lịch sử Việt Nam 1945-1954, miền Bắc 1954-1969, dù thế nào đi nữa vẫn tồn tại chế độ chính trị xã hội "đa đảng", vì ít nhất cùng hoạt động công khai với đảng Lao động Việt Nam còn có thêm đảng Dân chủ Việt Nam và đảng Xã hội Việt Nam, đến năm 1988 hai đảng này mới chấm dứt hoạt động.
Hiện nay, ngoài đảng Cộng sản Việt Nam không có bất kỳ đảng phái nào hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Ngay cả các tổ chức dân sự và công đoàn độc lập cũng không tồn tại.
Thứ ba. Quốc hội khóa II năm 1960, trong giai đoạn chiến tranh nên chỉ có nhân dân miền Bắc bầu ông Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước. Còn người dân miền Nam trước đó đã trực tiếp trưng cầu dân ý để ông Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống Việt Nam cộng hòa.
Theo lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam, đại đa số các Tổng bí thư đều là người miền Bắc (6); nếu Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước thì cơ hội cho người miền Nam làm Chủ tịch nước là rất hiếm.
Hiện nay, đất nước thống nhất; người dân hai miền Nam Bắc đều bình đẳng như nhau về quyền bầu cử, ứng cử.
3.2. So sánh với Trung Quốc
Đưa ra mô hình Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc như Tập Cận Bình (trước đó nữa là Hồ Cẩm Đào,...) để so sánh với Việt Nam là không có cơ sở.
Một. Sự so sánh mới chỉ thuần túy ở kiêm nhiệm chức vụ mà không so sánh những vấn đề liên quan khác. Chẳng hạn như:
Trung Quốc, ngoài đảng Cộng sản Trung Quốc có 8 đảng được chính thức công nhận là: 1. Ủy ban cách mạng Quốc dân đảng Trung Quốc (Dân Cách); 2. Đồng minh dân chủ Trung Quốc (Dân Minh); 3. Hội kiến quốc dân chủ Trung Quốc (Dân Kiến); 4. Hội xúc tiến dân chủ Trung Quốc (Dân Tiến); 5. Đảng dân chủ nông công Trung Quốc (Nông Công Đảng); 6. Đảng trí công Trung Quốc (Trí Công Đảng); 7. Học xã Cửu Tam; 8. Đồng minh tự trị dân chủ Đài Loan (Đài Minh). Chưa kể đến các đảng chính trị ở Hồng Kông và Ma Cao.
Còn Việt Nam, ngoài đảng Cộng sản Việt Nam ra thì không có bất kỳ đảng phái hợp pháp nào. Ngay cả các đảng Dân chủ, Xã hội đồng hành cùng đảng Cộng sản trong giai đoạn chiến tranh cũng phải khai tử.
Hai. Mặc dù cả hai nước đều tương đồng là đảng Cộng sản lãnh đạo.
Với dân số hơn 1,4 tỷ người; khi đụng tới quyền lực tập trung của đảng Cộng sản, Trung Quốc sẵn sàng cho xe tăng nghiến nát sinh viên ở Thiên An Môn; lấy nội tạng người theo Pháp Luân Công; xóa sổ Tây Tạng, Tân Cương;...
Liệu Việt Nam có thể làm theo Trung Quốc?
Ba. Quyền lực tập trung, không được kiểm soát chế tài sẽ dẫn đến sự ổn định, phồn vinh giả tạo. Khi có tác động tiêu cực từ bên ngoài thì sẽ rất khó đối phó.
Thực tế hiện nay là cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc do Tập Cận Bình làm Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước; Trung Quốc đang lâm vào khủng hoảng.
* Nhận xét: những người muốn học và làm theo nửa vời Trung Quốc khi muốn núp bóng và tìm chỗ dựa từ đó.
oOo
Tôi là một “nhân dân”; như là một hành khách buộc phải ngồi trên chiếc xe đường dài, tất cả tài xế đều không biết chiếc xe đi đâu, chạy tuyến đường nào? thì chọn tài xế là ai cũng không còn quan trọng.
Bầu Chủ tịch nước là chuyện của đảng chứ không phải chuyện của “nhân dân”, dù cho theo Hiến pháp {Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội,} (Điều 6), nhưng “nhân dân” chưa bao giờ trực tiếp bầu Chủ tịch nước. Ngay cả đại biểu quốc hội thì lúc ứng cử cũng không biết ai sẽ ứng cử / đề cử làm Chủ tịch nước để mà hứa hoặc nhận ủy quyền của “nhân dân” sẽ bầu cho ông X bà Y nào đó.
Tuy nhiên, hiện nay đang giai đoạn công nghệ 4.0 rồi, đưa số liệu về “nhân dân” ra phải có cơ sở thống kê minh bạch, khoa học; chứ tuyên truyền kiểu như những bài báo "Tổng bí thư làm Chủ tịch nước sẽ được toàn dân ủng hộ, đồng tình"; "Trên thuận ý trời, dưới hợp lòng người"... không còn phù hợp nữa, chẳng khác gì xem dân ngu, lấy dân ra làm trò đùa để giễu cợt.
“Nhân dân” tôi chỉ mong được như thế hệ cha ông của mình từ hơn 60 năm trước, năm 1955 được cầm lá phiếu “trưng cầu dân ý” để chọn lựa người làm Tổng thống giữa Quốc trưởng Bảo Đại và Thủ tướng Ngô Đình Diệm.
Đảng muốn làm gì thì làm, đừng lấy “nhân dân” ra giễu cợt!
*
Ghi chú:
(1). Trong cặp dấu {} là thông tin được trích dẫn nguyên văn.
(2). Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013 - Viết tắt “Hiến pháp 2013” là luật cơ bản có hiệu lực pháp lý cao nhất.
(3). Bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa XIV
(4). Điều lệ Đảng (Cập nhật lúc 14h19 - Ngày 24/09/2015)
(5). Thời điểm chín muồi để thực hiện Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước
(6). Các Tổng Bí Thư của Đảng Cộng Sản Việt Nam
05.10.2018