Cánh Dù lộng gió (Danlambao) - Cho đến thời điểm này con số đăng ký đủ giấy tờ điều kiện được DCCT chấp nhận đã lên đến 7000 người.
Còn rất nhiều hồ sơ chưa được duyệt xét có khi vì có vấn đề hay vì chưa đủ điều kiện hoặc vì vết thương loại 2 nhẹ nên không được chấp nhận.
Họ là những người bị xã hội quên lãng và bỏ rơi, kiếm sống bởi nhiều công việc khác nhau, có người đi ăn xin sống qua ngày, có người đi bán vé số trên chiếc xe lăn hay trên đôi nạng gỗ, có người đi bán nhang kiếm tiền độ nhật, có người ngồi ở các vỉa hè để vá những lỗ thủng ruột xe và bơm xe cho khách qua đường.
Họ cố gắng vươn lên vật lộn với những khó khăn thiếu thốn, đau đớn thể xác mỗi khi trái gió trở Trời để mà sống, để đi nốt đoạn đường còn lại của một kiếp người trước khi trở về với lòng đất mẹ là nơi sẽ ôm ấp họ sau một kiếp đoạ đày.
Họ không than van và cam chịu những đau khổ, những hành hạ, những khinh miệt, những chiếu cố mà chế độ này gán ghép cho họ là những người có nợ máu với nhân dân để rồi phân biệt đối xử như những kẻ thù tuy không nói ra cửa miệng.
Tất cả họ cho đến giờ này người nhỏ nhất cũng trên 60 tuổi đời, nên chẳng còn bao lâu nữa thì họ cũng sẽ ra đi vĩnh viễn rời xa cái nhân tình thế thái này.
Có ai nghĩ tới họ đã từng một thời trai trẻ đầy nhiệt huyết, hăng say lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của non sông, làm trách nhiệm của một người trai với Tổ Quốc và Đồng Bào thân yêu, bỏ lại sau lưng tuổi thanh xuân đầy hứa hẹn, vai mang nặng hành trang ôm súng bảo vệ Tổ Quốc cho tới ngày 30/04 cay đắng và chua chát nhất cho thân phận người lính.
Chính họ đã gởi lại những vùng đất mẹ một phần thân thể của mình để làm chứng cho sự quyết tâm bảo vệ Tổ Quốc, để làm tròn trách nhiệm của những người "Trai Thời Ly Loạn".
Khi họ bị thương trở về có người mất hết không còn gì, mất đi phần thân thể, mất đi người vợ mà trước đó đầu ấp tay gối chỉ vì họ bỏ lại chiến trường 2 chân hay 2 tay. Cái đau đớn hơn nỗi đau thể xác là tình người họ không biết bám bíu vào đâu để sống, để mà tâm sự những khó khăn, những đau khổ chồng chất trên đôi vai gầy tàn tạ.
Ngày 30/04 họ còn mất đi sự an ủi cuối cùng là chút tiền máu xương hằng tháng bị cắt đứt, ngay cả ngôi nhà chính phủ xây cho họ ở cũng bị tước mất như khu nhà TPB Thủ Đức.
Họ có người vô gia cư, vô nghề nghiệp, lang thang đây đó, làm bất cứ cái gì trong khả năng khiếm khuyết của mình để kiếm sống qua ngày.
Mấy năm nay Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) có chương trình Tri Ân TPB VNCH tổ chức cho Anh Em TPB đi khám bệnh tổng quát, thanh toán tiền bảo hiểm cho Anh Em, cấp nạng, cấp xe lăn, xe lắc cho Anh Em, giúp Anh Em làm chân giả, Anh Em TPB nào có hoàn cảnh quá khó khăn nhà cửa dột nát sẽ được DCCT xem xét kiểm tra và sửa sang lại, hiện này có một khu vực DCCT đã mua lại và xây nhà hco một số Anh Em TPB không nơi nương tựa không người thân đến tạm trú. Cuối năm tổ chức họp mặt phát quà xuân cho tất cả Anh Em TPB. Một công việc làm rất nhân văn của các Linh Mục DCCT và các tình nguyện viên khắp nơi cũng như sự đóng góp của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trên toàn thế giới gởi giúp đỡ Anh Em.
Đây là nguồn an ủi duy nhất của Anh Em TPB trước khi nhắm mắt, nhiều anh Em bật khóc khi được chăm sóc, hỏi han và rất cảm động khi được phục vụ.
Chúng tôi đại diện cho Anh Em TPB còn lại trong nước xin chân thành biết ơn những tấm lòng vàng, các Linh Mục DCCT, các tình nguyện viên khắp nơi quy tụ về để phục vụ Anh Em trong những ngày khám bệnh tổng quát và họp mặt tri ân cuối năm, cũng xin cám ơn đến các nhà hảo tâm và quý vị mạnh thường quân đã góp sức cùng với DCCT để làm công việc này giúp Anh Em có chút an ủi cuối đời.
Xin ơn trên phù hộ thêm sức và chúc lành cho quý vị ân nhân trong công việc giúp đỡ Anh Em TPB những người bị xã hội bỏ quên và ngược đãi này.
Ngày 16/11/2018