Hải Âu (Danlambao) - Nhà cầm quyền cộng sản thường xuyên tổ chức hội họp quốc hội với mục đích xây dựng, bổ sung, chỉnh sửa luật, tăng nghị quyết, giảm hành chính v.v... Tất cả dường như mang mục đích cao cả nhằm tạo môi trường sống tốt đẹp cho nhân dân trong một đất nước được chế độ cộng sản xem là thiên đường xã hội chủ nghĩa. Con số 485 đại biểu quốc hội là những kẻ tự cho mình quyền đại diện cho tiếng nói của nhân dân để tạo vẻ bề ngoài nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Nhìn lại kết quả sau hầu hết các kỳ hội họp của quốc hội cộng sản, nhân dân xứ sở “thiên đường xã nghĩa” chỉ thường nhận được sự bức xúc. Những nghị quyết, nghị định, dự luật hay những chỉnh sửa bổ sung luật được quốc hội cộng sản thông qua chỉ đặt thêm gánh nặng lên vai dân đen. Những vấn đề như xăng tăng thuế môi trường kịch trần, viện phí tiếp tục phi mã, bóp nghẹt tiếng nói của nhân dân bằng luật an ninh mạng, đất nước dâng cho Tàu cộng bằng dự luật đặc khu kinh tế v.v... được cộng sản nhanh chóng thông qua hay chờ cơ hội để ban hành thành luật.
Hình ảnh 485 đại biểu quốc hội bấm nút thông qua dự luật được chế độ cộng sản sử dụng nhằm nguỵ biện rằng đây là nguyện vọng và là mong muốn của người dân, đây là nền dân chủ của đất nước… Nhưng chính những dự luật, luật đó bịt miệng người dân, chính những sửa đổi luật đó kềm hãm tôn giáo, và chính những dự luật đó giúp lãnh đạo cộng sản hợp pháp bán nước cho Tàu cộng.
Độc tài cộng sản cố tạo hình ảnh một “thiên đường xã nghĩa” với thể chế dân chủ để mị dân, thế nên những kẻ cầm quyền cũng cần ban hành những điều luật mang tính răn đe, xử lý những đảng viên “biến chất”. Tuy nhiên khi quốc hội cộng sản đưa ra một số dự luật dính dáng, đụng trạm tới quyền lợi của những kẻ cầm quyền thì chính những đại biểu quốc hội lại nhảy cẫng lên phản đối.
452/465 đại biểu tán thành, 6 đại biểu không tán thành, 7 đại biểu không biểu quyết. Đó là con số được công bố quốc hội cộng sản thông qua luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) với 10 chương, 96 điều. Thoạt nghĩ 93,2% thành viên quốc hội thông qua việc nhà cầm quyền cộng sản sửa đổi luật chống tham nhũng sẽ đem lại “điều gì đó” thuận lợi để xử lý những vụ án tham nhũng. Nhưng không, quốc hội cộng sản quyết định “không đưa qui định xử lý tài sản bất minh vào luật phòng chống tham nhũng”.
Lê Thị Nga, chủ nhiệm uỷ ban tư pháp trình bày, báo cáo liên quan đến dự luật “xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc”. Từ đó "Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc thông qua trình tự xem xét, giải quyết tại tòa án; nhiều ý kiến tán thành với phương án xử lý thông qua thu thuế; nhiều ý kiến đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành, theo đó tài sản, thu nhập này sẽ bị xử lý khi cơ quan có thẩm quyền chứng minh được là do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có”.
Do ý kiến của các đại biểu bất nhất nên uỷ ban thường vụ quốc hội cộng sản đã “tổ chức” gửi phiếu thăm dò. Kết quả: "có 209/456 ý kiến đại biểu, chiếm 43,09% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án; 156/456 ý kiến đại biểu (32,16%) tán thành với phương án thu thuế; 40 ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định của Luật PCTN hiện hành và 51 đại biểu không thể hiện chính kiến hoặc có ý kiến khác”. Kết quả trên khiến “uỷ ban thường vụ quốc hội đề nghị quốc hội cho phép chưa bổ sung quy định về ‘xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc’ vào dự thảo luật mà thực hiện như qui định của luật pháp hiện hành”.
Vậy là thêm một lần nữa, quốc hội cộng sản thoải mái sử dụng hàng tỷ đồng ngân sách một cách lãng phí để tổ chức các kỳ hội họp quốc hội. Để rồi những điều luật, những nghị quyết, những bổ sung, sửa đổi hay những dự luật mà quốc hội cộng sản đưa ra và thông chỉ nhằm mục đích cai trị nhân dân bên cạnh ý đồ trục lợi cho những kẻ cầm quyền.
“Không đưa qui định xử lý tài sản bất minh vào luật phòng chống tham nhũng” chính là cách mà quốc hội cộng sản bảo vệ những kẻ phụng sự cho một thể chế tồn tại bằng sự lừa dối, tàn ác và tham nhũng. “Không đưa qui định xử lý tài sản bất minh vào luật phòng chống tham nhũng” chính là cách mà cộng sản nói với nhân dân rằng luật pháp chỉ được sử dụng để cai trị nhân dân chứ không phải để xử lý tham quan dù cho hầu hết tất cả đảng viên, các quan chức cộng sản hay 485 đại biểu quốc hội đều là những kẻ tham nhũng.
Để rồi những kẻ như Phạm Sỹ Quý-nguyên giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái với “ngón nghề” buôn chổi đót có thể an toàn trong biệt phủ nghìn mét cùng với hàng chục hecta bất động sản. Để rồi những kẻ như Trần Văn Truyền, nguyên tổng thanh tra chính phủ dù đã về hưu “làm vườn đến thối móng tay” sẽ tiếp tục nhởn nhơ “làm vườn” trong biệt thự khủng của mình dù móng tay có bị thối rữa. Để rồi những kẻ như Nguyễn Sỹ Kỷ, phó ban nội chính tỉnh Đắk Lắk có thể tự hào khoe khoang ngôi biệt thự khủng 2 tầng diện tích gần 200m2, khu nhà bếp, nhà khách 91m2, hồ bơi 153m2, hồ nước 625m2 cùng hàng chục ngàn m2 bất động sản mà y có được là do “chạy xe ôm từ thời còn trai trẻ”.
Quốc hội cộng sản có thật sự là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước hay chỉ đơn thuần là một nhóm hội bù nhìn trong chế độ độc đảng toàn trị? 485 đại biểu quốc hội có thật sự là tiếng nói của nhân dân hay chỉ đơn thuần là những kẻ trục lợi trên xương máu đồng bào với các chức danh đại diện nhân dân?
Người dân Việt Nam muốn tiếng nói của mình được tôn trọng, đồng bào Việt Nam muốn cuộc sống của mình được tự do thì hãy can đảm đứng lên. Trước là để giải thể quốc hội cộng sản, sau là để huỷ bỏ tư cách đại biểu quốc hội đối với 485 đại biểu. Bởi lẽ hầu hết đại biểu quốc hội là những quan chức tham nhũng do cộng sản dựng lên. Những kẻ ấy không xứng đáng đại diện cho nhân dân, hơn nữa những kẻ ấy không phải do nhân dân bầu ra. Và một khi đã không còn quốc hội, không còn đại biểu đại diện cho nhân dân thì cũng là lúc người dân Việt phải dành lại quyền tự quyết để xóa bỏ chế độ cộng sản độc tài toàn trị khỏi lãnh thổ Việt Nam.