Bà Ngoại - Dân Làm Báo

Bà Ngoại

Mẹ Nấm (Danlambao) - Bà là người mà Quỳnh nhớ nhất trong thời gian đầu bị bắt. Vì Quỳnh luôn có mặc cảm tội lỗi mỗi khi nhớ lại cảnh bị bắt, khuôn mặt và tiếng thở dài của bà Ngoại. 

Cả hai lần Quỳnh bị bắt vào ngày 2/09/2009 và ngày 10/10/2016 bà Ngoại đều chứng kiến. Và lần nào Quỳnh cũng đọc được trong mắt bà nỗi âu lo lẫn sự cay đắng xót xa. Lần đầu thấy Quỳnh bị bắt bà cứ im lặng ngồi nhìn ngoài cửa. Rồi bà giục mẹ lấy quần áo, đồ dùng cần thiết cho Quỳnh mang theo. 

Chị Oanh (công an PA88 tỉnh Khánh Hoà) ghé tai rù rì kiểu gì không biết mà sau này bà Ngoại kể lại:

- Cô công an đó nói con sẽ bị tù rục xương bà sợ muốn chết con ơi! 

Khi Quỳnh được thả về sau 10 ngày tạm giữ, việc đầu tiên bà Ngoại làm là chải tóc cho Quỳnh. Bà Ngoại nói:

- Chải cho hết xui rủi, chải cho suôn sẻ cuộc đời!

Bao nhiêu lần Quỳnh bị đánh, bị hốt về đồn là bấy nhiêu lần bà Ngoại lẩm nhẩm:

- Tụi nó ác lắm, mình thịt da con người sao mà đấu lại nó con ơi?!

Nhưng.. chưa có lần nào bà Ngoại nói Quỳnh từ bỏ con đường Quỳnh đeo đuổi! 

Bà Ngoại, Mẹ và các cậu dì của Quỳnh bảo bọc Quỳnh theo cách của họ bằng việc lo lắng, chăm sóc cho Nấm và Gấu mỗi khi Quỳnh vắng nhà.

Bà Ngoại hay kể chuyện thời xưa, kể chuyện Ông Ngoại Quỳnh làm cảnh sát, bắt được mấy Việt Cộng con nít thì thả cho đi và không cho lính đánh đập vì “tụi nó nhỏ tý xíu bằng tuổi con mình”. 

Tháng 5/2018, khi nhận được tin bà Ngoại đã mất do em Minh Mẫn báo lại sau khi đi thăm gặp gia đình. Quỳnh thẫn thờ mất cả tuần nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh.

Tin buồn đến cùng lúc Quỳnh đang tuyệt thực nên Quỳnh nhanh chóng bị suy nhược. Quỳnh còn nhớ một ngày sau khi nhận tin Quỳnh đề nghị được gọi điện thoại về nhà theo chế độ 5 phút mỗi tháng. Công an Hoàng Thị Ánh Hồng dắt Quỳnh ra trạm điện thoại, bấm bấm mấy cái rồi alo alo không nghe được, rồi báo điện thoại bị hư. Quỳnh ngồi im đó coi họ diễn trò, không bày tỏ một chút cảm xúc nào trên mặt.

Hôm sau có công an Tuế vào nói chuyện và nhắc Quỳnh nên ăn cơm để giữ sức khoẻ. Công an có nói một câu mà Quỳnh nhớ hoài:

- Chúng tôi có nghe tin bà ngoại chị mất nhưng đó là tin đồn không chính thức nên chị cứ ăn uống đi rồi đường dây điện thoại khắc phục được chúng tôi sẽ cho chị gọi về.

Quỳnh cũng im lặng! 

Không một lời chia buồn! 

Ngay hôm sau nữa, một chị khác trong Ban thi đua tự nhiên chạy xuống khu giam riêng tù nhân chính trị buôn chuyện. Quỳnh đi ra cửa đứng nghe chị kể chuyện hôm qua mới gọi điện về nhà ở Hải Phòng rất vui. Quỳnh cất tiếng hỏi ngang:

- Ủa điện thoại gọi được rồi hả? Sao công an Hồng nói điện thoại hư?!

Không khí lặng ngắt. Trò hề của công an trại giam số 5 làm với Quỳnh cứ thế bị phơi bày! 

Dẫu biết con người khó tránh khỏi quy luật sinh - lão - bệnh - tử, nhưng Quỳnh biết chính Quỳnh là một trong những nguyên nhân làm cho sức khoẻ bà Ngoại sa sút đi nhiều.

Mẹ kể bà Ngoại bị đột quỵ sau khi hay tin Quỳnh bị chuyển từ Nha Trang ra Thanh Hoá vào đúng dịp giáp Tết Mậu Tuất. Bà Ngoại hay lẩm nhẩm:

- Ác chi mà ác dữ vậy trời, đem nó đi 10 năm đà quá rồi lại còn đày nó ra Bắc làm sao mà sống nổi?!
Những giây phút cuối đời, mọi người phải thường xuyên nói chuyện với bà Ngoại và nhắc bà là Quỳnh sẽ không về được, mong bà đừng đợi Quỳnh.

Quỳnh là đứa cháu thứ 3 được sinh ra trong đại gia đình có 9 người con của ông bà Ngoại. Nhưng Quỳnh may mắn hơn hai chị gái con của bác Quỳnh là Quỳnh được ở với bà Ngoại từ nhỏ đến lớn. Nấm và Gấu cũng là hai đứa cháu cưng của bà.

Quỳnh hay cãi bà Ngoại, mỗi khi thấy bà lo lắng cho Quỳnh, nên nhiều đêm nằm trong trại giam nghĩ lại thật hối tiếc.

Bà Ngoại Quỳnh một đời khổ vì loạn lạc, phải gồng gánh gia đình nuôi 9 người con. Đến khi tuổi già lại luôn nơm nớp lo sợ cháu mình sẽ bị đánh đập, bị bỏ đói, bị hành hạ. Quỳnh nghĩ giống như bao nhiêu người bà khác, nếu có một đứa cháu như Quỳnh chắc lòng bà chưa có phút nào ngừng âu lo.

Xin lỗi bà Ngoại vì con đã chọn con đường quá khó khăn này, nhưng con tin rằng bà Ngoại, ông Ngoại sẽ hiểu và luôn phù hộ cho con, mẹ con và Nấm Gấu. 

Nhìn Facebook bạn bè ở Việt Nam tràn ngập không khí Tết, tự nhiên nỗi nhớ nhà trong lòng Quỳnh quay quắt hơn.

Nhớ bà Ngoại, nhớ buổi sáng mùng 1 đoàn viên, quây quần bên nhau!

Nhớ khoảng sân ngập tràn nắng vàng có lẽ phải cố gắng hơn, nỗ lực hơn để Quỳnh được quay về đứng đó! 

Cám ơn em trai tốt bụng đã giữ lại cho chị những khoảnh khắc của bà! 

Chúng ta nhất định sẽ quay về em à! 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo