Lòng tin trong chế độ cộng sản - Dân Làm Báo

Lòng tin trong chế độ cộng sản

Hồ Chí Phèo (Danlambao) - Xây dựng xã hội trên sự dối trá như xây nhà trên cát, dù có đóng thêm cây cọc chống đỡ, căn nhà sẽ trượt trên cát, trôi ra biển. Lúc đó chỉ tội nghiệp những con cừu trong căn nhà. Còn kẻ xây nhà trên cát đã nhanh chân cao bay xa theo con cái gửi đi du học nước ngoài cả rồi. Có lẽ những kẻ xây nhà trên cát ấy trong cuối cuộc đời không tỏ ra ân hận để thốt lên "Tôi khốn nạn quá! Tôi khốn nạn quá!". Chỉ vì "còn liêm sỉ, không nói láo thì không phải là người cộng sản!".

*

Từ chuyện con bò A2: 

Tại nước tư bản giẫy chết New Zealand, những nông dân (ở xứ này nông dân hay khoa học gia không có gì khác biệt, nông dân học giỏi, bằng cấp đầy mình, nhưng thích làm nông nghiệp, chăn nuôi thì vẫn là... nông dân) đã tìm ra giống bò A2. Con bò A2 giống như con bò bình thường nhưng sữa của nó chỉ chứa loại protein A2, khác với sữa bình thường chứa lẫn lộn protein A1 và A2. Với đa số người gốc Á khi uống sữa thường có thể bị tiêu chảy nhưng với sữa A2, cơ thể thích hợp hơn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trẻ sơ sinh. Sữa A2 đắt hơn sữa thường vì tốn kém trong việc tuyển chọn ra giống bò A2.

Các nông dân tìm ra bò A2, đã đăng ký giữ bản quyền, mở công ty sữa A2, trở thành các ông chủ. Họ thoải mái rung đùi khi giá cổ phiếu công ty A2 tăng lên vù vù. 

Tại nước Tàu Cộng sản các khoa học gia Tàu (nông dân và khoa học gia Tàu là hai giai cấp cách biệt, mang tiếng là khoa học gia mà bị gọi là nông dân thì sẽ có “chuyện phải trái” ngay) đã phát huy sáng kiến tăng chất lượng sữa bằng cách trộn thêm vào sữa, hóa chất melamine, một hóa chất dùng trong công nghiệp nhựa. Kết quả do “phát huy sáng kiến về sữa" đã nổ bùng ra vào năm 2008. Hàng trăm ngàn người Tàu phải nhập viện, hơn 50 ngàn trẻ sơ sinh bị sạn thận hay hư thận và 6 em bé đã chết, hàng chục công ty sữa của Tàu bị điều tra, hai giám đốc công ty bị tử hình, hàng chục người vào tù... Jiang Weisuo, nguyên tổng giám đốc một công ty sữa, do vẫn còn phần nào nhân tính, là người đầu tiên dám lên tiếng tố cáo “sáng kiến về sữa” đã bị đâm chết vào năm 2012. 

Scandal về sữa 2008 ở Tàu được tổ chức y tế thế giới là sự ngộ độc thực phẩm lớn trong lịch sử. Nó phơi bày trần truồng trước thế giới, bộ mặt thật một xã hội cộng sản mở cửa với đầy rẫy tham nhũng, bao che cho không biết bao nhiêu việc làm ăn gian dối vô cùng độc ác, bất kể sinh mạng của đồng loại, ngay cả đến mạng sống của những đứa trẻ thơ vô tội. 

Đến Daigou:

Sự dối trá trong sản xuất hàng đưa đến sự mất lòng tin, dẫn đến một hình thức kinh doanh kỳ lạ không có ở bất kỳ nơi nào ngoại trừ trong xã hội cộng sản Tàu: Daigou. 

Trong siêu thị Woolworth ở ngoại ô Melbourne, những người đi mua sắm vô cùng ngạc nhiên khi thấy khoảng vài chục người Tàu đứng xếp hàng nghiêm chỉnh như một đội quân đang chuẩn bị đội hình để ra trận. Một người chỉ huy, nói tiếng Tàu, hướng dẫn mọi người giữ kỷ luật, không lộn xộn để chứng tỏ Tàu lục địa là dân tộc “văn minh”. Đấy là một đội quân “Daigou”. 

Daigou có nghĩa “người mua hàng dùm người khác”. Một Daigou vào một siêu thị của một nước tư bản, dùng smart phone với app WeChat truyền hình trực tiếp sản phẩm về cho người Tàu đang ở trong lục điạ cần mua. Sản phẩm được đóng gói gửi về Tàu. 

Tại các thành phố lớn của Úc, các Daigou đổ xô mua các hàng hoá trong siêu thị khiến các siêu thị phải giới hạn số hàng mua. Sữa cho trẻ em A2 là một mặt hàng rất được ưa chuộng nhưng mỗi Daigou chỉ mua tối đa 2 hộp một lần. Để có nhiều lợi nhuận, các Daigou ôm 2 hộp sữa đã tính tiền, chạy thật nhanh bỏ vào xe đẩy, rồi lại chạy vào siêu thị giành giật mua thêm 2 hộp... 

Việc mua bán “văn minh” này tràn lan trên các trang mạng, khiến nhiều người Úc không khỏi khó chịu. Daigou đã chấn chỉnh, tổ chức ra nhiều công ty Daigou. Một công ty Daigou gồm chục cho đến cả trăm Daigou vệ tinh. Các Daigou được điều khiển bởi người đại diện công ty, tránh níu kéo, xô đẩy mất trật tự, trở thành đội quân Daigou. 

Đội quân Daigou mua bán chủ yếu các sản phẩm liên quan sức khoẻ, thực phẩm như thuốc bổ glucosamine, dầu cá omega 3, sữa, rượu nho... Do nhu cầu dân Tàu, các công ty nước ngoài đã mở các hãng chế tạo ngay tại Tàu, nhưng người Tàu vẫn không tin hàng sản xuất tại Tàu. Hàng nội địa Tàu không tin; hàng nhập khẩu Tàu không tin “Nó nhập vào rồi bơm thêm cái gì ai mà biết? Đến khi biết thì đã đang trên đường ra... nghĩa địa"; hàng nước ngoài nhưng sản xuất tại Tàu người ta cũng không tin. 

Chỉ vì lòng tin đã mất trong chế độ cộng sản, Daigou dù vỗ ngực dùng công nghệ smartphone hiện đại nhất, nhưng thực sự chứng minh việc mua bán đã trở lại thời sơ khai của loài người: mua bán giữa cá nhân với cá nhân. Cả hai người, mua và bán, chỉ có cùng một hy vọng "nó không gạt mình". 

Người anh em với Tàu cùng kiên trì theo chủ nghĩa cộng sản: 

Hơn 70 năm chế độ cộng sản nắm quyền ở Việt Nam, qua các thời: thời bao cấp sống nhờ tem phiếu, thời tổ chức vượt biên, đánh tư sản miền Nam để kiếm tiền, thời đổi mới chào mời tư bản nước ngoài, thời đốt lò do tham nhũng tràn lan như củi, người dân VN đã quá chán ngán với bao lời dối trá, nhắc lại quá nhàm, chỉ xin tóm tắt "Nếu không xảo quyệt, nói láo thì không phải là người cộng sản". 

Trong những ngày cuối năm âm lịch, dư luận vẫn xôn xao về việc đập phá nhà người dân ở vườn rau Lộc Hưng. Việc đập nhà, đập chùa, đập nhà thờ... đã xẩy ra nhiều lần với đủ mọi lý do. Hình ảnh vị sư già ngồi lượm lặt những vết tích còn xót của ngôi chùa Liên Trì; một người già và một em bé thẫn thờ nhìn căn nhà mình đang sống trở thành đống gạch vụn, là những hình ảnh rất hiếm thấy trên các nước khác, nhưng rất bình thường ở thành phố “4 không” của VN nói riêng và toàn cõi VN nói chung. Trên thế giới cũng đã có, khi người dân Palestine sống trên phần đất Do Thái chiếm đóng, phẫn uất khi nhìn các xe ủi san những căn nhà của họ thành đống gạch vụn với lý do ngăn ngừa các phần tử khủng bố Hồi giáo sống trà trộn. Hành động người Do Thái có thể hiểu được khi hai dân tộc Do Thái và Hồi giáo luôn xem nhau là kẻ thù truyền kiếp. Nhưng cùng người Việt, chỉ khác kẻ đập phá nhà là đảng cộng sản đang nắm quyền uy và nhà bị đập phá là nhà của dân đen (có nhà ông kẹ đảng viên nào không nhỉ?) thì quả là một quốc gia coi người dân như những con cừu, đảng muốn gì dân phải cun cút theo. 

Khi đặt câu hỏi “Anh nghĩ gì về chính quyền đập nhà ở vườn rau Lộc Hưng?". Một người Việt dửng dưng như chuyện không đáng anh ta bận tâm “Thì chính quyền đã hổ trợ!". Hỏi tiếp “Thế chùa Liên Trì, dân oan Thủ Thiêm...?". Anh ta nhún vai, quay người đi. 

Thái độ nhiều người như muốn nói "May quá! nó chưa đưa ra qui định này, qui định nọ để đập nhà mình". Thái độ không khỏi làm người ta nhớ chuyện con chó sói và những con cừu. 

“Con chó sói đang đói bụng, nó thấy một đàn cừu đang yên bình trên một bãi cỏ.

Đây là câu chuyện được thời đại hoá, con chó sói là tay lý luận Mác Lê cao cấp và đương nhiên là con chó sói biết nói láo. Nó không vồ ngay một con cừu. Sao không thể dùng lý luận láo toét để con cừu được dâng lên cho nó thưởng thức được à? 

Nó đến gần con cừu già trưởng đàn: "Này lão cừu già, ta cần một con cừu mơn mởn để tiếp năng lượng đầy đủ nhằm chăm sóc an ninh khu vực này". 

Cừu già ngơ ngác: "Nhưng chúng tôi ở trên bãi cỏ này bao năm nay có chuyện gì xẩy ra đâu?" 

Sói nghiêm giọng: "Đấy là chuyện “ngày xưa quê ta”. Tình thế thay đổi. Đàn cừu các ngươi vẫn làm chủ bãi cỏ này nhưng ta sẽ chịu trách nhiệm quản lý. Không khéo để các ngươi ăn sạch hết cả cỏ, cả cây dại rồi tất cả chết đói cả lũ à!". 

Cừu già ngây thơ: "Thế ngài tính xơi tái một con cừu của chúng tôi?" 

Sói cười nhe hàm răng "công an" đỏ lòm như màu máu: "Ồ làm gì phải ăn thịt. Đây nhé... Các ngươi ăn cỏ. Cỏ làm các ngươi mạnh khoẻ, tươi tốt. Còn ta ăn cỏ vào là tiêu chảy nên ta phải mượn tạm con cừu của ngươi. Cừu vào trong bụng ta rồi, chính là cỏ của cừu sẽ tiêu hóa trong bụng của ta. Xong việc ta sẽ đền bù, hỗ trợ các ngươi. Nhờ hỗ trợ, cỏ càng thêm tươi tốt, các ngươi tha hồ gặm cỏ suốt ngày". 

Nghe bùi tai, cừu già quyết định dâng lên ngài sói một con cừu ngon lành nhất. Ăn xong con cừu, sói đánh một giấc. Thức giậy, giữ lời hứa, nó làm một bãi thật to ra cỏ để đền bù. Những con cừu tiếp tục vui vẻ gặm cỏ. Con chó sói chào tạm biệt hẹn mai trở lại. Nó vừa đi vừa huýt sáo: "Ước gì mấy con sói "đất phi trường", sói "đất quốc phòng chuyển đổi thành khu dân cư"… thành y như mấy con cừu ngoan như ở đây. Lúc ấy có năn nỉ mời mình lên thiên đường cộng sản, tớ đây cũng đếch thèm!". 

Nếu nói tất cả người Việt là những con cừu khuất phục trước bạo quyền dối trá thì hoàn toàn không đúng. Việt Nam 4000 năm dựng nước, giữ nước trước kẻ thù phương Bắc chứng minh người Việt không là những con cừu. Nếu một ngày đảng CS thành công biến một dân tộc bất khuất thành những con cừu ngoan ngoãn, CS quá giỏi: đất nước ấy sẽ biến mất trên bản đồ trên thế giới. 

Việt kiều về nước ăn Tết: 

Ông ta là Việt kiều về quê ăn Tết. "Việt kiều" là danh xưng bình thường, khi người ta cần tỏ lòng ưu ái đặc biệt thì ông được gọi là “khúc ruột ngàn dặm” về thăm quê hương. Vào thời “quê ta ngày xưa còn nghèo lắm”, khi bị bắt trong chuyến vượt biên chui bất thành, ông đã bị gọi là “đồ phản quốc bám đít chạy theo Mỹ Ngụy”. May mắn, trong lần vượt biên sau ông đã thành công. 

Qua hơn chục năm, những ký ức hồi hộp, cay đắng, căng thẳng giữa sống chết... trong các lần vượt biên thành hay không thành đã trở nên phai mờ, ông trở về để xem sự đổi mới của đất nước. Tuổi càng lớn ông cũng háo hức muốn tìm lại cảnh vật vẫn in dấu một thời thơ ấu dạo nào. 

“Bác có thấy đất nước đổi mới?” 

“Ồ thấy thay đổi nhiều... Xuống phi trường TSN, tôi theo lời khuyên mấy người bạn để tờ 20 đô kèm trong passport xem như thủ tục đầu tiên. Anh hải quan rất lịch sự, không do dự, lấy ngay ra tờ 20 đô lịch sự trả lại, và rất ân cần “Bác cần gì, cháu giúp cho không cần quà cáp gì đâu!”. Tôi cảm động quá...” 

"Ấy" ngày xưa quê ta còn nghèo lắm”, người nước ngoài về, kèm thêm hộ chiếu 5 đô, 10 đô... đôi khi chỉ 2 đô, để bồi dưỡng. Bây giờ nhờ đảng đổi mới, công ty xuất nhập hàng mườm mượp, đều phải qua các thủ tục hải quan. Hải quan nay chỉ chú trọng cái lớn, cái to, vài đô, vài chục đô từ Việt kiều có đáng gì? Hơn nữa còn ăn chia với thằng ngồi xem camera an ninh cửa khẩu nữa. Với công ty xuất nhập thì hải quan ta khoẻ re, có đường dây ăn chia hoàn thiện lắm. Công ty xuất nhập nào cứ tiếc vài ngàn, vài chục ngàn đô... không biết các "thủ tục cần thiết" thì cứ ngồi chờ đấy, vêu cái mõm ra cho mà biết thân. 

Còn công an khu vực có bắt Bác đăng kí gì gì không?". 

“Không thấy họ đâu? Người nhà nói khi xưa họ hay la cà ghé nhà người này, ghé nhà người kia trong khu phố, kiểm tra nhân khẩu, hộ khẩu. Người nhà phải tốn nửa bao hay cả bao thuốc lá họ mới chịu chào tạm biệt. Bây giờ đổi mới, chả thấy họ ghé nhà ai!". 

"Ấy" ngày xưa quê ta còn nghèo lắm", “thăm hỏi” hay vi phạm luật giao thông chỉ cần vài điếu thuốc lá là xong. Bây giờ nhờ đổi mới, công an khu vực chỉ quan tâm hộ kinh doanh, buôn bán... Vài điếu thuốc lá ư? Họ vứt vào mặt và đi kiểm soát hộ đó suốt ngày xem làm ăn thế nào mà “nghèo” đến thế? Công an giao thông tận tâm lo lắng cho xe hàng, xe tải, xe khách... Còn thường dân uống rượu phóng xe Honda, đụng nhau lăn ra chết, không tuân theo luật lệ chết đáng đời ai có thì giờ lo cho. 

Thế Bác đã đi thăm thành phố, chắc thấy nhiều thay đổi?". 

"Ồ thành phố xây cất nhiều, đụng đến đâu cũng là đất vàng. Giá đất có nơi còn đắt hơn ở Mỹ" 

“Chính thế... “ngày xưa quê ta còn nghèo lắm” đất rẻ như bèo, làm công nhân viên chức được cho đất, họ chê là xa quá, không thèm nhận. Bây giờ đổi mới, ngồi mà tiếc. Đất quốc phòng biến đổi thành khu dân cư được rao bán "đất xây hai căn, người xây được một căn, người bán được một căn". Bây giờ đổi mới làm gì còn chuyện của trên trời rớt xuống như thế? 

"Ngày xưa quê ta còn nghèo lắm", Đảng kiếm tiền bằng tổ chức vượt biên, đánh tư sản miền Nam cướp của, lâu lâu cứ đổi tiền làm giàu mặc kệ kinh tế tuột dốc. Bây giờ đổi mới, đảng đâu thèm loại kinh doanh như thế, xấu hổ lắm... Đảng quản lý đất đai, đảng lo bán đất. Đất có người ở, đảng sáng tác luật, sáng tác qui định... rồi giải toả. Đơn giản đến thế nhưng đủ tiền xây biệt phủ, cho con du học nước ngoài... 

“Ngày xưa quê ta còn nghèo lắm”, luật lệ chả có, lãnh đạo lo đánh nhau, ít học "luật là quái gì?". Thậm chí chỉ làm được nghề "thiến heo" mà bò lên đến TBT. Bây giờ đổi mới, lãnh đạo là tiến sĩ, kỹ sư... tha hồ "sáng tác luật". Có trở ngại là đảng sáng tác ra luật mới, cứ như là nhạc sĩ. Việt Nam ta có cả một "rừng luật", quốc hội tha hồ "gật" thông qua luật, dân lạc vào rừng luật tha hồ chọn lối ra". 

Ông Việt kiều đi dạo phố. Ông luôn để ý dòm chừng xe cộ, cũng như tay để hờ trên túi xách. Ông không tìm lại hình ảnh đẹp đẽ của một thời ấu thơ. Sài Gòn thay đổi nhiều quá... Nhưng so với những ngày sau 30/4/1975 ông vẫn thấy những điều không thay đổi: những lá cờ đỏ như máu, vẫn biểu ngữ thật to “Đảng CSVN quang vinh muôn năm”, vẫn hình Bác Hồ cười toe với hàng chữ “Không gì quí hơn”. Chỉ khác cạnh đấy là hình một cô người mẫu, cũng cười toe, quảng cáo cho nội y “nhà nghèo”. 

Qua cửa hàng bán bánh chưng, những quán cà phê... tự dưng ông nhớ đến những cục pin. Người em Việt cộng không thua kém người anh Tàu cộng chút nào trong việc đầu độc chính người dân mình. Cùng một lò CS cả. Cũng những lời hoa mỹ nhưng thực chất tạo một xã hội bất công, đầy rẫy tham nhũng thối nát trên nền tảng một sự dối trá trơ trẽn. 

Xây dựng xã hội trên sự dối trá như xây nhà trên cát, dù có đóng thêm cây cọc chống đỡ, căn nhà sẽ trượt trên cát, trôi ra biển. Lúc đó chỉ tội nghiệp những con cừu trong căn nhà. Còn kẻ xây nhà trên cát đã nhanh chân cao bay xa theo con cái gửi đi du học nước ngoài cả rồi. Có lẽ những kẻ xây nhà trên cát ấy trong cuối cuộc đời không tỏ ra ân hận để thốt lên "Tôi khốn nạn quá! Tôi khốn nạn quá!". Chỉ vì "còn liêm sỉ, không nói láo thì không phải là người cộng sản!". 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo