Tầm nhìn 10 năm: Việt Nam là top 15 về nông nghiệp trên thế giới? - Dân Làm Báo

Tầm nhìn 10 năm: Việt Nam là top 15 về nông nghiệp trên thế giới?

Nguyễn Hoàng Dân (Danlambao) - Ngày 3/1/2019, Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng CHXHCNVN trong hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đã rỗn rảng phát lệnh trong vòng 10 năm tới, Việt Nam phải phấn đấu để trở thành một trung tâm chế biến, xuất cảng đồ gỗ và là vùng sản xuất tôm lớn trên thế giới, riêng lãnh vực chế biến hải sản phải thuộc vào nhóm 10 nước đầu bảng và nói chung Việt Nam phải đứng vào hàng ngũ 15 nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới (?). Cũng như các lãnh đạo cộng sản khác, thủ tướng Phúc tuy ưa ba hoa đồng bóng trước đồng đảng “Đây là nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức, nhưng phải làm, đó là nhiệm vụ chính trị, nếu chúng ta không làm điều đó thì đời sống nhân dân chúng ta còn khó khan” nhưng vẫn thừa ma mãnh để không chệch khỏi thuộc tính của các đảng viên cộng sản, cũng như bản chất truyền thống của mọi phe đảng cộng sản, khi giữ chặt nguyên tắc bất di dịch là mọi thành công, hay quyền lợi thì đảng ta hưởng, còn thất bại đúng là bởi bọn ngu dân, nên đã trâng tráo giáo đầu tuồng rằng trước hết phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân(?). Thử đối chiếu hiện trạng và dự phóng tương lai để coi thử có bao nhiêu phần trăm giấc mộng này là hiện thực, cũng như nếu hiện thực thì hy vọng có bao nhiêu phần trăm sẽ là “miếng cơm” thực sự cho người nông dân Việt Nam.

1/ Về chế biến và xuất cảng đồ gỗ: Năm 2013 các sản phẩm gỗ và sản phẩm gỗ gia công các loại, đã là một trong năm mặt hàng xuất cảng chính của ngoại thương Việt Nam, sau dầu thô, dệt may, giày dép và thủy sản, khiến Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai ở châu Á (sau Trung Cộng) và là 1 trong 6 quốc gia xuất cảng sản phẩm gỗ hàng đầu của thế giới, có sản phẩm tiêu thụ tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên:

– Rừng tự nhiên Việt Nam đã bị hủy hoại gần hết, các loại gỗ tròn nguyên liệu tự nhiên và là những danh mộc có giá trị kinh tế đã bị khai thác sạch sẽ, từ sản lượng hàng năm gần 2 triệu m3 vào đầu thế kỷ 21, sau hơn 10 năm chỉ còn xấp xỉ 100.000m3 gỗ tròn mỗi năm. Gỗ khai thác từ rừng trồng không đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu cho sản phẩm gỗ gia dụng và gỗ trang trí nội thất, chỉ có thể sản xuất và xuất cảng dưới dạng gỗ thanh làm cây chống, gỗ hàng rào, gỗ dăm, ván ép…. có giá trị thương phẩm kém. Do đó ngành sản xuất sản phẩm gỗ xuất cảng phải cần tới 80 - 90% gỗ tròn nguyên liệu nhập cảng, vừa phải chịu giá cả tăng giao động 30 – 40% bởi các nước xuất cảng gỗ tròn, vừa phải chịu sự ràng buộc rất nghiêm ngặt về nguồn gốc nguyên liệu bởi các quốc gia tiêu thụ sản phẩm.

– Tuyệt đại đa số các công ty sản xuất và xuất cảng các loại sản phẩm gỗ gia dụng và gỗ trang trí nội thất có giá trị cao, dưới nhãn hiệu sản phẩm của Việt Nam, đều là doanh nghiệp lớn FDI. Tuy chỉ chiếm 16% tổng số cơ sở chế biến, nhưng các doanh nghiệp FDI đã kiểm soát hơn 50% thị phần xuất cảng sản phẩm gỗ cao cấp, trong đó riêng giới chủ nhân gốc Hoa (Hongkong, Đài Loan) kiểm soát gần 45% thị phần quốc tế. Doanh nghiệp bản địa Việt Nam không đáng kể, do ít vốn, quy mô nhỏ, kỹ thuật lạc hậu, năng suất thấp, vừa không thể chủ động được nguồn nguyên liệu và thị trường, nên chỉ khai thác được lãnh vực cung cấp sản phẩm gỗ giá trị thấp.

+ Kết luận: Phúc chỉ nói cho sướng miệng và lấp liếm khỏa lấp sự thật của vấn đề. Không cần tới 10 năm nữa, hiện tại Việt Nam đã là top 10 thế giới về xuất cảng các sản phẩm gỗ, nhưng chỉ chiếm được chưa tới 2% tổng giá trị thị phần thế giới, nghĩa là chỉ xuất cảng phần lớn những sản phẩm gỗ sơ cấp, có giá trị thương phẩm thấp. Các sản phẩm gỗ xuất cảng có giá trị thương phẩm cao, vừa phải phụ thuộc vĩnh viễn vào nguyên liệu gỗ tròn nhập cảng giá cao, vừa đều là vốn liếng, kỹ thuật và lợi nhuận của doanh nghiệp FDI, nên dù có thứ hạng cao đến mấy, nhưng nếu còn những “đỉnh cao trí tuệ” cầm quyền, thì ngành sản xuất và xuất cảng sản phẩm gỗ Việt Nam vẫn mãi là kẻ gia công làm giàu cho giới chủ nhân tài phiệt quốc tế, người dân Việt Nam chỉ là kẻ làm thuê với đồng lương còm cõi, trong khi chính phủ Hà Nội được cái hư danh top này, top kia và huênh hoang đánh lận tăng trưởng ảo với GDP tăng hàng năm, chỉ nhằm mục đích tô son trét phấn cho một bộ máy cai trị dốt nát và đã hoàn toàn mục ruỗng.

2/ Về ngành nuôi tôm: Theo báo cáo của hiệp hội chế biến và xuất cảng thủy sản VASEP trong năm 2017 Việt Nam có hơn 720.000 ha mặt nước nuôi tôm nước lợ, với tổng sản lượng hơn 680.000 tấn tôm các loại, đã xuất cảng được hơn 3,8 tỷ USD về mặt hàng tôm (trong đó có gần 2 tỷ USD là từ nguồn tôm nuôi nước lợ, cũng như đã nhập cảng thêm gần 500.000 USD tôm nguyên liệu để chế biến xuất cảng), với cái giá phải trả, hay các trở ngại chưa giải quyết được như sau:

- Bị mất trắng 142.500 ha rừng ngập mặn ven biển (hơn 50%) do chủ trương ồ ạt phá rừng lập vuông, đầm, khoanh vùng nuôi tôm trong thập niên 80 và 90. Những nghiên cứu trong ngành nuôi tôm Thailand (đi trước Việt Nam 20 năm và hiện có hơn 1,3 triệu ha mặt nước nuôi tôm) và Ấn Độ đã chỉ ra tác hại của việc phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, vừa gây ra rất nhiều ảnh hưởng xấu lên con người và thiên nhiên, vừa lợi bất cập hại vì phải tăng chi phí xã hội, môi trường vượt quá 1/4 lợi ích kinh tế do việc nuôi tôm mang lại.

- Đất ruộng bị đào ao nuôi tôm chạy theo phong trào bất kể hiệu quả, chỉ tính riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chiếm hết 90% tổng diện tích nuôi tôm cả nước, trong đó mới tính đến năm 2000 đã có hơn 300.000 ha ruộng chuyển đổi thành hồ nuôi tôm. Điều quan trọng là do nuôi tôm kiểu thâm canh, 3 – 4 vụ thu hoạch mỗi năm, mức độ xử dụng hóa chất quá liều và quá nhiều, khiến chủ nuôi tôm chỉ có hoa lợi trong vài mùa đầu, sau đó phải bỏ hoang vì đất đai bị ô nhiễm nặng đủ loại thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu và những chất hóa học khác. Nói ngắn gọn càng nuôi tôm theo kiểu phong trào, mì ăn liền, không đếm xỉa đến các tương tác sinh thái, môi trường, thì các nước nghèo lại càng mau chóng lụn bại.

- Ngoài số tôm giống khai thác tự nhiên, phẩm chất rất thấp, tôm giống chỉ được cung cấp độc quyền bởi các công ty SIS Hawaii, SIS Singapore và CP Thailand, trong khi thức ăn nuôi tôm, thuốc thú y, hóa chất kiểm soát môi trường và con giống chiếm đến hơn 70% chi phí trong một mùa sản xuất, nhưng cũng phải lệ thuộc 100% vào sự phân phối độc quyền của các công ty Đài Loan, Thailand và Pháp, nên giá thành nguyên liệu tôm nuôi của Việt Nam đều vượt cao hơn các nước khác. Do duy trì công nghệ nuôi tôm dựa vào thuốc kháng sinh và hóa chất kiểm soát, khống chế môi trường, các sản phẩm chế biến xuất cảng từ tôm nuôi Việt Nam rất dễ bị các thị trường quốc tế từ chối vì thiếu an toàn thực phẩm và nhờ đó Nguyễn Như Tiệp, cục trưởng cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản mới có được câu nói để đời “Một số mặt hàng thủy sản như tôm, nếu bị ngoại quốc trả về do vi phạm các chỉ tiêu vi sinh, thì ta chỉ cần luộc lên là có thể ăn được”.

+ Kết luận: Nước Việt Nam đã mạt sau mấy mươi năm cai trị của đảng cộng sản quang vinh, rừng hết, biển chết, xã hội sa đọa, nay Phúc và đồng bọn còn muốn đẩy nhanh tốc độ mạt vận khi hô hào phải trở thành cường quốc nuôi tôm, dựa trên tính toán khai tâm bậc tiểu học của bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thế giới có 7 tỷ người, một người ăn 1 kg tôm, thì cần đến 7 triệu tấn tôm, trong khi năng lực toàn cầu mới có 5 triệu tấn, nên còn thiếu 2 triệu tấn cho nông dân Việt Nam nhảy vào làm giàu (?). Thực tế toàn cảnh sản xuất ngành nuôi tôm Việt Nam hiện nay là phong trào nông dân tự phát, diễn tiến hoạt động là đặc thù của hiện tượng “Cốc mò Cò xơi” lợi nhuận làm căng túi tài phiệt trung gian, trong khi môi trường tan hoang, đất đai nhiễm độc, người nông dân lam lũ nhưng tay trắng vẫn hoàn tay trắng sau một đợt dịch bệnh của tôm, tệ hại hơn nhiều người trở thành những con nợ ngập mặt, phải bỏ xứ đi làm ăn khắp nơi. Phúc khua chiêng, gióng trống Việt Nam phải trở thành vùng nuôi tôm lớn của thế giới và đòi hỏi nông dân phải tự lực, tự cường, để cho đảng cộng sản khoe mẽ “thiên tài đảng ta”, còn người dân có sa vào địa ngục khánh tận thì coi như đảng chỉ cần rút kinh nghiệm là đủ.

3/ Về top 15 nông nghiệp toàn cầu: Vào khoảng các năm 2011 – 2015 nền nông nghiệp tại các quốc gia phát triển trên thế giới như Hoaky, Anh, Pháp, Đức, Israel…đã khởi sự tiến trình bước vào cuộc cách mạng nông nghiệp lần thứ 4, được mệnh danh là nền nông nghiệp thông minh, hay kỹ thuật canh tác số hóa, dựa trên sự xử dụng rộng rãi các máy móc, công cụ chuyên dùng chính xác, cảm biến điện tử, điều khiển tự động qua trung tâm điều độ kết nối internet, không cần có sự điều khiển trực tiếp của con người trong mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông gia. Không bỏ lở phong trào, từ năm 2017 chính phủ Hà Nội đã vài lần ỡm ờ về một nền nông nghiệp thông minh cho Việt Nam và nay mạnh dạn hơn khi chính thủ tướng Phúc lớn tiếng đòi hỏi Việt Nam phải đứng vào nhóm 15 các nước nông nghiệp phát triển trên toàn thế giới. Điểm qua vài nét hiện trạng xương sống của nền nông nghiệp Việt Nam để thấy Phúc và bộ sậu đảng cộng sản đã dốt nát và ngông cuồng đến cỡ nào:

- Về đất đai trong sản xuất nông nghiệp: Với quy định mờ ám mang đầy tính chất lưu manh đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện quản lý để giao quyền xử dụng đất cho người dân, cũng như có toàn quyền thu hồi khi cần thiết, đảng cộng sản Việt Nam đã mặc nhiên tước đoạt hoàn toàn quyền sở hữu đất đai của người dân Việt Nam, đồng thời đã gây ra quốc nạn lợi ích nhóm, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên cộng sản ngang nhiên cướp đoạt đất đai khi ồ ạt thiết lập sân golf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưởng resort cao cấp…. tràn lan ở các địa phương và biến hàng triệu người dân Việt Nam thành những người dân oan, cùng khổ vì mất đất. Chỉ riêng trong lãnh vực đất nông nghiệp còn có chính sách hạn điền, không hơn 2 – 3 ha ruộng cho một nông hộ trồng cây hàng năm, không hơn 10 – 30 ha cho một nông hộ trồng cây lâu năm, hay trồng rừng và trong thời hạn tối đa là 50 năm. Kết quả ruộng đất bị phân chia manh mún, có đến 78 triệu mãnh ruộng nhỏ chia cho 13,8 triệu nông hộ, trung bình một nông hộ có 2,2 lao động và khai thác được 0,4 – 1,2 ha ruộng.

- Về canh tác, sản xuất lúa gạo: Lúa là cây trồng chủ lực trong hoạt động trồng trọt tại Việt Nam, với hơn 80% nông hộ tham gia và gạo là một mặt hàng xuất cảng khá quan trọng với kim ngạch hàng năm khoảng 2,5 tỷ USD. Các chính sách chồng chéo và kế hoạch trục lợi vô liêm sỉ của cán bộ, đảng viên cộng sản đã đẩy người nông dân càng làm ra hột lúa càng nghèo, trong khi đám trung gian ngồi không là hiệp hội lương thực VFA và hơn 40 doanh nghiệp nhà nước xuất cảng gạo ngày càng no nứt trứng. Dựa vào độc quyền thương lượng và ký hợp đồng xuất cảng, VFA chỉ cần vơ vét lúa gạo được càng nhiều càng tốt, theo kiểu kinh doanh bán lấy được, chỉ cần số lượng, hạ giá cho đầu ra, ép giá triệt để từ đầu vào, nên giá gạo xuất cảng Việt Nam chỉ bằng 80% giá gạo quốc tế và thường thấp hơn giá gạo Thailand 150 – 160 USD/tấn, đưa đến hệ lụy VFA mua gạo từ thương lái tư nhân thu gom lúa, tồn trữ, xay xát chỉ với giá bằng giá thu mua lúa với một ít hoa hồng và thương lái thu mua lúa của nông dân trên căn bản bằng, hay cao hơn một chút so với giá thành sản xuất trung bình (khi trúng mùa còn mua giá thấp hơn) trong khi người nông dân vừa không có phương tiện tồn trữ, vừa cần có tiền để trả nợ ngân hàng, trả nợ vay sinh hoạt và vay chi phí đầu tư, nhưng chỉ có thương lái tư nhân mua lúa nên luôn là kẻ gánh chịu thiệt thòi cuối dòng. Từ là vùng đất nông nghiệp trù phú đến năm 2011 đã có 49,7% người dân ở đồng bằng sông Cửu Long bị tổ chức UNDP của Liên Hiệp Quốc xếp vào hạng đói nghèo toàn diện MPI (Multidimensional Poverty Index), nhiều gia đình nông dân miền tây phải ly xứ, tha phương cầu thực khắp nơi, làm những công việc lao động tay chân, cu li xứ người và số thiếu nữ con cháu của họ phải nhắm mắt đưa chân, lấy chồng Nam Hàn, Đài Loan đã chiếm đến 99% trong tổng số phụ nữ Việt Nam cam đành xuất cảnh đi lấy chồng xa?!!.

- Về hoạt động ngư nghiệp: Với chiều dài bờ biển gần 3.300km, có hàng ngàn hải đảo lớn, nhỏ và một ngư trường truyền thống rộng lớn, Việt Nam từng là một trong số các quốc gia may mắn trên địa cầu được thiên nhiên ưu đãi “biển bạc”, với nguồn tài nguyên thủy, hải sản đa dạng và phong phú, nhưng dưới sự cai trị của đảng cộng sản Việt Nam và tâm thế đầu phục đàn anh Trung Cộng để duy trì vai trò cầm quyền độc đảng, diễn tiến hoạt động thực tế hiện nay của ngành ngư nghiệp Việt Nam, đã và đang có chiều hướng ngày càng tàn lụi. Nhiều vùng đánh cá xa bờ, trữ lượng cá dồi dào đã bị Trung Cộng chiếm đoạt, ngư dân Việt Nam hành nghề trên biển của cha ông lại trở thành những kẻ đánh bắt trộm với giá phải trả là tài sản, phương tiện và trong nhiều trường hợp là cả mạng sống phải giao cho bọn Tàu phù định đoạt. Các vùng đánh cá gần bờ cũng lần lượt tan hoang, do ô nhiểm bởi xả thải kỹ nghệ thẳng ra biển, như thảm họa Formosa đã giết chết vùng biển từ Hà Tỉnh vào đến Thừa Thiên, phối hợp với các mưu toan đầu độc bằng cách đổ chất thải các nhà máy nhiệt điện chạy than ra các vùng biển duyên hải miền trung. Để duy trì cuộc sống, một số ngư dân Việt Nam phải trôi dạt, lén lút hành nghề trên một số vùng biển lân bang như Malaysia, Indonesia, Thailand và xuống đến các tiểu quốc hải đảo Palau, Papua New Guinea, Soloman, Vanuatu, Nauru….phía nam Thái Bình Dương và cách Việt Nam cả hơn 10.000km, để rồi ngư nghiệp Việt Nam bị châu Âu phạt thẻ vàng IUU, ngư dân Việt Nam bị các quốc gia bị hại bắt, phạt vạ, phạt tù, phương tiện bị đốt, bị bắn cháy trong sự thờ ơ vô luân của Hà Nội. Do đó, số ngư phủ chuyên nghiệp hành nghề trên biển theo FAO ước tính trung bình khoảng 450.000 tới 650.000 người, đến 2016 đã giảm còn khoảng 100.000 người, tương ứng số ghe, tàu đánh cá xa bờ từ 131.000 phương tiện năm 2010, cũng giảm xuống chỉ còn 28.700 phương tiện năm 2015 và 10.000 phương tiện năm 2017, với hậu quả nhãn tiền là sản lượng hải sản khai thác từ biển chỉ còn 45%, so với thủy hải sản nuôi tăng lên 55% trong tổng sản lượng của toàn ngành ngư nghiệp Việt Nam.

+ Kết luận: Hiện tình các mặt đều thảm hại như thế, nhưng thủ tướng Cờ Lờ Vờ Mờ vẫn hiên ngang vẽ vời top 5, top 10, thì không suy não, cũng là thần kinh.

1/2019.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo