Tết lao động luận về anh hùng - Dân Làm Báo

Tết lao động luận về anh hùng

Phạm Văn (Danlambao) - Lâu nay tôi thường có một quan niệm cho riêng mình là xem những ngày đầu tiên của Năm mới dương lịch, là Tết Lao động. Đồng thời tôi hiểu, theo nghĩa rộng thì đấu tranh cũng là lao động, là lao động-đấu tranh. Chỉ có lao động-đấu tranh, cụ thể hơn, chỉ có hành động mới có thể làm thay đổi cuộc sống của chúng ta. Nhưng quan trọng là làm thế nào để có thể có những thay đổi căn bản và lớn lao. Phải chăng, vì thế luận (bàn luận) về anh hùng lúc này quả là điều nên làm?

Nhiều người đã biết, phạm trù anh hùng vốn được xem là một trong những phạm trù mỹ học cơ bản, nhưng đối với tôi đây còn là phạm trù giá trị học, phạm trù của triết học xã hội, lịch sử và nhân sinh, của triết học hành động, cũng rất căn bản. Cho nên, luận về anh hùng không chỉ để thấy cái dũng, cái cao cả, hay nói chung là cái đẹp rạng ngời của người anh hùng, để thụ cảm, chiêm nghiệm, khâm phục, kính-trân trọng và hướng theo, mà còn quan trọng hơn ở chỗ, xác định rõ một chuẩn tắc của hành động, do đó một khát vọng, ý chí và thái độ quyết tâm hành động cho một tương lai thực sự tốt đẹp. 

Chúng ta bắt đầu từ một điều rất giản dị, nhưng rất độc đáo có mặt trong văn chương nước Việt Nam ta cả về hình tượng, hình thức thể hiện và cả về người tạo nên nó, đó là Truyện Lục Vân Tiên của nhà thơ mù Nam Bộ Nguyễn Đình Chiểu, với những câu thơ-truyện viết theo thể lục bát, rất khó có thể quên được nếu như chúng sớm được gieo-khảm trong tâm hồn ta từ tuổi thơ trong sáng. Xin phép được viết liền mạch như sau. Truyện kể rằng, sau khi nghe những người dân chạy cướp kể lại sự tình: “Vân Tiên nổi trận lôi đình. Hỏi xem lũ nó còn đình nơi nao. Tôi xin ra sức anh hào. Cứu người cho khỏi lao đao buổi này”. “Vân Tiên ghé lại bên đàng. Bẻ cây làm gậy, nhằm làng xông vô. Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ. Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”. “Vân Tiên tả đột hữu xung. Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương dang”. Và sau khi đã cứu được người dân, cứu được tiểu thư Kiều Nguyệt Nga xinh đẹp, Lục Vân Tiên đã từ chối sự đền đáp chân tình của nàng: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn? Nay đà rõ đặng nguồn cơn. Nào ai tính thiệt so hơn làm gì. Nhớ câu kiến ngãi bất vi. Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”. Trước hết, phải nói rằng câu chuyện giản dị, độc đáo này cùng với nhiều câu chuyện khác tương tự trong văn chương Việt Nam từ xa xưa, đã rèn dưỡng, hun đúc nên những phẩm chất của những người anh hùng thuộc bao thế hệ dân tộc ta trong công cuộc đấu tranh giữ nước và dựng nước ngàn đời nay. Vậy, ta bắt đầu từ câu chuyện này để bàn chuyện lớn hôm nay, ít nhất cũng không làm ta hổ thẹn với tiền nhân. Cũng xin được nói “nhỏ” rằng câu chuyện này bà nội tôi thuộc làu và đã từng đọc-kể cho anh em chúng tôi nghe nhiều lần khi chúng tôi còn nhỏ.

Để có thêm nội dung, ta có thể nói đến câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Du trong Truyện Kiều: “Anh hùng tiếng đã gọi rằng. Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!”. Câu thơ này hẳn đã ra khỏi đỉnh tháp của văn chương bác học để trở thành tục ngữ, ca dao Việt Nam rồi. Thế đấy, hành động anh hùng của người anh hùng trước hết phải thể hiện ở chỗ dám lao vào những công việc, nhưng chỗ hiểm nguy để cứu người, đem lại điều lợi, điều tốt đẹp cho người khác và cho cộng đồng. Hơn thế, ta thấy người anh hùng còn anh hùng ở chỗ là không đấu tranh, không làm những việc hiểm nguy vì phía trước họ có địa vị, quyền lực và bổng lộc thậm chí là rất cao, rất nhiều đang vẫy gọi, đang chờ họ. Trái lại, họ làm những việc rất khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, không vì một tính toán nào ngoài cái điều phải biết, rất đơn giản, đó là biết việc ấy cần phải làm, thậm chí làm ngay (để cứu người, đem lại điểu tốt đẹp cho người khác). Bởi lẽ, những việc nguy hiểm cả đến tính mạng, có thể đưa đến sự tàn phế và cả cái chết, thì một khi đã tính toán thiệt hơn, khi vì tương lai “ngời sáng” phía trước đang vẫy gọi, chờ đợi thì chẳng ai dám lao vào, dấn thân cho những công việc ấy. Nhưng ngay cả khi thực hiện xong những công việc khó khăn, hiểm nguy, người anh hùng vẫn sẵn sàng và thậm chí kiên quyết từ chối sự đền đáp, vì họ “nhớ câu kiến ngãi bất vi, làm người thế ấy cũng phi anh hùng”. 

Những điều vừa nói đã cho ta câu trả lời khá rõ ràng cho câu hỏi “thế nào là anh hùng?” không chỉ theo sách vở-văn chương, mà cả thực tế. Nhưng thực tế cho ta biết có rất nhiều người dám làm những việc khó khăn, hiểm nguy và không có sự tính toán nào, cũng chẳng đòi hỏi sự đền bù nào, nhưng chưa hẳn đã là anh hùng, vì hoặc nó chưa đạt đến tầm, hoặc chưa được người đời vinh danh nên trở thành người anh hùng thầm lặng, sống hòa cùng với cõi tồn sinh, núi non, ruộng vườn, kiếp nhân sinh. Dẫu vậy, có một điều chắc chắn rằng những yếu tố, phẩm chất nói trên là cái gốc của người anh hùng, muốn hay không muốn, người anh hùng phải bắt đầu từ đó: can đảm, dấn thân trước hết vì những việc cần phải làm dù khó khăn, hiểm nguy và không hề tính toán, đòi hỏi đền bù. Hai điều này không thể tách rời nhau. Ở người anh hùng ngay cả sự từ chối những mối lợi, những sự đền bù cũng đã bao hàm sự dũng cảm rồi. Tuy vậy, cũng chính từ điều này ta cần có một nhận thức có tính lý thuyết-lý luận rõ hơn về anh hùng. 

Theo từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh: “Anh là vua của loài hoa, hùng là vua loài thú. Anh hùng là người hào kiệt xuất chúng”. Câu chuyện ngữ nghĩa tinh tế, sâu sắc này cũng cho phép ta hình dung người anh hùng trên thực tế không như, không phải là con người bình thường, bất kỳ nào, mặc dù họ bắt đầu từ những con người đó và là chính những con người đó trong cuộc sống bình dị, đời thường. Người anh hùng phải là người có những phẩm chất và việc làm phi thường, nghĩa là vượt lên trên đa số những người bình thường, trên cả những sự can đảm của họ, sự can đảm mà có thể rất nhiều người có. Nhưng cái anh hùng của phần lớn hay hầu hết họ chính là làm thay đổi cuộc sống của cộng đồng, dân tộc, giống nòi và cả nhân loại với những mức độ, phạm vi khác nhau. Đương nhiên, ta hiểu làm thay đổi cuộc sống ở đây không phải tạo nên những thay đổi cuộc sống một cách máy móc, rập khuôn theo một hay những mô hình sẵn có nào đó, cũng không phải là bắt chước hay sao chép, càng không phải là sự ăn cắp, chôm chỉa thành quả lao động của người khác, mà là làm cho cuộc sống mới hơn, cao hơn, tốt hơn, nghĩa là phải sáng tạo. Cho nên, làm thay đổi cuộc sống là công việc khó khăn và có những, có nhiều hiểm nguy, nhất là khi cuộc sống ấy là của cả một tập đoàn người, của một dân tộc, cộng đồng, của nhiều cộng đồng và cả của nhân loại. Tuy nhiên, cuộc sống theo quy luật tự nhiên của nó, không ngừng tiến lên. Vì vậy, nó cần có những con người và nó cũng sản sinh ra những con người làm thay đổi nó: những người anh hùng. 

Ngày nay, không phải như xưa kia, con người có thể chiến đấu và trở thành anh hùng mà nói chung không có hiểu biết lớn lao, sâu xa nào cả, thậm chí họ chỉ biết hành động theo lệnh của người khác. Dĩ nhiên, để thay đổi cuộc sống một cách thực tế, rốt cuộc phải có những người anh hùng trong lao động-đấu tranh một cách hiện thực-thực tiễn. Nhưng người anh hùng ngày nay không thể là người lao động, đấu tranh một cách mù quáng, trái lại họ cần phải có hiểu biết, có đời sống tinh thần, thậm chí là rất cao. Trước hết họ phải dựa vào những người anh hùng lao động-đấu tranh trong lĩnh vực nhận thức, tư tưởng và tinh thần, hoặc họ phải tự trở thành con người như thế (nhưng đây là điều rất khó, vì sự phân công lao động và xã hội đã rất sâu sắc), để căn cứ vào đó có thể tiến hành những công việc thay đổi đời sống thực tế. Đương nhiên, những người anh hùng trong lĩnh vực nhận thức, tư tưởng và tinh thần phải minh định được tương lai của cộng đồng, dân tộc, thậm chí cả nhân loại, của kiếp người, phải xác định hệ giá trị cơ bản cho con người, cộng đồng, dân tộc, chỉ như thế những người anh hùng thực tiễn mới có thể can đảm, dấn thân vì cái đúng, cái đẹp. Vậy, nói một cách chung nhất: người anh hùng ngày nay nhất định phải là con nguời có tư tưởng Tự do, mang giá trị người cơ bản là Tự do. 

Không thể không nói đến sự hy sinh. Người anh hùng có thể quên bản thân, thậm chí dám hy sinh cả thể xác của mình vì chính nghĩa và nghĩa lớn, nếu cần. Nhưng cần hiểu rằng đó không phải là sự lựa chọn của họ, vì lẽ sự lựa chọn những công việc khó khăn, hiểm nguy đã bao hàm điều đó rồi, nghĩa là sự hy sinh như một điều, một lẽ tự nhiên của người anh hùng và nó diễn ra, xảy ra, nó cần thiết lúc nào, người anh hùng nói chung, không thể định trước. Vì thế, người anh hùng luôn bình thản trong công việc của mình, trong khi kẻ sợ chết, lo lắng đến những mất mát và cái chết thì dĩ nhiên, không làm nổi công việc của người anh hùng. Song, điều muốn nói rõ hơn ở đây là, dù con người ta có thể chưa hoặc không hoàn thành được công việc, nhưng đã phải chịu đựng hy sinh, mất mát lớn, thậm chí cả cái chết, họ vẫn là anh hùng. Những sự hy sinh ấy là để cho những người khác tiếp bước họ, những người khác sẽ không còn phải trải qua những gì mà họ đã trải qua, mặc dù trước mắt những người khác lại cần có những hy sinh khác. Người anh hùng hiểu rõ điều này, bởi vì hơn ai hết anh ta hiểu sự nghiệp của anh ta là sự nghiệp chung.

Ta nhớ đến câu nói nổi tiếng của vị tướng Pháp vĩ đại Napoleon trong thế kỷ XIX: “Người lính nào không mơ ước trở thành tướng, chỉ là người lính xoàng”. Câu nói này sẽ chẳng có ý nghĩa, thậm chí tiêu cực, nếu như ta chỉ chú ý đến hình thức của nó khi ta liên tưởng đến người anh hùng. Không, người anh hùng không lao động-đấu tranh để trở thành anh hùng. Họ lao động-đấu tranh vì sự tồn sinh của người khác, của cộng đồng, nhân dân, dân tộc họ và của cả nhân loại. Sẽ thật sâu sắc, lớn lao và cao quý khi người anh hùng xem cuộc sống, sự tồn sinh của người khác, của cộng đồng, nhân dân, dân tộc và cả nhân loại là cuộc sống của chính mình. Với việc nhận lấy trách nhiệm lớn lao, với lẽ sống cao cả ấy, người anh hùng đâu có màng đền quyền lợi, chức tước cao sang. Dĩ nhiên, người anh hùng biết, nếu không có những vị trí, địa vị và nhất là quyền lực nhất định thì chẳng thực hiện được những nhiệm vụ, sứ mệnh lớn lao và có thể rất thiêng liêng của mình, cũng tức là không làm thay đổi thực sự cuộc sống. Nhưng người anh hùng không đặt ra các mục tiêu là những vị trí, địa vị và quyền lực ấy một cách trực tiếp, xem như cái tất yếu phải làm, mà đối với họ, phải tiến hành và giành lấy thành công, thắng lợi trong từng việc làm từ nhỏ đến lớn và họ sẵn sàng chấp nhận có thể phải mất mát, hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Vậy, nếu đã như thế thì làm sao những mục tiêu kia trở thành cái tất yếu, bất di bất dịch được đối với họ. Cho nên, cái quan trọng đối với người anh hùng không ở chuyện có địa vị, quyền lực, mà là hãy làm những công việc cần phải làm đã, còn sau đó thì tùy khả năng, hoàn cảnh, điều kiện. Nhưng thường thì đối với người anh hùng, đã làm những việc phải làm, đã dám làm, dấn thân vì nghĩa lớn, thì nhất định những điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện sứ mệnh cao cả của mình cũng sẽ đến, nhiều khi ngoài cả sự mong đợi. 

Song, ta nói chuyện xưa, nói lý thuyết-lý luận cũng là để nói chuyện hôm nay.

Con người Việt Nam chúng ta hiện nay sự thực, đang sống trong một thời kỳ vô cũng khó khăn, rất nhiều nguy cơ, tai ương, thảm họa rình rập. Nguy cơ mất nước đã treo trên đầu dân ta rất rõ ràng. Nạn tham nhũng hoành hành, đất nước khốn cùng, nghèo đói vì chúng. Hệ thống giá trị bị đảo lộn căn bản, con người nói chung sống theo lối chạy theo đồng tiền, lợi nhuận, ích kỷ, dối trá, thanh niên dường như lao theo những giá trị bề ngoài, hoặc thờ ơ, vô cảm, khép kín. Tỷ lệ ung thư và người chết vì mắc căn bệnh này cao nhất nhì thế giới. Những cái chết của con người xảy ra hàng ngày ở mọi lĩnh vực mà không cần phải có nạn khủng bố. Thức ăn độc hại. Những tệ nạn xã hội không hề suy giảm, trái lại còn gia tăng trên diện rộng. Không có tự do tư tưởng, tự do báo chí. Nền pháp luật thực chất không phải của nhân dân, vì nhân dân, vì điều 4 Hiến pháp đặt đảng cộng sản lên trên hết, những quyền con người bị vi phạm nhiều khi trắng trợn, hoặc không được thừa nhận. Nền giáo dục nát bét với bao tệ nạn chạy bằng cấp, bằng giả, hám danh, bạo lực học đường, áp đặt, không triết lý, tư tưởng. Đặc biệt, toàn bộ xã hội đang bị điều khiển, chi phối, áp đặt, kiểm soát bởi một thể chế cộng sản đã lỗi thời cả về tư tưởng và tổ chức, tồn tại một đội quân ăn bám, tiêu tốn ngân sách khổng lồ của thể chế này, trong đó không thể không kể đến “đội ngũ” cũng rất đông đảo làm công việc tuyên truyền, giảng dạy lý luận-tư tưởng cũ kỹ, lạc hậu, mang tính áp đặt, nhồi nhét cho toàn bộ hệ thống giáo dục-đào tạo v.v và v.v.. Trong điều kiện ấy, những khát vọng, ý muốn thoát khỏi tình trạng trên khó vô cùng. Nhưng chúng ta chỉ có thể thoát khỏi tình trạng hiện nay khi thực hiện những sự thay đổi, hơn thế một sự thay đổi rất căn bản về văn hóa.

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần những người làm thay đổi căn bản cuộc sống của chúng ta từng mặt cũng như toàn bộ. Chúng ta cần những con người to lớn về trí tuệ, phẩm giá, năng lực hành động và sức mạnh. Chúng ta cần những người anh hùng trên các lĩnh vực khác nhau, nhất là trong lĩnh vực tư tưởng, chính trị, chúng ta cần những người anh hùng có thể tổ chức làm thay đổi cuộc sống. Những con người này không thể được tạo nên bởi cái thể chế này, nền giáo dục thối nát này, không phải bằng sự quy hoạch, quy chuẩn nào đó. Họ là người tự đào luyện mình dựa trên kế thừa-hưởng được những tinh hoa văn hóa truyền thống trong đó có những giá trị văn chương thấm đầy tính nhân văn của dân tộc Việt Nam, gắn với việc kế thừa-hưởng được một cách sâu sắc, hệ thống, căn bản những giá trị văn hóa nhân loại, đồng thời từ đó, biết cách tạo nên thế giới quan mới, hệ giá trị mới căn cứ vào những thành tựu mới nhất về mọi mặt của nhân loại hiện nay. Dĩ nhiên, nói như thế không có nghĩa là ta phủ nhận việc làm của tất cả những người khác, dù rất nhỏ bé, bình dị hàng ngày, bởi vì họ chính là những bước đi, những vòng khâu để tạo nên người anh hùng, là sự chuẩn bị cho người anh hùng, chính những yêu cầu, khát vọng cuộc sống của họ thúc đẩy sự ra đời của các anh hùng của họ. Có được những anh hùng của mình, họ cũng là anh hùng. 

Ngày 1 tháng 1 năm 2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo