Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Đó là một buổi trưa chiều Cali mưa như trút nước. Bạn bè vẫn kháo nhau rằng có lẽ tác giả đã mang chút bão tuyết ở Miền Đông về.
Kỳ thực cứ ngỡ cơn bão tuyết đổ xuống trước khi đi và đúng ngày đi đã giữ chân mình lại, không tài nào bay được về miền nắng ấm Cali cho chuyến họp mặt khá kỳ thú này: Chiều Tao Ngộ Văn Chương và Triết Học.
Dù là cơn mưa nở trắng tầm tã không mấy chiều lòng người, vì chắc cũng không mấy ai có thể yêu tác giả đến nỗi phải dội mưa ướt lạnh để đến “chung vui”, nhưng rõ ràng chính điều này đã gây bất ngờ là bạn bè, bà con vẫn chịu khó làm lữ hành trong mưa để có mặt khá đông vui. Khi sinh hoạt văn chương cũng đã như buổi chợ chiều và những ngày cận Tết lại dồn đuổi sau lưng.
Đặc biệt nhất là hình ảnh của một GS không-còn-quá-trẻ-nữa với cây gậy phương phi như GS Lê Xuân Khoa, nhà văn Trần Việt Hải… vẫn leo lên phòng họp ở lầu 2, kéo theo ngàn ngàn giọt mưa còn đọng lõm bõm ở mỗi tầng cấp bước chân.
Tất cả có lẽ đều nằm trong 2 chữ cơ duyên. Tôi từ Miền Đông và GS nhà văn Đặng Phùng Quân từ Houston về Cali lần này cũng nằm trong cơ duyên với nhóm quen Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian đã xăn tay áo hổ trợ. Và dĩ nhiên, MC Trần Mạnh Chi cũng đã sát cánh với nhà văn Trần Việt Hải rất đắc lực.
Thật tình thoạt đầu chúng tôi cũng chỉ muốn mở ra một cuộc mạn đàm, chuyện trò giữa hai tác giả và độc giả ở Cali. Của không tội chúng tôi cũng muốn mạo muội đặt lại thử xem liệu văn chương và triết học với ý thức trách nhiệm của một người cầm bút luôn hướng tới chân thiện mỹ và tự do tư tưởng suy nghiệm có mang con người lại gần nhau hơn chăng.
Nghĩ lại thấy vấn đề có thể to tát và khô khan, nên ngoài Tuyển truyện Tuổi Trẻ (in chung với GS Đặng Phùng Quân và cố nhà văn Hàn Song Tường) cũng như 2 cuốn biên khảo về Hursel và Triết Học Hiện Đại của GS Đặng Phùng Quân, tôi đành ké thêm tập thơ Nhật Ký Của Những Mảnh Vỡ cho vui.
Chuyện Ra Mắt Sách ở hải ngoại lúc này quả tình chỉ để cho vui. Ngay cả công việc “lên nói”, chúng tôi cũng đã yêu cầu những diễn giả cũng chỉ nên làm công việc hé mở một cánh cửa nhỏ mà thôi.
Dù vậy cũng xin được cám ơn nhà văn Đào Trung Đạo đã “ra công” ưu ái giới thiệu Tuyển truyện Tuổi Trẻ và có lẽ 2 cuốn biên khảo triết học của GS Đặng Phùng Quân dày quá nên anh có vẻ né tránh.
Nhà văn Phan Tấn Hải đã đi một màn giới thiệu nhẹ 2 tác giả Nguyễn Thị Thanh Bình vốn là bạn văn năm xưa ở Virginia, và GS Đặng Phùng Quân vốn là thầy dạy triết Tây ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn của anh năm nào.
Ngoài ra những vị có mặt cũng đã có dịp thưởng thức chương trình phụ diễn văn nghệ độc đáo, với ngón đàn ghi-ta điêu luyện của nhạc sĩ Ngô Tín, và đặc biệt là ca khúc phổ thơ của cô giáo Trần Thị Lam: “Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh?”, cũng như sự xuất hiện của cánh chim đầu đàn Du Ca là nhà thơ, nhạc sĩ Phan Ni Tấn, và nổi bật không kém là sự đóng góp bất ngờ của ca nhạc sĩ đấu tranh Nghiêm Phú Phát.
Hẳn nhiên khi trở về Miền Đông tôi cũng đã gói trọn giọng ngâm rất có hồn của ngâm sĩ Đào Bích Ty qua tiếng sáo điệu nghệ của Ngọc Nôi.
Sẽ là một thiếu sót nếu tôi không nhắc đến giới văn học nghệ thuật hôm ấy đã đến ủng hộ khá nhiều, tuy nhiên xin lỗi trước vì có thể tôi không biết được hết quý danh, hoặc bị đãng trí quên tên. Tiếc nhất là nhà thơ Đỗ Khiêm và nhà văn Lê Lạc Giao chuồn sớm quá nên không có dịp “selfie” được (đùa!). Thứ nhất là nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh bị đau chân phải dùng gậy mà cũng ráng đến để tri âm.
Cảm động nữa là nhà văn Đặng Thơ Thơ của Da Màu đang có bố phải vào bệnh viện mà cũng ráng ghé qua, giữa những giọt nước mưa còn ướt sũng, rũ xuống trên mớ tóc tém ngỗ ngáo.
Ngoài ra phe ta đến chúc mừng những đứa con tinh thần dám “trở dạ” lúc này của Thanh Bình và GS Đặng Phùng Quân khá nhiều: nhà văn Phạm Quốc Bảo, nhà thơ kiêm phóng viên Trịnh Thanh Thủy, nhà thơ Hà Nguyên Du, nhà thơ Ngô Tịnh yên, nhà văn Hồ Như, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Lan, nhà thơ Ngô Thy Vân và một vài cây bút của Văn Bút Nam Cali, nhà báo Văn Lan, GS nhà văn Dương Ngọc Sum, Ngọc Họa Sĩ, cây bút Gia Long Thụy Vy…
Điều ghi nhận thêm có lẽ là lời nhắn nhủ về những ảnh hưởng của cuộc xâm lược…, mềm của Trung Cộng, của Tiến Sĩ kinh tế Nguyễn Văn Lương, một cử tọa nhiệt tình và đầy lý tưởng quê hương đã cảnh báo giới cầm bút và trí thức có lẽ không nên ngồi “ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, đã khiến tác giả thơ hôm ấy vụt nhớ đến câu nói của triết gia Platon: “Hãy khoác cho thi sĩ một vòng hoa và đuổi hắn ta ra khỏi thành phố.”
Chao ơi, những cụm từ như “phải thực tế và phải hành động trước khi mọi điều đã quá trễ”, đã khiến chúng ta không thể không chạnh lòng nhớ đến đất nước mình đã quá bất hạnh vì bàn tay thô bạo của quyền lực đã “trắng trợn bỉ ổi” xâm phạm, lấn át tự do ngôn luận và tự do báo chí, khiến biết bao tài năng phải bị thui chột, không thể chắp cánh bay cao cùng quốc tế được.
Cuối cùng có lẽ cũng nên thổ lộ nên một lời cảm tạ quý bạn đã tham dự ủng hộ mua sách. Số tiền thu được trích ra, nhờ “cô thâu ngân” hôm ấy gởi về cho cha T mua chút quà bánh ăn Tết cho những em bé mồ côi.
Tiếc là không thông báo để bà con ủng hộ nhiều hơn, phải không ạ.
09.02.2019