Trần Quốc Việt (Danlambao) - Tôi với Nhất không phải là bạn. Chúng tôi chỉ là những người quen biết nhau trong những năm học ở Đại học Tổng hợp Huế. Tôi và Nhất là những người đồng khóa. Tôi học Anh Văn còn Nhất học Văn. Và chúng tôi cùng là dân Quảng khăn gói ra Huế học.
Nhất ban đầu học Nga Văn và ở chung phòng với tôi một thời gian ngắn. Tôi còn nhớ giường của Nhất ở tầng dưới nằm ngay cửa phòng. Sau mấy tháng đầu đánh vật không thành với môn Nga văn vốn là một sinh ngữ khó như phản ánh qua câu nói lưu truyền trong giới sinh viên ngoại ngữ hồi ấy là "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Nga", Nhất xin đổi qua học Văn. Nhìn lại, sự rẽ hướng này quyết định phần nào sự thành danh và số phận của Trương Duy Nhất sau này.
Thời ấy tôi hay gặp Nhất và bạn bè Nhất ở quán cà phê, quán rượu nơi giới sinh viên hay lui đến. Nhiều lần chúng tôi gặp nhau trong tiệm cầm đồ ở đối diện trường. Thời sinh viên vô tư nào có mấy ai tưởng đến đường đời sau này của mình và bạn bè quen biết.
Nhất ra trường trước tôi một năm rồi về làm phóng viên ở Đà Nẵng. Tôi ra trường và không thể nào tìm việc làm do lý lịch "xấu". Tôi bắt đầu dịch báo và viết bài để kiếm sống. Rồi tôi lại gặp Nhất ở tòa soạn báo gần nhà hay ở ngoài đường. Chúng tôi chỉ gật đầu chào nhau rồi như thời sinh viên mỗi người mỗi ngả.Về sau tôi vào Sài Gòn dịch thuật cho các báo một thời gian rồi theo gia đình rời Việt Nam.
Mười mấy năm sau Nhất trở thành cây bút nổi tiếng trong nước qua những bài viết chỉ trích không e dè các quan chức cấp cao nhất của chế độ. Từ phương trời xa tôi đọc các bài viết của Nhất và đôi lúc lấy làm kinh ngạc và cảm phục trước sự can đảm và bộc trực của Nhất. Tôi cũng bắt đầu trở lại việc dịch thuật và viết cho các trang Talawas và Dân Làm Báo.
Rồi Nhất bị bắt. Hình ảnh đọng lại trong lòng mọi người và tôi là hình ảnh Nhất bình thản và tự tin đi ra phi trường Đà Nẵng giữa các nhân viên an ninh.
Rồi Nhất ra tù vẫn quật cường như ngày nào, vẫn tiếp tục viết. Sau thời gian tôi luyện trong tù, Trương Duy Nhất viết trở lại ít hơn nhưng sắc bén hơn. Có lẽ bài viết cuối cùng Nhất là bài về dân oan vườn rau Lộc Hưng.
Rồi hôm nay tôi bàng hoàng nghe tin Nhất mất tích trên đất Thái sau khi nộp đơn xin tỵ nạn chính trị. Còn mấy ngày đến Tết sum vầy bên gia đình, người thân, và quê hương mà một người con đất Việt nữa phải qua đất Thái xin tỵ nạn chính trị. Tưởng không gì đau xót bằng cho Nhất và gia đình.
Là một người cầm bút, từ phương xa tôi viết những dòng này để bày tỏ niềm cảm phục với một người cầm bút vừa là đồng môn, đồng hương, và là đồng bào mình - Trương Duy Nhất - và cầu mong Nhất, dù ở đâu lúc này hay về sau, cũng luôn được bình an.
02.02.2019