Tết ở trại giam Thanh Hoá - Dân Làm Báo

Tết ở trại giam Thanh Hoá

Mẹ Nấm (Danlambao) - Dịp Tết Mậu Tuất ở trại giam Thanh Hoá, Quỳnh ngồi ở sân nhìn mọi người xung quanh sinh hoạt. Quỳnh đếm được hơn 10 đứa trẻ được mẹ bồng bế đi dạo. Điểm chung mà Quỳnh thấy ở những em bé này là đôi mắt thiệt buồn và đầy sợ hãi. Quỳnh bị ám ảnh bởi đôi mắt của những đứa trẻ theo mẹ vào vòng lao lý. Chúng ngơ ngác, không vui, không buồn, nhìn cứ lạc lõng tồi tội làm sao.

Những đứa trẻ ấy được sinh ra trong trại giam, ở với mẹ đến 36 tháng tuổi thì được đưa vào trung tâm khác chăm sóc hoặc được người thân đón về. Nhìn chúng, Quỳnh nhớ Nấm, nhớ Gấu, nhớ ánh mắt trong veo và hồn nhiên của con mình. Và để gạt sự yếu đuối trong lòng mình qua một bên, Quỳnh cố tập cho mình nhớ lại những chuyện đã xảy ra để thoát ra khỏi tình trạng suy nghĩ tiêu cực.

Tháng 2/2018, Quỳnh bị đưa ra Thanh Hoá vào dịp cận Tết. Năm giờ sáng, một mình Quỳnh được hai xe chuyên dụng hộ tống với 9 công an. Lần đầu tiên Quỳnh biết có một chiếc xe cảnh sát, bên ngoài được thiết kế như xe bình thường nhưng bên trong lại là một hộp sắt được thiết kế như một buồng giam. Mọi nhu cầu ăn uống, vệ sinh dọc đường đều diễn ra bên trong hộp sắt. Công an sẽ đi dọn dẹp tại mỗi điểm dừng chân để họ ăn sáng, ăn trưa.

Vì đang từ Nha Trang khí hậu ôn hoà, lại bị chuyển ra Bắc đột ngột mà không có quần áo ấm nên suốt hai ngày đường rất lạnh, người bị sốt nên Quỳnh không ngừng cầu nguyện.

Ở trại giam tỉnh Khánh Hoà không hiểu sao công an rất khắc nghiệt, họ không cho gửi tất (vớ) và không cho mang dép vào buồng giam. Trời quá lạnh, Quỳnh hỏi công an Bùi Thị Huyền: “Tôi có thể mang dép vào buồng giam để đi xuống sàn nước hay không?”. Huyền trả lời:

- Lạnh thì lấy hai túi ni lông nhựa bọc vào. Quy định không cho mang dép vô!

Quỳnh nhớ hoài vẻ mặt của Huyền khi trả lời câu này. Mấy bạn tù nam nói: “Tụi nó (công an) muốn mình xin xỏ đó mà. Em lạnh thì xin đi nó sẽ cho!” Quỳnh chỉ cười!

Trong suốt hai năm bị giam giữ, Quỳnh có hai lần viết đơn xin công an. Lần thứ nhất là “Đơn xin gặp mặt gia đình”, và lần thứ hai là “Đơn xin hỗ trợ phạm nhân khác”. 

Lá đơn đầu tiên Quỳnh viết ngày 28/6/2017 (một ngày trước phiên sơ thẩm) theo sự hướng dẫn của trại giam. Quỳnh cố tình ghi ở dưới “tôi đề nghị được gặp gia đình vì đã hoàn tất thủ tục điều tra và có cáo trạng”. Công an đọc xong vô kêu Quỳnh sửa chữ “đề nghị” thành chữ “xin”. Quỳnh không chịu sửa . Chị Hằng, người ở cùng phòng với Quỳnh, khuyên Quỳnh: “Bảy tám tháng em không gặp mẹ rồi, phải ra gặp để người nhà biết mình ra sao, phải nhịn mới được em à”. Quỳnh đã ngồi viết lại đơn.

Ông Trương Vinh Quang (Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Khánh Hoà) và ông Công (người của Bộ Công an) đón Quỳnh ngay cổng ngoài trại giam với lời dặn dò:

- Chỉ hỏi thăm sức khoẻ gia đình, người thân, không nói chuyện chính trị xã hội gì hết nếu không chúng tôi sẽ cắt cuộc gặp.

Cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra vỏn vẹn có 5 phút, vì Quỳnh vừa xin lỗi mẹ xong và mẹ nói “Con không phải xin lỗi, Mẹ và mọi người rất tự hào vì con”. Họ không muốn mẹ động viên Quỳnh trước phiên xử, Sau này Quỳnh mới biết, mẹ và bạn bè đã tranh đấu cho Quỳnh không ngừng nghỉ và dưới áp lực quốc tế mọi động thái liên quan đến Quỳnh đều được đem ra để mặc cả từ việc tiếp xúc với luật sư và gặp gia đình.

Lần thứ 2 Quỳnh viết đơn xin công an hỗ trợ người khác là sau khi đại diện đại sứ quán Mỹ vào gặp Quỳnh trong trại giam. Quỳnh có hỏi công an Hoàng Thị Ánh Hồng về việc muốn trợ giúp các “trực sinh” (những phạm nhân ở chung với tù nhân chính trị lo việc lấy cơm, canh hàng ngày) và giúp đỡ trẻ em đang “chịu án” chung với mẹ. Công an Hồng nói sẽ “báo cáo lãnh đạo”, nhưng Quỳnh đợi cả tháng trời không thấy câu trả lời. Quỳnh đọc trong sổ mua hàng căng tin điều 5 có nói về việc “giúp đỡ phạm nhân khác” phải viết đơn nên đã tự viết thư cho Ban Giám thị trại giam. Đơn gửi đi khá lâu, cũng không ai trả lời. Đến sáng ngày 17/10/2018, trong khi làm thủ tục rời trạm giam để đi Mỹ thì công an mới đồng ý cho Quỳnh thực hiện việc hỗ trợ người khác. 

Quỳnh ước gì Quỳnh có thể san sẻ nhiều hơn với những người ở lại, bởi nhìn sự thiếu thốn của những đứa trẻ trong trại giam rất xót xa. 

Công an thường hay trừng phạt phạm nhân bằng cách không cho nhận hoặc gửi đồ hỗ trợ nhau như thực phẩm, đồ dùng hàng ngày. Để chia cắt Quỳnh và Nguyễn Đặng Minh Mẫn do hai chị em không nhận cơm canh, không nhận chế độ của trại giam, công an Hoàng Thị Ánh Hồng cũng dùng cách này. Mẫn đi gặp gia đình về, có đồ ăn muốn gửi cho Quỳnh cũng phải đợi “báo cáo lãnh đạo”. 

Sự thiếu thốn, khó khăn trong trại giam sẽ khiến con người trở nên nô lệ và tuân theo mệnh lệnh của công an dễ dàng hơn.

Tết ở Thanh Hoá, Quỳnh được đi ra ngoài khu giam riêng của mình và bắt đầu quan sát và Quỳnh học được rất nhiều thứ.

Đây là một cái Tết không bao giờ Quỳnh quên trong cuộc đời mình.

08.02.2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo