Cho phép nhận chìm chất thải, bùn nạo vét - môi trường biển liệu có còn an toàn? - Dân Làm Báo

Cho phép nhận chìm chất thải, bùn nạo vét - môi trường biển liệu có còn an toàn?

Mẹ Nấm (Danlambao) - Ngày 25/2/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định việc giao khu vực biển liên quan đến nhận chìm vật chất nạo vét từ quá trình thi công xây dựng hạng mục cảng của Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Tiếp đó ngày 5/3/2019, Công ty TNHH hóa dầu Long Sơn được cấp phép nhận chìm ngoài khơi biển Vũng Tàu 14,3 triệu m3 bùn. Sẽ còn bao nhiêu công ty hoá dầu, gang thép khác sẽ được cấp phép để đầu độc vùng biển Việt Nam?

Nhận chìm vật thải, chất thải ở biển là nội dung không thể thiếu trong việc bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Ngày 29/12/1972, tại thủ đô Luân Đôn, nước Anh, Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm biển do nhận chìm các chất thải và các chất khác được thông qua với sự tham dự của hơn 90 quốc gia. Công ước này được biết đến với tên gọi "Công ước Luân Đôn".

Điều 210 của Công ước Luân Đôn, các quốc gia phải thông qua các luật và quy định về phòng ngừa, hạn chế và ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển do sự nhận chìm, đồng thời thi hành tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa, hạn chế ô nhiễm. Các luật, quy định và biện pháp phải bảo đảm không có sự nhận chìm nào không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. 

Tuy nhiên Việt Nam, việc tuân thủ các công ước quốc tế đã ký luôn là vấn đề đáng bàn. Quy trình đánh giá tác động môi trường, thu thập ý kiến và công khai phương án đến người dân địa phương luôn bị bỏ lơ hoặc thực hiện rất sơ sài. Phòng ngừa, hạn chế và ngăn chặn là những hành động thường ít được quan tâm trong công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Bởi trên thực tế, với thảm hoạ môi trường biển năm 2015 do nhà máy nhiệt điện Formosa (Hà Tĩnh) gây ra có thể thấy phương thức xử lý của quan chức, lãnh đạo rất sơ sài, lúng túng và hậu quả đến nay người dân vẫn gánh chịu nhiều thiệt thòi.

Điểm sơ qua quá trình cấp phép nhấn chìm chất thải, bùn thải trên biển trong vài năm trở lại đây sẽ thấy rõ.

- Năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phải thu hồi quyết định cho phép nhà máy nhiệt điệnVĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống vùng biển Bình Thuận sau khi bị các nhà khoa học và dư luận phản ứng mạnh mẽ.

- Tháng 8/2018, Bộ TNMT và và UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý với chủ trương cho phép nhận chìm 2,5 triệu m3 bùn thải sau thi công cảng than của Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch trên vùng biển Quảng Bình, cách bờ 3 hải lý.

- Năm 2019, hai quyết định đồng ý cho nhấn chìm bùn thải được ban hành từ Bộ TNMT trên vùng biển Quảng Ngãi (cách vùng đảo Lý Sơn 28,3km về phía Đông) và Vũng Tàu.

Vấn đề đặt ra ở đây trong các dự án liên quan đến môi trường, công khai là yếu tố đầu tiên và nhất định phải được tôn trọng. Người dân sinh sống quanh khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng cần được biết quyết định đó ảnh hưởng tới môi trường ở mức độ nào.

Các bảng đánh giá mức chịu tải của các khu vực biển dự kiến đem nhận chìm bùn thải được thực hiện trên cơ sở nào, bởi cơ quan chức năng nào? Các cơ quan đó có độc lập với nhà máy hay đơn vị cấp phép hay không?

Đặc biệt hiện nay, khi các khu công nghiệp, các nhà máy gang thép, hoá dầu, nhiệt điện được xây dựng nhan nhản tại các vùng ven biển Việt Nam như hiện nay thì việc cấp phép cho nhấn chìm bùn thải trên biển sẽ tạo khiến cả vùng biển trở thành bãi rác khổng lồ.

Từ nhiệt diện Vĩnh Tân, đến gang thép Hoà Phát Dung Quất, đến hoá dầu Long Sơn rồi sẽ còn nhiều nhà máy, nhiều khu công nghiệp khác đang xếp hàng chờ xả thải, nhấn chìm vật thải ra biển.

Cam kết, quy trình làm việc của Bộ Tài Nguyên - Môi Trường Việt Nam liệu có đáng tin hay không, bạn hãy xem lại bài học Formosa ngày hôm qua còn đó.

Môi trường biển liệu có còn an toàn?



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo