Ô nhiễm không khí, nguy hại khi hít bụi siêu mịn, bạn còn thờ ơ không? - Dân Làm Báo

Ô nhiễm không khí, nguy hại khi hít bụi siêu mịn, bạn còn thờ ơ không?

Mẹ Nấm (Danlambao) - Báo Tuổi Trẻ ngày 25/2/2019 cảnh báo tình trạng bụi mịn đang gây hại nghiêm trọng ở Hà Nội và Sài Gòn. Nghiên cứu khoa học cho thấy bụi mịn gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người khá nghiêm trọng. 

Vấn đề ô nhiễm không khí từ năm 2017 đã được đề cập đến khá nhiều, nhưng dường như mức độ quan tâm của người dân đối với mối nguy hại của ô nhiễm bụi mịn vẫn còn chưa đủ.

Các nhà khoa học định nghĩa bụi mịn (Particulate Matter - PM) là những hạt bụi trôi nổi trong không khí có kích thước và mật độ được tính bằng đơn vị micromet (μm). Loại bụi có đường kính 10 μm gọi là PM10 là bụi mịn. Nguy hiểm nhất là loại bụi siêu mịn PM 2.5 vì nó có thể xâm nhập vào tế bào cơ thể người, phá hủy cơ chế tự bảo vệ và miễn dịch từ bên trong tế bào. Ngoài việc gây ra một loạt bệnh cấp tính, bụi mịn còn gây hại cho những cơ quan quan trọng như tim, phổi và não. Lượng bụi siêu mịn cao trong không khí cũng được coi là tác nhân gây ung thư cấp độ 1. (1)

Việt Nam với số lượng nhà máy nhiệt điện trải dài từ Bắc chí Nam khiến những người quan tâm đến môi trường cảm thấy lo ngại. Lượng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện thải ra là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng không khí ngày càng đi xuống.

Năm 2015, hàng chục ngàn người dân tại Tuy Phong (Bình Thuận) đã biểu tình phản đối nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân xả khói thải gây ô nhiễm nghiêm trọng. Sau khi sự việc lắng xuống, hàng chục người đã bị bắt, bị kết tội “gây rối trật tự công cộng”, và nhà máy vẫn tiếp tục gây ô nhiễm. 

Từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh… những nhà máy nhiệt điện than vẫn tiếp tục mọc lên theo lộ trình cho đến năm 2030.

Tại Thái Bình, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ có giải pháp để "cứu" dự án 41.000 tỉ đồng đang "đắp chiếu" suốt nhiều năm nay. (2)

Các nước tiên tiến như Đức, Thụy Điển đã dừng và cấm công nghệ nhiệt điện than nhằm bảo vệ môi trường và sức khoẻ người dân.

Đây không phải là bài học nhãn tiền cho Việt Nam hay sao?

Không những không dừng cấp phép cho các nhà máy nhiệt điện mọc lên. Các bộ, ban ngành lãnh đạo Việt Nam lại đồng ý với giải pháp san lấp tro xỉ nhiệt điện, đưa ra làm vật liệu xây dựng, đường giao thông... Liệu có ai lường trước được rủi ro ô nhiễm không khí, bụi mịn sẽ bị phát tán trong phạm vi rộng lớn hơn chưa?

Ô nhiễm không khí, hít thở bụi siêu mịn cùng nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ là những vấn đề không một ai có thể tránh khỏi.

Liệu bạn có còn thờ ơ được nữa không?

02.03.2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo