Ông Phạm Cao Lâm “mất tích” sau khi bị trục xuất về Việt Nam (Cập nhật & đính chính) - Dân Làm Báo

Ông Phạm Cao Lâm “mất tích” sau khi bị trục xuất về Việt Nam (Cập nhật & đính chính)

CTV Danlambao - Ông Phạm Cao Lâm – một gương mặt khá nổi tiếng trong cộng đồng người Việt tại Thái Lan, đã mất liên lạc sau khi bị trục xuất về Việt Nam.

Trước đó, Danlambao đã đăng bản tin nói rằng cảnh sát di trú Thái Lan đưa ông Lâm ra sân bay để làm thủ tục trục xuất vào sáng 12/3/2019, dự kiến đến sân bay Nội Bài vào lúc 8:40 sáng cùng ngày. Tuy nhiên đây là thông tin không chính xác, Danlambao chân thành cáo lỗi cùng bạn đọc về việc này.

Ban đầu, ông Phạm Cao Lâm thông báo với gia đình là sẽ về đến Hà Nội vào buổi sáng. Tuy nhiên, không rõ lý do gì mà việc trục xuất đối với ông Lâm lại bị dời sang buổi chiều, điều này khiến gia đình rất lo lắng do không thể gọi điện thoại được.

Lúc 6:30 chiều ngày 12/3/2019, cảnh sát di trú đã áp giải ông Lâm lên chuyến bay FD 644 của hãng Thai AirAsia, chính thức trục xuất ông này ra khỏi Thái Lan để về lại Việt Nam.

Theo thông báo, chuyến bay của ông Lâm đã đáp xuống sân bay Nội Bài lúc 8:30 tối cùng ngày. Trước đó, ông Lâm có dặn người nhà rằng ngay khi xuống sân bay sẽ gọi điện thoại thông báo tình hình, nếu không gọi tức là đã bị câu lưu.

Đến 11:30 tối ngày 12/3, người nhà xác nhận là vẫn chưa thể liên lạc được với Cao Lâm, mọi người hiện đang rất hồi hộp và lo lắng. Bạn bè ông cho rằng rất có thể Cao Lâm đã bị an ninh câu lưu để tra hỏi về công việc cứu trợ người tị nạn của ông tại Thái Lan.

Ngoài ra, Cao Lâm cũng vô tình là “người nổi tiếng” bất đắc dĩ khi trở thành nhân chứng thứ hai trong vụ Trương Duy Nhất có mặt tại Thái Lan. Trong cuộc phỏng vấn với BBC, ông Lâm có kể lại chi tiết vào ngày 20/1/2019, ông Bạch Hồng Quyền đã chở blogger Trương Duy Nhất đến nhà ông Phạm Cao Lâm nhưng không gặp. Sau đó, ông Lâm có sang nhà ông Quyền và vô tình gặp ông Nhất trong khoảng 10 phút.

Sau khi Trương Duy Nhất mất tích, blogger Người Buôn Gió đã đăng ảnh Cao Lâm lên facebook và ám chỉ ông có liên quan đến vụ “bắt cóc” Trương Duy Nhất. Thông tin lập lờ này đã khiến nhiều người nghi ngờ rằng Cao Lâm là một nhân viên tình báo tổng cục 2.

Dù bị vu oan, Cao Lâm vẫn từ chối lên truyền thông minh oan vì sợ ảnh hưởng đến gia đình ông Bạch Hồng Quyền – một nhà hoạt động dân chủ hiện đang tị nạn tại Thái Lan. Theo ông Lâm, nếu xác nhận chuyện ông gặp Trương Duy Nhất tại nhà Bạch Hồng Quyền thì sợ rằng cảnh sát Thái sẽ đến bắt ông Quyền để điều tra, do đó ông chọn sự im lặng để bảo vệ bạn, chấp nhận bị vu oan cho tội tày trời.

Ngày 1/3/2019, cảnh sát di trú Thái Lan đến bắt Cao Lâm để tra hỏi về nơi ở mới của Bạch Hồng Quyền. Do ông Lâm không biết (hoặc không chịu hé môi) nên họ phạt ông tội lao động bất hợp pháp và trục xuất về lại Việt Nam. Sau đó ít ngày, vợ con Cao Lâm cũng bị cảnh sát yêu cầu phải rời khỏi Thái Lan – nơi gia đình ông đã sống 16 năm qua. Ngày 10/3/2019, vợ con ông đã đi đường bộ và về đến quê nhà Thanh Hóa một cách an toàn.

P/S: Bài viết được cập nhật lúc 11:44’ tối ngày 12/3/2019, trong đó đính chính lại những thông tin không chính xác trong bản tin được phổ biến trước đó về thời gian ông Cao Lâm bị trục xuất. Danlambao và tác giả xin thành thật cáo lỗi cùng quý bạn đọc vì sai sót này.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo