Tương lai kinh tế & Hiệu năng Blockchain - Dân Làm Báo

Tương lai kinh tế & Hiệu năng Blockchain

Trần Nguyên Thao (Danlambao) - Loạt phim Star trek [1] – khoa học giả tưởng, của tác giả Gene Roddenberry mô tả viễn tượng cuộc chiến giữa các vì sao, khởi chiếu trên màn hình NBC vào năm 1966 làm say mê hàng triệu khán giả khắp thế giới cả chục năm trời. Lúc đó, có ai nghĩ rằng, những gì diễn ra trên màn hình nhỏ, ngày nay khoa học lại đưa nhân loại chứng kiến những khám phá không ngờ: Thập niên 1960, Hoa Kỳ đã đưa phi thuyền Apollo thám hiểm mặt trăng; tháng 11 vừa qua, tầu thám hiểm InSight của NASA hạ cánh thành công xuống sao Hỏa; đầu tháng 12, tàu thăm dò Hằng Nga 4 của Trung cộng đáp xuống vùng tối của Mặt Trăng, nơi không bao giờ đối diện với bề mặt trái đất...

Nhân loại đang bước vào bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, mà khoa học là “nấc thang” để các lãnh vực khác bước lên. Kinh tế, tài chánh cũng nương theo đà tiến này mà cải tiến nghệ thuật quản trị, kinh doanh. 

Block chain là thuật toán tương đối mới mẻ, đang được giới tài chánh quan tâm nghiên cứu, co thể áp dụng để “bước rất nhanh” vào lãnh vực quản trị tiền tệ, tài chánh – điều này làm bạn khó tin. 

Bài này bằng lối tổng hợp giản lược nhất sẽ giúp quý độc giả hình dung phần nào những tiến bộ sẽ đến, để không quá bỡ ngỡ khi sự việc đổi thay, mà đà tiến này sẽ làm đảo lộn lối suy nghĩ thường ngày của những người như tôi & bạn. 

Thế giới sẽ bước vào một nền kinh tế thông minh, trong khi tôi & bạn lại vẫn lơ ngơ về các biến đổi đang diễn ra mau chóng!

Trước đây, nói đến Blockchain là nói đến Cryptocurrency (tiền mã hóa), hay cụ thể hơn là Bitcoin, nhưng giờ đây, Blockchain đang ngày càng phát triển và vượt qua giới hạn của một loại tiền ảo, để giải quyết các vấn đề liên quan đến giao dịch toàn cầu. Blockchain được giới tài chánh, tín dụng quan tâm theo dõi nghiên cứu. Trong tương lai rất gần nền tài chánh tiền tệ thế giới sẽ đổi thay. Khi đó Blockchain giữ vai trò hết sức quan trọng trực tiếp đến hầu bao của bạn và tôi.

Như trong bài Bitcoin thật hay ảo đã nói đến kỹ thuật Blockchain trong đồng tiền “ảo” hiện có giá trị trao đổi tại một số quốc gia. Nhưng có nhiều e ngại an toàn tiền tệ, nên chưa được nhiều nước cho phép sử dụng. Không ai nhìn thấy loại tiền Bitcoin hình thù ra sao, nhưng trị giá (1) Bitcoin hôm nay (Mar 17-19) là $3.970 Mỹ Kim. Cuối tháng 3 năm ngoái (2018), mỗi Bitcoin có giá $6,900. Mỹ kim Bitcoin cũng được loan báo lên xuống hàng giờ. 

Nhờ áp dụng kỹ thuật “blockchain” [2], nên đồng Bitcoin được giới hạn tổng cộng 21 triệu Bitcoin vào 32 năm nữa, tháng 7 năm 2140 [3]- khi đó bạn và tôi nhiều người cũng “trở về cát bụi”. Đến lúc đó, nếu Bitcoin được cả thế giới nhìn nhận, thì đúng là nó có giá trị ít ra cũng là 14 triệu Mỹ Kim. Vì vậy chắc chắn đơn vị thông dụng sẽ không phải là một Bitcoin được.

Cho đến nay, được biết tài sản của cả nhân loại cũng “hòm hòm” 300 ngàn tỷ Mỹ Kim [4].

Blockchain đang ngày càng phát triển và vượt qua giới hạn của một loại tiền tệ, để giải quyết các vấn đề liên quan đến giao dịch toàn cầu. 

Thí dụ, trong chính trị, việc tổ chức các cuộc tổng tuyển cử tại nhiều nước độc tài hay tập tễnh bước vào phát triển dân chủ, thường bị nghi ngờ là bầu cử gian lận. Nếu được áp dụng kỹ thuật blockchain để kiểm soát bầu cử, thì không thể có vấn đề một cử tri bầu phiếu nhiều lần, hay các nhà cầm quyền độc tài dồn từng bó phiếu vô chủ vào thùng phiếu. Cách bầu gian này đương nhiên có kết quả theo ý họ muốn.

Tương tự như vậy, nếu tôi làm chủ tiệm thuốc Tây, tôi mua từ nhà sản xuất 500 viên trụ sinh, tôi không thể “quà cáp” cho người mua thuốc, nhằm khai gian với chính phủ là đã bán 2000 viên trụ sinh cho người hưởng Medical để ăn gian tiền bán thuốc do chính phủ trợ cấp cho người nghèo. Trường hợp này cho thấy một viên trụ sinh thu tiền tới 4 lần.

Khi hàng hoá được giao đến người nhận cuối cùng, hợp đồng thông minh có thể tự động kích hoạt thanh toán, và khi có tranh chấp hay bất đồng xảy ra, hợp đồng có thể điều chỉnh cách thức giải quyết các khiếu nại giữa các bên tham gia.

Blockchain là một khối dữ liệu được mã hóa và chia sẻ một cách an toàn mà các doanh nghiệp có thể dùng để theo dõi quyền sở hữu các tài sản, mở ra nhiều cơ hội cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp với nhau hay với các định chế, tài chánh, ngân hàng và nhiều dịch vụ khác nhau. Cho đến hiện tại, với độ tin cậy khá cao, Blockchain có thể theo dõi những thay đổi trên phạm vi một doanh nghiệp đến những quá trình hay thương vụ của doanh nhân chia sẻ với các nhà cung cấp, khách hàng và đối tác của mình.

Cho đến nay, Blockchain áp dụng trên vài dạng: công cộng, kín (private), hay cộng tác tập đoàn. Dạng công cộng được coi như là một Blockchain lý tưởng, an toàn nhất, vì kỹ thuật Blockchain có hai phương pháp để giữ trạng thái bất biến: a) sự công khai sổ sách, và b) sự tiếp nối, chồng chất của Blockchain. Hai cách thức này khiến sự thay đổi, giả mạo dử kiện trở nên rất khó khăn, đến mức bất khả thi với kỹ thuật hiện đại. 

Chúng ta có thể hình dung Blockchain như một cây tháp xây bằng các tảng đá nặng, chồng chất lên nhau. Khi thông tin đã khắc vô tảng đá là anh A đã dùng bao nhiêu tiền để mua bao nhiêu viên trụ sinh, và sau đó có những tảng đá khác, ghi chú những sự trao đổi khác, lấp lên, thì anh A khó lòng lật đổ bằng đó tảng đá để thay thế tảng đá khởi đầu, với mục tiêu tăng con số viên thuốc trao tay. Và một Blockchain công cộng lại như là nhiều cây tháp y hệt như nhau, rải rác khắp nơi. Trên lý thuyết ai cũng có thể so sánh, kiểm sát các cây tháp vẫn giống nhau, không bị thay đổi.

Blockchain kín thiếu sự giám sát công cộng. Trên lý thuyết người chủ của một Blockchain kín có thể ghi chép các thông tin theo ý mình muốn. Đây có thể là phương tiện tốt dành cho các nhà đấu thanh dân chủ ở các nước độc tài.

Blockchain của tập đoàn thì đáng tin hơn một Blockchain kín, nhưng dù sao, nó vẫn cần dựa vào uy tín của tập đoàn ấy.

Blockchain – một chủ đề “HOT” đang thu hút rất nhiều người tò mò tìm hiểu trong vài năm trở lại đây, một công nghệ với rất nhiều ứng dụng hữu ích trong nhiều lĩnh vực khác nhau như ngân hàng, giáo dục, kinh tế, ý tế, game, thương mại điện tử... kể cả chuyện bầu cử.

Được khám phá từ năm 2008 do một người dấu mặt dưới tên Satoshi Nakamoto [5] và đưa vào áp dụng cho tiền Bitcoin nên còn nhược điểm. Blockchain đang được nhiều trường Đai Học danh tiếng của Mỹ và thế giới quan tâm nghiên cứu, giảng dậy nhằm cải tiến trước khi áp dụng rộng rãi.

Blockchain tuy vậy, chưa phải “phép màu” hay toàn là những điều hấp dẫn, nó cũng có những giới hạn như hao tốn điện năng, những vấn đề về kỹ thuật cần giải quyết. Quan trọng hơn hết, Blockchain phải vượt qua sự “nghi ngờ, do dự” của chính phủ các nước, mới có thể được áp dụng trong thực tế.

Những gì trinh bầy trong bài này, cũng chỉ là sự tìm hiểu thô sơ. Phần ghi lại các điều về Blockchain chắc chắn còn nhiều thiếu sót, hoặc vì sự hiểu biết giới hạn của người viết, khiến độc giả chưa hình dung ra sự đổi thay trong đà tiến của nhân loại. Rất mong các vị hiểu biết sâu hơn, lên tiếng qua mục này để chúng ta cùng học hỏi chung.

Mar 17-2019


________________________________

Chú thích:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo