Những người Tây Tạng lưu vong ở New Delhi, Ấn Độ biểu tình đánh dấu 60 năm Ngày Tây Tạng Nổi dậy. (Manish Swarup/AP)
Trần Quốc Việt (Danlambao) - Lời người dịch:
Chủ nhật này thế giới tưởng niệm 60 năm cuộc nổi dậy thất bại của nhân dân Tây Tạng chống lại ách đô hộ của Trung Quốc.
Đức Đạt Lai Lạt Mà cùng hàng vạn người dân Tây Tạng khác đã đào thoát sang Ấn Độ. Họ đã trải qua những ngày đầu lưu vong rất gian nan. Nhưng thế giới tự do đã giúp đỡ họ.
Trong hồi ký Đức Đạt Lai Lạt Ma viết như sau: "Những tổ chức cứu trợ tự nguyện ở nhiều nước khác đã giúp đỡ tiền bạc hay thực phẩm, áo quần, hay thuốc men. Chính phủ các nước Anh, Mỹ, Úc và Tân Tây Lan đã gởi những quà tặng để giúp chúng tôi giáo dục trẻ em chúng tôi, và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã gởi cho chúng tôi quà tặng gạo. Chúng tôi rất cảm ơn chân thành tất cả những tấm lòng nhân ái này; sự giúp đỡ ấy thật là vô giá để giúp chúng tôi ổn định cuộc sống.."
Việt Nam Cộng Hòa cũng là một trong những nước chính thức lên án Trung Cộng xâm lăng và đô hộ Tây Tạng.
*
Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch
Sài Gòn, 16 tháng Tư, 1959
Theo sau bi kịch ở Hungary vào năm 1956, cuộc xâm lăng vũ trang Tây Tạng của Cộng sản Trung Quốc tiếp tục gây ra sự phẫn nộ trong giới chính quyền và trong dân chúng ở tất cả các quốc gia, nhưng cuộc xâm lăng này đồng thời cũng phủ nhận rõ ràng chính sách cùng tồn tại hòa bình mà Trung Cộng đã tuyên bố chính thức lần đầu tiên về Tây Tạng trong hiệp ước Trung Cộng ký với Ấn Độ vào ngày 29 tháng Tư, 1954.
Những thủ đoạn ngoại giao mở đường cho cho việc Trung Cộng thôn tính Tây Tạng hiện nay mà bắt đầu từ sự công nhận Tây Tạng là một phần của khu vực cộng sản Trung Quốc và kết thúc bằng sự công nhận Tây Tạng là phần không thể tách rời của Trung Cộng mà không có sự đồng ý của nhân dân Tây Tạng, thể hiện qua một loạt hành động trái với lịch sử và quyền tự quyết của các dân tộc. Chúng phơi bày chủ nghĩa đế quốc mới mà chính Hội nghị Bandung đã tố cáo.
Chúng tôi nhớ lại rằng ở hội nghị này, ông Chu Ân Lai, trường đoàn đại biểu Trung Quốc thời đó, để tránh bị lên án, đã cam kết chính thức rằng chính phủ Bác Kinh sẽ không tìm cách áp đặt bất kỳ chế độ chính trị nào lên Tây Tạng và lặp lại chính lời của ông, " phải mất năm mươi hay đúng hơn cả trăm năm Tây Tạng mới biến thành cộng sản".
Tất cả các nhân dân Châu Á hiện nay đang đối diện với cuộc xâm lăng và khủng bố đẫm máu gây ra cho nhân dân Tây Tạng đều biết đánh giá lời cam kết như thế.
Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và nhân dân Việt Nam ủng hộ Tây Tạng trong cuộc đấu tranh anh hùng mà Tây Tạng đang tiến hành nhằm bảo vệ nền độc lập của quốc gia và gìn giữ linh hồn của dân tộc tự do; và hy vọng rằng những quốc gia yêu chuộng hòa bình và công lý khác cũng sẽ dành sự ủng hộ như thế cho sự nghiệp của nhân dân Tây Tạng.
Về phần mình, họ đang sẵn sàng cưu mang những người tỵ nạn Tây Tạng như họ đã từng giúp đỡ những nạn nhân trong cuộc đàn áp của Liên Xô ở Hungary, và hoàn toàn ý thức về sự cần thiết đối với những quốc gia bị đế quốc cộng sản đe dọa phải đoàn kết sức mạnh tinh thần và vật chất để đương đầu với mối nguy cơ chung.