Về những chương trình văn nghệ trong mùa Quốc Hận Tháng Tư Đen - Dân Làm Báo

Về những chương trình văn nghệ trong mùa Quốc Hận Tháng Tư Đen

Hạt sương khuya (Danlambao) - Mùa tháng Tư lại đến. Tháng tư, theo lẽ thường sẽ là một tháng rất đẹp khi những bông hoa xuân đang vươn mầm nở rộ khoe sắc trên những con nắng vàng óng ả sau những ngày đông giá buốt. Thế nhưng, đối với những người Việt tị nạn Cộng sản, thì tháng Tư là tháng "vo gạo bằng nước mắt", tháng của ngồi đâu cũng nhớ, cũng đau.

Trong cuộc hành trình đi tìm Tự Do, đã có hằng triệu người bỏ mình trong rừng sâu nước độc hay trên biển cả mênh mông. Có là nạn nhân qua những cuộc bể dâu ấy, mới thấu hiểu vì sao lòng "vị tha" lại hiếm hoi đến thế đối với những con người đã một lần bước ra từ cánh cửa tử- sinh.

Đấy chỉ là một trong những nỗi oan khiên trong muôn vàn nỗi đau mà trong bài viết này, người viết không nhằm mục đích nêu ra hết tội ác của một chế độ phi nhân mà sau 43 năm đã quá đủ để mỗi người còn đang sống hôm nay, đều có thể là một chứng nhân của lịch sử.

Trong những năm gần đây, cứ mỗi độ tháng Tư về, thì khắp nơi, đặc biệt Âu Châu luôn xảy ra tình trạng tranh luận giữa những người có chung một quá khứ tị nạn, về những buổi ca nhạc mang chủ đề "nhạy cảm", có tính cách vui chơi, nhảy nhót tưng bừng trong mùa Quốc Hận Tháng Tư Đen. Người thì lấy lý do "từ thiện", kẻ phân bua tại, bởi, nhưng mà v.v... Nói theo lý thì đó là "quyền tự do". Nói theo tình thì phải xét theo nhiều khía cạnh để cảm thông hay đặt nặng vấn đề? Từ đó trong mỗi người chúng ta tự biết nhìn lại mà hành xử sao cho đẹp lòng nhau.

Đầu thập niên 80, khi tôi vừa chân ướt chân ráo, đặt chân trên vùng đất tự do tại Singapore. Khi tiếng hát Khánh Ly cất lên từ chiếc loa: Chiều nay, có một người, di tản buồn...! Vừa bước ra từ cõi chết, mang tâm trạng của người bỏ nước ra đi, lòng tôi như thắt lại, những giọt nước mắt tự nó tràn về như cơn thác lũ. Chả phải mình tôi khóc, phải nói là tất cả cùng khóc theo cách riêng của mình. Những tháng ngày định cư tạm thời ấy, cứ mỗi khi chiều về, tôi và một số bạn cùng một người anh tinh thần, thường hay leo lên đồi ở khu căn nhà số 14 ngồi ca hát để ôn lại những kỷ niệm vừa mới rời xa. Là một người có chút năng khiếu về ca hát, tôi thường được nhóm bạn yêu cầu hát những ca khúc có sự gắn liền với kỷ niệm riêng của mỗi người. Khi bài hát chấm dứt, không tiếng vỗ tay, không một tiếng động ngoài tiếng nấc nghẹn bi ai giữa bóng chiều tà. Sự chờ đợi bao tháng ngày, rồi cũng phải đến lúc chia tay để rời xa vùng đất tạm. Chẳng ai biết ngày mai này sẽ rao sao, khi cuộc hành trình chỉ là sự bắt đầu cho một nếp sống mới, kẻ đưa, người tiễn... những câu chào là những cái ôm xiết chặt qua đôi dòng nước mắt gửi theo lời từ biệt. Lại một lần nữa, cánh cửa tự do mở rộng đón chào những khuôn mặt ngơ ngác như người về từ cõi trên nào đó. Sau khi ổn định tạm thời về nơi ăn chốn ở, lòng lại trỗi lên một nỗi buồn khi tháng Tư về, hàng ngàn người kéo nhau ra biểu tình và sau đó là văn nghệ đêm không ngủ, những ca khúc đấu tranh rực lửa, nhất là khi phong trào Đông Tiến đang hun đúc ngọn lửa đấu tranh trong lòng mọi người. Những ca khúc cùng với tiếng hát của anh Việt Dũng và chị Nguyệt Ánh lúc bấy giờ, có thể nói đã lấy đi biết bao là nước mắt của những người Việt tị nạn Cộng Sản, khơi dậy ngọn lửa đấu tranh trong lòng mỗi người, những danh từ Quốc Hận, hay ngày Tang của dân tộc được nhắc đi nhắc lại từ những ca nghệ sĩ cho đến người hướng dẫn chương trình, khiến lòng người thêm tủi hờn và phẫn uất.

Chẳng biết từ khi nào, một cái luật bất thành văn đã được nhiều người Việt tị nạn CS tại hải ngoại, luôn coi ngày Tháng Tư Đen là một ngày đại Tang hay còn gọi là ngày Quốc Hận. Điều đó đúng hay sai khi cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên vào tháng 3 đầy máu và nước mắt trên dọc đường tỉnh lộ 7B, khởi đầu cho sự sụp đổ của ngày 30 tháng 4 năm 1975, đã để lại bao oan khiên với những chính sách tàn bạo, khiến cho hận thù ngày một chất chồng, để rồi quá khứ luôn là nỗi ám ảnh trên thân phận của những người bỏ nước ra đi. 43 năm trôi qua, người việt tị nạn CS cũng đã nguôi dần với quá khứ, "đa số" họ đã chấp nhận một cuộc sống lưu vong vĩnh viễn, vì biết rằng dù có trở về thì cũng sẽ trở nên xa lạ ngay trên chính quê hương mình. Nếu không có bàn tay lông lá của một chính sách thâu gom cộng đồng hải ngoại qua những chương trình văn hóa vận, được lồng chung vào với nghị quyết 36, gây phân hóa khắp nơi, khiến cho đời sống tinh thần của người Việt hải ngoại bị xáo trộn, thì có lẽ mọi việc vẫn êm đẹp như thể nước sông không phạm nước giếng. Ai đã gây ra cuộc xào xáo này?

Điều gì đã tạo nên làn sóng phản ứng từ nhiều hội đoàn qua những chương trình văn nghệ khiêu vũ, hay những buổi "siêu hài" đến từ Việt Nam trong mùa Tháng Tư Đen?

Hãy nghĩ đến hàng triệu người đã bỏ mình trên biển cả, hàng trăm ngàn Quân Dân Cán Chính VNCH bị chết tức tưởi trong chốn lao tù Cộng Sản. Hàng triệu vành khăn tang đội trên đầu cô nhi quả phụ trước và sau cuộc chiến, nước mất, nhà tan... thử hỏi nếu còn chút lương tri có ai nỡ lòng nào vui chơi trong ngày dâu bể tang thương ấy...! Chẳng ai bắt "chúng ta" khóc. Chẳng ai bắt " chúng ta" hát. Nhưng xin hãy hát những lời bi ai để ủi an những linh hồn vẫn còn đang vất vưởng bởi nỗi oan ấy chưa một lần được hóa giải.

Là một người Việt Nam chân chính, cho dù thuộc phe phái nào, thì chữ TÂM vẫn là cái giá trị để nói lên tính cách nhân văn của con người qua lề lối ứng xử. Một ông tổ chức ăn mừng sinh nhật, ca hát nhậu nhẹt ầm ỹ bên cạnh một đám tang đau buồn của người hàng xóm bên cạnh. Ông ăn mừng sinh nhật không có sai. Nhưng nếu là người có TÂM, thì ông ăn mừng sinh nhật sẽ dời ngày sinh nhật lại sang ngày khác, như vậy có phải là cách hành sử nhân văn đẹp cả đạo lẫn đời.

Nếu bảo rằng những chương trình văn nghệ nhảy đầm hay những chương trình "siêu hài" trong mùa Tháng Tư Đen không mang tính chính trị thì lại càng sai lầm. Vì sao tôi nói thế... cứ nhìn nhà cầm quyền Cộng Sản VN họ tuyên truyền như thế nào trong ngày 30 tháng Tư, thì chúng ta có thể hiểu là họ đang muốn bôi xóa cái vết nhơ lịch sử mà chính họ đã gây ra và cái tên gọi QUỐC HẬN là nỗi ô nhục ngàn đời không thể tha thứ. Họ có cái quyền làm những việc vô đạo lý cho mục tiêu chính trị, còn "chúng ta"... sao vội nỡ quên đi những tháng ngày lênh đênh trên biển cả, đánh đổi cả mạng sống của mình để có được cái căn cước tị nạn chính trị, để rồi hôm nay lại muối mặt "thỏa hiệp" dù vô tình hay cố ý thì việc làm ấy ít nhiều cũng tổn thương đến những người đang có cùng chung thân phận lưu vong. Xin đừng nói với tôi đất nước giờ đã thay đổi. Vâng... đúng là có thay đổi, nhưng đó là một sự thay đổi về một chính sách mới tàn bạo hơn, tinh vi hơn nhằm đưa con người vào chốn u mê, hủy hoại đi dân khí để đất nước này không còn sức đề kháng trước sự xâm lược trắng trợn của quân xâm lược tàu cộng. Hãy nhìn những chỉ dấu mê tín dị đoan trong thời gian qua, sự thờ cúng bát nháo, cầu may, buôn thần bán thánh cho thấy rõ ràng hơn về sự sụp đổ hoàn toàn của nền tảng đạo đức xã hội.

Giai đoạn này là giai đoạn cần sự hy sinh hơn bao giờ hết trước bối cảnh thăng bằng cán cân lực lượng giữa những siêu cường quốc. Nếu còn nghĩ đến tiền đồ của dân tộc, xin hãy vì cái chung, tạm gác lại những niềm vui cá nhân, đừng tiếp tay cho những kẻ không tim óc để phải mang tội với thế hệ mai sau.

Lời kết:

Nếu như cuộc chiến tranh chấm dứt bằng những nụ cười cùng với đôi tay dang rộng để anh em nhìn lại mặt nhau, thì ngày 30 tháng 4 đã là ngày Thống Nhất chứ đâu phải mang cái tên Quốc Hận để phải ô nhục trước lịch sử. Tôi tuyên xưng Tình Yêu với người có lỗi nhưng biết hối cải, chứ tôi không tuyên xưng tình yêu với kẻ bất tri bất lý để phải tiếp tục làm kẻ tội đồ vì đã vô tình tiếp tay cho cái ác mãi thống trị trên nỗi đau của đồng bào. 

27 tháng 3 năm 2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo