Mẹ Nấm (Danlambao) - Gần một năm trôi qua, vụ gian lận điểm thi vào đại học vẫn còn là câu chuyện đáng bàn cãi. Hướng xử lý đưa ra khiến nhiều người ngỡ ngàng. Đã có người cho rằng phải bảo vệ “danh dự đảng viên” đảng Cộng sản khi thông tin con gái bí thư tỉnh uỷ tỉnh Hà Giang, ông Triệu Tài Vinh nằm trong số các thí sinh được nâng điểm. "Danh dự đảng viên" quan trọng đến độ đảng viên Nguyễn Hữu Linh có hành vi sàm sở với bé gái trong thang máy đến nay vẫn bình an vô sự, còn những người xịt sơn phản đối tay Linh hiện đã được công an tìm ra.
Đây không phải là lần đầu "danh dự" của các đảng viên lãnh đạo được đề nghị bảo toàn. Trước đó, trong những phiên toà chính trị, với các tội danh liên quan đến “tuyên truyền chống nhà nước” thường trong các bản cung đều có kết luận “xúc phạm lãnh tụ”, “bôi nhọ lãnh đạo”, “nói xấu đảng viên”…
Đảng viên, đặc biệt là các lãnh đạo đảng có "danh dự" không?
Câu trả lời của tôi là không.
Bởi nếu có danh dự, không một người bình thường nào chấp nhận sống cùng với cái xấu và làm ngơ trước tội ác. Còn các đảng viên cộng sản - từ trung ương đến địa phương - chính là những người tạo ra cái xấu và gây nên tội ác với toàn dân tộc.
Có những đảng viên cộng sản chọn sự im lặng trong một xã hội bất công, điều ấy cũng dễ hiểu. Bởi đó là sự lựa chọn, là lợi ích, là sự an toàn cho bản thân họ và những người xung quanh họ. Tuy nhiên, đứng chung trong một tập thể mà những cá nhân lãnh đạo tham nhũng, cản trở sự phát triển của quốc gia mà vẫn nhắm mắt làm ngơ thì không thể xem là có danh dự được.
Nếu không thể chống lại cái xấu, cái ác, ít nhất cũng không nên chấp nhận đứng chung băng, cùng bọn với tập đoàn tội ác.
Danh dự là thứ không thể mua bằng tiền, cũng không phải là thứ mà anh có thể dí súng vào đầu người khác để có được trong đời sống. Một lãnh đạo đảng Cộng sản kêu gọi bảo toàn "danh dự" cho đảng viên trong khi chính bản thân cũng liên quan đến các sai phạm, những bê bối nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến tình hình chính trị xã hội, thì thử hỏi những người kêu gọi này có danh dự hay không? Xét lại lịch sử, việc gian dối, lừa lọc của ông Hồ Chí Minh cùng các đồng đảng từ thời khai sinh chẳng phải là cái gốc của tập đoàn tội ác mang tên đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay hay sao?
Cách làm “trong sạch bộ máy đảng viên” thường thấy nhất là “khai trừ đảng” những cá nhân làm xấu tập thể. Tuy nhiên, chính những kẻ ra lệnh khai trừ đảng lại là trùm thủ phạm của muôn vàn điều xấu!
Số lượng người tìm mọi cách vào đảng để được “cơ cấu” cũng không nhỏ.
Bên cạnh đó còn có thêm một thành phần "nhắm mắt vào đảng" để được có chỗ đứng hay thăng tiến trong công việc.
Lúc đầu, những đảng viên có điều kiện này thường im lặng, nhắm mắt làm ngơ trước những cái sai, cái xấu của đảng bộ. Sau dần, ít nhiều vì lợi ích của mình họ bày tỏ sự khó chịu, thậm chị tấn công trước những người phản kháng cái sai, cái xấu trong xã hội rất nghiệt ngã. Bằng nhiều cách, họ sẽ biện minh cho bản thân rằng “tôi là đảng viên, nhưng mà tôi tốt”. Đây chính là công thức mà đảng Cộng sản đã dùng để biện minh cho tội ác của tập đoàn này từ trước đến nay.
"Danh dự" của các đảng viên cấp cao, thường được bảo toàn bằng những bản án chính trị. Sự tôn trọng đến từ nòng súng hẳn là phương thức duy nhất mà đảng Cộng sản đã chọn.
Đảng viên có danh dự hay không? Câu trả lời tuỳ thuộc vào lựa chọn của mỗi người.
Riêng với tôi là không!
12.04.2019