Nguyên Thạch (Danlambao) - Nhiều hoạt cảnh bát nháo cùng vô số thảm trạng của xã hội Việt Nam hôm nay tưởng chừng như vô vọng, nhưng KHÔNG, mà ngược lại, sự biểu hiện ấy, chính nó đã trưng bày những chứng cớ chứng minh hùng hồn cho người ta thấy rằng Xã Hội Chủ Nghĩa là một thứ xã hội mà toàn bộ thành viên của nó đã không còn niềm tin. Khi niềm tin đã mất thì sự sụp đổ của cơ chế chỉ là vấn đề thời gian. Ai nắm bắt được nguyên lý này mà vận hành cho một cuộc cách mạng ắt sẽ thành công vậy.
*
Trong xã hội, một số người qua tìm hiểu, nghiên cứu cùng vận dụng sự suy đoán những dữ kiện thực tiễn của khoa tâm lý học lẫn nhận định dựa vào khoa học và tâm linh, họ đã không tin vào chủ thuyết cộng sản từ ngay lúc đầu. Số đông còn lại thuộc thành phần dân dã, vì điều kiện lẫn hoàn cảnh sống, họ không được may mắn để trao dồi kiến thức nên đã bị chủ thuyết hoang đường, không tưởng cộng sản chiêu dụ, hay nói một cách dễ hiểu hơn là vì sự nhận thức có giới hạn như một đứa trẻ chưa trưởng thành nên họ đã bị dụ dỗ bằng những chiếc bánh vẽ mụ mị.
Hồ Chí Minh và các tên chóp bu cộng sản đã biết lợi dụng sự giới hạn về kiến thức của đại đa số dân chúng để tạo nên những lực đòn bẫy hầu đạt đến những gì mà Hồ Chí Minh cùng ĐCSVN muốn. Độc lập, Tự Do, Hạnh Phúc... chỉ là những chiêu sách đánh vào tâm lý đám đông đầy ngây ngô và cả tin. Họ đã không lường được mưu đồ sau bức màn sắt là họ Hồ cùng đám đồ đệ chỉ muốn trở thành tầng lớp cai trị và đám đông dân đen kia chỉ là tầng lớp bị trị.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra (*)
Quả vậy, miền Bắc đã trở thành một xã hội cá chậu chim lồng. Đấu tố CCRĐ, Nhân Văn Giai Phẩm xét lại chống đảng, Thi hành chiến dịch vượt Trường Sơn vô "B". Đàn cá và bầy chim tự cấu xé thịt lẫn nhau, bầy chim lục sạo dòm ngó lẫn nhau để tố giác nhằm giữ lấy sự sinh tồn. Tất cả đã bị vào tròng một cách hoàn hảo ngọt lịm để hầu hết thành viên trong xã hội miền Bắc dưới cơ chế của Lê Nin: Mỗi người là một "công an nhân dân". Trong xã hội này, mọi người phải tuân lệnh đảng, đội côn an hay là bị dìm và thậm chí ngay cả con gà, con lợn, con trâu con bò cũng không được rên la khi bị cắt cổ. Một xã hội không chỉ Tự Do mới quí, mà cứt cũng quan trọng, thiếu cứt còn đồng nghĩa với thiếu nhiệt tình cách mạng.
Dân chúng miền Bắc đã lỡ vào tròng thì cổ luôn cố công mang ách, thanh niên miền Bắc, bên ngoài phải thể hiện chí khí hăng say nghe theo lời kêu gọi của bác đảng mà tiến vào Nam để đuổi Mỹ, giết Ngụy nhưng thật trong thâm tâm là khối nỗi buồn da diết, những nỗi buồn lo không bao giờ có thể thốt nên lời vì đồng đội của họ có thể bị bom dội banh xác, sốt rét xanh xao, đói khát tận cùng và khối thanh niên đã buông xuôi tính mạng nhưng họ sẽ buộc phải trung kiên trong nhiệm vụ giám sát lẫn nhau, cũng như sẵn sàng tố giác lẫn nhau để bản thân được có đoàn, có đảng và gia đình ở hậu phương còn có được tem phiếu lương thực.
30 tháng Tư 1975, sự gian trá đã đến đích, cả nước đã bị ngự trị bởi cái gọi là "Thống nhất gian dối" và cứ đà ấy mà phát triển không ngưng nghỉ để ngày càng trở nên một xã hội "Xạo Hết Chỗ Nói". .
Người Việt đã rời bỏ đất nước chạy trốn những gian dối ấy sau một thời gian dài, cho đến khi có dịp trở lại thì chợt nhận thấy rằng khối gian dối đó nay đã trở thành vĩ đại bởi họ có được sự so sánh giữa cuộc sống của họ trong Dân Chủ và Nhân Bản, nơi họ định cư với cuộc sống hôm nay ở Việt Nam dưới một cơ chế lấy lừa mị làm nền tảng cho xã hội. Một xã hội mà băng đảng cai trị xem dân chúng như một lớp bị trị nhưng lớp bị trị này bên ngoài vẫn luôn ca ngợi vẫn luôn yêu thích lũ cai trị ăn thịt sống, uống máu tươi của chính bản thân mình, gia đình mình. Vẫn cúi đầu sợ hãi với biểu hiện lạnh nhạt, thờ ơ với con số nhỏ nhoi dám đứng lên đấu tranh đòi quyền sống và chấp nhận tù đày hoặc hy sinh cả mạng sống.
Thực tế về sinh hoạt chính trị của người dân ở quốc nội trong thời gian đã qua cho đến hôm nay là một thực tế phũ phàng.
Thực tế về đời sống và đạo lý con người ở Việt Nam hôm nay cũng không kém gì thực tế chính trị, người ta sẵn sàng sát hại lẫn nhau vì lợi nhuận, anh em, bà con thân thuộc, bạn bè thân hữu... chực hờ cướp giựt của nhau dù trước đó họ đã từng thọ ơn cưu mang, giúp đỡ. Riêng vấn đề bị cưỡng giựt tài sản này giữa người dân với nhau, không ai tường tận và trải nghiệm hơn người Việt ở nước ngoài, mà VC hay dân trong nước gọi là "Việt kiều".
Nhiều hoạt cảnh bát nháo cùng vô số thảm trạng của xã hội Việt Nam hôm nay tưởng chừng như vô vọng, nhưng KHÔNG, mà ngược lại, sự biểu hiện ấy, chính nó đã trưng bày những chứng cớ chứng minh hùng hồn cho người ta thấy rằng Xã Hội Chủ Nghĩa là một thứ xã hội mà toàn bộ thành viên của nó đã không còn niềm tin. Khi niềm tin đã mất thì sự sụp đổ của cơ chế chỉ là vấn đề thời gian. Ai nắm bắt được nguyên lý này mà vận hành cho một cuộc cách mạng ắt sẽ thành công vậy.
(*) Ca dao VN