Nguyệt Quỳnh (Danlambao) - Có người bảo: “nụ cười là ngôn ngữ chung của toàn thế giới và là điểm bắt đầu của mọi yêu thương”. Thế nên, xin cám ơn bác tài xế nào đó đã cho tôi mỉm cười và cái cảm giác ấm áp khi nhìn thấy bức ảnh của anh. Bức ảnh chụp một giàn phòng thủ nghiêm ngặt của công an, cơ động ở trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài trong ngày 15/3 vừa qua. Nghe nói có vào khoảng 200 công an, an ninh, cơ động đã được điều tới đây với đầy đủ dùi cui và vũ trang. Ngoài ra, còn có cả xe phá sóng và xe chở phạm nhân túc trực ngay bên trạm.
Nhà nước thì căng như thế, như đang canh chừng khủng bố hay bạo loạn; trong khi người dân thì lại cười mỉm chi một mình trong xe, với lời nhắn trên Phây “đang cảm thấy được chào đón”.
Đối với người VN, theo tôi, nụ cười còn chất chứa nhiều hơn yêu thương; nó ẩn dấu sự bất khuất, là bản lĩnh của một con người trước cường quyền. Chúng ta còn nhớ một bài thơ của Thủ Khoa Huân, ông viết trong ngày bị thực dân Pháp áp giải đi hành hình. Từ nhà ngục Mỹ Tho đi thuyền đến Bến Tranh, trong tiếng trống inh ỏi nhằm quy tụ người dân và uy hiếp tinh thần người yêu nước; kẻ bị đóng gông đã ngồi viết bài thơ “Mang Gông”. Bài thơ mà cả trăm năm sau đọc lại, ta còn cảm được cái khí phách, cái ngạo nghễ của kẻ sĩ trước cái chết. Cùng lúc, nó cho ta cái cảm xúc của nỗi tiếc thương xen lẫn với nụ cười.
Hai bên thiên hạ thấy hay không?
Một gánh cương thường, há phải gông!
Oằn oại hai vai quân tử trúc,
Long lay một cổ trượng phu tòng.
Sống về đất Bắc danh còn rạng,
Thác ở thành Nam tiếng bỏ không.
Thắng bại, dinh hư trời khiến chịu,
“Phản thần”, “đ... oả” đứa cười ông!
Thế nên, tôi hiểu vì sao trong phiên xử Lê Đình Lượng thấy anh mỉm cười trước án tuyên 20 năm. Ls Đặng Đình Mạnh đã chia sẻ về anh như những con người vác thập giá cứu chuộc cho quê hương “những bước chân trần của tiền nhân trên Đồi Sọ thuở trước”.
Quay trở lại với cái ngày mà BOT Bắc Thăng Long được bao vây bởi dùi cui và bạo lực để khẳng định sức mạnh của kẻ cầm quyền. Rõ ràng khi bạo lực đứng về phía sai trái, nó đánh thức lòng tự trọng của đa số người dân thầm lặng, nó thúc đẩy người ta phải can đảm đứng lên cho lẽ phải, một điều mà các nhà hoạt động trong thời điểm trấn áp gay gắt hiện nay không có khả năng truyền đạt tới đồng bào của họ. BOT “bẩn” có thể chỉ đang là một vết nứt nhưng nó báo hiệu ngày con đê sẽ vỡ. Chúng ta thấy điều đó qua quyết tâm của những người như chị Trần thị Thu Thủy, hai người bạn của chị, và hai lái xe vô danh.
Khi biết BOT Bắc Thăng Long đang bị công an, quân đội bủa vây; chị Thủy cùng các bạn quyết định qua trạm. Lượt đi, họ qua trạm suôn sẻ; nhưng lượt về mới là cơ hội để họ đối đầu. Công an đã đến vây xe, tự động mở cửa, giật điện thoại, lôi xềnh xệch cả năm người ra rồi tống họ lên một chiếc xe thùng đã đợi sẵn. Ở tại đồn công an huyện Sóc Sơn, họ bị giam giữ suốt 30 tiếng đồng hồ và bị phạt vạ lên đến hai triệu rưỡi. Tuy nhiên, chị Thủy đã lên tiếng với BBC sau đó, rằng chị sẽ không từ bỏ việc chống lại các trạm BOT “bẩn”, và chị xem đó là việc làm chống tham nhũng để giúp đất nước phát triển, …
***
Người dân thường, trước sai trái, còn phản ứng mạnh mẽ như thế, thế thì lãnh đạo CS lấy đâu ra uy lực mà đòi kỷ luật các ông Chu Hảo hay Trần Đức Anh Sơn.
Khi Gs Chu Hảo bị khai trừ khỏi đảng, lập tức kích thích cả một đội ngũ đảng viên hăm hở từ bỏ đảng như ngày hội. Có ít nhất 13 trí thức đã tự động theo chân Gs Chu Hảo như các ông: Ts Mạc Văn Trang, nhà văn Nguyên Ngọc, Ts Trần Thanh Tuấn, Ls Lê Văn Hòa, Ks Hoàng Tiến Cường, Giảng viên Dương Bích Hà,… Với người đảng viên CS, nếu ngày vào đảng trước kia được coi là một ngày thiêng liêng, thì nay người ta từ bỏ đảng như vất cái áo cũ, như rũ một gánh nặng. Chẳng hạn như đảng viên hưu trí Hà Quang Vinh: “tôi xin tuyên bố TÔI TỪ BỎ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, một tổ chức chính trị mà tôi đã gia nhập và phục vụ 43 năm qua. Bởi những gì tôi đã thấy và đã hiểu. Với niềm tin sau cơn mưa trời lại sáng của dân tộc ta”.
Ks Hoàng Tiến Cường thì “Không biết nói gì cho đủ. Không giờ 1 phút, ngày 27/10/18, tôi long trọng xin được tuyên bố: TÔI TRỞ VỀ VỚI QUẤN CHÚNG!” Hay, như ông Lê Nguyễn Hoàng, cư dân Hà Nội “tôi chính thức tuyên bố - từ bỏ hết từ Đội đến Đoàn. Trước nhân dân Tôi xin tuyên thệ nguyện một lòng làm một người công dân hết lòng với tổ quốc Việt Nam!” Và Ts Trần Thanh Tuấn “ngày vào đảng thì tôi không nhớ nhưng ngày hôm nay 27/10/18 chắc tôi sẽ nhớ mãi.”
Riêng đối với trường hợp của Ts Trần Đức Anh Sơn, cái quyết định kỷ luật, khai trừ đảng của Ban Thường Vụ Thành Ủy Đà Nẵng chỉ khiến người bị kỷ luật … “cười mỉm”. Cứ xem cái cách ông trả lời bạn đọc thì biết! Khổ một nỗi, khi người trí thức cười thì không chỉ một mình họ cười. Cái hóm hỉnh, ý nhị của ông làm người ta liên tưởng đến cái duyên dáng, bản lĩnh của nhà báo Phan Khôi thuở nào.
“Trần Đức Anh Sơn : Xin trả lời các bạn” là tựa đề một bài viết ngắn của tác giả, nhằm trả lời các câu hỏi vì sao ông bị khai trừ khỏi đảng. Theo Trần Đức Anh Sơn thì chỉ tại 3 status ông đăng trên Facebook cá nhân, vào các ngày 05/18/08, 18/08/18 và 02/09/18 mà ra cớ sự.
Đọc kỹ, thì không thấy ông viết gì nhiều, mỗi status chỉ có dăm chữ, status dài nhất của ông chỉ có 22 chữ. Cái lỗi của ông là đã chỉ ra cái xấu xa của cán bộ, và dám vạch trần những trơ trẽn của ban tuyên giáo; biến những “tuyên huấn” của đảng thành trò cười cho thiên hạ.
Thật ra, vạn vật trong trời đất đều tuân theo quy luật đào thải để tiến hoá. Khi người ta từ bỏ đảng thì không phải là “tự diễn biến, tự chuyển hóa” như lời TBT đâu. Những gì lạc hậu, không còn phù hợp, không ăn khớp, không đáp ứng những nhu cầu khách quan; những gì đi thụt lùi, trái với quy luật phát triển thì sẽ bị đào thải. Thế thôi. Do đó, ngày nào đảng không tự chấn chỉnh mà chỉ lo đối phó với dân như bắt bớ, bỏ tù nhiều năm, trấn áp bằng bạo lực,… thì đảng cũng đang chọn đi “đúng quy trình” của những quốc gia độc tài đã bị đào thải.
Một khi dùng hình thức kỷ luật các cán bộ đảng, hay huy động lượng vũ trang hùng hậu chốt ở các BOT mà vẫn không hù dọa được ai thì chỉ có hai điều lãnh đạo cần phải hiểu:
1) Đã đến lúc, bạo lực chỉ làm cho người dân thêm mạnh mẽ.
2) Đã đến lúc, bạo lực chỉ làm vết nứt của con đê sớm vỡ toác ra.
Khi đất nước đứng bên bờ tử sinh thì chọn lựa thuộc về mỗi cá nhân. Ngày xưa, rất hiếm những người bản lĩnh như cụ Phan Khôi, nhưng ngày nay, không khó để tìm ra những người dân bình thường vẫn ung dung trước bạo lực. Họ là những người đang miệt mài chống BOT “bẩn” trên khắp các nẻo đường từ Nam ra Bắc. Là chị Thủy và những lái xe vô danh ở BOT Bắc Thăng Long - trước bạo lực, đã dám lấy cái quyết định sẵn sàng đối đầu với thái độ dứt khoát:
Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao (Phan Khôi)