Truyện ngắn: Về xóm cũ - Dân Làm Báo

Truyện ngắn: Về xóm cũ


-Mừng sinh nhật Măng.

Nhận ra giọng của cô dâu, bà Khánh đáp:

-Cảm ơn con. Con ở đâu mà nghe xa quá vậy, Mai?

-Dạ, tụi con đang ở Việt Nam.

-Hả, cái gì? 

Mai lập lại. Bà Khánh than:

-Trời! Con ơi!...

-Con biết thế nào Măng cũng la tụi con. Nhưng, sau chuyến đi chơi bằng du thuyền vùng Châu Á, tụi con lấy vé máy bay từ Singapore về Việt Nam thăm Ba của con trước khi về lại Mỹ.

-Mấy cháu đâu?

-Dạ, con gửi Mẹ con trông giùm.

-Mấy cháu không đi thì Măng đỡ lo…

Nói ngang đây, chợt nghe tiếng cãi nhau, bà Khánh hỏi:

-Ai cãi nhau mà ồn quá vậy, Mai?

Vì ngại người khác có thể hiểu được, Mai nói tiếng Anh:

-Dạ, xe do Ba của con thuê để đón tụi con từ phi trường đang dừng chờ đèn đỏ, bỗng nhiên công an, cảnh sát giao thông ra dấu cho xe của tụi con tấp vào bờ. Tụi con – và cả hơn mười chiếc xe khác – chờ hơn nửa tiếng đồng hồ mà chẳng ai cho biết là tài xế phạm lỗi gì! Bây giờ anh Tân đang cãi nhau với công an, cảnh sát.

Vì trước 1975 Tân học Trường bà Sơ cho nên bà Khánh ngại:

-Tân không biết tiếng Việt nhiều mà cãi với họ sao được! Coi chừng họ tìm cớ bắt nhốt Tân đó.

-Tụi con có số điện thoại của tòa Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam. Măng đừng lo.

Bà Khánh gần như muốn khóc:

-Ông bà mình nói “Chờ Mạ thì má đã sưng”. Con ngăn Tân, đừng cho Tân cãi với họ nữa.

-Măng chờ giùm con chút.

Chỉ một thoáng thôi, Mai “Allo”. Bà Khánh đáp:

-Măng nghe. Sao con?

-Chú tài lái xe cho tụi con nói với con là có người nói nhỏ với chú rằng “dúi” cho công an, cảnh sát ít tiền thì tụi nó cho đi; nhưng anh Tân không chịu! Anh Tân bảo không có xứ nào xe không phạm luật mà bị bắt, đòi tiền. 

-Cho Măng nói chuyện với Tân chút, con.

-Dạ.

Bà Khánh nghe tiếng Tân “cằn nhằn” nửa Tây nửa ta:

-Nếu mỗi chỗ đèn đỏ các anh đều đòi hối lộ như vậy thì người dân ở đây lấy tiền ở đâu mà sống? Đất nước như vậy hèn gì tên cộng sản Việt Nam (c.s.V.N.) nào cũng nhà cao cửa rộng, mộ phần thì xây sẳn không thua gì lăng tẩm của vua Tàu; còn dân thì nghèo đói, phải xuất khẩu lao động để làm điếm, trồng cần sa, mấy “bà bầu” thì sang Trung cộng bán thai nhi để lấy tiền!

Mai để điện thoại sát vào tai Tân rồi nói lớn:

-Măng nói đi. Anh Tân đang nghe nè.

Bà Khánh nói tiếng Anh cho Tân dễ hiểu:

-Tân ơi! Măng nói với các con nhiều lần rồi. Việt Nam chỉ còn là nơi để thương, để nhớ chứ ngày nào “cái đảng đó” còn cầm quyền thì Việt Nam không phải là nơi để các con trở về!

-Lâu quá Mai chưa gặp lại Ba của Mai mà!

-Măng hiểu. Nhưng con đừng nên cãi nhau với công an, cảnh sát.

Tân vẫn lý luận theo suy nghĩ của người lớn lên tại Mỹ. Nhưng khi nhận ra bà Thủy đang “sụt sùi”, Tân dịu giọng:

-Tại sao Măng khóc? Lúc con còn nhỏ, Măng thường dạy con là khi nào cũng đứng về lẽ phải mà!

-Măng biết. Nhưng không thể nào con cảm hóa hoặc phân tích phải trái với người cộng sản được! Cho Măng xin đi! Con làm sao mà khi trở về Mỹ con vẫn bình an thì đó là món quà sinh nhật vô giá con tặng cho Măng! 

Bị tình cảm chi phối, Nhân cố gắng nói tiếng Việt cho Mẹ vui:

-Con bét roi. “Mùn” xin nhụt Măng! 

-Cảm ơn con. Con đến Việt Nam hôm nào?

Tân trở lại nói tiếng Anh:

-Tụi con tới hôm nay, chưa giải quyết được chuyện tại phi trường thì bị cảnh sát bảo tấp vào lề không lý do. 

-Chuyện gì ở Phi trường mà con chưa giải quyết xong?

-Nhân viên tại phi trường rạch va-ly, lấy nhiều món hàng đắc tiền mà tụi con mua để biếu Ba của Mai. 

-Chưa giải quyết xong tại sao con rời văn phòng của hãng Hàng Không?

-Nhiều hành khách cũng bị ăn cắp như tụi con và họ cũng bị hẹn mai trở lại; vì bây giờ trễ rồi. 

-Thôi, con cho cảnh sát, công an ít tiền cho yên chuyện. Con ở đó lâu Măng không yên tâm.

-Ai cũng nghĩ như Măng cho nên c.s.V.N. mới thành công trong chính sách bóc lột người dân; còn người ngoại quốc nhìn vào Việt Nam, thấy toàn dinh thự, miếu đền nguy nga – thuộc quyền sở hữu của c.s.V.N. – thì họ nhầm, cho là Việt Nam đã phát triễn vượt bực!

Ông Khánh lấy điện thoại từ tay bà Khánh, nghiêm giọng, nói tiếng Anh:

-Tân! Hiện nay, Việt Nam không phải là nơi để con tỏ bày quan điểm của con! Nghe lời Măng đi!

-Okay, Daddy!

******

Trong bữa tiệc đoàn tụ, do nhà hàng đem đến, tại ngôi nhà nhỏ nơi xóm nghèo, ông Thạch – Bố của Mai – nói với bà con, bạn hữu:

-Kính thưa quý bà con và bạn hữu, tôi rất hân hoan được giới thiệu đến quý vị, cháu Mai, con gái út của tôi. Năm 1975, tôi đi trình diện để vào nhà tù của c.s.V.N. thì cháu Mai mới một tuổi. Sau đó, Hồng – bà xã của tôi – đưa năm đứa con vượt biển. Hôm nay là lần đầu tiên Cha con tôi gặp lại nhau. Và cũng hôm nay, tôi rất vui và hân hạnh được giới thiệu đến quý vị “chàng rể” của tôi, Tân Nguyễn. Bố của Tân ngày trước tòng sự cùng đơn vị với tôi.

Mọi người vỗ tay. Tân và Mai cúi đầu chào. Ông Thạch tiếp:

-Tân đâu?

Tân “dạ” và đến cạnh ông Thạch. Vì mắt bị mờ, ông Thạch đưa tay lần dò tìm bờ vai của Tân. Nghĩ rằng ông Thạch muốn dò xem chiều cao của chàng, Tân khoát tay qua vai ông Thạch, vừa cười vừa cong hai đầu gối xuống rồi tựa đầu sát mái tóc bạc phơ của ông Thạch và nói tiếng Việt: 

-Con khon cao hon Ba “đao”.

Mọi người cười rộ lên. Ông Thạch nói:

-Quý vị thấy “chàng rể” của tôi nói tiếng Việt “ngon” không?

Mọi người đang ăn uống, chuyện trò vui vẻ, bất ngờ ông bạn của ông Thạch nói:

-Kính thưa quý vị, tôi là bạn tù cùng trại với anh Thạch. Tôi biết anh Thach đàn, hát rất hay. Nhân ngày vui đoàn tụ giữa anh và vợ chồng cháu Mai, yêu cầu anh Thạch cho chúng tôi thưởng thức giọng ca của anh.

Mọi người vỗ tay. Ông Thạch đáp:

-Cảm ơn bạn. Tôi nhờ ca hát “nghêu ngao” hoài cho nên vẫn cảm thấy đời đáng yêu!

Mai trao Guitar cho ông Thạch. Ông Thạch so giây đàn rồi tiếp: 

-Kính thưa quý vị, trước khi tôi đàn và hát, xin quý vị cho phép tôi được trình bày cùng quý vị một cách ngắn gọn về hoàn cảnh của tôi. Hồi đám cưới của cháu Mai và Tân, Hồng và hai cháu đã gửi thiệp mời, cũng như điện thoại, mời tôi sang Hoa Kỳ dự đám cưới của hai cháu; nhưng tôi từ chối – cũng như tôi đã từ chối bốn đám cưới trước đây của các con tôi.

Lý do tôi không sang Mỹ dự đám cưới của các con tôi – cũng như tôi không nộp hồ sơ xin sang Mỹ theo diện H.O. – không phải vì tôi mặc cảm, oán giận Hồng đã “ôm cầm sang thuyền khác”, mà chỉ vì tình cảm của một sĩ quan tác chiến như tôi dành cho đồng minh Hoa Kỳ không còn sâu đậm nữa! 

Lý do nào khiến Hoa Kỳ tham chiến tại miền Nam rồi bỏ rơi miền Nam Việt Nam, tôi không muốn bàn luận vào lúc này. Nhưng lý do Hồng đem con vượt biển rồi phụ tình tôi thì tôi hiểu và tôi muốn thưa cùng quý vị rằng: Tôi cảm ơn Hồng rất nhiều về hành động can đảm, sáng suốt và táo bạo khi đưa năm đứa con của chúng tôi vượt biển. Nhờ hành động sáng suốt của Hồng mà ngày nay các con của tôi đã thành thân và thành nhân.

Thưa quý vị, có thể quý vị không đồng ý với thái độ sống của tôi; có thể quý vị cho rằng tôi... không bình thường. Nhưng riêng tôi, tôi rất thoải mái với thái độ và quyết định về cuộc đời bất hạnh của tôi! Tôi nghĩ, trong gia đình, một mình tôi bị c.s.V.N. cầm tù… đủ rồi! Không bao giờ tôi muốn năm đứa con của tôi phải lớn lên trong một xã hội vô nhân tính, vô giáo dục, vô đạo đức như xã hội Việt Nam dưới sự cai trị đầy sắt máu của c.s.V.N.

Được sang Mỹ tu nghiệp hai lần, tôi hiểu cuộc sống tại Mỹ rất khó khăn. Là một phụ nữ đẹp, không quen lam lũ, trong tay năm đứa con thơ, trên đất lạ, không người thân thích, Hồng cần một “bờ vai” để nương tựa. Và tôi thành thật biết ơn anh Vinh – người bạn thời thơ dại, cùng xóm với tôi – đã trở thành điểm tựa vững chắc cho Hồng suốt mấy mươi năm qua. 

Nhân đây tôi cũng xin cảm ơn Lài – người đã và đang giúp tôi đi nốt đoạn đường đời! 

Và bây giờ, để giới thiệu và chào mừng “chàng rể” của tôi, tôi xin hát tình khúc Tà Áo Cưới của Hoàng Thi Thơ.

Mọi người vỗ tay. Ông Thạch dạo phân đoạn đầu. Dường như không hài lòng với giai điệu nguyên thủy, ông Thạch chuyển sang Rumba Melody. Theo tiếng Guitar trầm trầm, giọng ông Thạch nghe khàn khàn: “Tôi đi trong nắng Thu mầu nhớ. Ngơ ngẩn vì tiếng gió Thu buồn…” Theo tiếng hát nghẹn ngào của chính ông, ông Thạch tưởng như có thể thấy lại được nhân dáng thướt tha, đôi mắt nồng nàn của cô học trò cùng lớp với Thạch. Năm đệ nhất, cô bạn ấy thi đậu tú tài II; Thạch thi hỏng vì ham đá banh!

Nỗi buồn vì thi hỏng chưa nguôi, Thạch được tin cô bạn ấy lập gia đình với giáo sư toán. Từ đó, mỗi chiều, sau khi ôn bài để thi kỳ II, Thạch thường ngồi dưới gốc dừa nơi sân sau, ôm Guitar, vừa đàn vừa hát như tự ru hồn chàng: “…Những tà áo cưới thướt tha bay bay trong nắng chiều... Ôi buồn làm sao !...” Theo tiếng đàn, tiếng hát, Thạch cảm nhận được nỗi đau vời vợi đang len lõi theo từng tĩnh mạch!

Một buổi chiều, cũng dưới gốc dừa, nơi sân sau, trong khi Thạch đang thả hồn theo hình bóng cũ thì Hồng – cô bé cùng xóm – đến, ngồi “chồm hổm” cạnh Thạch, nhìn Thạch bằng đôi mắt đăm chiêu! Thấy Hồng cứ ngồi yên trong tư thế như vậy, Thạch ngưng đàn, hỏi:

-Gần tối rồi, ăn cơm chưa mà ra đây, bé Hồng?

-Dạ, chưa.

-Chưa thì về ăn đi!

-Em thích nghe anh hát mà. 

-Về ăn cơm rồi qua nghe.

-Lúc đó anh “dẹp” mất tiêu!

-Anh chỉ ngại em bị Ba Mẹ la vì em không về ăn cơm.

-Ba Mẹ em “hỏng” dám la em đâu!

-Ý da! Con nhỏ này “ngon” thiệt!

-Em nói giởn mà. Anh đừng “mét” Ba Mẹ em, em bị đòn đó!

-Ừ, thì về ăn cơm đi!

-Anh đàn, hát cho em nghe bài đó một lần nữa rồi em về.

-Sao hôm nay bé “lộn xộn” quá vậy?

-Ai biểu anh hát cái gì mà nghe … “gầu thúi guột”!

Bé Hồng nói ngang đây, chợt nghe tiếng Mẹ gọi. Thạch cười:

-Thấy chưa? Về ăn cơm đi!

Bé Hồng chồm sát vào tai Thạch, che miệng, nói nhỏ:

-Mai em qua, anh đàn, hát cho em nghe bài đó nữa, nhen!

Thạch “ờ” một cách thờ ơ.

Hôm sau Hồng qua. Thấy Hồng không có vẻ lém lỉnh như mọi ngày, Thạch ngưng hát, hỏi:

-Hôm qua bé về có bị la không?

-Dạ không.

-Không mà sao hôm nay “cái mặt chụng bụng” vậy?

-Dạ, vì em biết được chuyện bí mật.

-Chuyện bí mật của ai?

-Dạ, của anh.

-Anh thi rớt, cả xóm biết rồi; còn gì bí mật đâu!

-Bài anh thường hát “tên” gì?

-Bé còn con nít, hỏi chuyện người lớn làm chi?

-“Xời”, tên bài hát mà cũng bày đặt là người lớn!

-Thì thôi! Tựa của bài đó là Tà Áo Cưới.

Hồng đứng bật dậy, vừa reo vui vừa “nhảy cà tưng”:

-Ha…ha… “Muốn người ta, người ta ‘hỏng’ muốn; xách cái dù đi xuống đi lên”!

Thạch vừa quơ tay giả vờ như tìm cây roi vừa nói:

-Con nhỏ này, muốn bị đòn hả?

Ngỡ rằng Thạch giận thật, Hồng sợ, chạy về nhà. 

Thạch bận học thi, quên bẳng cô bạn nhỏ. Riêng Hồng, vì những biến chuyển tâm lý phức tạp vào tuổi vừa chớm dậy thì và cũng vì bận chơi đùa với nhóm bạn cùng lứa, quên Thạch luôn!

Bẳng đi một thời gian dài, Thạch trở về xóm cũ trong bộ quân phục của Trường Võ Bị Quốc Gia Dalat, tay xách va-ly nhỏ, vai vác Guitar. Thấy cô gái đứng cạnh giàn bông bụp, nhìn chàng chăm chăm như cố tìm những nét thân quen ngày trước, Thạch bước đến, cười:

-Hồng! Em khỏe không? Nhận ra anh không?

-Dạ, cảm ơn anh, em khỏe. Em nhận ra anh; nhưng anh đen hơn hồi đó.

-Lính mà làm sao trắng như học trò được, em!

-Anh “đi” lính gì?

-Anh xin về Thủy Quân Lục Chiến; nhưng chưa biết được chấp thuận hay không.

Thấy Hồng có vẻ lúng túng vì không biết gì thêm để kéo dài cuộc đàm thoại, Thạch bảo:

-Để anh vào chào hai Bác.

-Dạ, Ba em đi làm chưa về. Mẹ em “hỏng” có ở nhà.

-Vậy thì em qua nhà anh chơi; anh đàn, hát cho em nghe.

-Em sợ bị anh la.

-Tại sao anh lại la em?

-Dạ, tại vì hồi đó em “chọc quê” anh.

Thạch không nhớ được:

-Tại sao hồi đó em “chọc quê” anh?

-Vì hồi đó anh thất tình!

Chợt nhớ, Thạch cười:

-Chuyện đó vui chứ có gì đâu mà la.

-Anh không la em thì em qua nhà anh liền.

Đi bên nhau được vài bước, Hồng hỏi:

-Anh Thạch! Anh còn hát “bài đó” không?

Thạch muốn hỏi “Bài đó là bài nào?” nhưng chợt nhớ, vội đáp:

-Anh có bài khác hay và ý nghĩa hơn “bài đó” nhiều.

-Tựa bài này là gì, anh Thạch?

-Em Gắng Chờ của Huỳnh Anh.

-Ô, tựa đề dễ thương quá! Anh nhớ tập cho em hát bài này, nhen!

Thạch nghi ngờ:

-Bộ em có “bồ” rồi hay sao mà đòi chờ đợi?

-Dạ, đâu có. Ba Mẹ em khó thấy mồ!

-Cha Mẹ nào có con gái đẹp cũng phải “chăn” kỷ lắm đó, Hồng.

-Anh “về phe” với Ba Mẹ em, em “nghỉ” anh ra.

-Sao dễ giận vậy, “cô nương”?

-Anh bày em hát bài Em Gắng Chờ thì em “hỏng” giận anh nữa.

-Anh sẽ tập cho em hát bài Em Gắng Chờ, với điều kiện là em chỉ sẽ hát bài Em Gắng Chờ cho một mình anh nghe thôi. Chịu không?

Hồng cười, cúi mặt, đôi gò má ửng hồng…

Dòng hồi tưởng của ông Thạch đến đây cũng là lúc ca khúc Tà Áo Cưới sắp đến phân đoạn cuối. Tiếng Guitar chậm dần cùng với tiếng hát thiết tha của ông: “…Nắng để lòng tôi bớt quạnh hiu”.

******

Sau khi nhóm “bạn già” điện thoại, đề nghị sẽ bàn tính về một cuộc viễn du chung, bằng du thuyền, dọc theo các đảo phía Á Châu, ông Vinh mời các bạn đến nhà, xem youtube về chuyến du lịch vừa qua của Tân và Mai để các “bạn già” có khái niệm nên chọn hãng du lịch nào, ghé bến nào vừa rẻ vừa an toàn.

Nhóm “bạn già”, đại gia đình của ông bà Khánh và đại gia đình của ông Vinh bà Hồng quay quần nơi phòng khách trong khi Tân lo phần kỹ thuật, phóng lớn youtube lên màn ảnh TV.

Mọi người vừa dùng thức ăn nhẹ vừa thích thú theo dõi youtube. Ai cũng xuýt xoa, trầm trồ khi thấy, trong khung trời nhạt nắng, từng lượn sóng trắng xóa ve vuốt những giải cát vàng quanh các hải đảo êm mơ. 

Bàn tán về cảnh sắc thiên nhiên được một lúc, mọi người chợt im lặng khi thấy bữa tiệc mừng “chàng rể” tại căn nhà lụp xụp của ông Thạch hiện lên. Lời nói chuyện, tiếng hát, tiếng đàn của ông Thạch chinh phục mọi người. Bà Hồng cố nén xúc động khi nghe tình khúc Tà Áo Cưới. Ông Vinh vẫn bình thản, vui cười. Bất ngờ điện thoại của ông Vinh “rung”. Ông Vinh vừa mở cửa bước ra sân sau vừa “Allo”. Một chốc sau, ông Vinh hớn hở mở cửa bước vào, reo lên:

-Quý vị ơi! Ra chợ Việt Nam đặt heo quay đi!

-Chi vậy?

-Nguyễn Phú Trọng bị “stroke” tại Rạch Giá đúng ngày sinh nhật thứ 75 của “lão”!

-Thiệt không đó?

-Chú em của tôi bên Việt Nam vừa điện thoại cho biết. Có lẽ bệnh tình nặng cho nên Trọng “nhà ta” được đưa lên Chợ Rẫy rồi đưa ra quân y viện 108 ở Hà Nội. Điều buồn cười nhất là đảng c.s.V.N. vẫn chưa xác nhận hay phủ nhận tin “chàng” Trọng bị “stroke”. Người Việt trong nước rất vui, rất hả hê trước nguồn tin này; nhưng không dám tỏ ra, sợ bị công an, cảnh sát bắt!

Bà San lên tiếng:

-Hôm tướng c.s.V.N. Lê Đức Anh – người đã ra lệnh cho quân đội nhân dân c.s.V.N. không được nổ súng trong cuộc xâm lăng của Trung cộng vào Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa, năm 1988 – chết, người dân trong nước cũng vui mừng mà đâu dám tỏ ra!

Bà Khánh than:

-Vui, buồn là chuyện tình cảm của con người mà c.s.V.N. cũng cấm? Thế tại sao sau 30 tháng Tư 75, tối ngày loa phường cứ ra rả lời ông Hồ Chí Minh là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”?

Mai thưa:

-Măng à! Bên Việt Nam cấm nhiều thứ lắm! Hôm tụi con về thăm Ba con, tụi con phải nói chuyện bằng tiếng Anh. Khi nghe anh Tân nói hai tiếng ViCi – Việt Cộng – Ba con căn dặn tụi con không được đề cập đến hai chữ ViCi, vì công an, cảnh sát sẽ bắt giữ; mà “vào công an thì ra nghĩa địa”!

Ông Hào bảo:

-C.s.V.N. là thứ phản phúc mà!

Mọi người nhìn ông, ông tiếp:

-Xem gương bà Nguyễn Thị Năm thời Cải Cách Ruộng Đất – cũng như gương của những bà Mẹ “liệt sĩ anh hùng!” thời c.s.V.N. chống Mỹ “kíu” nước đã cho Việt Cộng đào hầm trốn trong vườn, nuôi chúng ăn – thì biết! Bà Năm đã tặng tiền, vàng cho đảng và cán bộ c.s.V.N. không biết cơ man nào mà kể. Nhiều cán bộ cao cấp của c.s.V.N từng ở trọ trong đồn điền của bà Năm, được Bà nuôi ăn tử tế. Vậy mà khi cố vấn Trung cộng La Quý Ba kết tội bà Năm muốn “chui sâu, trèo cao” vào nội bộ đảng c.s.V.N. để chi phối đảng c.s.V.N. thì người c.s.V.N. đem bà Năm ra đấu tố cho vừa lòng quan thầy Trung cộng! Không những giết bà Nguyễn Thị Năm, c.s.V.N. còn bắt con của Bà là Nguyễn Hanh và Nguyễn Cát – đang công tác tại Trung cộng – về Việt Nam, nhốt tù cho đến cuối 1956 mới thả.(1) Còn các bà Mẹ “liệt sĩ” thời chống Mỹ “kíu” nước thì, sau 30-04-75, bị c.s.V.N. đuổi ra khỏi nhà, cho mang theo tất cả bằng tưởng lục, tri ân do c.s.V.N. cấp, chỉ để lại nhà và đất cho đảng c.s.V.N. xử dụng! 

Trưa 30-04-75, c.s.V.N treo cờ Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng Miền Nam (M.T.G.P.M.N.) trên kỳ đài dinh Độc Lập. Từ đó đến nay, ai thấy lá cờ M.T.G.P.M.N. hoặc nhân sự của M.T.G.P.M.N. nữa hay không?

Còn những tên Việt Cộng chuyên khủng bố, giết người, phá hoại miền Nam như Bảy Lốp, Nguyễn Văn Trổi và những tên trí thức làm lũng đoạn nền dân chủ non trẻ của miền Nam như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Huỳnh Tấn Mẫm, v.v…có hưởng được tý “mưa móc” gì của c.s.V.N. sau khi c.s.V.N. cưỡng chiếm miền Nam hay không? Nói tóm lại, c.s.V.N. phản bội tất cả những ai đã từng giúp c.s.V.N. thôn tính miền Nam – chỉ với mục đích khi lịch sử Việt Nam được c.s.V.N. viết lại thì chỉ có đảng c.s.V.N. mới có công “thống nhất” đất nước mà thôi!

Ông Nam góp ý: 

-Tưởng đánh cho Mỹ cút “Ngụy” nhào để làm gì; ai dè để bán trọn nước Việt Nam cho Trung cộng! 

Ông Phong mỉa mai:

-Trung cộng là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam nhưng lại là quan thầy của c.s.V.N. cho nên lúc nào c.s.V.N. cũng ngậm “bồ hò làm ngọt”. Năm 2014, Trung cộng đưa giàn khoan Hải Dương-981 ("HD-981") vào khu vực Biển Đông, gần quần đảo Hoàng Sa, c.s.V.N. chỉ dám gọi là “tàu lạ”. Năm nay, Trung cộng đưa giàn khoan thứ hai, tên là Dongfang 13-2 CEPB, vào vùng biển tranh chấp, c.s.V.N. cũng “im ru”, không dám “hó hé”. Thế c.s.V.N. không hèn thì ai hèn?

Ông Phong nói vừa dứt câu, Mai đem iPhone đến cho ông Vinh:

-Papa coi nè, “cà chớn” không?

Vừa thấy hình bức tượng Người Đàn Ông Cúi Đầu và đọc qua vài dòng, ông Vinh reo lên:

-Ha…ha… c.s.V.N. bị Đại Hàn “chơi xỏ” rồi!

Nhiều người ngạc nhiên, hỏi:

-“Chơi xỏ” như thế nào?

Ông Vinh vừa đưa điện thoại đến từng người vừa đáp:

-Đại Hàn vừa tặng cho thành phố Huế bức tượng Người Đàn Ông Cúi Đầu trong tư thế thuần phục giống như thái độ “khúm núm” của c.s.V.N. đối với Trung cộng. Nhưng Nguyễn Văn Thành – chủ tịch thành phố Huế – cho biết vẫn chưa thể trả lời cho Đại Hàn về việc đồng ý nhận bức tượng ấy hay không; vì phải chờ quyết định của tỉnh ủy. (2)

Bà Hào nói:

-Tối hôm qua tôi cũng đọc tin đó rồi. Bức tượng đó đã được Đại Hàn tặng nhiều nước khác nữa; nước nào cũng vui vẻ nhận món quà ngoại giao; chỉ có c.s.V.N. “có tịt quịt đuôi; có ghẻ né ruồi” cho nên còn lưỡng lự, chưa dám nhận.

Ông Vinh tiếp tục dùng iPhone để tìm tin tức mới về bệnh trạng của chỉ tịch Nguyễn Phú Trọng. Đọc qua vài dòng trên bản tin của đài BBC tiếng Việt, ông Vinh bảo:

-Đây rồi! Bây giờ c.s.V.N. mới xác nhận một cách mập mờ là Nguyễn Phú Trọng không khỏe nhưng “sẽ sớm trở lại làm việc”. Ai tin được không?

Ông Khánh thở dài:

-Ông Nguyễn Phú Trọng nằm bất cứ nhà thương nào, bà vợ của ông ấy cũng không phải tốn “xu” teng nào hết. Còn dân thường, c.s.V.N. có lệnh bắt người nuôi bệnh nhân phải đóng viện phí, vì người nuôi bệnh cũng dùng nhà cầu, xả rác, uống nước, v.v…

Bà Khánh không nén được tức giận:

-Không biết mấy tên phản chiến hồi đó bây giờ có thấy những sự việc tệ hại của c.s.V.N. hay không?

Ông Khánh có vẻ chán nản:

-Ai phản chiến, ai đả đảo Thiệu Kỳ “mua gì cũng có”, riêng những người lính như anh Thạch và tôi thì chúng tôi đã làm hết khả năng của chúng tôi rồi. Sáng 30-04-1975, đơn vị của anh Thạch được lệnh án ngữ tại Hàng Xanh. Chúng tôi chống trả mãnh liệt. Mới hạ được mấy xe tăng của c.s.V.N. đi đầu thì chúng tôi hết đạn! Nhiều quân nhân vịn vai nhau, tự mở chốt lựu đạn để cùng chết, chúng tôi ngăn không kịp! Khi tăng của c.s.V.N. kéo vào cả đoàn thì chúng tôi không còn lựu đạn để tự tử!

Ông Thông than:

-Mỹ cắt tất cả viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa (V.N.C.H.) từ năm 1973 trong khi Nga và Trung cộng vẫn tiếp tế vũ khí cho c.s.V.N. thì bảo sao đến tháng Tư 1975 mà V.N.C.H. còn vũ khí cho được! May mà anh Khánh và anh Thạch còn sống

Nghe nhắc đến ông Thạch, nhiều người len lén nhìn bà Hồng để dò phản ứng của Bà. Thấy bà Hồng vẫn ngồi lặng im bên cạnh ông Vinh, nét mặt buồn buồn, mọi người nhìn nhau với ánh mắt xót xa! Bất ngờ ông Vinh, đứng lên, dõng dạc nói:

-Kính thưa quý vị, trước sự hiện diện của quý vị cùng các con, dâu, rể và cháu của chúng tôi, tôi xin nói ra quyết định quan trọng của tôi. Thay vì du lịch bằng du thuyền cùng các bạn, Hồng – vợ tôi – và tôi sẽ trở về xóm cũ, thuyết phục anh Thạch, đồng thời lo thủ tục để bảo lãnh anh Thạch sang Hoa Kỳ chửa trị đôi mắt trước khi quá muộn!

Quá bất ngờ, mọi người đều bàng hoàng nhìn nhau! Riêng năm người con của ông Thạch và bà Hồng thì chạy đến, ôm chầm lấy ông Vinh, rối rít reo lên:

-Cảm ơn Papa. Cảm ơn Papa!

Bà Hồng tựa đầu lên vai ông Vinh, quẹt nước mắt, thầm thì:

-Mẹ con em xin cảm ơn anh.

Thấy gia đình ông Vinh đang bị tình cảm chi phối, nhóm “bạn già” và mọi người nhẹ nhàng đi ra cửa.

Sau khi tình cảm lắng dịu, bà Hồng rời vai ông Vinh. Nhận ra sự vắng mặt của nhóm “bạn già” và đại gia đình của ông bà Khánh, bà Hồng vội mở cửa trước, bước ra. Không còn chiếc xe nào trước nhà. 

Trong không gian tĩnh lặng của một buổi chiều, bà Hồng ngậm ngùi nhớ lại một câu trong tình khúc Em Gắng Chờ mà Thạch thường “ngân nga” nho nhỏ mỗi khi chàng từ giã vợ con để đi hành quân: “…Chiều chiều nhìn ra khơi, ngoài xa xăm ầm tiếng sóng, mơ đến em bên bến sông buồn trông chờ ... Dặn lòng dù xa xôi, tình đôi ta dù chia phôi, gác sầu, đợi anh em nhé ...” Bà Hồng thở dài, đưa tay thấm nước mắt. Vừa khi đó, ông Vinh xuất hiện, choàng vai bà Hồng:

-Thôi, đi vô. Đừng buồn nữa!

Vừa bước theo ông Vinh, bà Hồng vừa thầm nhủ: “Anh Thạch! Cảm ơn anh đã thấu hiểu tâm trạng và hoàn cảnh của em. Xin anh tha thứ cho em!”



https://www.diepmylinh.com/

1.-Wikipedia.

2.-VNExpress; Võ Thạnh – Viết Tuân.



 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo