Âm nhạc miền Nam đã nuôi dưỡng chúng tôi - Dân Làm Báo

Âm nhạc miền Nam đã nuôi dưỡng chúng tôi



Nhà báo Vũ Đông Hà: "Nếu ai hỏi tôi rằng sau ngày 30 tháng 4, 1975 cái gì mà cộng sản không thể "giải phóng" được; cái gì vẫn âm thầm nhưng vũ bão giải phóng ngược lại tâm hồn khô khốc của người dân miền Bắc lẫn nhiều cán binh cộng sản; cái gì vẫn miệt mài làm nhân chứng cho sự khác biệt giữa văn minh và man rợ, giữa nhân ái và bạo tàn, giữa yêu thương và thù hận; cái gì đã kết nối tâm hồn của những nạn nhân cộng sản ở cả hai miền Nam Bắc... Câu trả lời là Âm Nhạc Miền Nam.

Nếu ai hỏi tôi, ảnh hưởng lớn nhất để tôi trở thành người ngày hôm nay, biết rung động trước hình ảnh của Ngoại già lầm lũi quang gánh đổ bóng gầy dưới ánh đèn vàng, biết nhung nhớ một khe gió luồn qua hai tấm ván hở của vách tường ngày xưa nhà Mẹ, biết man mác buồn mỗi khi đến hè và trống vắng với một tiếng gà khan gáy ở sau đồi, biết tiếc nuối một mặt bàn lớp học khắc nhỏ chữ tắt tên người bạn có đôi mắt người Sơn Tây, biết ngậm ngùi trăn trở chỉ vì một tiếng rao hàng đơn độc đêm khuya... Câu trả lời là Âm Nhạc Miền Nam.

Âm Nhạc Miền Nam đã trở thành một chất keo gắn chặt cuộc đời tôi vào mảnh đất mang tên Việt Nam. Âm Nhạc Miền Nam đã làm tôi là người Việt Nam...

... Lần đầu tiên, chiến tranh tưởng như đứng cạnh bên mình là khi chúng tôi xếp hàng cúi đầu đưa tiễn Thầy của chúng tôi, là chồng của cô giáo Việt Văn, một đại úy sĩ quan Dù đã vị quốc vong thân. Cô tôi, mồ côi từ nhỏ, một mình quạnh quẻ, mặc áo dài màu đen, tang trắng, đứng trước mộ huyệt của người chồng còn trẻ. Cô khóc và hát tặng Thầy lần cuối bản nhạc mà Thầy yêu thích lúc còn sống - "Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo... Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa! Trên cõi đời này, trên cõi đời này. Từ nay mãi mãi không thấy nhau..."

Và tôi say mê Mùa Thu Chết từ dạo đó. Trong những cụm hoa thạch thảo đầy lãng mạn ấy có đau thương đẫm nước mắt của Cô tôi. Có hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ phủ nắp quan tài của người Thầy Đại úy Sĩ quan Binh chủng Nhảy Dù vào mùa Hè hầm hập gió Nồm năm ấy..."



Rồi cái ngày đó đến... !

Cái ngày siêu thảm họa phủ chụp xuống mảnh đất miền Nam hiền hòa bằng một bức màn đen tăm tối!

Mùa thu chết lặng! Mùa hạ úa nhàu! Mùa xuân lặng lẽ và cả mùa đông xanh xao bao quanh miền Nam yêu dấu!

Những thân phận tuổi trẻ Sài Gòn thời chúng tôi, đứa thì ăn bờ ngủ bụi trên những "em ở nông trường, em ra biên giới" đầy ma mị và dụ khị, đứa khác nằm vặt vẹo trong khám vì "tội" vượt biên, đứa nữa thì không tìm thấy xác trên Thái Bình Dương hay vạ vật đâu đó trong các trại tị nạn ở Indonesia, Malaysia, Philiipines trước khi được "trục vớt" sang bến bờ tự do! Nhiều đứa nữa đã nằm lại chiến trường Việt - Miên, có đứa què cụt về sống dựa gia đình! 

Cả cái đói...

Cái đói vàng mắt! Cái đói xanh mặt! Chúng tôi như những cái xác sống biết đi!

Nhưng những tâm hồn vặt vẹo đó vẫn được nuôi dưỡng bởi âm nhạc miền Nam - một nền âm nhạc đầy lòng nhân ái, với những phút giây thăng hoa mà các nhạc sĩ tài hoa đã để lại cho đời, dù nay, người còn người mất.

Tôi hát lên "Mùa Thu Chết" như gởi nỗi niềm đến bạn hiền Vũ Đông Hà - người bạn chưa một lần tao ngộ. Có hề gì! Âm nhạc miền Nam đã là điểm tựa tinh thần vững chãi cho anh, cho tôi...

Tôi hát lên những tình khúc bất hủ để ươm mầm nhân ái cho thế hệ trẻ hôm nay với lời nhắn nhủ: Hãy yêu thương loài người và trước hết hãy yêu ngay chính những đồng bào mang cùng giòng máu, nói cùng một ngôn ngữ - ngôn ngữ Việt Nam.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo