Nguyễn Thị Cỏ May (Danlambao) - Âu Châu thay đổi bộ mặt sau kết quả bầu cử hôm 26/5 vừa qua. Nhiều người còn đặt câu hỏi “Cải tổ hay phân hóa?". Điều nổi bật là các đảng phái lớn trên chánh trường Pháp từ nhiều thập niên nay gần như không còn đất cầm dùi. Các đảng xưa nay ồn ào nhất, tự cho là cấp tiến, phục vụ nhân dân lao động như các đảng cánh tả, cả cực tả như cộng sản, đều về chót trong bầu cử. Phe hữu cũng thua nặng. Ngày nay, Pháp sẽ không còn cặp đôi Tả/Hữu nữa. Một đặc sản chánh trị Pháp đã có từ thời cách mạng 1789.
Sự phá sản này do áp lực của làn sóng dân túy vừa xuất hiện.
Vài nét về cuộc bầu cử Âu Châu
Đảng Rassemblement National (RN- Tập hợp Dân tộc), tên gọi củ là Mặt Trận Dân tộc (Front National), bị dư luận, nhất là cánh tả, lên án là bài ngoại, một thứ “Tân Quốc xã”, nay là “Dân túy” (Populiste), chiếm đa số phiếu, dẫn đầu kết quả bầu cử Âu Châu, với số phiếu 23, 3%. Đảng cầm quyền về nhì với 22, 4% phiếu. Đảng Xanh đứng hạng 3 với 13,5% phiếu. Đảng cánh Hữu có nguồn gốc từ De Gaulle, chiếm 8,5% phiếu. Và các đảng cánh tả, cả cộng sản họp lại, chiếm được 6, 3% phiếu.
Điều đáng để ý là Đảng Xanh bỗng vượt lên. Không riêng gì ở Pháp mà ở cả Phần Lan, Đức, Ai-len, Bồ-đào-nha,… đưa vào Quốc hội Âu Châu 70 Nghị viên (rfi, 29/5/19), khoác cho Âu Châu một chiếc áo choàng mới màu xanh. Cử tri Xanh gồm phần lớn tuổi trẻ từ 18 – 34 tuổi, ý thức lo sợ ngày mai của chúng nó trước hiểm họa môi trường, trong lúc đó, các đảng phái chuyên nghiệp chỉ nặng lòng hơn với lá phiếu.
Sau cuộc bầu cử hôm 26/5, Nghị Viện Âu Châu bị phân hóa nhiều mảnh nhưng thuận lợi cho phong trào Xanh và sức khỏe trái đất.
Âu Châu có bị thay đổi nhưng Âu Châu vẫn còn Âu Châu. Trước bầu cử, nhiều tổ chức chống Âu Châu, chủ trương rút nước mình ra khỏi Âu Châu. Phong trào bài Âu Châu khá ồn ào nhưng vẫn chưa đủ sức phá vỡ Âu Châu. Và cũng chưa có nước nào khác đòi rút ra khỏi Âu Châu tiếp theo Anh.
Chiến thắng của Phong trào Xanh và tuổi trẻ là điều đáng mừng cho tương lai hành tinh.
Chọn lãnh đạo Âu Châu đang tranh cãi
Đó là 4 chức vụ điều hành Liên Hiệp Âu Châu: Chủ tịch Hội Đồng Âu Châu, Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu, Chủ tịch Nghị Viện và Ngoại trưởng. Việc chọn lựa 4 chức vụ lãnh đạo gặp khó khăn do sự bất đồng ý kiến cơ bản của 2 nước lớn là Đức và Pháp.
Đức muốn giữ nguyên tắc ứng cử viên do đảng về đầu trong cuộc bầu cử đề cử, còn Pháp thì muốn đề nghị các nhân vật uy tín và cũng để ý tới vấn đề nam/nữ bình đẳng.
28 thành viên có 3 tuần lễ để suy nghĩ chọn mặt gởi vàng, giải quyết sự bất đồng ý kiến hiện nay.
Cải tổ hay phân hóa?
Sau ngày 26/5, Âu Châu trước mắt chỉ còn 5 tới 10 năm nữa để cải tổ, vượt qua tụt hậu, bắt lại nhịp phát triển để trở thành một đại cường.
Sau hơn 60 năm thành lập, Liên Hiệp Âu Châu (UE – Union Européenne) ngày nay đối đầu với khủng hoảng nội tại: phát triển chậm, di dân ồ ạt làm xáo trộn sâu xa xã hội, vấn đề môi trường, cách mạng số, an ninh,....
Liệu Âu Châu sẽ thay đổi trong lúc thế giới cũng đang di chuyển trọng tâm?
Tuy nhiên Âu Châu vẫn giữ được vị thế hùng cường của mình. Với 500 triệu dân là một lực lượng tiêu thụ lớn, khả năng cao, Âu Châu vẫn chiếm vị thế một thị trường lớn thế giới. Cùng với nền văn minh sáng chói, Âu Châu có một nền luật Pháp hoàn hảo. Đồng euro bảo đảm hệ thống tài chánh ổn định và lần tạo được ít nhiều tự túc đối với đồng đô-la, như giữ được độc lập với lãi xuất của đô-la.
Kỹ nghệ làm máy bay, đóng tàu biển, xe lửa,… vẫn giữ Âu Châu một địa vị quan trọng trên thế giới. Sau cùng, Âu Châu tránh được khủng hoảng kinh tế nhờ Đức và những nước Bắc Âu phát triển.
Sau kinh nghiệm Anh rút ra khỏi Âu Châu, dân chúng các nước còn lại sẽ ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của sự hội nhập để bảo vệ hòa bình, đồng tiền chung ổn định, thị trường mở rộng, chế độ Pháp trị, tự do đi lại.
Ngoài ra Âu Châu còn là nền tảng dân chủ tự do. Kinh tế Âu Châu còn giữ được khá nhiều bản sắc đạo đức.
Phải chăng vì vậy mà trước bâu cử, có nhiều tổ chức bái Âu Châu, vận động rầm rộ nhưng không thắng cử được?
Âu Châu trước làn sóng dân túy
Bầu cử Âu Châu năm nay được dân chúng tham gia trên ước tính (trên 50%), đông đảo là tuổi trẻ vì chúng ưu tư cho tương lai. Xưa nay, bầu cử Âu Châu vẫn là cơ hội để cử tri phê phán chính quyền hoặc những người cầm quyền của mình.
Phong trào dân túy Âu Châu thắng cử lớn bất ngờ. Trước bầu cử, những người lãnh đạo phong trào dân túy có gặp nhau, bàn kế hoạch tranh cử và thế kết hợp với nhau vào Nghị viện Âu Châu để tranh đấu cho đường lối dấn túy nhưng thấy dự tính khó thành bởi họ chỉ mới có chung cái “dân túy” là “bảo vệ chủ quyền quốc gia” và “duy trì bản sắc dân tộc” mà hai điểm này lại khó thể hiện khác hơn điều đã có như quốc gia độc lập và tinh thần yêu nước. Ngày nay, các nước đều chủ trương độc lập và liên lập, khác hơn độc lập và cô lập.
Nhưng qua cuộc bầu cử vừa qua, Âu Châu thật sự đang đứng trước một thử thách lớn là sự trổi dậy của phong trào dân túy.
Ở Pháp đảng RN – bị cho là cực hữu, là dân túy – đã dẩn đầu trong cuộc bầu cử. Ở Đức, Áo, Hòa Lan, Hung, Bắc Âu, Anh, Bỉ, Ý, Hi Lạp, các nước cộng sản cũ,… phong trào này đang trên đà lớn mạnh, mặc dầu ở đâu cũng đều bị công kích, bị tẩy chay.
Theo nhà nghiên-cứu Anaïs Voy-Gillis, điều này có thể được giải-thích qua ba yếu-tố : sự khủng-hoảng về tính- cách đại-diện, làn sóng di-dân với hằng triệu người tới đòi hỏi đủ thứ và phá phách làm xáo trộn đời sống xã hội nơi tiếp cư, hồi giáo khủng bố, muốn hồi giáo hóa Âu Châu mà các đảng phái và chánh quyền không có biện Pháp hữu hiệu vì sợ mất phiếu, và sau cùng, dân chúng các nước trong Liên-Âu thấy như bị Liên-Âu lấy mất chủ quyền...
Khuynh-hướng quốc-gia dân-túy không phải chỉ thấy ở Âu Châu mà còn thấy ở nước Mỹ: “Làm cho nước Mỹ lớn mạnh lên” hay “nước Mỹ trước đã” là những khẩu hiệu đề cao tinh thần quốc-gia. Xem chừng đây là một trào lưu chung để chống lại quyền-lợi của một nhóm, một tập-đoàn. Trong diễn văn tranh cử, ông Trump đã nêu lên mục tiêu của ông không phải là những điều có thể mà là nước Mỹ mạnh hơn, tự hào hơn, an toàn hơn và lớn hơn. Đó không còn là thoả mãn cá nhân mà là vị thế của nước Mỹ phải vượt trội lên. Đây chính là sự khích động tinh thần quốc gia.
Tại Trung Hoa, Tập Cận Bình cũng đã khích động tinh thần quốc-gia của dân Tàu để cùng ôm ấp giấc mơ làm chủ cả thế giới, với “Một vành đai, một con đường”.
Dân túy, dân tộc, cực hữu, có khác nhau không?
Từ bầu cử Âu Châu 2014, phong trào dân túy đã bắt đầu phát triển. Năm 2017, bầu cử Tổng thống Pháp, Mặt Trận Dân tộc (Front National) bị cho là đảng cực hữu hay Dân túy của bà Marine Le Pen vào vòng chung kết nhưng không thắng cử.
Tuy cùng Dân túy nhưng không phải đều giống nhau. Có lẽ vì vậy mà họ khó liên kết làm một khối mạnh ảnh hưởng Âu Châu. Tập hợp Dân tộc (RN) ở Pháp có thể bắt tay với tổ chức của Nigel Farage ở Anh trong lúc đó Dân túy đan-mạch lại liên kết với phe tả. Trong Quốc Hội Âu Châu, các phe Dân túy hay Cực hữu chỉ đứng chung được trên quan điểm cùng chống Âu Châu, còn lại thì đèn nhà ai nấy sáng.
Đặc tính chánh của các đảng Dân túy không phải theo cùng một ý hệ từ cực hữu. Dân túy chủ yếu là chối bỏ giới ưu tú nắm chánh quyền và chánh sách của chánh phủ thật sự dân chủ. Dân túy là “vì dân” nhưng đó là một nhóm dân chúng nào đó, chớ không phải toàn dân của một quốc gia.
Nhà nghiên cứu người Pháp, ông Jean-Yves Camus, cho rằng không thể định nghĩa rõ ràng về mặt chánh trị học “Dân túy là gì?” nên mới đưa ra 3 loại dân túy: “dân túy gốc cực hữu, dân túy gốc cực tả và dân túy gốc nông dân”.
Dân túy buộc tội thành phần ưu tú hay những nhóm ích lợi trong xã hội. Vì những nhóm này nắm quyền nên dân túy qui trách nhiệm ở họ gây ra những thất bại cho đất nước, những tệ nạn xã hội, phản lại toàn dân.
Những người dân túy đề nghị lấy lại chánh quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn.
Nhưng nhân dân của những người dân túy là nhân dân nào? Có giống nhân dân của người cộng sản không?
Nhân dân
Thử tìm hiểu chữ “nhân dân”của cộng sản ở Việt Nam để coi nó có giống như “nhân dân”của người dân túy hay không?
Nếu hiểu đơn giản thì từ ngữ “dân túy” là “chỉ vì dân” thì cộng sản và dân túy giống nhau lắm. Không ai vì “nhân dân”, nói “nhân dân” hơn người cộng sản! Chánh quyền nhân dân, Tòa án nhân dân, Công an nhân dân, báo Nhân dân,…
Nhưng hiểu chữ “nhân dân” lại đòi hỏi một trình độ đặc biệt. Nhân dân không có nghĩa là “người trong một nước” như Từ điển cắt nghĩa. Nếu như vậy thì ai chẳng phải là nhân dân?
Ở Việt Nam, nhân dân có nghĩa khác hẳn, bí ẩn lắm.
Nhân dân thật ra không phải là người mà là một vị thần linh có quyền lực tuyệt đối, làm chủ tất cả và cao hơn tất cả, mọi người phải phục tùng không điều kiện. Nhân dân là một thứ như Ông Trời. Người xưa chẳng nói “ý dân là ý trời”? Nhà nước phải là của dân, do dân và vì dân. Dân chủ có nghĩa là dân làm chủ, dân muốn làm gì cũng được. Việt Nam hiện nay là một nhà nước dân chủ. Nhà nước nhân dân là chủ nên có mọi quyền, nhưng vì dân là một vị thần linh nên không ai thấy được, người ta chỉ tiếp cận được với dân qua Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đảng là người “đại diện chân chính” của toàn dân, tức của nhân dân nên có mọi quyền, ở ngoài và ở trên tất cả, kể cả hiến pháp và luật pháp. Chính vì không hiểu nghĩa của chữ “nhân dân” mà "những nhà dân chủ” thường tranh cãi nhau ỏm tỏi, đòi đảng phải tôn trọng quyền tự do này, quyền tự do nọ để rồi bị ở tù, bị đánh đập lảng xẹt.
Còn đảng cộng sản làm “Đại diện chơn chánh của nhân dân” cũng có ý nghĩa khác nữa. Nó đặc biệt lắm bởi nó không phải là thứ đại diện như mọi người bình thường hiểu. “Đại diện chơn chánh” là tự áp đặt tư cách đại diện cho mình và có đầy đủ quyền nghĩ thay cho người mình đại diện, cả quyền quyết định thay. Nói cho dễ hiểu “tôi là người đại diện chân chính cho anh” có nghĩa là dầu anh không nhờ tôi đại diện, tôi vẫn đại diện cho anh, nói ra ý của anh theo ý của tôi và tôi trừng trị anh nếu anh tỏ ra không hài lòng.
Cái tư cách đại diện đó là vai trò đại diện nhân dân Việt Nam của cái đảng cộng sản đang cai trị ở đó.
Vậy đảng cộng sản có phải là đảng dân túy vĩ đại và khủng khiếp hay không? Thứ dân túy có nguồn gốc cực tả!