1. Mở bài
Người làm điêu đứng nước Mỹ bị thộp cổ.
Ngày 11-4-2019, theo lời mời của sứ quán Ecuador, cảnh sát Anh vào bắt Julian Assange, người sáng lập và giám đốc trang mạng WikiLeaks, sau khi Ecuador hủy bỏ tình trạng tỵ nạn của đương sự.
WikiLeaks đã làm điêu đứng nước Mỹ, trang mạng nầy tung lên internet trên 750,000 tài liệu mật về cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan và Iraq, và quan trọng nhất là những hoạt động tình báo của CIA, trong đó có những vụ nghe lén các đồng minh, cụ thể là nghe lén thủ tướng Đức và Anh.
Những hoạt động tình báo tuyệt mật bỗng nhiên trở thành công khai trên thế giới. Đó là sự mất mát rất lớn của Hoa Kỳ.
Tòa án nước Anh đang xét xử về việc dẫn độ Julian Assange sang Mỹ.
2. Vài nét tổng quát về Julian Assange
Julian Assange, người Úc, sinh ngày 3-7-1971. Năm 18 tuổi kết hôn với một phụ nữ Úc tên Terasa, họ có một con trai. Cặp vợ chồng trẻ nầy trải qua một thời gian phức tạp liên quan đến những hoạt động bất hợp pháp của Assange. Họ ly hôn.
Julian Assange bị bắt nhiều lần về tội xâm nhập bất hợp pháp vào trang mạng của các công ty trên thế giới.
Vào tháng 11 năm 2010, Thụy Điển nhờ cảnh sát Liên Âu ra lệnh tầm nã và dẫn độ đương sự về Thụy Điển để ra tòa về các cáo buộc cưỡng dâm và tấn công tình dục của hai phụ nữ Thụy Điển.
Julian Assange ra trình diện chính quyền Anh và sau đó vào sứ quán Ecuador xin tỵ nạn chính trị, và ở sứ quán nầy suốt 7 năm cho đến khi Ecuador giao nạp đương sự cho cảnh sát Anh ngày 11-4-2019.
3. WikiLeaks ra đời
Julian Assange
WikiLeaks là một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận, chuyên đăng tải các nội dung được gởi đến của người vô danh, về những thông tin mật của các cơ quan tình báo, nhưng vẫn giữ tính nặc danh của nguồn tin. Website của tổ chức ra mắt vào năm 2006.
Chỉ trong vòng một năm sau khi ra mắt, WikiLeaks tuyên bố cơ sở dữ liệu (Database) của họ đã có hơn 1.2 triệu tài liệu.
Ngày 25-7-2010, WikiLeaks đã chính thức công bố hơn 92.000 báo cáo mật về cuộc chiến Afghanistan được viết từ tháng 1 năm 2004 đến tháng 12 năm 2009, bất chấp sức ép từ chính phủ Mỹ.
WikiLeaks đã tung những tài liệu mật này cho ba tờ báo lớn là New York Times (Mỹ), The Guardian (Anh) và tạp chí Der Spiegel (Đức) với điều kiện ba tờ báo này cùng đăng tải vào ngày 25-7-2010.
Cuối tháng 8 năm đó, Wikileaks tiếp tục tung ra số còn lại gồm 15,000 tài liệu liên quan đến cuộc chiến Afghanistan và Iraq.
Tiết lộ tiếp. Quân đội Mỹ đã thành lập một nhóm sát thủ mang tên “Sát Thủ 773” có nhiệm vụ bắt giữ hoặc ám sát các lãnh đạo Hồi giáo khủng bố của Taliban và Al-Qaeda với số lượng lên đến khoảng 2,000 người.
4. Những người cung cấp tài liệu cho WikiLeaks
Hai người đã cung cấp tài liệu mật của tình báo Hoa Kỳ là Bradley Manning và Edward Snowden.
4.1 Bradley Manning
Bradley Manning Hóa trang thành nữ
Bradley Manning, 22 tuổi, đã chuyển giới từ nam sang nữ, tự nhận cái tên là Chelsea Manning. Với cấp bậc binh nhất phụ trách về tin tức tình báo sơ cấp, anh nầy đã tiết lộ 750,000 trang tài liệu mật quốc gia gồm 251,287 bức điện văn mà các sứ quán Hoa Kỳ trên thế giới gởi về Bộ Ngoại Giao Mỹ. Tiết lộ 482,832 bản báo cáo từ mặt trận Iraq gởi về Mỹ. Những bí mật nầy được gởi lên trang mạng WikiLeaks.
Bị kết án tù 35 năm. Tổng thống Obama đã ký quyết định giảm án và đã được ân xá, trả tự do vào ngày 17-5-2017.
4.2 Edward Snowden
Edward Snowden làm Tổng thống Obama nhức đầu
Edward Snowden sinh ngày 21-6-1983. Cựu nhân viên CIA và sau đó làm việc cho Cơ Quan An Ninh Quốc Gia (NSA) tại Hawaii với tư cách hợp đồng. Tiền lương 122,000 USD/năm. Đã cung cấp tài liệu mật cho hai tờ báo là The Washington Post (Mỹ) và The Guardian (Anh). Đào thoát đến Hongkong, rồi bị Nga bắt giữ khi quá cảnh trên đường sang tỵ nạn ở Ecuador. Snowsden đã cung cấp nhiều tài liệu mật của tình báo Mỹ cho trang mạng WikiLeaks, Hongkong và Nga.
Khi Snowden sạch túi ở Hongkong, Julian Assange cho xuất quỹ ra để trả những chi phí về ăn ở và tiền vé máy bay để anh đến quá cảnh ở Nga trên đường đến Ecuador. Một cố vấn pháp lý của WikiLeaks là Sarah Harrison, quốc tịch Anh, được cử đến Hongkong để tháp tùng Snowden đến Ecuador.
Vào giờ chót, do Mỹ can thiệp nên Ecuador hủy bỏ việc tỵ nạn của Snowden, mặc dù tổng lãnh sự Ecuador ở Anh, tên Fidel Narvaez đã cấp passport cho Snowden như là một công dân Ecuador.
Cuối cùng Edward Snowden bị Nga giữ lại để khai thác tài liệu mật của Mỹ.
5. WikiLeaks tấn công nước Mỹ
5.1 WikiLeaks tấn công CIA
1). Những hệ thống tấn công mạng của CIA
Vào ngày 7-3-2017, Wikileaks công bố tài liệu chấn động về chương trình hack của CIA. CIA là cơ quan tình báo mạnh nhất thế giới, có khả năng làm gián điệp toàn cầu, xâm nhập để giám sát kể cả phá hoại, mà mục tiêu là những quốc gia, tổ chức thù địch của Hoa Kỳ.
Hồ sơ Vault.7 của WikiLeaks tiết lộ, CIA còn xâm nhập vào những công ty dịch vụ với công nghệ cao như iPhone của Apple, Android của Google, và những thương hiệu khác như Nokia, Blackberry, Motorola, Windows của Microsoft và TV thông minh của Samsung. Đội quân tin tặc mủ đen (Xâm nhập đánh phá) của CIA lên tới hơn 5,000 thành viên. Đến cuối năm 2016, CIA sản xuất hơn 1,000 hệ thống hacking như Trojan horse, Virus và các phần mềm độc hại (Malware).
CIA có khả năng bẻ khóa những hồ sơ tuyệt mật trên thế giới, và trái lại hồ sơ tuyệt mật của CIA cũng bị phát tán ra công chúng, thậm chí các tin tặc tuổi teen cũng đã tấn công vào tài khoản của giám đốc các cơ quan tình báo Hoa Kỳ.
2). Hồ sơ Vault 7
Vault 7 là tên mà WikiLeaks đặt cho gói tài liệu mật thu nhận được của Cơ quan Tình báo Trung Ương (CIA), Hoa Kỳ. WikiLeaks bắt đầu phổ biến trên mạng từ ngày 7-3-2017. Nội dung là những chi tiết cụ thể mà CIA đã thực hiện để giám sát điện tử (Electronic surveillance) và chiến tranh mạng (Cyber warfare). Những tập tin (File) chứa đựng hồ sơ từ năm 2013 đến 2016.
Vault 7 còn tiết lộ. Chánh phủ Hoa Kỳ đã xử dụng lãnh sự quán tại Frankfurt (Đức) làm cơ sở cho những hoạt động trên mạng thuộc Châu Âu. Lãnh sự quán nầy lớn nhất thế giới về nhân sự và cơ sở vật chất. Nhân viên tình báo bao gồm nhân viên CIA, gián điệp của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia (NSA=National Security Agency), nhân viên Bộ An Ninh Nội Địa (Department of Homeland Security- DHS), nhân viên phục vụ bí mật của quân đội. Họ làm việc trong một khu mà nhiều ngành nghề hợp lại với bức tường rất cao bao bọc kẽm gai.
Tài liệu nầy được tung lên mạng thành 10 phần, từ ngày 7-3-2017 đến 19-5-2017.
3). 10 phần của gói tài liệu mật của CIA đã bị tung lên mạng
Phần 1. Ngày 7-3-2017, trang mạng Sputnik (Nga) công bố phần đầu của Vault 7 được đặt cho cái tên là Year Zero bao gồm 7,818 tài liệu đã lưu trữ trong một kho biệt lập, được bảo vệ nghiêm nhặt tại trụ sở CIA ở Langley, Virginia.
Những tài liệu mang nội dung tấn công mạng bao gồm những phần mềm độc hại (Malware) đuợc xử dụng vào các sản phẩm hiện đại nhất như điện thoại thông minh của Apple và Google, Microsoft Windows và thậm chí còn cài đặt trong TV thông minh của Samsung, và cả xe không người lái.
Phần 2. Mang tên Dark Matter, xuất hiện trên mạng ngày 23-3-2017. Tiết lộ những dụng cụ mà CIA đã sử dụng để xâm nhập vào những sản phẩm có công nghệ hiện đại nhất như điện thoại thông minh iPhone của công ty Apple và Macs.
Phần 3. Có tên là “Marble” đăng tải ngày 31-3-2017, bao gồm 676 tập tin (File)
Phần 4. Mang tên là “Grasshopper” phổ biến trên mạng ngày 7-4-2017. Gồm những tài liệu mà CIA dùng để xâm nhập vào hệ thống điều hành (Operating System) của Microsoft Windows, chú trọng về sự an toàn của máy tính cá nhân.
Phần 5. Có tên là “HIVE”, tung lên mạng ngày 14-4-2017. Phổ biến những phần mềm ác tính (Malware) để xâm nhập vào máy tính (Computer) để bàn.
Phần 6. Mang tên “Weeping Angel” (Thiên thần nhỏ lệ), đăng ngày 21-4-2017. Hồ sơ tiết lộ CIA và MI-5 hợp tác thực hiện những những phần mềm ác tính (Malware=Malicious software) để cài vào TV thông minh. Khi tắt máy (Turn off) thì sẽ có một dụng cụ làm việc như một micro (Máy vi âm) thu thanh ghi lại tiếng nói của những người chung quanh. Tình trạng tắt máy được xem như tình trạng giả tạo vì khi máy tắt thì micro mới hoạt động. Thu thanh rồi chuyển đến người muốn nghe lén.
Phần mềm nầy chỉ thực hiện được khi những máy móc vận hành trực tiếp với internet, như điện thoại thông minh, TV thông minh và xe không người lái.
Phần 7. Có tên là “Scribbles”. Xuất hiện ngày 28-4-2017.
Phần 8. Có tên là “Archimedes” phát hành ngày 5-5-2017. Archimedes là một loại Virus mà CIA sử dụng dể tấn công điện tử.
Phần 9. Mang tên “AfterMidnight” và “Assassin” là những phần mềm tấn công vào máy tính cá nhân.
Phần 10. Có tên là “Athena”, tung lên internet ngày 19-5-2017. Đó là phần mềm ác tính được thực hiện từ tháng 9 năm 2015 và tháng 2 năm 2016.
Ngày 8-3-2017, AFP đưa tin, nếu các tài liệu mà Wikileaks phổ biến là chính xác thì vụ nầy gây khó khăn không ít cho tình báo Mỹ.
4). CIA đã từng giả danh Nga, Trung Quốc, Bắc Hàn để tấn công mạng
Wikileaks cho biết, CIA đã từng giả danh Nga, Trung Quốc, Bắc Hàn để tấn công mạng. Đó là phần mềm có tên Marble, được thiết kế vô cùng tinh vi nhưng còn chừa một lỗ hổng để đánh lừa các nhà điều tra, đồng thời cho phép người dùng phần mềm Marble đổ lỗi cho người khác. Xem như ném đá giấu tay.
Một cách cụ thể, phần mềm độc hại nầy (Marble) cho phép người dùng “thêm vào các ngôn ngữ nước ngoài” bao gồm tiếng Nga, Trung Quốc, Triều Tiên…Kỹ thuật nầy khiến cho các nhà điều tra đi đến kết luận sai lầm khi căn cứ vào ngôn ngữ để phán đoán.
Theo WikiLeaks thì CIA dùng phần mềm độc hại nầy thêm vào tiếng Nga, giả danh người Nga để giữ hành vi bí mật, đồng thời có thể đỗ thừa cho Nga là thủ phạm.
Ông Stuart McClue, giám đốc điều hành một công ty an ninh mạng ở California, đã khẳng định, một tài liệu đáng giá nhất trong số nầy cho thấy hacker của CIA đã che giấu đường đi của họ bằng cách để lại dấu vết điện tử khiến cho các nhà điều tra thấy vụ xâm nhập nầy xuất phát từ Nga, hay Trung Quốc, Bắc Hàn…chớ không phải của chính phủ Mỹ vì không có tiếng Anh còn lưu lại.
5.2 WikiLeaks công bố 1,258 email của bà Hillary Clinton
Ngày 4-7-2016 trang mạng The Hill cho biết, WikiLeaks đã tung lên Twitter dẫn đến kho lưu trữ của họ với hơn 1,258 email đã gởi đi và nhận được của bà Hillary Clinton liên quan đến cuộc chiến tranh khi bà làm ngoại trưởng.
Julian Assange tuyên bố: “sẽ tập hợp đầy đủ bằng chứng để FBI buộc tội bà Clinton”.
Trên đài truyền hình ITV có trụ sở tại London, Anh Quốc, ông Assange nói: “Chúng tôi có thể tiếp tục xúc tiến việc luận tội, nhưng nếu bà Loretta Lynch còn làm Bộ trưởng Tư pháp Mỹ thì bà ấy sẽ không buộc tội bà Clinton, vì một tuần lễ trước đó ông Clinton đã gặp riêng bà Loretta Lynch”.
Tin tức của WikiLeaks thật sự có tác động đến cuộc tranh đua vào vòng chót của bà Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016.
6. Julian Assange bị tống cổ ra khỏi sứ quán Ecuador ở Anh
6.1 Nhân viên sứ quán chán nản cách ăn ở của Assange
Giới chức trong sứ quán cho biết, họ không chịu nổi cách hành xử của Assange trong sứ quán như:
Dùng ván trượt (Skateboard sliding) trong hội trường, chơi bóng đá trên sân và cư xử hung hăng với nhân viên an ninh. Tiếp cận những tài liệu an ninh không được cho phép. Gắn thiết bị do thám trong tòa nhà. Ăn ở bẩn thỉu, như không giữ vệ sinh trong toilet, vứt đồ lót vương vải trên sàn nhà. Không làm sạch sẽ những dơ bẩn do con mèo của ông gây ra.
Tổng thống Moreno cho biết, Assange đã vi phạm cam kết với Ecuador là không được bình luận về chính trị đối với nước khác, nhưng Assange luôn luôn làm điều đó, khiến cho Ecuador gặp nhiều khó khăn về mặt ngoại giao.
Đồng thời Ecuador cũng chịu nhiều áp lực của chính quyền Mỹ, muốn dẫn độ Assange về Mỹ để xét xử.
Ecuador là một quốc gia ở Nam Mỹ. Diện tích 283,560Km2. Dân số 16,244,000 (2015). Thủ đô Quito. Ngôn ngữ tiếng Tây Ban Nha. Tiền tệ: đô la Mỹ.
6.2 Ecuador cắt internet của Julian Assange
Chính phủ Ecuador lên tiếng đã “tạm thời hạn chế” việc truy cập internet của ông chủ WikiLeaks vì trang web nầy đã can thiệp về việc tranh cử ở nước ngoài.
Chính phủ Ecuador của tổng thống Rafael Correa khẳng định họ làm như vậy là do quan điểm trung lập chớ không phải do áp lực của nước ngoài.
Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ thông tin cho rằng Mỹ đã gây áp lực để Ecuador cắt internet của Assange.
Hai bên cùng đính chánh cho thấy sự thật là Ecuador đã bị áp lực của Mỹ, nhưng dù sao thì Ecuador cũng chịu trách nhiệm về việc ông Assange dùng phương tiện của sứ quán Ecuador để tấn công bà Clinton trong thời gian tranh cử quyết liệt nhất ở Hoa Kỳ.
Đối thủ của bà Clinton rất hài lòng về vụ việc nầy.
6.3 Những bức ảnh khiến nhà sáng lập WikiLeaks bị hủy bỏ tình trạng tỵ nạn
Tổng thống Lenin Moreno nằm trên giường với những dĩa thức ăn.
Tờ New York Post đưa tin, Tổng thống Ecuador, Lenin Moreno đã quyết định tống cổ Julian Assange ra khỏi sứ quán Ecuador ở Anh, phát xuất từ những tấm hình về đời tư của gia đình ông bị đưa lên internet.
Một tấm hình cho thấy tổng thống Lenin Morero nằm sải chân trên giường với những dĩa ăn trước mặt gồm những con tôm hùm rất lớn và những thức ăn đắt tiền khác.
Việc ăn sơn hào hải vị ở một khách sạn sang trọng trước cảnh người dân Ecuador đang nghèo đói, khiến cho tổng thống nước nầy bị người dân chỉ trích nặng nề có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị của ông.
Những tấm hình nằm trong số 200 email cá nhân, những văn bản và tài liệu của Ecuador bị đưa lên trang mạng ẩn danh INApapers.org.
Qua điều tra, tổng thống Moreno cáo buộc chính Julian Assange đã tuồn những hình ảnh và tài liệu ra ngoài. Những hình ảnh chụp cảnh gia đình ông với vợ và hai con gái trong một cuộc nghỉ hè sang trọng ở châu Âu. Tổng thống nầy cho biết: “Hình chụp phòng ngủ của tôi, những gì tôi ăn và những sinh hoạt của vợ tôi và các con cùng bạn bè của chúng chơi đùa đều bị tuồn ra trên internet”.
Julian Assange bác bỏ những cáo buộc đó, tuy nhiên việc tổng thống Ecuador bị bẽ mặt, như một giọt nước tràn ly khiến cho ông chủ WikiLeaks bị chấm dứt tình trạng tỵ nạn ở sứ quán Ecuador ở London sau thời gian 7 năm. Ecuador cho biết nước nầy đã tốn 6 triệu đô la cho Assange trong suốt 7 năm trong sứ quán tại London.
7. Cảnh sát Anh bắt giữ Julian Assange
7.1 Cảnh sát Anh được mời vào sứ quán Ecuador để bắt Julian Assange
Ngày 11-4-2019, cảnh sát Anh cho biết là họ được mời vào sứ quán Ecuador để thi hành lịnh bắt, sau khi chính quyền của nước nầy chấm dứt tình trạng tỵ nạn của đương sự ở sứ quán Ecuador suốt 7 năm qua, bắt đầu hồi tháng 6 năm 2012.
7.2 Tòa án Anh Quốc xét xử
Lệnh truy nã ông Assange *Assange trên xe cảnh sát sau khi bị bắt
Ngày 1-5-2019, tòa án Anh kết tội Julian Assange 50 tuần lễ tù giam vì vi phạm quy chế tại ngoại hầu tra, cố ý làm trì hoãn công lý. Số là hồi tháng 6 năm 2012, tòa án Anh cho đương sự được tại ngoại hầu tra 10 ngày và đương sự không ra trình diện tòa án sau khi hết thời hạn.
Lý do bắt giữ là do trát bắt giữ của Liên Âu EAW (European Arrest Warrant) mà Thụy Điển yêu cầu để ra tòa Thụy Điển do cáo buộc của hai phụ nữ về việc cưỡng dâm và tấn công tình dục..
Ngày 2-5-2019, tòa án Anh bắt đầu phiên xử về việc dẫn độ sang Mỹ do yêu cầu của nước nầy. Assange phản đối lịnh dẫn độ, cho rằng việc đương sự làm là công việc của một nhà báo làm cho “truyền thông báo chí” và “đạt nhiều giải thưởng”.
Hiện chưa có tin về kết quả phiên tòa, tuy nhiên trước sau gì thì Julian Assange cũng sẽ bị dẫn độ sang Hoa Kỳ.
8. Kết luận
Rõ ràng là WikiLeaks của Julian Assange đã khai chiến với nước Mỹ, liên tục tấn công đánh phá không ngừng, làm cho nước Mỹ bị thiệt hại nặng nề. Phải thay đổi toàn bộ hệ thống an ninh tình báo của Mỹ.
Assange cho rằng hoạt động của anh ta là việc làm của một nhà báo nằm trong tự do ngôn luận. Những người ủng hộ thì cho rằng anh ta là một anh hùng.
Thật ra bất cứ tự do nào cũng có hạn chế của nó, đó là tự do của người nầy không thể xâm phạm các quyền tự do của người khác. Không làm mất danh dự, tài sản và tánh mạng của người khác.
Kết quả nhãn tiền. Assange xâm phạm đến đời tư của tổng thống Lenin Moreno chứng tỏ anh là người vong ân bội nghĩa, ăn cháo đá bát, phản bội, kết quả là anh bị đá ra khỏi sứ quán đưa đến con đường tù tội. Ecuador đã tốn 6 triệu đô la để nuôi dưỡng anh suốt 7 năm qua.
Ngoài con đường đến nhà đá Hoa Kỳ để gỡ lịch ra, anh không còn con đường nào khác để đi, vì không có quốc gia nào tiếp đón người phản bội cả.
Người làm điêu đứng nước Mỹ bị thộp cổ là lẽ tự nhiên.
Minnesota ngày 2-5-2019.