Trần Nguyên Thao (Danlambao) - Thương chiến Mỹ-Tàu đang hồi quyết liệt, hai bên ra sức kết bè, lập cụm, đối chọi nhau... Hậu quả sẽ đưa kinh tế thế giới vào cuộc chiến công nghệ cao, trong đó các nước đang tìm thế đứng có lợi cho dân tộc mình. CSVN, từ lâu, do muốn bảo vệ quyền bính, đã chọn lệ thuộc vào Bắc Kinh cả kinh tế lẫn chính trị, phản lại nguyện vọng toàn dân. Gần đây, Mỹ đưa ra rất nhiều cơ hội trong tiến trình định hình tương lai thế giới để CS Hà Nội nắm lấy vận hội mới chọn điểm đến hướng về Dân Tộc.
Trong lúc Mỹ-Tàu còn đang “gầm gừ” thì đột nhiên hôm 17 tháng 6, Tập đoàn Hoa Vi (Trung cộng) lại công bố doanh số điện thoại trên thế giới bị giảm xuống từ 40% - 60%. Và còn cho hay, tương lai tập đoàn này phải giảm 1/3 sản xuất từ nay đến hết năm 2020. Phát ngôn viên của Hoa Vi sau đó đã giải thích với AFP rằng tỷ lệ giảm được ghi nhận trong hai tháng 5 và tháng 6, ngay sau khi Mỹ đe dọa (15/05) đưa Hoa Vi vào “danh sách đen” các công ty Trung cộng bị cấm dùng công nghệ Mỹ, trừ khi được phép đặc biệt. Sau Hoa Vi, Washington dự liệu sẽ “chiếu cố” tới 5 công ty khác của Tàu cộng trong ngành công nghệ cao và kỹ thuật số.
Để tăng thêm sức mạnh cho con bài mặc cả, Tập Cận Bình đang kết thêm vây cánh bằng chuyến thăm đàn em Bắc Hàn trong hai ngày 20 & 21 tháng 6, giúp Tập Cận Bình tự tin hơn nếu có dự liệu gặp Tổng thống Donald Trump ở Thượng đỉnh G20, sắp diễn ra vào 28-29 tháng 6/2019 tại Osaka, Nhật Bản.
Bắc Kinh rất sợ bất ổn chính trị, thì Mỹ lại biết chắc rằng, Đài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng, Tân Cương là các sinh tử phù trong cơ thể Trung cộng. Đây có thể chính là “đòn bẩy” trong đàm phán thương mại, cho nên Bắc Kinh khó chấp nhận một cuộc thương nghị “bên lề”, trong đó Mỹ đòi Bắc Kinh phải cải cách hệ thống (systematic reform) và cấu trúc (structural reform) ở Trung cộng.
Cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật 16/06 hơn 2 triệu người Hong Kong cùng hợp xướng bản Thánh ca Alleluia. Âm thanh phát ra từ 2 triệu trái tim con người yêu chuộng Tư Do; hùng tráng như tiếng réo gọi, biểu dương sức mạnh tinh thần cho phong trào chống đối Bắc Kinh của 7 triệu cư dân Hong Kong. Sự thể này khiến Bắc Kinh phải chọn bước lùi, dù là chiến thuật thì Tập Cận Bình đã nếm mùi thất bại khi phải bỏ rơi “con cờ” của mình, bà Lâm Trịnh Nguyệt-Nga, Trưởng Đặc Khu Hồng Kông.
Cùng lúc, Hong Kong được truyền thông quốc tế vinh danh như tuyến đầu của nền dân chủ Á Châu. Do vậy, nhà đương cuộc Hong Kong phải trả tự do sớm cho chàng sinh viên 22 tuổi Joshua Wong, dấn thân cho nền dân chủ Hong Kong từ lúc 17 tuổi (2014). Qua truyền thông quốc tế, Wong đã gởi ra ước vọng, cuộc đấu tranh của Hong Kong là một cách “truyền cảm hứng” cho phong trào đòi Dân Chủ tại Việt Nam.
Thương chiến Mỹ-Tàu bế tắc từ hôm 10/05: Tàu nói sẽ bán tháo trên 1100 tỷ Mỹ Kim trái phiếu mua của Mỹ, và ngưng bán đất hiếm nếu Mỹ áp thuế quan lên 25% hay cao hơn đối với 325 tỷ Mỹ Kim hàng nhập cảng từ Hoa Lục.
Hoa Kỳ sản xuất khoảng 6,5% lượng đất hiếm trên thế giới trong khi nhu cầu quốc phòng chỉ dùng có 1% đất hiếm trong công nghệ cao. Tuy nhiên sang năm (2020) Mỹ đã có kế hoạch khai thác đất hiếm trong vùng Moutain Pass, có thể cung cấp 5.000 tấn hai loại đất hiếm được sự dụng nhiều nhất tại Mỹ; hai khu còn lại chỉ có thể được khởi công khai thác năm 2022.
Nhật báo Le Figaro nêu ra trường hợp thực tế trớ trêu là 50.000 tấn quặng đất hiếm khai thác tại Moutain Pass lại được chuyển về Tàu cộng để tái chế. Bởi vì công ty khai thác đất hiếm Molycorp của Mỹ, vì phá sản đã bán cho công ty Sheng He của người Tàu.
Chỉ số đo lường sức khỏe nền kinh tế (Purchasing Managers Index - PMI) toàn Trung cộng đã rơi xuống dưới mốc 50 điểm. Ngân hàng trung ương Bắc Kinh đã bắt đầu phải thực hiện nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế trong nước. Trong lúc thị trường chứng khoán tiếp tục mất điểm, chao đảo dữ dội.
Cuối tháng 5, trong nỗ lực kiềm chế Trung cộng, Thượng Viện Mỹ cứu xét dự luật cho phép Chính phủ đóng băng tài sản, hủy bỏ hay từ chối thị thực (visa) đối với bất kỳ cá nhân hay chủ thể nào liên quan đến “các hành động hay chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định” khu vực Biển Đông. Dự luật này có nhiều hy vọng được Quốc Hội chấp thuận.
Hôm 23/05, Hoa Kỳ loan báo, công ty paceX phóng thành công tên lửa Falcon 9 mang 60 vệ tinh từ Cape Canaveral ở Florida. Theo dự liệu, trong năm nay, paceX sẽ thực hiện từ 3 đến 7 vụ phóng, với mục tiêu sẽ đưa vào không gian tới 12.000 vệ tinh trong vài năm. Các vệ tinh - có mục đích đưa internet băng tầng rộng đến các cộng đồng thiếu thốn, thiệt thòi. Đây là vụ phóng vệ tinh đầu tiên trong số nhiều vụ phóng trong chương trình của paceX nhằm tạo ra một đại mạng lưới phát sóng internet toàn cầu với công suất cho người sử dụng lên đến 1 terabit mỗi giây. Các nhà phân tích Tin Học cho rằng, tiến bộ mới của Mỹ sẽ làm cho mạng 5G toàn cầu rơi vào tình trạng “old fashion” [1].
Trong khi thương chiến đang hồi gay go, thì thị trường thịt heo “hẩu xực” của 1 tỷ 400 triệu người Tàu lại trải qua 10 tháng dịch bệnh tiếp tục hoành hành “vượt tầm kiểm soát”. Số heo thiêu hủy kiểm chứng được trong 26 triệu trang trại, khoảng trên 200 triệu con. Còn lối trên 500 triệu con nữa, mới nhuốm bệnh, bị nhà chăn nuôi “tiếc của” tuồn heo bệnh sang Việt Nam hay các nước bên cạnh. Nhiều trường hợp chủ trại giết thịt bán rẻ ra thị trường, gây lan tràn dịch bệnh. Nạn dịch heo khiến ngành chăn nuôi Trung cộng thiệt hại gần 200 tỷ Mỹ Kim. Cả nước thiếu thịt, phải nhập cảng heo từ Mỹ và Âu Châu.
Hôm 18 tháng 06, Việt Nam cho hay, đã tiêu hủy hơn 2,5 triệu con heo để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Cúm heo cũng đã lây cả sang Mông Cổ, Tây Tạng, Cam Bốt, Bắc Triều Tiên và, theo các chuyên gia, không sớm thì muộn sẽ tàn phá Thái Lan, Miến Điện, Lào…
Sau những năm dài nước Tàu cộng miệt thị Nga cộng là “bọn xét lại”, nay Tập Cận Bình khoe có 30 lần gặp gỡ, ca ngợi lãnh tụ độc tài Putin là “bạn đồng cấp tốt nhất”. Mánh khóe ngoại giao “gấu trúc - panda” được áp dụng tại Mỹ nay lập lại tại Nga như một cử chỉ vuốt ve mềm mại. Đổi lại Tập Cận Bình nhận được từ Nga văn bằng Tiến Sĩ danh dự. Tuy là mảnh giấy, cũng khiến nước Tàu lấy lại chút thế giá trong lúc đang khủng hoảng tài chánh vì thương chiến chưa ngã ngũ với Hoa Kỳ.
Nước Tàu tuy có đươc hợp đồng thiết kế mạng 5G ở Nga, nhưng chắc chắn Tập Cận Bình nhìn đất nước của ông Putin chưa có giá trị cao về đầu tư thương mại. Tính đến cuối năm 2017 Tàu mới bỏ vào Nga 140 triệu Mỹ Kim.
Dịch chuyển ngoại giao rầm rộ Tàu làm tại Nga hồi đầu tháng 06 vừa qua, chỉ mang ý nghĩa kéo bè “lập cụm” để bắn tiếng với Mỹ “chớ có quá đà” trong thương chiến giữa hai bên chưa kết thúc.
Mảnh bằng danh dự sít soát “trên một gang tay” do Putin ban tặng, dù có đeo trên ngực làm bùa hộ mệnh, cũng không đủ giúp Tập Cận Bình tự tin để gặp mặt các lãnh tụ các nước.
Nhưng một âu lo mang đến cho nước Tàu tương lai khá ảm đạm, trong bài viết của tờ China Times, nhà biên khảo thời sự kinh tế Thần Bản Bố phân tích rằng, nếu nước Tàu bị Tây Phương cấm vận lần nữa, thì trong 3 năm sau đó, nước Tàu sẽ rơi vào phá sản mọi ngành. Bởi vì cho đến nay, Tàu chỉ là một cơ xưởng tái chế xuất khổng lồ, mọi thứ đều phải mua từ bên ngoài [2].
Về phần Việt cộng thì sao...?
BBC thuật rằng, các bài viết mới đây của trang phân tích Tài Chánh Bloomberg, nói đến chính sách thương mại của Hà Nội đối với Hoa Kỳ “từa tựa” với Bắc Kinh, như vậy rất có thể Hà Nội sẽ rơi vào tầm ngắm của Hoa Thịnh Đốn [3].
Cho đến nay, Mỹ chẳng những chưa đưa Hà Nội vào danh sách “thao túng tiến tệ”, chưa trừng phạt do thặng dư thương mại 39,5 tỷ Mỹ Kim năm 2018; mà còn mua thêm 38% hàng hóa từ Việt Nam, chỉ 4 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi mua ít hơn 12% hàng hóa từ Trung cộng.
Hôm 09/05, Mỹ bắt tàu thủy, Wise Honest của Bắc Hàn chở đầy than đá vi phạm các chế tài của Mỹ và Liên Hiệp Quốc đối với lệnh cấm vận Bắc Hàn [4].
Trong khi trước đó, Mỹ lại bỏ qua vụ tàu Việt Tín 01 trụ sở ở Việt Nam, chở 2000 tấn dầu cập cảng Nampo, Bắc Hàn bất chấp lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc ngay trước lúc Tổng Thống Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un gặp nhau ở Hà Nội cuối tháng 2 (tin của NKNews) [5].
Ngoài việc bán chiến cụ, huấn luyện phi công, chuyển giao tàu tuần và dự tính hợp tác với lực lượng tuần duyên Việt cộng; Mỹ còn đẩy mạnh thế liên kết khu vự Ấn Độ - Thái Bình Dương, gia tăng các cuộc tập trận và biểu dương các chuyến hải hành cho Tư Do tại Biển Đông... Mỹ còn hứa sẽ khởi động khai thác dầu khí tại mỏ Cá Voi Xanh trong năm 2019, nơi có trữ lượng 150 tỷ mét khối dầu khí. Lời hứa này nếu được thực hiện sẽ giúp Hà Nội đỡ lo khủng hoảng năng lượng trong tương lai.
Ngay trước mắt, giới phân tích nhìn thấy các nhà quản lý chính sách của Hà Nội không có tầm nhìn để đưa quốc gia thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng do dân sô lên đến 97 triệu người. Việc đô thị hóa nông thôn, nạn xây cất bừa bãi, đặt nhiều nhà máy không đúng chỗ dùng quá nhiều điện, xây nhiều đập thủy điện, gây ra lụt lội và ô nhiễm.
Một nước Trời cho có bờ biển dài hàng ngàn cây số, phát triển điện gió rất dễ thành công. Nhưng đáng tiếc là nhà cầm quyền không có cái nhìn rõ ràng về tương lai năng lượng.
Nhật Bản đã ký kết với Mỹ và Liên Âu thỏa thuận hợp tác sản xuất hydrogene từ năng lượng tái tạo, trong lúc Việt Nam còn đang bị Trung cộng và Lào chèn ép với giá cao khi phải mua than đá và điện của hai nước cộng sản anh em này!
Tuy nhiên, vấn nạn lớn nhất là tham nhũng bất trị trong toàn guồng máy. Nguồn tài chánh do tham nhũng được “chuồn” khỏi Việt Nam bằng nhiều cách; đến nỗi hôm 17 tháng 05 Hà Nội công khai nhìn nhận tệ nạn rửa tiền ở tầm mức quốc gia.
Đầu tháng 06, dân chúng lên tiếng phản đối đảng CsVN như các đợt sóng cồn trước lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “phải đồng cam cộng khổ cùng với chính phủ trả nợ công” [6].
Truyền thông lề Dân cáo buộc, mọi cấp cầm quyền, tổ chức bảo kê hay kết thành nhóm như Mafia để ăn cướp tài sản công, tư; khiến nợ công trên thực tế lên đến 210%, tương đương 431 tỷ Mỹ Kim, làm ngân sách kiệt quệ, đưa đến thiếu tiền. Đảng viên cộng sản chia nhau ăn, thì tự trả nợ, không thể bầy mưu bắt dân “trả nợ đậy” cho tham quan [7].
Nhiều ý kiến báo động dân chúng phải đề phòng mưu gian của Hà Nội đang chuẩn bị dư luận để ăn cướp 500 tấn vàng và ngoại tệ được dân cất giữ. Nhiều năm trước, Hà Nội từng “dạo đàn” cho âm mưu này, nhưng chưa dám thực hiện, sợ châm ngòi cho một cuộc bùng phát như Hong Kong gần đây.
Sức mạnh duy nhất của đảng độc tài đang dựa vào là theo dõi, bí mật bắt cóc, hành hung ném đá dấu tay, cướp của nhằm khủng bố tinh thần. Đối với những ai thể khủng bố, Hà Nội công khai vu cáo kiểu đấu tố, bắt bớ, áp đặt kín các bản án bất công hàng chục năm tù chỉ vì dám lên tiếng ôn hòa lột mặt nạ nhơ nhớp của chế độ.
Trong cuộc chiến xâm lăng Miền Nam kéo dài hàng chục năm, Hà Nội hô hào toàn dân đánh đuổi bọn đế quốc tư bản. Sau 44 năm tư bản đi khỏi, Việt Nam tụt hậu, tham nhũng, lầm than khốn khổ... Hà Nội lại cầm trong tay thành tích nướng 4 triệu người [8], trong chiến tranh và hàng chục triệu gia đình mất nhà cửa ruộng vườn, trấn áp tù đầy... để van xin kẻ thù xưa ban cho “bên thắng cuộc” nền kinh tế thị trường!
Nay “kẻ thù cũ” đang mở ra vận hội mới, Hà Nội có dũng khí chọn điểm đứng thích hợp trong định hình mới của thế giới, để có điểm đến cho tương lai Dân Tộc?
22.06.2019
____________________________________
Chú thích:
[4] https://www.voatiengviet.com/a/my-bat-giu-tau-trieu-tien-voi-cao-buoc-vi-pham-che-tai/4911217.html