Tại sao chúng ta nhớ Thiên An Môn - Dân Làm Báo

Tại sao chúng ta nhớ Thiên An Môn

Perry Link * Trần Quốc Việt (Danlambao) - Mới đây nhiều người hỏi, "Tại sao ta phải nhớ Thiên An Môn? Ba mươi năm đã trôi qua. Ngày ấy giờ là lịch sử. Hãy quên đi. Đã qua rồi."

Câu hỏi đơn giản, nhưng có nhiều câu trả lời. Không một câu trả lời nào là đủ, nhưng tất cả các câu trả lời hợp lại với nhau vẫn không đủ trả lời cho câu hỏi ấy mà cần thêm nhiều câu trả lời.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì Giang Kiệt Lan lúc ấy 17 tuổi. Em vẫn ở tuổi 17. Em sẽ mãi mãi vẫn 17 tuổi. Người chết không già.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì những oan hồn đã ám ảnh Lưu Hiểu Ba cho tới lúc ông mất cũng sẽ ám ảnh chúng ta cho tới lúc chúng ta mất.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì nó dạy chúng ta bản chất cố hữu của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi tất cả áo quần, tất cả mảnh vải, rơi xuống. Không có sách, phim, bảo tàng nào lại rõ ràng cho bằng.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn bởi lẽ những công nhân bình thường chết vào lúc ấy. Chúng ta không thể nào nhớ hầu như tất cả tên của họ vì chúng ta không biết hầu như tất cả họ. Chúng không bao giờ biết. Nhưng chúng ta nhớ họ là con người, và chúng ta nhớ rằng chúng ta không bao giờ biết tên của họ.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì Trung Quốc xấu nhất là ở đấy-nhưng vì Trung Quốc đẹp nhất cũng ở đấy.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì nó là vụ thảm sát-không phải đơn thuần là cuộc trấn áp, hay "vụ việc", biến cố, sự kiện, phong ba; không phải là cuộc bạo loạn phản cách mạng, không phải là ký ức mờ nhạt, và không phải, như đứa bé ngày nay ở Trung Quốc có thể nghĩ, là khoảng trống. Nó là cuộc thảm sát.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì, như Phương Lệ Chi nhận xét với sự dí dỏm độc đáo, đây là trường hợp duy nhất ông nghe về chuyện nước ta xâm lăng nước mình.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì nụ cười thật tươi của Tập Cận Bình là mặt nạ.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì chúng ta muốn biết những người lính gây ra vụ thảm sát nhớ gì. Họ bị tẩy não ở vùng ngoại ô thành phố trước khi họ thực hiện lệnh tàn sát. Vì vậy họ cũng là nạn nhân. Chúng ta không biết họ đã nghĩ gì. Nhưng chúng ta nhớ rằng chúng ta muốn biết.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì Đinh Tử Lâm vẫn còn sống. Bà năm nay 82 tuổi. Mỗi khi bà ra khỏi nhà, an ninh thường phục đi theo để bảo vệ an ninh. Bảo vệ an ninh cho bà? Không, bảo vệ an ninh cho nhà nước. Đúng rồi, chế độ với GPP đến 100 ngàn tỷ nhân dân tệ và hai triệu người lính cần bảo vệ mình trước cụ bà 82 tuổi. Bảo vệ chế độ trước tư tưởng của bà. Điều này quả là đáng nhớ.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn để ủng hộ những người khác nhớ. Chúng ta nhớ một mình. Nhưng chúng ta cũng cùng nhau nhớ.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì nhớ nó khiến chúng ta trở thành những người tốt hơn. Nhớ là vì quyền lợi riêng của chúng ta. Khi những nhà chính trị nói về "quyền lợi", họ muốn nói đến quyền lợi vật chất. Nhưng quyền lợi đạo đức cũng quan trọng không kém-không, chúng còn quan trọng hơn nhiều. Quan trọng hơn làm chủ du thuyền.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì nó là khúc quanh lịch sử cho một phần năm thế giới. Khúc quanh theo hướng đáng sợ. Chúng ta hy vọng nó sẽ càng không hẳn là khúc quanh để ném cả thế giới xuống hố. Nhưng chúng ta không biết. Chúng ta sẽ phải chờ xem.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn, vì nếu như chúng ta không nhớ nó, nó sẽ không có cách nào ở trong đầu chúng ta. Phải chăng chúng ta có thể đã tưởng tượng ra nó? Không.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì có những người tha thiết muốn chúng ta nhớ. Họ được an ủi khi biết chúng ta nhớ.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì cũng có những người vô vọng muốn chúng ta không nhớ. Họ muốn chúng ta quên vì quên lãng góp phần bảo vệ quyền lực chính trị của họ. Thật là đốn mạt! Chúng ta sẽ chống lại quyền lực ấy cho dù nhớ về những cuộc thảm sát chỉ là cách duy nhất để chống lại nó.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn để nhắc nhở mình về cách chính quyền Trung Quốc nói láo với chính họ và với người khác. Họ nói nhân dân Trung Quốc từ rất lâu đã "đánh giá đúng đắn về cuộc bạo loạn phản cách mạng vào năm 1989 ở Quảng trường Thiên An Môn." Nhưng mỗi năm, vào ngày thảm sát Thiên An Môn, an ninh thường phục lại ngăn cản không cho mọi người bước vào Quảng trường. Tại sao? Nếu nhân dân Trung Quốc đều tin tưởng những gì chính quyền nói họ tin, thì tại sao không cho phép nhân dân vào quảng trường để tố cáo bọn phản cách mạng. Sự hiện diện của an ninh chứng tỏ rằng chế độ không tin lời nói láo của họ.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì thay đổi chế độ giá như diễn ra được sẽ rất tốt cho Trung Quốc. Người ta sợ bốn từ "thay đổi chế độ" bởi vì những tính toán sai lầm tai hại của George Bush tại Iraq. Nhung chúng ta không nên trách những từ ấy vì sai lầm của Bush. Lưu Hiểu Ba cũng dùng những từ ấy. Mục tiêu chính của ông là đạt được sự thay đổi chế độ một cách ôn hòa.

Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì những chấn động đối với não con người thường kéo dài rất lâu. Chúng ta có muốn cũng không thể nào quên được cho dù chúng ta cố quên.

Nguồn:





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo