Một thời xa vắng - Dân Làm Báo

Một thời xa vắng

David Thiên Ngọc (Danlambao) - Em sinh ra và lớn lên trên vùng đất là cái nôi của “cách mạng”. Từ khi em biết nghe thì những lời như kinh sấm lọt vào tai em hằng ngày là cả dân tộc này lớn lên và sống là nhờ ơn sinh thành của Bác và đảng. 

Có thật vậy không chứ từ nhỏ em đã bị ám ảnh một hình bóng Bác nào đó và khiến “đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”“ai yêu nhi đồng bằng bác Hồ chí Minh, ai yêu bác Hồ Chí Minh bằng chúng em nhi đồng” rồi cuộc đời, tương lai của chúng em chưa biết đi về đâu. 

Nhưng ngày nào, đêm nào chúng em cũng nghe “đảng đã cho ta một mùa xuân” và cũng vì vậy mà chúng em bị gạn ép hy vọng tràn trề... để rồi “từ đấy trong em bừng lửa hạ-mặt trời chân lý chói qua tim”

Lớn lên thêm một chút thì hình tượng Bác trong mắt chúng em là một thánh nhân... rồi nào là “cha già dân tộc” nào là “danh nhân văn hoá thế giới”. Chúng em hãnh diện vô cùng khi cha già dân tộc mình là một thánh nhân. 

Thời gian thắm thoát thoi đưa... Chúng em lớn lên cùng với cỏ cây, non sông đất nước này và chúng em trở thành người lớn lúc nào mà không hề hay biết. Rồi bao nhiêu vật đổi sao dời, non sông, sơn hà trở mình từng giờ, bầy ve sầu đua nhau lột xác và con người trôi theo dòng chảy của văn minh thế giới. Và tất nhiên những người lớn chúng em biết nghe và biết thấy với tầm vóc tư duy không non trẻ như thời trẻ trâu tóc còn để chỏm mà giờ đây thấy màu nào ra màu nấy, đậm nhạt ra sao. Nghe nốt nhạc biết bỗng trầm cao thấp chứ không chỉ nghe mỗi tiếng kẻng như xưa mà cho là tiếng gọi của đảng, của non sông!!! Tất cả nhờ có Internet mà tầm mắt chúng em nhìn qua khỏi lũy tre làng một cách ngoạn mục. Nhất là nhìn xuyên bức màn đỏ đảng đã giăng ra từ xa xưa... xa lắm lắm. 

Thời gian dài qua thì xuất hiện rất nhiều những luồn tư tưởng nghịch chiều với “ngày xưa Hoàng thị” của chúng em mà đảng và nhà nước gọi là “thế lực thù địch”. Và rải rác đó đây các cụm từ nói và ám chỉ thẳng vào vị thánh nhân của chúng em từ “thời xa vắng...”. Cụ thể như: 

“Cha già dân tộc” thì đổi lại là “cha già dâm tặc”

“Hồ Chí Minh” thành “Hồ Hán gian”, “Hồ Hán tặc”, “Hồ Dâm tặc”

Chính thể mà ngày xưa em cho là ưu Việt và ấp ủ là XHCN thì họ nói lại là “xạo hết chỗ nói”. Lãnh đạo đảng quang vinh của em là “đỉnh cao trí tuệ” thì họ nói là “đỉnh cao trí TỆ”. Đảng “cộng sản” quang vinh của chúng em thị họ nói lại cho đúng là “đảng cướp sạch”. Phân vân hơn là ngày xưa đi bất cứ nơi đâu từ cửa quan, công đường, trường học ra đến bến xe nhà ga tàu... thậm chí nghĩa trang hay nhà xí công cộng đều có biểu ngữ “chủ nghĩa Max-Lenin vô địch muôn năm!”, nhưng nay vắng vẻ, tự lui vào dĩ vãng và hình như chỉ còn là hoài niệm... 

Em trăn trở vô cùng về hai chữ đúng-sai với những sự kiện diễn ra ấy. Trong em luôn có hai con sóng trái chiều, một là con sóng bạc đầu từ Biển Đông cuồn cuộn dạt vào, mang văn minh lồng lộng một trời tự do mà từ xưa nay chúng em chưa hề thấy, và một con sóng ngầm là dư âm của thời “con ong cũng đánh Mỹ, con trâu cũng đánh Mỹ” và những anh hùng “Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo” cùng “Lê Văn Tám làm ngọn đuốc sống đốt kho xăng Thị Nghè”, Võ Thị Sáu vô tư hát bài Quốc Tế ca rồi cúi người ngắt đóa hoa dại bên đường cài lên mái tóc khi đang bị dẫn giải ra pháp trường v.v... Những hình ảnh thật hào hùng và đầy “chất đảng” ấy thực tế là sao? 

Hôm nay xuân lại về trên quê hương đất nước, xa xa xanh ngát một màu xanh, trên bầu trời xanh lơ hàng đàn chim én liệng, mây mù tan biến trả lại bầu trời cho cánh én. Trên cành mai trước nhà em cặp họa mi trao nhau lời tình tự hót líu lo như chưa từng được hót khiến lòng em phơi phới, rộn ràng và... và... trong một “sát na” tâm trí em lóe lên bừng tỉnh và nói rõ lên từng tiếng rằng: “Mình có làm sao thì người ta mới nói như vậy chứ!” 

Kiểm nghiệm lại từng bước thời gian trôi qua trên quê hương của mình tan nát, rừng núi điêu tàn, đồng ruộng khô khan, biển đảo đã thành của giặc, dọc ven bờ thì độc tố cá tôm phơi mình như phẫn nộ, ngư dân thì bị đảng đẩy ra làm bia cho quân thù tập bắn mà đảng và nhà nước vô cùng nhu nhược, đúng hơn là hèn mạt “đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ...” Nhất là gần đây thành Hồ với “tối kiến” của vị nữ PGS TS đưa ra đề xuất “dùng lu chống ngập” khi mùa mưa lũ kéo về! Đảng định đưa xã hội trở về thời đồ đá. Không oan khi nhiều người dân gọi các TS thời cộng sản là TS Bò! thì rõ ràng là: “mình có làm sao nên người ta mới nói như vậy chứ!”

Em nhớ khi xưa ông bà em có nói: “chó nào chó sủa chỗ không? Không thằng ăn trộm cũng ông ăn mày” là chính xác. 

18.07.2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo