Hàn Quốc và Singapore, hai con rồng kỳ lạ - Dân Làm Báo

Hàn Quốc và Singapore, hai con rồng kỳ lạ

Lâm Văn Bé (Danlambao) - Rồng là loài vật thần thoại biểu tượng của sức mạnh phi thường, đối với Trung Quốc là hình ảnh của đế vương. Từ sau 1960, rồng còn được dùng để gọi 4 lãnh thổ ở Á châu có nền kinh tế trỗi dậy một cách ngoạn mục là Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Hồng Kông bên cạnh con cọp Trung Quốc. Và gần đây, các nhà kinh tế giàu tưởng tưởng và khôi hài đặt tên cho những quốc gia mới phát triển có nền kỹ nghệ sơ khai ở gần Trung Quốc là những cọp con (Tiger Cub Economies) hay NIC (newly industrialized countries). Hiên nay đã có 5 cọp con là Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, Phi Luật Tân và Việt Nam. Tóm lại, tại Á Châu hiện nay có một con cọp to, 4 con rồng và 5 cọp con.

Bài viết nầy chỉ đề cập đến hai con rồng Hàn Quốc và Singapore, đồng thời có cái nhìn so sánh với cọp con Việt Nam cộng sản. 

Con Rồng Hàn Quốc 

1. Thời Lý Thừa Vãn (1948-1960) và Yun Bo Sun (1960-61) 

Triều Tiên bị đặt dưới sự thống trị của Nhật từ năm 1910 đến khi Nhật thua trận, đầu hàng Đồng Minh trong Thế Chiến thứ hai vào năm 1945. Triều Tiên thoát khỏi ách cai trị của Nhật nhưng đất nước lại bị chia đôi lấy ranh giới là vĩ tuyến 38, Liên Sô đóng ở miền Bắc và Hoa Kỳ đóng ở miền Nam. Chánh phủ tạm thời miền Bắc do Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) điều khiển và miền Nam bởi Lý Thừa Vãn (Lee Seung-man). Sau những cuộc thương thuyết để thống nhứt hai miền Nam Bắc bất thành, chiến tranh Triều Tiên phát động bởi miền Bắc bùng nổ vào tháng 6/1950 với sự hỗ trợ của Liên Sô và Trung Quốc, còn Miền Nam bởi Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc. 

Cuộc chiến tàn khốc chấm dứt sau 3 năm (27/7/1953) với gần 3 triệu người chết và bị thương cùng hàng chục triệu người sơ tán cả hai phía, vĩ tuyến 38 vừa là khu phi quân sự, vừa là biên giới của hai quốc gia luôn thù hận nhau. Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên theo chế độ Cộng Sản, kinh đô là Bình Nhưõng (Pyeonyang) và Đại Hàn Dân Quốc (gọi tắt là Hàn Quốc), kinh đô trước là Choson, sau đổi tên là Seoul (Hán Thành) theo chế độ tư bản. 

Chinh phủ Lý Thừa Vãn được Mỹ viện trợ 12 tỉ MK để tái thiết một Hàn Quốc đổ nát và nghèo đói sau chiến tranh, nhưng tân chính phủ lại áp dụng chánh sách cai trị độc tài, tham nhũng nên phải đối phó luôn những cuộc chống đối, biểu tình của dân chúng và sinh viên mà sau cùng Lý Thừa Vãn phải từ chức, sống lưu vong ở Honolulu đến khi mất. Nền cộng hòa thứ hai do Yun Bo–sun làm tổng thống phải thừa hưởng những khó khăn của chính phủ trước, đặc biệt là tham nhũng vẫn hoành hành, xã hội tiếp tục hỗn loạn nên chỉ tồn tại được 9 tháng (tháng 8/1960- tháng 5/1961). 

2. Thời Phác Chánh Hy (1961- 1978) 

Ngày 16/05/1961, tướng Phác Chánh Hy (Park Chung-hee) làm cuộc đảo chánh quân sự, lên làm Tổng Thống năm 1963, mở đầu một kỷ nguyên mới cho Hàn Quốc, đưa Hàn Quốc từ một quốc gia nghèo đói đến một quốc gia kỹ nghê, nhưng cuộc cách mạng kỹ nghệ nầy đã thực hiện trong sự tàn bạo. Phác Chánh Hy là người của nghịch lý, nhiều người ngưỡng mộ ông vì ông quyết tâm xây dựng đất nước, nhưng cũng lắm người thù hận ông vì ông cai trị với chánh sách độc tài. Nhưng dù thương hay ghét, mọi người dân Hàn Quốc đều công nhận nếu không có Phác Chánh Hy, Hàn Quốc không có một vị trí kinh tế đáng nể như ngày nay. Lúc Phác Chánh Hy cầm quyền, lợi tức đồng niên trung bình của người Hàn chỉ có 82 mỹ kim, là mức lợi tức thấp nhứt thế giới (Việt Nam Cộng Hòa cũng nghèo như Hàn Quốc vào thời điểm nầy), nhưng năm 1975, lợi tức tăng lên 1310 MK rồi năm 1980 lên đến 4200 MK. 

Mục tiêu cuộc đảo chánh 

Khi đảo chánh, Phác Chánh Hy nêu lên 6 mục tiêu: 

- Chống Cộng Sản 
- Tăng cường hợp tác quốc tế 
- Chống tham nhũng, tài phiệt kinh tế 
- Phát triển kỹ nghệ 
- Thống nhứt quốc gia 
- Trao quyền cho chính phủ dân sự. 

Trong 6 mục tiêu trên, trong quyển tự truyện, ông viết "...tôi muốn nhấn mạnh, liên tục nhấn mạnh, rằng yếu tố then chốt của cuộc cách mạng quân đội ngày 16/05/1961 là thực hiện cuộc cách mạng kỹ nghệ ở Hàn Quốc. Không có cuộc cách mạng nầy sẽ không có chiến thắng chủ nghĩa Cộng sản, không có độc lập..." (Park Chung hee. The Country, The Revolution and I. - Seoul: Hyangmunsa, 1963. p. 259). 

Trong 4 nhiệm kỳ tổng thống, Phác đã thực hiện được ước vọng đó và nương theo công trình của Phác, những người kế nhiệm đã đưa nền kinh tế của Hàn Quốc trung bình mỗi năm tăng 10% như Báo cáo của Ngân Hàng Thế giới “...GDP growth averaging 10% annually between 1962 and 1994…, GNI per capita increasing rapidly from $US 67 in the early 1950s to $US 22 670 in 2012” (World Bank in Republic of Korea. Overview, updated April 19, 2018). 

Một số thống kê khác và gần đây cho thấy lợi tức trung bình của người Hàn tăng vượt bực mỗi năm: 2010: 30 000; 2016: 37 900; 2017: 39 400 (Index Mundi dẫn từ CIA World Fact Book). 

- Chánh sách của Phác Chánh Hy 

Hai tháng sau khi cầm quyền, Phác Chánh Hy đã tuyên bố trước 20 000 sinh viên Đại học Seoul như sau: "Toàn dân Hàn Quốc phải thắt lưng buộc bụng trong vòng 5 năm, phải cắn răng mà làm việc nếu muốn sống còn. Làm cách nào trong vòng 10 năm, chúng ta tạo được một nền kinh tế đứng đầu ở Đông Nam Á, và sau 20 năm, chúng ta sẽ trở thành cường quốc kinh tế thế giới. Chúng ta sẽ bắt thế giới ngưỡng mộ chúng ta. Hôm nay, có thể một số đồng bào bất đồng ý kiến với tôi. Nhưng xin những đồng bào ấy hiểu rằng tổ quốc quan trọng hơn quyền lợi cá nhân. Tôi không muốn mị dân. Tôi sẽ cương quyết ban hành một chính sách khắc khổ. Tôi sẽ đem bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chì 1 đồng. Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng đã đề ra". (Việt Dương. Park Chung Hee xây dựng kinh tế Đại Hàn). 

Đó là một lời thề và trong 18 năm cầm quyền, ông đã thực hiện lời thề nầy. Ông đã làm đúng những gì ông nói. Bằng những biện pháp cứng rắn đến tàn bạo, ông tìm mọi phương cách để phục hưng và phát triển nền kinh tế Hàn Quốc, biến Hàn Quốc từ một quốc gia lạc hậu đến phú cường. Ông thực sự liêm khiết, khi ông chết ngày 26/10/1979 dưới họng súng ám sát của một cộng sự viên thân tín, ông chỉ có 10 000 mỹ kim. 

- Cải cách nông nghiệp 

Hàn Quốc là một quốc gia nông nghiệp, ưu tiên là phải cải cách nông nghiệp để cứu đói cấp thời và phát triển nông nghiệp trong dài hạn. Phác Chung Hy nghĩ rằng trợ giúp của nhà nước sẽ chẳng đạt được kết quả nếu không có sự quyết tâm tự lực của người dân. Năm 1970, ông ban hành chánh sách phát triển nông thôn Saemaul Undong (Nông thôn mới) xây dựng trên 3 yếu tố: tự lực, tự cường và hợp tác, theo đó chánh phủ cung cấp phương tiện để người dân vận dụng sức lao động và sáng kiến của mình để sản xuất, tổ chức làng xã, xây dựng hạ tầng cơ sở. 

Một cách cụ thể, bắt đầu, chánh phủ cấp phát cho mỗi làng 300 bao ciment, một số dụng cụ để người dân tu sửa hạ tầng cơ sở, cấp phát hột giống, cây giống, phân bón, nông cụ, cán bộ kỹ thuật để người dân sản xuất nông phẩm. Người dân thụ hưởng những gì mình sản xuất nên có sự cố gắng tự nhiên, các làng xã, cơ sở hạ tầng phát triển từ nhỏ đến qui mô, nông nghiệp được phục hồi và phát triển nhanh chóng. Mức đầu tư của chánh phủ càng gia tăng, bộ mặt của nông nghiệp và các lãnh vực kinh tế, xã hội càng đồng bộ phát triển theo, chỉ trong 3 năm có khoảng 33 000 ngôi làng được cải thiện, và đến năm 1979, lúc Phác Chính Hy bị ám sát, 98% ngôi làng ở Hàn Quốc có thể tự túc về kinh tế. Phong trào Saemaul đã được Liên Hiệp Quốc đánh giá là một trong những mô hình phát triển nông nghiệp có hiệu quả và đã có 70 quốc gia chia sẻ kinh nghiệm của mô hình nầy. 

Nhìn về Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh cũng bắt đầu cải cách ruộng đất nhưng để cho cố vấn Trung Quốc đem chánh sách đấu tố từ Trung Quốc áp dụng y chang như bên Trung Quốc, hậu quả là đất đai bị tịch thu cho đảng, 2 triệu nông dân bị giết, làng xóm điêu tàn, nạn đói tràn lan. 

- Phát triển kỹ nghệ và xây dựng hạ tầng cơ sở 

Song song với việc cải cách và phát triển nông nghiệp, Phác Chánh Hy phát triển kỹ nghệ và xây dựng hạ tầng cơ sở nhờ vốn của các Chaebol (chae: tài phiệt; bol: gia tộc) là các dòng họ tài phiệt sở hữu nhiều công ty hoạt động trong các lãnh vực kinh tế khác nhau nhưng đặt dới quyền điều khiển của một tộc trưởng. Sự hợp tác giữa chánh phủ và chaebol dưới thời Phác Chánh Quy theo kiểu win-win, có lợi cho quốc gia và cho tài phiệt, nhưng với thời gian, các chaebol ảnh hường nhiều đến chánh trị của Hàn Quốc. Bốn chaebol lớn nhứt của Hàn Quốc là Samsung, Hyundai, LG Group và SK Group (Daewoo trước đây đứng hang thứ hai, nhưng năm 2009 đã phân tán). Năm 2015, khoảng 30 chaebol kiểm soát 80% nền kinh tế Hàn Quốc, đó là lý do giải thích nhiều cấp lãnh đạo cao cấp bị cách chức, đi tù vì lạm quyền, tham nhũng, như trường hợp cựu tổng thổng Phác Cận Huệ (Park Geng-hye), trưởng nữ của Phác Chánh Hy vừa bị 5 năm tù vì nhận hối lộ. 

Ngoài vốn trong nước cung cấp bởi các chaebol, Phát Chánh Hy còn nhờ ngoại giao và ngoại tệ. Trái với hai tổng thống tiền nhiệm chủ trương đoạn giao với Nhật, Phác Chánh Hy quên thù hận và bang giao với Nhật mặc dù dân Hàn quốc biểu tình phản đối, nhưng Phác đã tuyên bố: "Chúng ta phải nhìn xa. Chúng ta không được cô lập với cộng đồng thế giới và nhứt là phải biết vị trí của chúng ta ở Viễn Đông..." Việc tái lập bang giao với Nhật đã mở rộng quyền đánh cá hải dương, trao đổi thương mãi và nhận được tài trợ của Nhật. Năm 1967, trị giá xuất cảng sang Nhật chỉ có 400 triệu mỹ kim, năm 1980 lên đến 9 tỉ. Nhật là khách hàng quan trọng hạng 2 sau Hoa Kỳ. 

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Hàn Quốc đã gởi 320 000 quân nhân sang tham chiến. Trong 8 năm (1965-1972), Mỹ đã tài trợ cho Hàn Quốc 5 tỉ mỹ kim như đài thọ chiến phí và cho vay 5 tỉ với mức lời ưu đãi, không kể giúp đỡ phát triển kỹ nghệ dưới hình thức chuyển giao kỹ thuật (transfert technologique). 

Nhờ viện trợ và tiền lương của Mỹ trả cho binh lính Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam, kinh tế Hàn Quốc phát triển nhanh chóng. Chỉ trong 10 năm từ 1964 tới 1974, GDP trung bình của Hàn Quốc đã tăng hơn 5 lần (từ 103 USD lên 541 USD). (A perspective on Korea’s participation in the VN War /Asian Institute for Policy Studies, 2013/04/09). 

Công Sản VN thường rêu rao Hàn Quốc gởi quân đánh thuê đến VN, nhưng Hàn Quốc nhờ 5000 tử sĩ quân đánh thuê nầy mà xây dựng được hạ tầng cơ sở, phát triển kinh tế, trong khi Trung Quốc và Liên Sô, để phát triển chủ nghĩa Marx-Lénine, đã nhờ quân dân VN đánh thuê chính trên lãnh thổ VN, tàn phá Việt Nam từ Nam đến Bắc, giết hại và gây thương tích cho gần 4 triệu người. Vẫn chưa đủ, nhờ viện trợ của thế giới Tây Phương và các quốc gia dân chủ ở Á Châu, trong đó có Hàn Quốc, người dân Việt Nam đã gượng dậy để hàn gắn vết thương của cuộc chiến do đàn anh Liên Sô và Trung Quốc gây ra, thì không lâu sau đó,Trung Quốc trở lại để tiếp tục quấy phả, xâm lược lãnh thổ, cướp bóc tài nguyên của Việt Nam dưới sự phủ phục hèn hạ của đảng cộng sản VN. 

- Tự lực để tự cường 

Sau gần một thế kỷ Nhật thuộc cộng với 10 năm dưới chế độ độc tài và tham nhũng của Lý Thừa Vãn, người dân Hàn Quốc rã rời, nhụt chí khí, mất niềm tin. Phác Chánh Hee đã dùng sức sáng tạo, quyết tâm và trí lực của mình để vực dậy niềm kiêu hãnh, động viên tính siêng năng của người dân để phục vụ đất nước. Ông nói: "Việc xây dựng kinh tế và phát triển tinh thần không phải là hai ý niệm khác nhau, mà phải đi song hành…Nhiều dân tộc khác phải mất hàng thế kỷ để tìm ra thần trí, chúng ta phải tìm thấy tinh thần dân tộc Hàn Quốc trong chính thập kỷ nầy" (5 điều chưa biết về mục tiêu xây dựng kinh tế của Park Chung Hee/ Thông tin Hàn Quốc, 16/05/2019). 

Từ chính quyền đến người dân, tất cả phải thắt lưng buộc bụng. Trung bình người dân phải làm việc 14 giờ mỗi ngày, mỗi tuần phải nhịn ăn một bữa, không cà-phê, không thuốc lá ngoại quốc, chỉ dủng TV đen trắng, dành TV màu để xuất cảng. Ông không phải chỉ ra lệnh mà hành động để làm gương. Trong nhiều bài diễn văn, ông thường nói “Mỗi xu ngoại tệ là một giọt máu” (Park Chung Hee. speeches. - Seoul: Hollyn, p.149) và cuộc sống giản dị, tính liêm khiết của ông là một bằng chứng. Ông làm việc không ngừng nghỉ như ông bắt buộc người dân. Ông đã kiên quyết xây xa lộ Seoul - Pusan dài 428 km băng qua 29 cầu chính, 208 cầu nhỏ và 6 đường hầm xuyên qua các đèo núi hiểm trở, công trình nầy khiến thế giới thán phục bởi lẽ chính ông trực diện với những khó khăn tại công trường cùng với kỹ sư và thợ thuyền. Nhờ xa lộ nầy đã tạo ra 70% sản lượng quốc gia sau 3 năm khánh thành và là mạch giao thông chính yếu cho 80% xe cộ trong nước. 

- Độc tài để phát triển 

Phát triển kinh tế của Hàn Quốc có một giá đắt phải trả dưới thời Phát Chánh Hy là người dân không có dân chủ. Phác tuyên bố là "người dân sợ hãi nghèo đói hơn là sợ độc tài... Hàn Quốc cần phải có nền kinh tế vũng mạnh trước khi có dân chủ..." Cộng Sản là kẻ thù không đội trời chung, do đó những chống đối của giới trí thức, công nhân, nông dân đòi hỏi dân chủ tự do bị đàn áp nhân danh đạo luật an ninh chống Cộng. Nhân danh bảo tồn thuần phong mỹ tục, ông ra lệnh cảnh sát chận đường cắt tóc thanh niên để tóc dàì, bắt giam phụ nữ mặc váy ngắn. 

Say mê với phát triển kinh tế, xã hội và tâm thức người hùng, ông càng trở nên say máu và vô cảm trước các thành công. Khi được báo tin vợ ông bị tử nạn, ông thản nhiên tiếp tục bài diễn văn và năm 1974, ông sửa hiến pháp suy tôn là tổng thống trọn đời. Ngay cả những cộng sự viên thân tín cũng chán ghét ông, ông đã bị ám sát hụt năm 1974 và ngày 26/10/1979, chính người giám đốc cơ quan tình báo và là người điệp viên trưởng của ông đã bắn chết ông tại một buổi tiệc. 

Không một chính trị gia Hàn Quốc nào nhận được sự trung thành cũng như tạo ra sự sợ hãi nhiều như Phác. Mặc dù độc tài, Phác bị nhiều thù hận, nhưng cũng được nhiều người Hàn Quốc yêu mến, biết ơn. Phác được đánh giá là bộc trực nhưng cứng rắn, mang nặng bản chất tồn cổ nhưng có viễn kiến. 

Đối với thế giới, đa số nhìn Phác Chánh Hy là người có công hơn là có tội đối với Hàn Quốc vì ông là người tiền phong, đã đem lòng yêu nước thay đổi vân mệnh Hàn Quốc. 

Tạp chí The Economist phản ảnh quan điểm nầy. “Hàn Quốc không phải chỉ phát triển nhanh, mà quốc gia này đã biết kết hợp sự phát triển với dân chủ. Mặc dù bắt đầu dưới thời một nhà độc tài quân sự, Park Chung Hee, trong suốt 25 năm qua, quốc gia nầy đã có một Quốc hội đầy sinh động. Theo Freedom House, Hàn Quốc có mức độ phát triển dân chủ ngang với Nhật Bản. Không một nước Á Châu nào có sự phát triển tốt đẹp tương tự.” (South Korea’s Economy What do you do when you reach the top / The Economist Nov.12, 2011). 

Con Rồng Singapore 

Ngày 9 tháng 8 vừa qua là ngày kỷ niệm 54 năm thành lập quốc gia Singapore, con rồng thứ hai xuất hiện cùng thời với Hàn Quốc. Nếu diện tích của Hàn Quốc chỉ bằng 1/3 Việt Nam (99 268 km2) thì Singapore chỉ bằng đảo Phú Quốc. Với diện tích chỉ có 720 km2 gổm 63 đảo mà đảo lớn nhứt là Pulau Ujong (684 km2) và với dân số chỉ có 5.8 triệu người (https//danso.org.singapore, 31/12/2018) trong đó có nhiều sắc tộc và tôn giáo vốn dị biệt nhau (Hoa: 75%, Mã Lai: 13%, Ấn Độ: 9%, sắc tộc khác: 3%), vậy mà người dân Singapore hôm nay có lợi tức đồng niên lên đến 100 345 Mỹ Kim, đứng hạng thứ 3 thế giới. 

Ngoài ra, Singapore còn được xếp hạng cao về các chỉ số bài trừ tham nhũng, nhân sinh, giáo dục, cạnh tranh tài năng... và được thế giới ngưỡng mộ về mô hình phát triển kinh tế. 

Điều gì đã giúp Singapore, gọi là quốc gia nhưng thực sự chỉ là một thành phố, (city-state) đã biến đổi một cách phi thường chỉ sau 3 thập niên? 

Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew), nhà chính trị thần kỳ đã điều khiển Singapore suốt 31 năm (1959-1990), được dân Singapore và thế giới tôn vinh là "người cha khai sáng Singapore" (Singapore’s founder father) đã trả lời trong cuộc phỏng vấn với báo New York Times chính yếu như sau: 

"Chúng tôi biết rằng nếu chúng tôi chỉ giống như các nước láng giềng, chúng tôi sẽ chết. Bởi vì chúng tôi không có cái gì cả so với những thứ mà họ có. Do đó chúng tôi phải tạo ra những thứ gì khác biệt và tốt hơn những gì mà họ có. Đó là sự liêm khiết. Đó là sự hiệu quả. Đó là sự tôn trọng hiền tài. Và những lựa chọn nầy thực sự có thành quả tốt. (We knew that if we were just like our neighbors, we would die. Because we've got nothing to offer against what they have to offer. So we had to produce something which is different and better than what they have. It's incorrupt. It's efficient. It's meritocratic. It works"). (New York Times 29/08/2007.) 

Chống tham nhũng 

Singapore được xem là một trong những quốc gia ít tham nhũng nhứt thế giới. Trong bảng xếp hạng của Transparency International (Tổ chức Minh bạch Thế giới), Singapore luôn đứng trong những hàng đầu. Vào năm 2018, với Chỉ số cảm nhận tham nhũng CPI (Corruption Perceptions Index) là 87, Singapore là quốc gia trong sạch thứ 3 trên thế giới (sau Đan Mạch và Tân Tây Lan). 

Singapore có 75% dân là người Hoa, mà người Hoa có truyền thống “cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng nhiều tiền”. Biết được hiểm họa ấy, đảng Nhân Dân Hành Động (People’s Action Party = PAP) của Lý Quang Diệu, trong lần tranh cử đầu tiên năm 1959 đã lấy khẩu hiệu là bài trừ tham nhũng, và tháng 6 năm 1959, khi tuyên thệ nhậm chức, Lý Quang Diệu và nội các của ông đã xuất hiện trong bộ y phục màu trắng, biểu hiện cho sự thanh khiết (whiter than white). Liền sau đó, ông ban hành đạo luật "Chống tham nhũng" có nhiều điều khoản khắt khe, thí dụ như người nhận hối lộ và người hối lộ đều bị đi tù, tiền hối lộ phải hoàn trả cho chính phủ để làm chuyện công ích, cảnh sát có quyền khám xét nhà, kiểm tra tài khoản trong ngân hàng, có thể bắt giam người bị tình nghi, bị cáo qua đời cũng bị tịch thu tài sản, tăng tiền phạt tham nhũng từ 10000 $Singapore lên 100000... Đối với nhân viên chính phủ các ngành liên quan đến tiền bạc như thuế vụ, cảnh sát giao thông... cần được luân chuyển và giám sát thường xuyên. Các biện pháp nầy, tuy có diệt được tham nhũng mà chỉ số CPI là bằng chứng, nhưng chính phủ Lý Quang Diệu đã gặp sự chống đối càng lúc càng gia tăng vì bị kết tội độc tài, tước đoạt quyền tự do cá nhân. 

Ngoài ra, Lý quang Diệu còn chủ trương trả lương cao cho công chức và cấp lãnh đạo, vừa để cầm chân những người có khả năng và liêm chính trung thành với chánh phủ, vừa để tránh nạn tham nhũng. Chánh sách nầy dựa trên tiền đề là nếu quan chức chính phủ được trả lương cao, họ không bị cám dỗ vì vấn đề tiền bạc, họ không tham nhũng, nhứt là việc trả lương cao kèm theo những hình phạt nghiêm khắc đối với người phạm pháp. Để thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, chánh phủ buộc người dân phải tiết kiệm 25% tiền lương mỗi tháng để ký thác vào Quỹ Dự Phòng Trung Ương (Central Providend Fund) và sẽ được rút ra khi mua nhà hay khi hưu trí. Nếu người công chức phạm tội tham nhũng, chẳng những bị sa thải mà còn bị chánh phủ trưng thu tất cả tiền ký thác nầy. Các biện pháp bài trừ tham nhũng vẫn được tiếp tục được áp dụng dưới thời hai thủ tướng kế nhiệm là Goh Chok Tong (1990-2004) và Lý Hiển Long (2004 đến nay). 

Các nhà lãnh đạo Singapore đa số là những người kỳ tài, liêm chính, đã biến Singapore từ một thành phố nghèo với lợi tức đồng niên 500 mỹ kim năm 1960, trở thành một con rồng Á châu chỉ sau 30 năm, nhưng với lương thủ tướng và bộ trưởng Singapore cao gấp nhiều lần so với các nước lớn trên thế giới là một việc không bình thường, bất công, đào sâu sự phân cách giàu nghèo. Trả lời về chỉ trích nầy của phe đối lập tại Quốc hội, Lý Quang Diệu đã phát biểu: 

“Phương cách của chúng tôi là trả lương theo thị trường, là một hệ thống trung thực và biện minh được. Sự từ chối của các ông chỉ là đạo đức giả và rốt cuộc sẽ tạo nên tham nhũng - I’m suggesting our way, moving with the market is an honest, defensible and workable system. You abandon this for hypocrisis, you’ll end up with duplicity and corruption” (Jon S.T.Quah. Corruption in Asia with special reference to Singapore in Asian Journal of Public Administration, v. 10, 1988, issue 1, p. 93). 

Năm 2015, lương của thủ tướng Lý Hiển Long (trưởng nam của Lý Quang Diệu) là 1.7 triệu mỹ kim, trong khi Obama, tổng thống Hoa Kỳ chỉ có 400000, lương trung bình của một bộ trưởng Singapore là 800 000 MK, trong khi tại đa số các quốc gia Âu Mỹ chỉ khoảng từ 100 000 đến 300 000 MK. 

Thu hút và đào tạo nhân tài 

Singapore là một quốc gia không có tài nguyên thiên nhiên, không có canh nông. Tất cả đều phải nhập cảng, từ nguyên liệu thô để biến chế thành sản phẩm kỹ nghệ đến thực phẩm để nuôi dân, thậm chí cả nước uống. Tài sản duy nhất của Singapore là nhân lực và nhân tài. 

Để thu hút nhân tài, chính phủ thành lập Ủy Ban Tuyển dụng Tài năng Singapore (The Singapore Talent Recruitment Committee) và nhiều chương trình khác để phụ trách săn tìm những người ưu tú trong và ngoài nước cùng hợp lực xây dựng quốc gia tân lập. Những người được tuyển chọn dựa trên 3 tiêu chuẩn là năng lực, liêm khiết và sự hiệu quả chớ không dựa vào thân thuộc, sắc tộc, tôn giáo, giới tính và quốc tịch. Những nhân tài được trọng đãi vì ngoài lương bổng cao, còn được chính phủ cấp nhà ở, cho phép thân nhân đến cư trú và dễ dàng trong việc nhập tịch Singapore. Trong số 4.5 triệu người trong tuổi lao động, 25% là người nước ngoài. Theo Foreign Policy, Singapore là quốc gia toàn cầu hóa nhiều nhứt và là trung tâm thu hút nhân tài thứ hai sau Mỹ. Chỉ số tranh tài toàn cầu (Global Talent Competitiveness Index= GTCI) năm 2019 của INSEAD cho biết Singapore đứng hạng thứ 2 sau Thụy Sĩ. 

Song song với việc thu hút nhân tài ngoại quốc, Singapore còn phát triển qui mô giáo dục cấp đại học và hậu đại học. Tuy là một quốc gia ít dân, từ nhiều năm nay, Singapore có 2 đại học đứng trong top 20 trong bảng xếp hạng 1000 đại học nổi tiếng nhứt thế giới tuyển chọn trong gần 5000 đại học. Đó là National University of Singapore (NUS), hạng 11 và Nanyang Technology University of Singapore (NTU), hạng 12. (theo QS World Ranking Universities 2019). Số sinh viên ngoại quốc cấp đại học và hậu đại học chiếm kỷ lục nếu tính theo tỉ lê dân số, mặc dù học phí rất cao (từ 25 000 đến 40 000$US).Tuy nhiên, với chính sách thu hút nhân tài, Singapore cấp học bổng hay cho vay các sinh viên ưu tú với điều kiện làm việc một thời gian sau khi tốt nghiệp, Singapore thu vào nhiều lợi nhuận qua học phí và chất xám. 

Mô hình phát triển Singapore 

Lý Quang Diệu được thế giới ngưỡng mộ khi còn sống và được ca tụng khi ông mất. Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc Ban-Ki-moon tuyên dương: LQD là nhân vật huyền thoại ở Châu Á, được tôn kính phẩm chất lãnh đạo;TT Obama ca ngợi: Ông ấy là người khổng lồ thực sự của lịch sử; Nixon so sánh LQD với Bismarck, Churchill; nguyên thủ tướng Tony Blair nói ông là nhà lãnh đạo thông minh nhất thế giới tôi từng gặp…Là một trí thức gốc Hoa, trưởng thành trong văn hóa Tây Phương (tốt nghiệp Luật khoa đại học Cambridge ở Anh, không nói suôn sẻ tiếng Hoa), giao thoa với chế độ cộng sản và chế độ tư bản, với một xã hội đa văn hóa và đa tôn giáo, với người cực nghèo và cực giàu, ông cai trị Singapore theo một mô hình chính trị và xã hội cân bằng 40-60 tùy theo lãnh vực giữa các dị biệt trên. Với Tây Phương ông nói rõ: “Nếu chúng tôi không lấy những đặc điểm tốt của phương Tây để dẫn đường, có lẽ chúng tôi không thể thoát ra được tình trạng trì trệ. Nhưng chúng tôi không tiếp thu tất cả mọi thứ của phương Tây” (Foreign Policy, no. March-April 1994). Về các chỉ trích chính phủ xâm phạm quyền tự do của người dân, ông trả lời: “Tự do báo chí, ngôn luận phải nằm dưới các mục đích của một chính phủ được dân bầu” (phát biểu tại Đại Hội đồng Học Viện Báo Chí Quốc Tế tại Helselki ngày 09/06/1971) 

- Định hướng kinh tế tư bản theo sở hữu tài nguyên 

Lợi dụng vị trí địa lý chiến lược, Singapore phát triển vận tải đường biển, đường hàng không và du lịch. Singapore Airlines là công ty hàng không lớn nhất thế giới và hải cảng Singapore đứng hạng 2 sau Shanghai. Với một đội ngủ chuyên viên kỹ thuật cao cấp rành nghề, Singapore phát triển ngành cung cấp dịch vụ, thương mại, ngân hàng và kỹ nghệ chế biến bng cách nhập cảng nguyên liệu thô để chế biến thành hàng hóa kỹ nghệ (lọc dầu, hóa học, điện tử...). GDP lãnh vực dịch vụ chiếm 25%, điều duy nhứt trên thế giới, và kỹ nghệ chế biến chiếm 75%. Chỉ với kỹ nghệ du lịch và tổ chức hội nghị quốc tế đã đem lại cho Singapore khoảng 20 tỉ USD hàng năm. Người dân Singapore cần cù, tiết kiệm và biết đầu tư. Theo thống kê, 10% dân Singapore có trên 100 triệu USD. Thật là thần kỳ, với một quốc gia không nguyên liệu, không đất đai, và dân số chỉ hơn 5 triệu mà GDP trung bình của người dân đứng hạng thứ ba thế giới. 

So sánh một số thống kê liên quan đến Hàn Quốc, Singaopre và VN: 


Nguồn và chú thích: 

1. Atlas socio-économique des pays du monde, 2019 (stat. 2016 ou 2015) 

2. International Monetary Fund 2018 (updated April 17, 2019). 

Số thống kê của IMF, World Bank, và World Fact Book of CIA khác nhau chút ít theo cách tính của mỗi cơ quan. 

GDP- Nominal (Gross Domestic Product-Nominal) là Tổng sản lượng nội địa. 

GDP – PPP (Gross Domestic Product - Purchasing Power Parity), tiếng Pháp là 

PIB-PPA (Produit intérieur brut - Parité pouvoir d’achat) là Tổng sản lượng nội địa tính theo giá mua một món hàng hay một dịch vụ theo mức sống của mỗi quốc gia tính bằng $US. Trong số 192 quốc gia, 178 quốc gia có GDP-PPP cao hơn GDP - Nominal, 13 ngược lai, và Hoa Kỳ hai số giống nhau. 

GDP-PPP per capita: Lợi tức đầu người tính theo giá mua. Con số nầy thường dùng để đo lường lợi tức trung bình của người dân. 

(3) Corruption Perceptions index /Transparency International, 2018 

(4) Human Development Index, 2018 

(5) Reporters Sans Frontières, 2019 

(6) Indice de la démocratie 2018 / Economist 

(7) Global Talent Competitiveness Index (GTCI) 2019 /INSEAD 

Phát triển trên căn bản đạo đức xã hội 

Lý Quang Diệu quan niệm đạo đức là một yếu tố căn bản của chính trị. Trong cuộc phỏng vấn với Foreign Affairs năm 1995, ông nói: "...Con người cần những ý thức đạo đức nhứt định đúng và sai. Có những thứ thực sự xấu xa phải ngăn chặn. Người phương Tây từ bỏ những nền tảng đạo đức của xã hội, tin rằng mọi vấn đề có thể giải quyết bằng một chính phủ tốt, đây là điều mà phương Đông chúng tôi không bao giờ tin. Xã hội phương Đông tin rằng cá nhân tồn tại trong khuôn khổ gia đình. Gia đình là một phần của gia đình rộng lớn hơn rồi bạn bè, xã hội. Người lãnh đạo hay chính phủ không cung cấp cho cá nhân những gì mà gia đình có thể có. Chúng tôi may mắn có một nền văn hóa tràn đầy niềm tin vào sự tiết kiệm, làm việc chăm chỉ, kính trọng cha mẹ, tôn kính gia đình và trên hết là tôn trọng trí thức và học vấn..."

Với quan niệm chính trị như trên, ông đã hiện đại hóa Singapore bằng công bình, bác ái và kỹ luật. Để giữ chân những tài năng, ông không đánh thuế lợi tức cao, nhưng để không tạo ra phân cách giàu nghèo quá đáng, ông cung cấp những dịch vụ rộng rãi cho giới nghèo: giáo dục, y tế miễn phí, giúp đỡ người dân sở hữu gia cư. Singapore là quốc gia có chánh sách gia cư tốt nhứt thế giới: 80% người dân được chính phủ trợ cấp gia cư với 1 triệu căn hộ (condo) trong các chung cư cao tầng. Tuy đất đai ở Singapore là đất vàng, chính phủ vẫn tạo ra những khu công viên mà Singapore được gọi là thành phố xanh, đô thị được thiết kế tinh vi, hiện đại, trông ngoạn mục ngày cũng như đêm. Singapore là quốc gia-thành phố (city-state) sạch nhứt thế giới nhờ tinh thần tự giác của người dân và những biện pháp kỹ luật vệ sinh công cộng khắt khe của chính phủ. 

Từ khi lập quốc, Singapore luôn phải đối diện với vấn đề quân bình dân số bản địa và dân nhập cư trên một hòn đảo nhỏ hẹp, vừa cần dân bản địa để duy trì bản sắc, vừa cần nhân công ngoại quốc để tạo ra phú cường. 

Mặc dù Lý Quang Diệu đã thành công với những biện pháp nghịch lý, vấn đề môt con hay 2 con, hạn chế hay gia tăng di dân và di dân loại nào, yêu sách chế độ lưỡng đảng của giới trẻ thay thế cho chế độ độc đảng như thời Lý Quang Diệu là một số khó khăn mà những người kế nhiệm Lý Quang Diệu phải có những giải pháp thông minh trong ngắn hạn để duy trì ngôi thứ trong các con rồng, con cọp Á Châu và con sư tử Mỹ Quốc. 

Vài nhận định của Lý Quang Diệu về các nhà lãnh đạo Việt Nam 

Tháng 11 năm 1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến viếng Singapore và mời Lý Quang Diệu làm cố vấn lúc ông đã về hưu, nhưng ông không nhận, hẹn sẽ đến thăm Việt Nam để tìm hiểu nhiều hơn. Tháng 4, 1992, Lý Quang Diệu đến Hà Nội làm việc với Võ Văn Kiệt, nhưng Tổng Bí Thư Đỗ Mười không tiếp vì cho Lý là người chống Cộng hèn hạ. Sau đó Đỗ Mười đổi thái độ sang thăm Singapore năm 1993. Lý Quang Diệu có đến thăm VN ba lần nữa vào năm 1993, 1995, 1997 và nhiều lãnh đạo VN như Phạm Văn Đồng, Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương, Nguyễn Phú Trọng… cũng đã lần lượt sang Singapore gặp Lý. 

Sau đây là vài phát biểu của Lý Quang Diệu về các nhà lãnh đạo VN. 

- Tuy các ông đó có thăm nhiều nơi, có nghe nhiều bài giới thiệu nhưng hầu như không học hỏi được điều gì. Điều các ông muốn học và làm, cho đến nay nhân loại chưa có ai biết, chưa có ai làm được, đó là phát triển kinh tế thị trường trong chế độ cộng sản chuyên chính… 

- Các nước dân chủ đều cho rằng động lực để phát triển xã hội phải dựa vào năng lực và trách nhiệm của 3 lực lượng chính là trí thức, doanh nhân và quan chức chính quyền. Cộng sản lại dựa vào liên minh công nông mà công và nông của các ông đang lao động cực nhọc và sống lây lất, trí thức của các ông thì hữu danh vô thực, doanh nhân thì còn yếu kém và bị chèn ép, quan chức nhà nước thì nặng về tham nhũng, yếu kém về trình độ và đạo đức. Các ông muốn phát triển đúng hướng thì phải thay đổi từ gốc rễ là nhận thức, là thay đổi thể chế (nguồn:https:// Minds.com) 

- Các nhà cách mạng lão thành (Old Guard Leaders) đang đẩy Việt Nam đến trì trệ. Chỉ khi họ qua đời thì đất nước nầy mới có thể tạo ra đột phá trong các nỗ lực hiện đại hóa. 

- Các bậc lão thành nầy được lên thứ bậc của đảng trong suốt thời chiến tranh và bây giờ đang nắm giữ nhiều vị trí quyền lực không phải nhờ quản trị tốt nền kinh tế, nhưng nhờ họ đã đào hầm từ miền Bắc đến miền Nam trong hơn 30 năm. Trong khi các nhà cách mạng cộng sản Trung Quốc đang tích tụ hàng thập niên kinh nghiệm quản trị ở thời bình thì các nhà cách mạng VN bị kẹt trong cuộc chiến tranh du kích tàn bạo với Mỹ, chẳng học được gì cách điều hành đất nước. Họ tin rằng họ sẽ được đảng chăm sóc nhưng khi họ thấy các người ngoài đảng trở nên giàu có thì họ bị vỡ mộng và trở nên tham nhũng. 

Hi vọng nhóm trẻ hơn lên thay thế họ, sẽ xem Thái Lan phát triển tốt như thế nào và trở nên tin tưởng vào tầm quan trọng của thị trường tự do (Lee Kuan Yew. One Man’s View of the World, biên dịch Trương thị Thanh Hiền đăng trong Nghiên cứu Quốc Tế 14/01/2014 tựa là Lý Quang Diệu viết về Đông Nam Á Và VN). 

Kết luận 

Bài viết mang tựa là Hàn Quốc và Singapore nhưng thực sự nói nhiều về Phác Chánh Hy và Lý Quang Diệu, hai lãnh tụ đã thay đổi vận mạng của Hàn Quốc và Singapore, biến một quốc gia lạc hậu và một thị trấn nhỏ bé nghèo nàn trở thành hai tiểu cường quốc được đặt tên là hai con rồng châu Á. Bài viết cũng không đi sâu vào các hình thái phát triển mà chỉ phác họa phương trình phát triển kinh tế bằng tâm quyết và bạo lực tại Hàn Quốc và Singapore để có cái nhìn về Việt Nam. 

Năm 1960, tại châu Á cũng có một quốc gia lạc hậu giống như Hàn Quốc là Việt Nam, và lúc đó cái thị trấn Singapore còn là một vùng chài lưới của Malaysia, vậy mà chỉ 20 năm sau, Hàn Quốc và Singapore đã trở thành hai quốc gia kỹ nghệ trong khi Việt Nam còn ăn cơm với khoai độn và chiếc xe đạp là bảo vật hồi môn. 

Rồi 60 năm sau (2018), tuy Hàn Quốc có lãnh thổ bằng 1/3 và Singapore bằng 1/550 so với Viêt Nam, còn về dân số thì Hàn Quốc chỉ chỉ có 51.2 triệu, Singapore 5.8 triệu, trong khi Việt Nam có đến 92.7 triệu, vậy mà lợi tức trung bình của người dân Hàn Quốc cao hơn gấp 5.5 lần và Singapore gấp 13.5 lần so với lợi tức trung bình của người Việt Nam. Tuy Phác Chánh Hy và Lý Quang Diệu có dùng những biện pháp mạnh gọi là dân chủ có hạn chế hay dân chủ có hướng dẫn để giải quyết các cuộc khủng hoảng, đưa đất nước họ từ trong bóng tối lần lần ra ánh sáng và người dân hai nước nầy, tuy có kẻ thương người ghét nhưng mọi người đều ngưỡng mộ cũng như thế giới không hết lời ca tụng tài đức của hai nhà lãnh đạo nầy. 

Cùng một cảnh ngộ như Hàn Quốc và Singapore vào năm 1960, tại sao với những tài nguyên thiên nhiên và nhân lực phong phú hơn gấp bội, Việt Nam hôm nay lại vẫn còn trì trệ và trở nên con nợ của hai quốc gia đồng đẳng vào nửa thế kỷ trước? Lý do có nhiều, nhưng lý do chính yếu là các nhà lãnh đạo và người dân Hàn Quốc, Singapore là những người thực sự yêu nước, có tài trí, có tâm và tầm đã cùng nhau thắt lưng buộc bụng xây dựng cho Tổ Quốc trong kỹ luật khắt khe. thậm chí trong phản kháng để mọi người cùng hưởng thụ. Cùng một hoàn cảnh với hai con Rồng trên, Việt Nam lại không may có đảng Cộng Sản gồm toàn những người lãnh đạo ngu dốt, tham tàn và hèn hạ, đã biến nước Việt Nam vốn suy kém khi vừa thoát ra khỏi chế đô Pháp thuộc trở nên suy tàn theo năm tháng cai trị của đám người vô học, vô đạo để phục vụ cho quyền lợi của đảng và cá nhân. 

Trong một tình huống như vậy, ngày nào Việt Nam còn sống trong gông cùm của đảng Cộng sản, ngày đó Việt Nam vẫn còn chìm đắm trong chậm tiến và bất công, xã hội băng hoại và hiểm họa Hán hóa. 

Giải thể chế độ Cộng Sản bất nhân bất tài đó là giải pháp duy nhất. Bằng cách nào và bao giờ? Địa chính trị thế giới và sĩ khí của dân tộc Việt Nam sẽ trả lời. 

22.08.2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo