David Hutt * Hoàng Thủy Ngữ (Danlambao) dịch - Trên thị trường có rất nhiều tin đồn là tập đoàn dầu khí khổng lồ ExxonMobil của Mỹ đang trong tư thế rút khỏi dự án năng lượng Cá Voi Xanh trị giá 10 tỷ USA, bao gồm mỏ khí đốt lớn nhất của Việt Nam ở Biển Đông.
Tuần này, blogger độc lập Huy Đức cho biết ExxonMobil, ngày 28 tháng Tám, đã thông báo cho chính phủ Việt Nam là họ có kế hoạch bán 64% cổ phần của mình trong dự án Blue Whale, tên địa phương gọi là Cá Voi Xanh, dự kiến sẽ bắt đầu khai thác vào năm 2023.
Trước đó, Tim Daiss, nhà phân tích thị trường dầu mỏ, đã viết rằng các chuyên gia về năng lượng người Việt đều có cùng quan điểm là “Bắc Kinh rất có thể sẽ chuẩn bị thách thức hay ít nhất cũng tạo áp lực” đối với dự án này, trong một bài báo có nhan đề “Bắc Kinh sẽ đá ExxonMobil ra khỏi Biển Đông?”
ExxonMobil chưa chính thức bình luận về các đồn đoán ầm ĩ này. Nhưng nếu công ty dầu khí khổng lồ của Mỹ thực sự đang tìm cách cắt giảm hay tháo chạy khỏi dự án Cá Voi Xanh thì câu hỏi được đặt ra: đó là một quyết định thương mại hay vì bị Trung Quốc áp lực?
Chuyện một công ty Mỹ có thể ra đi cho thấy đây là lần thứ tư, một hợp đồng trong nhiều năm, với sự ủy thác của Hà Nội, bị một công ty năng lượng nước ngoài hủy bỏ khi còn đang thăm dò dầu khí trong khu vực Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Bãi Tư chính
Trung Quốc, nước tuyên bố có chủ quyền gần 90% vùng biển tranh chấp thông qua bản đồ đường chín đoạn gây tranh cãi, đã gây áp lực buộc Việt Nam phải ngừng hợp tác với các công ty nước ngoài trong việc thăm dò dầu khí tại các khu vực hàng hải đang tranh chấp. Những tuyên bố gây tranh cãi đã dẫn đến việc các tàu Trung Quốc và Việt Nam đối đầu nhau ở Bãi Tư Chính, một vùng biển giàu năng lượng, trong những tuần lễ gần đây.
Một liên doanh Việt-Nga, do Rosneft Moscow điều hành, hiện cũng đang thăm dò dầu khí trong khu vực.
Trong năm 2017 và 2018, Hà Nội đã hủy bỏ các dự án thăm dò dầu khí từng ký với các công ty nước ngoài, gồm cả Repsol của Tây Ban Nha, vì bị Bắc Kinh áp lực và đe dọa sử dụng bạo lực ở quần đảo Trường Sa.
Theo các nhà phân tích, việc triển khai các lực lượng dân quân hàng hải và các tàu có trang bị vũ khí đi vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền chỉ là cách Bắc Kinh đang nỗ lực dồn Hà Nội vào chân tường.
Là một phần trong bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông đang đàm phán với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Bắc Kinh muốn các thành viên trong khối đồng ý một điều khoản quy định mọi hoạt động kinh tế trong khu vực hàng hải “không được tiến hành hợp tác với các công ty từ những quốc gia ngoài khu vực”.
Như vậy, nếu ASEAN thỏa thuận điều khoản này, các công ty Việt Nam sẽ không còn có thể hợp tác với các công ty Nga hay Mỹ để khai thác dầu khí trên biển. Theo một vài người, giả như đến lượt Việt Nam làm chủ tịch ASEAN vào năm tới, quốc gia này sẽ nhắm đến việc loại bỏ điều khoản đó ra khỏi bộ luật.
Rex Tillerson, cựu giám đốc điều hành của ExxonMobil, từng đảm nhiệm chức ngoại trưởng Mỹ từ tháng Hai năm 2017 đến tháng Ba năm 2018. Tuy nhiên, nếu ExxonMobil có kế hoạch rút khỏi khu vực Cá Voi Xanh do áp lực của Trung Quốc, các viên chức chính phủ Mỹ cũng không thừa nhận là họ biết bất cứ thứ gì về chuyện này.
Ngày 22 tháng Tám, cô Morgan Ortagus, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố công khai và rõ ràng rằng “các công ty Mỹ là những người dẫn đầu thế giới trong việc thăm dò và khai thác tài nguyên hydrocarbon, bao gồm cả ngoài khơi và ở Biển Đông... Vì vậy, Hoa Kỳ cực lực phản đối bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm đe dọa hoặc ép buộc các nước đối tác từ chối hợp tác với các công ty không phải của người Trung Quốc, hay nói cách khác là quấy phá các hoạt động của họ”.
Do tin đồn lan nhanh và mãnh liệt, có một giải thích - ít gay cấn hơn chuyện Trung Quốc gây áp lực - là ExxonMobil đang suy xét lại khả năng thương mại của dự án, vào thời điểm công ty đang cắt giảm chi phí và phối trí tài sản trên toàn thế giới.
Mới đây ExxonMobil ra thông báo họ đang định thoái vốn một số tài sản trị giá 15 tỷ USA. Tuần trước, Reuters báo cáo rằng họ muốn thu lại 4 tỷ USD bằng cách rút khỏi các dự án ở Na Uy. Vào giữa tháng Tám, có nguồn tin là họ cũng sẽ bán cổ phần của mình trong các dự án ở Biển Bắc của Anh.
ExxonMobil rời bỏ dự án Cá Voi Xanh có thể vì lợi ích thương mại. Một số nhà phân tích cho rằng trữ lượng khí của mỏ khí đốt đặc biệt có nhiều carbon dioxide, điều này làm hạn chế khả năng sử dụng nhiên liệu chiết xuất được và khiến nó ít thân thiện với môi trường.
Vấn đề tài chính của đối tác nhà nước địa phương, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN) cũng cũng thể là một yếu tố. Với cái kho bạc đã cạn kiệt, PVN rất khó có thể mua cổ phần liên doanh của ExxonMobil nếu tập đoàn năng lượng khổng lồ Mỹ rút chân.
Ngoài ra, cũng có thể ExxonMobil không có kế hoạch thoát ly, nhưng dùng nó như mối đe dọa để áp lực chính phủ Việt Nam thực hiện và thay đổi chính sách và phê duyệt nhanh chóng các phần chính của dự án.
Tình trạng của dự án sẽ rõ ràng hơn khi Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước kiêm tổng bí thư ĐCSVN đến Washington, trong chuyến viếng thăm cấp nhà nước vào cuối năm, cũng rất có thể vào tháng Mười. Đã có những gợi ý về việc các viên chức cao cấp của PVN và cánh tay thượng nguồn của nó, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (Petrovietnam Exploration Production Corporation - PVEP) sẽ đi cùng Trọng tới Hoa Kỳ.
Chuyện này có vẻ giống như một vấn đề thương mại (của Exxon Mobil) do trụ sở chính (bán tài sản) hay văn phòng khu vực (phụ trách việc tăng giá dầu khí ) chỉ đạo - chứ không phải vì áp lực của Bắc Kinh, theo nội dung trong cái tweet của Bill Hayton, một hội viên trong chương trình Châu Á-Thái Bình Dương tại Chatham House ở London, vào ngày 10 tháng Chín.
Tuy nhiên, cũng không thể gạt bỏ hoàn toàn âm mưu địa chính trị.
Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam và là giáo sư danh dự tại đại học New South Wales ở Úc, ngày 17 tháng Tám, đã dự đoán nếu Bắc Kinh nhận thấy việc quấy phá Việt Nam và Rosneft gần Bãi Tư Chính không “tiến triển”, “họ sẽ tiến hành việc khiêu khích tại các khối dầu khí khác, như Cá Voi Xanh của ExxonMobil, nằm kế cận đường chín đoạn”.
“Trung Quốc sẽ không gây thêm căng thẳng bằng cách liên tục áp lực Hà Nội, Manila và Kuala Lumpur để chứng minh ba quốc gia này chẳng thể làm được gì nhiều để chống lại sự xâm nhập của mình”, Thayer viết như vậy vào tháng trước, khi đề cập đến hai đối thủ Đông Nam Á khác cũng có yêu sách về vùng biển. Ông cho biết thêm: “Trung Quốc tìm cách chứng minh không một quốc gia nào có thể dựa vào Hoa Kỳ hay cộng đồng quốc tế giúp đỡ họ”.
Bennett Muray, chánh văn phòng của Deutsche Press Agentur Hà Nội viết vào tháng Tám rằng việc Việt Nam “liên kết ngành công nghiệp dầu khí của mình với các thế lực chính trị lớn có thể là cơ hội tốt nhất để vẫn bám được một vài mỏ dầu khí trong khu vực đường chín đoạn”.
Ông đặc biệt lưu ý đến tầm quan trọng trong việc Hà Nội duy trì mối quan tâm của ExxonMobil đối với khu vực Cá Voi Xanh vốn có vị trí bấp bênh ngoài khơi Đà Nẵng, giữa ranh giới thềm lục địa và đường chín đoạn.
Nếu quả thực ExxonMobil đang tìm cách cắt bỏ và rút khỏi dự án trị giá hàng tỷ đô la - dù vì lý do kinh tế chứ không phải địa chính trị -, nó vẫn đại diện cho mối quan hệ Việt-Mỹ vào thời điểm quyết định trong chiến lược về địa lý. Hơn bao giờ hết, giờ đây Hà Nội đang tìm cách để được Washington cam kết đứng về phía mình trong bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào với Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp.
Tuy nhiên, Washinton đang phát ra nhiều tín hiệu hỗn hợp. Quan hệ Việt-Mỹ tiến triển nhiều hơn nữa dưới thời Tổng thống Donald Trump. Quan hệ gắn kết sâu sắc này vốn đã được người tiền nhiệm Barack Obama xây dựng qua việc giao hảo với Hà Nội. Ông Trump đã hai lần đến thăm Việt Nam nhưng hiếm khi chỉ trích kẻ vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất Đông Nam Á này.
Nhưng nhà lãnh đạo Mỹ vẫn tỏ ra bực bội trước sự thặng dư mậu dịch của Việt Nam đối với Hoa Kỳ vì có báo cáo là Hà Nội cho phép hàng hóa Trung Quốc được dán nhãn lại rồi tái xuất dưới dạng hàng hoá do Việt Nam sản xuất. Đáp trả lại, vào tháng Sáu, trong một cuộc phỏng vấn của báo chí, ông Trump đã nói quốc gia này là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất.
Tuy vậy, chính phủ Trump đã cực lực phản đối các động thái gần đây của Trung Quốc gần Bãi Tư Chính. Ortagus, phát ngôn viên bộ ngoại giao đã chỉ trích Trung Quốc “thực hiện một loạt các bước gây hấn với mục đích can thiệp vào các hoạt động kinh tế lâu đời của Việt Nam”.
Việc Nga tham dự vào Bãi Tư Chính đã làm tình hình thêm phức tạp. Sự đe dọa của Trung Quốc gần nơi này nhằm ép buộc Việt Nam hủy bỏ thăm dò dầu khí cùng với Rosneft, công ty do nhà nước kiểm soát lớn thứ hai ở Nga.
Chính phủ Nga sở hữu 50% cổ phần, hai cổ đông lớn hàng thứ hai và thứ ba là BP và Qatari QH Oil. Công ty khổng lồ Gazpram của Nga và Zarubezhneft hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của nhà nước cũng tham gia vào các dự án dầu khí với Việt Nam tại các khu vực ở Biển Đông.
Có tin đồn ExxonMobil đang tìm cách bán cổ phần liên doanh của họ trong dự án Cá Voi Xanh cho Rosneft.
Tổng thống Nga Vladimir Putin không có ý kiến về những tranh chấp ở Biển Đông nhưng chuyện này có thể thay đổi khi lợi ích năng lượng của Moscow cũng bị áp lực của Bắc Kinh trong khu vực hàng hải này.
Ông Murray viết “Trong khi Repsol, một công ty tư nhân của một cường quốc nhỏ là Tây Ban Nha, không liên quan đến địa chính trị trong khu vực, Nga có thể đóng vai trò cường quốc chính trị kiểu cũ xưa để bảo vệ dòng tiền cho nhà nước”... “Mặc dù Nga có thể không chính thức đứng về phía Việt Nam trong cuộc tranh chấp, nhưng các công ty của họ là những công ty duy nhất hiện đang khai thác dầu khí tại quốc gia này, bên trong đường chín đoạn”.
Ông Cathay nói rằng khi hai bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc và Nga, Vương Nghị và Sergei Lavrov, gặp nhau tại Bangkok trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh khu vực vào tháng Tám, Vương Nghị đã yêu cầu Rosneft dừng các hoạt động chung với Việt Nam ở Bãi Tư Chính và Lavrov đã từ chối đề nghị này về mặt ngoại giao.
Nguồn: Chinese Pressure May drive ExxonMobil from Viẹt Nam, by David Hutt, AsiaTimes
Chuyển ngữ: