Võ Ngọc Ánh (Danlambao) - Các nước ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên biển Đông (COC). Trước sức ép, cùng sự chi phối của Trung Quốc liệu các nước ASEAN có phải chấp nhận một COC ‘Made in China?
Chia để trị
Trung Quốc đã thành công trong việc chia các nước Đông Nam Á (ASEAN) thành 10 đối tác riêng biệt chứ không phải một khối thống nhất trong đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên biển Đông. Điều này làm giảm sức mạnh của các nước ASEAN trước một Trung Quốc áp đảo về mọi mặt.
Với sức mạnh vượt trội, việc đàm phán ‘tay đôi’ dễ mang lại cho Trung Quốc điều họ mong muốn. Chưa kể một số nước trong khu vực như Campuchia đã trở thành một đồng minh tin cẩn của Trung Quốc, sẵn sàng chống lại ASEAN.
Cần nhớ lại, vào năm 2012 khi nắm chức chủ tịch luân phiên của khối, Campuchia đã ngăn cản ASEAN ra tuyên bố chung phản đối thái độ của Trung Quốc trên biển Đông. Đây là lần đầu tiên sau kỳ họp hội nghị thượng đỉnh của khối không có được tuyên bố chung. Về sau Campuchia tiếp tục phản đối lên án Trung Quốc trong các cuộc họp hội nghị thượng đỉnh của khối.
Ngay cả Philippines, trước phán quyết có lợi của Tòa trọng tài Thường trực tại The La Hague (Hà Lan) vào năm 2016, bác bỏ yêu sách chủ quyền vô lý trên biển Đông của Trung Quốc. Đến thời Tổng thống Rodrigo Duterte đã gạt sang một bên phán quyết để lấy lòng.
Trong khu vực, Việt Nam trở thành nước mà người dân chống lại đòi hỏi phi lý của Trung Quốc mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Hà Nội lại gặm phải miếng gân gà trong ý thức hệ cộng sản. Vì thế, dù tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc, liên tục quấy phá, xâm phạm lãnh hải Việt Nam trong hơn hai tháng qua lãnh đạo cao nhất của hệ thống chính trị, nguyên thủ quốc gia vẫn câm như hến.
COC ‘Made In China’?
Nhiều nguồn tin trong quá trình đàm phán phát tán ra ngoài cho biết: Trung Quốc yêu cầu một COC với các điều khoản có lợi cho mình.
Cụ thể:
Các hoạt động liên quan đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên trong biển Đông sẽ không được phép liên kết thực hiện với đối tác ngoài COC. Một khi điều này bị ràng buộc, các nước trong khu vực muốn khai thác dầu khí trên vùng biển này nếu không tự làm được phải lệ thuộc vào Trung Quốc.
Tiếp theo, các cuộc tập trận với các nước ngoài khu vực chỉ được tổ chức với sự đồng ý của tất cả các bên ký kết COC - 10 nước ASEAN và Trung Quốc. Điều này sẽ làm yếu đi ảnh hưởng của Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ... trong khu vực, nhường sân cho Trung Quốc lộng hành. Một cuộc tập trận hải quân giữa Mỹ và 10 nước ASEAN từ vịnh Thái Lan đến vùng biển Cà Mau trong đầu tháng 9 này sẽ không thể diễn ra.
Cùng với đó, COC đứng ngoài luật pháp quốc tế. Các điều khoản trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) sẽ không được áp dụng trong COC. Điều này có nghĩa, phán quyến của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Lahague vào năm 2016 do Philiphine làm nguyên đơn chẳng xi nhê gì với Trung Quốc.
Và trong tương lai nếu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của một quốc gia nào đó như tàu Hải Dương 8 đang quấy phá, ngang ngược vi phạm chủ quyền biển Việt Nam, hoặc bãi cạn Luconia của Malaysia... cũng khó kiện ra trước luật pháp quốc tế.
Thực tế, trong cuộc họp mới đây giữa Tổng thống Rodrigo Duterte và Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Khi ông Duterte nêu phán quyết khẳng định của Tòa trọng tài Thường trực tại The Lahague ông Tập Cận Bình đã phủ nhận chủ quyền hợp pháp của Philiphine và đưa ra đòi hỏi phi lý của mình.
Đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng lẫn nhau không hề có với thái độ của Trung Quốc. Quốc gia ông kẹ này chỉ có một đòi hỏi, ‘Made in China’.
Trung Quốc đang vội vã để có COC
COC được các bên liên quan nêu ra từ đầu trước rất lâu, nhưng phải đến năm 2013 Trung Quốc mới đồng ý đàm phán. Tuy nhiên, sau đó mọi việc diễn ra một cách chậm chạp, dù các nước ASEAN không ngừng kêu gọi xúc tiến nhanh quá trình đàm phán.
Đối lập với sự trì trệ trong quá trình đám phán Trung Quốc không ngừng gia tăng nâng cấp, xây dựng các đảo nhân tạo trên vùng biển chủ quyền của các nước khác do mình cưỡng chiếm trái phép, còn đang tranh chấp.
Phải đến sau khi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Lahague vào tháng 7 năm 2016 Trung Quốc mới đồng ý đẩy nhanh đàm phán. Hành động này của Trung Quốc chỉ nhắm đánh lừa dư luận quốc tế, làm giảm sự ảnh hưởng của phán quyết không có lợi cho mình.
Cùng với đó, trong thời gian này Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh quá trình xây dựng các đảo nhân tạo, xâm lấn, quấy phá chủ quyền các nước. Cuối cùng trang bị vũ khí hiện đại, kể cả tên lửa hành trình trên chuỗi đảo mới xây dựng. Cần nhắc lại, vào năm 2016, Tập Cận Bình đã thất hứa với Tổng thống Mỹ lúc đó là Obama, ‘không quân sự hóa các đảo tranh chấp”.
Phải đến cuối tháng bảy vừa rồi, trong cuộc họp báo sau Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN - Trung Quốc. Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố các bên đã có nhiều tiến triển trong quá trình đàm phán COC và lạc quan gợi ra kế hoạch ba năm để hoàn tất bộ quy tắc này.
Phải chăng khi đã cơ bản hoàn thành việc chiếm đóng, xây dựng chuỗi đảo và trang bị vũ khí, Trung Quốc đang đặt các nước trong khu vực và quốc tế vào sự đã rồi. Trên cơ sở đã hoàn thiện, ông kẹ Tàu Cộng dễ dàng quậy phá trong một COC loại luật pháp quốc tế và đầy điều khoản theo áp đặt của Trung Quốc.
09.09.2019