Hồ Chí Minh dứt khoát không phải tác giả... - Dân Làm Báo

Hồ Chí Minh dứt khoát không phải tác giả...

Nguyễn thị Cỏ May (Danlambao) - Về Hồ Chí Minh có lắm điều cần tìm hiểu cho rõ nguồn gốc, sự thật. Nhất là về các bản văn mà giá trị liên quan đến một giai đoạn lịch sử Việt Nam, xưa nay, người cộng sản cứ thản nhiên gắn tên Hồ Chí Minh là sở hữu chủ, là tác giả sáng tác, là của bác đó. Họ nói dễ dàng, một phần vì đầu óc của họ không biết phản ứng, không quen thắc mắc, mặt khác cứ nói “của bác” thì không bao giờ bị chê khen, phê phán và chắc chắn có tiền, có nhiều nữa, sau đó còn lên chức.

Đến ông Đặng Thái Mai, Giáo sư Văn học, bố vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 1959, nhận nhiệm vụ hiệu đính Ngục Trung Nhật Ký, thắc mắc về con số ghi năm 1932-1933 trên bìa sách, vừa trình lên, đã vội “không thắc mắc nữa”. Nhờ “có trí tuệ xhcn” mà sau đó, ông được thăng chức “sếp”. 

Tuy biết nay có nêu lên vài nghi vấn hay vài sự thật hiển nhiên về một vài văn kiện gắn tên Hồ Chí Minh là tác giả để cái sai được đính chính, sự thật được trả lại, cũng sẽ không thấm vào đâu đối với số sách vở, báo chí của chế độ từ gần thế kỷ nay rầm rộ tâng bốc Hồ. Nhưng cứ làm, hy vọng một lúc nào đó, bất chợt, ở trong nước, có người đọc, suy nghĩ, vụt thấy bác Hồ ta và cái đảng ta đúng là một tổ hợp bài 3 lá vĩ đại! 

Nay ta cứ xác nhận lại 3 văn kiện sau đây dứt khoát không phải Hồ Chí Minh là tác giả. 

Hồ Chí Minh không phải tác giả Ngục Trung Nhật Ký 

Theo học giả Lê Hữu Mục, trong quyển sách “Hồ Chí Minh Không Phải Là Tác Giả Ngục Trung Nhật Ký”, 1990, ông đã đưa ra đầy đủ bằng chứng để kết luận tập thơ này ra đời dưới sự dàn dựng công phu của ban biên soạn thuộc hệ thống Đảng Cộng Sản Việt Nam. 

Một bằng chứng hùng hồn nhất là hình bìa nguyên thủy của tập thơ chữ Hán in hình hai bàn tay bị xiềng nắm chặt lại đưa lên, phía trên đề ngày 29-8-1932 - 10-9-1933, nghĩa là tập thơ được sáng tác trong giai đoạn trên. Nhưng theo cộng sản Việt Nam thì tập thơ được “Bác” sáng tác từ 29-8-1942 đến 10-9-1943, trong giai đoạn “Bác” bị bắt tại biên giới Trung Việt, bị giam nhà tù của Tưởng Giới Thạch, trải qua nhiều trại. 

Ông Đặng Thai Mai với chức vụ Chủ Tịch Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật được giao nhiệm vụ hiệu đính tập thơ (1959-1960). Cuốn sổ tay của Bác hiện còn được lưu trữ, có ghi trên bìa hai con số: 1932-1933. Trong lúc làm việc, Gs Đặng Thái Mai đã đề đạt lên Bác câu hỏi về điểm này qua Ban Tuyên giáo Trung ương. Và đã được trả lời: “Hai con số trên đây là sai; đúng ra là 1942-1943” (Nghiên cứu, học tập thơ văn Hồ Chí Minh, Nhà Xuất Bản Khoa học xã hội, 1979). Hồ Chí Minh cũng không trả lời gì cả, giữ mãi thái độ lặng im, lại ve vuốt ông Mai và vội vàng thăng chức cho Đặng Thai Mai làm Viện Trưởng Viện Văn Học, một chức vụ bao trùm mọi sinh hoạt văn học. 

Trong một dịp khác, nhiều lần nói chuyện với triết gia Trần Đức Thảo ở Paris 1992-1993, có lần ông BDKh (dạy Toán ở Đại Học Pierre Curie, Paris VI), hỏi Hồ Chí Minh có phải là tác giả tập thơ Ngục Trung Nhật Ký hay không? 

Ông Trần Đức Thảo trả lời liền “Nếu Hồ Chí Minh là tác giả của Ngục Trung Nhật Ký, thì ông ta đã phổ biến rầm rộ tập thơ này từ tháng 9/1945, nhất là từ 1954! 

Vì nhu cầu tuyên truyền rất lớn lao của lãnh tụ đảng, và nhất là vì tính háo danh của Hồ Chí Minh mà ai cũng biết. 

Vả lại, văn phong của Ngục Trung Nhật Ký không phù hợp với khả năng và tính cách của ông ấy. 

Ông Trần Đức Thảo cho rằng việc xác nhận tác giả tập thơ rất đơn giản. Sau này các nhà nghiên cứu sẽ tìm hiểu kỹ hơn, thí dụ so sánh chữ Hán viết tay của Ngục Trung Nhật Ký và chữ Hán viết tay của Hồ trong bức thư gửi vợ Tuyết Minh và 2 bức thư gửi Lâm Đức Thụ, xưng em với Thụ, yêu cầu Thụ tìm cách cứu Hồ ra khỏi nhà tù Hồng Kông. Việc so sánh chữ viết của tài liệu này, năm rồi, chúng tôi đã nhờ Giáo sư Hán nôm Nguyễn Văn Sâm giúp và ông đã trả lời là hoàn toàn không phải của Hồ Chí Minh. 

Vậy chuyện HCM ở tù ở Trung Quốc 1942-1943 cũng có nghi vấn! 

Bìa sách được sửa 29-8-1932 tới 10-9-1933 thành 29-8- 1942 tới 10-9-194 

Có một dịp nữa để nói thêm. Tập thơ Ngục Trung Nhật Ký đã trưng bày trong Triển lãm Cải Cách Ruộng Đất tại Hà Nội suốt trong 3 tháng, từ tháng 9 tới tháng 11 năm 1955, ở phố Bích Câu, mà sách không có tên tác giả. Vô danh. Sau đó được đưa trả về phòng lưu trữ của Trung ương đảng (Hoàng Quảng Uyên, NHẬT KÝ TRONG TÙ, số phận và lịch sử, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2007). 

Như Trần Đức Thảo nói, Hồ Chí Minh vốn là con người hám danh. Vậy nếu tập thơ Ngục Trung Nhật Ký quả thật là của Hồ, tác giả, thì ông ta đã không ngu dại gì mà để cho thi phẩm của mình trưng bày “Vô danh” bao giờ! Trong trường hợp này, cả Tố Hữu, thi sĩ nâng bi, Trưởng Ban tuyên truyền TW cũng chưa kịp nhận thấy cơ hội tốt để có thể lập công lớn. 

Thế rồi đến ngày19/5/1960, tập thơ chính thức được xuất bản và phổ biến với tên tác giả là Hồ Chí Minh! 

Trong bản in đầu tiên 19/5/1960 có 113 bài. Nhưng sau này, Ban Tuyên Giáo của Tố Hữu tự tiện thêm những bài thơ không có trong bản gốc của Ngục Trung Nhật Ký, một cách gian xảo, mà lại được sự đồng tình của Hồ. 

Chuyện nhỏ này khá đủ cho thấy Hồ Chí Minh từ bản chất là bất lương, hiện tượng của một con người tâm thần mất quân bình do tính cuồng danh. 

Một chứng minh đáng ghi nhận nữa cũng về Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục Trung Nhật Ký. Ngày 18/10/1998, giáo sư người Nhật Bản Kenichi Kawaguchi, associate professor, Tokyo University of Foreign Studies, trong một buổi thuyết trình ở Ban Việt Học của Trường Đại học Paris 7, kể chuyện một lần đến Hà Nội nghiên cứu về Hồ Chí Minh và tập thơ Ngục Trung Nhật Ký, được một người trong Viện Văn Học Việt Nam cho biết là Hồ Chí Minh không phải là tác giả của Ngục Trung Nhật Ký. Giáo sư Kawaguchi mừng quá, vội xin tên, chức vụ của vị giáo sư Việt Nam đó để ghi làm tài liệu nhưng ông ấy lắc đầu từ chối, bảo chỉ nên biết chắc như vậy là đủ. 

Sau cùng “Ai thật sự là tác giả Ngục Trung Nhật Ký”? (Who was really the true author of Diary in the Prison). Đó là tít một bản tin của Quora phổ biến trên internet, được DLB đăng lại 28/06/2019, theo đó tác giả Ngục Trung Nhật Ký là một Đại úy (Capitaine) người của Quốc dân đảng bị buộc tội làm gián điệp cho Quân đội Nhật. Ông minh oan mình vô tội, dẫn chứng những liên hệ chặt chẽ của ông với vị chỉ huy cũ, Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai Shek) và bạn của ông là Tướng Lương Hoa-thịnh (Liang Huasheng). Những bài thơ của ông nói lên tinh thần chiến đấu của ông chống quân Nhật xâm lăng, ngay cả lúc ông nằm tù. 

Ông so sánh những bài thơ trong Thiên gia thi (Qianjiashi) mô tả cảnh đẹp, dạy ở Tiểu học, với những bài thơ của ông sáng tác sôi nổi tinh thần yêu nước chống quân Nhật xâm lăng. 

Ông lấy làm tức giận bị bắt vào dịp Quốc khánh mừng ngày ra đời nền Cộng hòa Dân quốc. Ông chứng tỏ là người hiến dâng trọn đời mình cho nước Tàu, Tổ quốc của ông. 

...Tác giả tập thơ chỉ rõ nơi diễn ra những trận đánh. Trong một bài thơ khác, ông nói về bệnh tật của ông. 

Trong một bài thơ khác nữa, tác giả nhắc lại từ năm 1935, Tướng Lương Hoa-thịnh, bạn của Quốc dân đảng, đã có mục đích dẹp sạch đám cộng sản nổi loạn ở Nanchang, ở Kunming và ở nhiều nơi khác. 

Đúng như Gíáo sư Lê Hũu Mục phân tách, một số sự việc, địa điểm, thời điểm trong những bài thơ đủ nói rõ Hồ Chí Minh dứt khoát không thể là tác giả tập thơ tù được. 

Nay bài báo này góp phần nói rõ thêm sự thật. 

Hồ Chí Minh không phải tác giả Bản Yêu sách của Dân An-nam (Revendications du peuple Anamite 1919) 

Đây cũng lại là một chuyện quên đính chính của Hồ Chí Minh tuy quên khá lâu. Lúc bấy giờ, Nguyễn Tất Thành về Paris, liên lạc mật thiết và có thời gian sống chung với Cụ Phan Chu Trinh tại nhà luật sư Phan Văn Trường. Anh phải nhận sự trợ giúp của cụ Phan, vì đời sống khó khăn, vừa học nghề sửa hình của 2 cha con Cụ Phan (Phan Chu Trinh, Phan Chu Dật). Tất Thành cùng tham gia các hoạt động yêu nước với Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường tại Paris. Bản Yêu sách gởi tới Hội nghị Versailles năm 1919 do nhóm này soạn thảo. 

Cụ Phan Chu Trinh diễn ý ra tiếng việt, Cụ Phan Văn Trường viết tiếng Pháp, và Tất Thành đứng tên Nguyễn Ái Quốc, đem đến trao cho Hội nghị Versailles năm 1919. 

Nên nhớ suốt 8 năm dài (1911-1919) làm nghề khi phụ bếp, lúc bồi bàn trên tàu viễn dương Pháp để mưu sinh, Nguyễn Tất Thành không có thì giờ đọc sách để cải thiện tiếng Pháp căn bản lớp ba (Cours élémentaire) của mình, mặc dầu có thể nói tiếng Pháp trôi chảy hơn lúc vừa học xong nhưng chắc chắn cậu Nguyễn Tất Thành không đủ trình độ có thể là tác giả của Yêu sách của nhân dân An Nam 1919 như Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng gắn cho ông ấy (Vàng trong lửa, Ban KHXH Thành Ủy T/pHCM 1990). 

Đảng cộng sản, nay thử học bài học vỡ lòng làm người lương thiện, hãy đem trả Bản Yêu sách cho 2 Cụ Phan và ca ngợi Hồ Chí Minh là người dũng cảm, lảnh sứ mạng cầm bản văn đem nạp cho Hội nghị Versailles, không chút sợ sệt. 

Hồ Chí Minh cũng không phải... 

Quyển sách “Bản án chế độ thực dân pháp, Phong tục ở Thuộc địa, loạt đầu tiên (Le procès de la colonisation française, premìère série, Moeurs coloniales, Librairie du Travail) cũng được cộng sản ở Việt Nam nói tác giả là Hồ Chí Minh. Quyển sách xuất bản chắc ở Paris tuy không có ghi Paris và cả ngày tháng nào, cũng không thấy. Tờ báo Le Paria, số kép 36-37, ra tháng 9-10/1925, không nói gì đến quyển Bản án chế độ thực dân Pháp. Bỗng tới số 38, tháng 4/1926, người ta thấy viết nguyên văn như sau: “Vừa ra mắt cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp, Phong tục ở thuộc địa”, của Nguyễn Ái Quốc, giá 5 francs... (Nguyễn Thành, Góp phần tìm hiểu Nguyễn Ái Quốc HCM, NXB Tổng hợp t/pHCM, 2018) 


Vậy theo quảng cáo trên báo Le Paria số 38, tháng 4/1926, quyển Le procès de la colonisation française, Librairie du Travail, Paris, phải được vừa xuất bản trong đầu năm 1926 (tháng 4/1926). Theo đó thì tác giả cuốn sách này chỉ có thể là 1 trong 3 người: Phan Văn Trường, Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Thế Truyền. Mà hai người Phan Văn Trường và Nguyễn Tất Thành, lúc đó đã đi khỏi Paris từ 1924. Vả lại nếu Phan Văn Trường là tác giả cuốn sách này, thì chắc ổng đã nhắc lại trong hồi ký “Phan Van Truong, Une histoire de conspirateurs anamites à Paris” (Editions L’Insomniaque, Paris 2003). 

Từ tháng 6/1923, Nguyễn Tất Thành đã sang Nga làm gián điệp cho Xịt (Staline). Từ tháng 12/1924, Nguyễn Tất Thành-Lý Thụy bận hoạt động bí mật ở Quảng Châu, Trung Quốc cho Nga. Vậy khó có thể xảy ra chuyện Nguyễn Tất Thành-Lý Thụy là tác giả cuốn sách Nguyen Ai Quoc, Le procès de la colonisation française, Librairie du Travail, Paris! 

Vả lại, tác giả cuốn sách này phải là người am hiểu luật học, có nhiều thì giờ nghiên cứu, suy nghĩ, quen viết lách bằng tiếng Pháp, mà Nguyễn Tất Thành vốn là con người năng động, di chuyển không ngừng nghỉ, vừa hoạt động gián điệp, vừa lẩn trốn mật thám, lại kém kiến thức chính trị học. Vậy chỉ có thể Nguyễn Thế Truyền là tác giả cuốn sách Nguyen Ai Quoc, Le procès de la colonisation française, Librairie du Travail, Paris! Nguyễn Thế Truyền từng dùng bút hiệu Nguyễn Ố Pháp của Ngũ Long, và sau đó, đổi thành bút hiệu Nguyễn Ái Quốc của Ngũ Long! Ngoài ra, ở trang cuối cùng 125 của cuốn sách Nguyen Ai Quoc, Le procès de la colonisation française, première série, Mœurs coloniales, Librairie du Travail, Paris, có lời rao “Sẽ xuất bản “Nguyen The Truyen, Le procès de la colonisation française, deuxième série”. 

Sự thật rất rõ trong thời điểm quyển sách xuất bản, Hồ Chí Minh không còn ở Paris nữa và khả năng lớp BA ở Trung kỳ, rồi đi làm bồi tàu kiếm sống, thì không thể nào viết được quyển sách đó. 

Thôi không có gì tốt hơn là sự thật nên trả về cho lịch sử. 

5/9/2019




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo