Từ Formosa đến EVFTA - Dân Làm Báo

Từ Formosa đến EVFTA

Thục Quyên (Danlambao) - Thảm họa môi trường Formosa và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Âu châu đều có quan hệ nghiêm trọng tới đời sống người dân Việt, và điểm đặc biệt là có dính líu trực tiếp đến một hay nhiều nước ngoại quốc. Vì không còn là một vấn đề hoàn toàn Việt Nam nên trên lý thuyết, nhà cầm quyền Việt Nam không thể nại cớ quốc tế không được can thiệp vào việc nội bộ quốc gia để thoải mái hoành hành, áp bức người dân, và người Việt, nếu chịu khó tìm hiểu những luật lệ quốc tế, còn có con đường lên tiếng đòi hỏi công lý trên bình diện quốc tế. 

Trong công việc vận động quốc tế, cần tìm hiểu kỹ càng đối tượng vận động, thành thật tự lượng sức để biết cố gắng trau dồi kỷ năng. Hiểu biết sai lầm, vô tình hay cố ý loan tin sai lệch, lẫn lộn những mơ ước với thực tế, là những điều cần tránh tối đa, để không những làm lỡ những cơ hội có thể được quốc tế hỗ trợ, mà còn đồng thời gieo hoang mang thất vọng cho những người đã tin tưởng để nuôi hy vọng, rồi chờ đợi một điều không thể xảy ra. Tình trạng hy vọng không thực tế rồi thất vọng đưa tới tinh thần tiêu cực, không dốc tâm tìm hiểu vấn đề để xây dựng phương cách giải quyết những tình trạng khó khăn, mà chủ bại than rằng đã làm hết cách. 

I. Chuyện đã xảy ra: Thảm họa môi trường Formosa 

Thảm họa môi trường Formosa đã xảy ra vào tháng 4 năm 2016. Tới nay đã hơn 3 năm nhưng ngoài sự kiện Công ty Formosa Hà Tĩnh, sau khi cùng nhà chức trách Việt Nam nói dối quanh, đã nhận lỗi dưới phản ứng mạnh mẽ của người dân, thì những tin tức tối cần thiết liên quan tới thảm họa vẫn chưa được loan ra đúng mức: kết quả điều tra, tầm mức thảm họa (môi sinh, con người, vật chất), bồi thường thiệt hại, và quan trọng nhất là biện pháp phòng ngừa tái diễn. 

Để quản lý một thảm họa môi trường khi nó xảy ra, những tổ chức quốc tế như WHO (World Heath Organization/Tổ chức Y tế Thế giới) đã nhấn mạnh trên quan hệ đối tác nhiều bên bắt buộc phải có, liên kết chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự. Tại Việt Nam người dân bị bỏ mặc đối diện một hiểm nguy tuy gây chết chóc tan hoang, nhưng không hình tướng, khiến họ không còn biết chống đỡ hoặc ngay cả trốn chạy ra sao. 

Một tình trạng vô cùng dã man! 

Thảm họa môi trường Formosa không phải đã hoàn toàn thuộc vào dĩ vãng 

Công ty Formosa Hà Tĩnh vẫn tiếp tục hoạt động, ngày ngày thải ra những chất độc hại cho tới nỗi tháng 5/2019 Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Thái Nguyên phải lên tiếng báo động(1). Tổng cục Môi trường, ngược lại, loan tin từ năm 2016 đến nay đã triển khai 13 đoàn giám sát công tác bảo vệ môi trường tại Formosa và từ tháng 7/2016 đến nay nước thải, khí thải của Formosa trước khi xả ra ngoài môi trường luôn đạt quy chuẩn Việt Nam cho phép, một số thông số dần tiếp cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới(2). Những đoàn giám sát này gồm những người có khả năng ra sao, làm việc với những phương tiện nào, quy chuẩn Việt Nam cho phép so với tiêu chuẩn các nước khác thì ra sao? Có ai so sánh chưa? 

Đó không phải là những câu hỏi của Thủ tướng Phúc khi thị sát ngày 20/7/2019 vừa qua. Quan tâm của ông là tỉnh Hà Tĩnh phải giữ gìn an ninh trật tự để nhà đầu tư yên tâm làm ăn. 

Các chuyên gia 

Trên khắp thế giới, khi một thảm họa môi trường xảy ra, người dân nước nào dù văn minh tới đâu, cũng không đủ khả năng hiểu biết để tự vệ hữu hiệu, và họ cần được bảo vệ bởi sự hiểu biết của các chuyên gia và sự tổ chức của Chính phủ. Tụ tập để chống đối, kêu cứu, thưa kiện của người dân chỉ là phản ứng tự vệ nhưng không phải là chương trình để có thể quản lý thảm họa. 

Nhà cầm quyền Việt Nam chịu phần lớn trách nhiệm vì đã không bảo vệ dân, là điều không thể chối cãi, nhưng cạnh đó, điều mà dân Việt nên lo hơn nữa, là đất nước có còn những chuyên gia mang trách nhiệm nghề nghiệp của mình hay không? Và câu hỏi lớn là Việt Nam liệu có chuyên gia có khả năng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế không? 

Làm sao giám sát những dự án khổng lồ giao cho những công ty ngoại quốc? 

Lẽ dĩ nhiên với một nhà cầm quyền độc tài ngăn cản thì tìm hiểu nguyên nhân thảm họa Formosa, hay theo dõi những gì Công ty Formosa Hà Tĩnh đang làm, không phải là chuyện dễ, nhưng không phải là vô phương. Chắc chắn kín đáo thu thập dữ kiện, bằng chứng, tới một mức độ nào đó, là điều khả thi. Mọi chuyên gia bất cứ trong lãnh vực nào khi điều tra một việc gì, đều biết là bắt đầu phải quan sát, thu thập thông tin và bằng chứng (quan trọng cho mọi lãnh vực), và để làm việc này thiết nghĩ không cần phải ra mặt công khai danh tính, không nên tuyên bố khi chưa điều tra xong, không nên lifestream cho biết việc đang làm. Nếu nghĩ đến mục đích chung và để bảo vệ an ninh cho chính mình, có thể gửi những kết quả điều tra cho những người hay những tổ chức ở hải ngoại mà mình tin tưởng. 

Thảm họa Môi trường Formosa không chỉ có yếu tố môi trường mà còn có yếu tố xã hội và nhân bản. Muốn chống lại những vi phạm của Công ty Formosa Hà Tĩnh bất cứ về mặt nào, cũng đòi hỏi phải thu thập dữ liệu chính xác và đáng tin cậy: đó là công việc của những chuyên gia, hay những người đã được đào tạo chuyên môn. Một chuyên gia, như một bác sĩ khi định bệnh, mới có thể biết những chi tiết nào cần nhận diện và tìm hiểu để giúp tìm ra bệnh. Một chuyên gia đúng nghĩa cũng phải giữ thái độ nhẫn nại và khoa học khi quan sát và thu thập thông tin một cách có hệ thống, tránh cảm tính và tránh gây “sự kiện”. Một thí dụ điển hình là cuối năm 2017 cho tới tháng 2/2018 nhà xã hội học Pháp Paul Jobin đã đến quan sát trực tiếp và phỏng vấn được một số nạn nhân của thảm họa Formosa tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và Nghệ An(3). 

Cho tới tháng 5/2017, trong chuyến đi vận động quốc tế ở Âu châu về vấn đề thảm họa Formosa, chính Giám mục Giáo phận Vinh Nguyễn Thái Hợp đã cho biết chuyến đi ngoài dự phóng cũng như chuyên môn của ông(4). Nhưng tại sao một năm dài sau khi thảm họa xảy ra, không có những người chuyên môn bên cạnh ông trong một chuyến đi quan trọng như vậy? Điều này cho thấy sự không vững vàng khi tổ chức, hoặc là Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước không có những chuyên gia để phụ giúp ông? 

Kiện một công ty ngoại quốc tại quốc gia xuất xứ 

Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), gồm 70% thuộc sở hữu của Tập đoàn công nghiệp Đài Loan Formosa Plastics Group, 25% thuộc sở hữu của CSC China Steel Corporation,và JFE Steel của Nhật Bản sở hữu 5% còn lại. Qua China Steel Corporation CSC, Chính phủ Đài Loan có cổ phần trong Formosa Hà Tĩnh. Thêm vào đó, đằng sau Formosa Plastics là MCC, Metallurgical Corporation of China Ltd. (Tập đoàn Công ty Luyện kim Trung Hoa)(5). 

Được ký kết và bắt đầu từ năm 2008 Formosa Hà Tĩnh đã được Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ưu đãi miễn thuế như chưa từng có(6). Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục bảo vệ Formosa Hà Tĩnh trong suốt thời gian công ty này gây thảm họa môi trường, đàn áp người dân muốn nộp đơn kiện Công ty Formosa. Theo báo Dân Trí ngày 20/07/2018 Thủ tướng Phúc “đánh giá cao việc FHS đã đầu tư trên 11 tỷ USD, là dự án FDI lớn nhất tại Việt Nam; đã tạo công ăn việc làm cho 12.000 lao động với mức thu nhập ổn định và đóng góp ngân sách địa phương, góp phần giảm nhập siêu cho Việt Nam”(7). 

Trước khi thảm họa môi trường Formosa xảy ra, khoảng 30 ngân hàng Đài Loan và quốc tế đã cho công ty Formosa Hà Tĩnh mượn 3,5 tỷ Mỹ kim(8), trong số đó có 2 ngân hàng thuộc Chính phủ Đài Loan: Bank of Taiwan và Land Bank of Taiwan. Hai ngân hàng này đã từ chối lời yêu cầu của một số tổ chức phi Chính phủ Đài Loan và không chấp nhận gia nhập Nguyên tắc Xích đạo (Equator principles), là nguyên tắc nhằm đảm bảo rằng các dự án được đầu tư sẽ cố gắng thực hiện các trách nhiệm xã hội cũng như hoạt động quản lý môi trường bền vững. Nhờ đó, tác động tiêu cực của dự án đến hệ sinh thái và cộng đồng có thể được ngăn ngừa; hoặc trong các trường hợp bất khả kháng, những tác động này sẽ được giảm thiểu và/hoặc được đền bù thỏa đáng. Vì Chính phủ Đài Loan có cổ phần trong Formosa Hà Tĩnh (qua CSC)? 

Ngược lại, 2 ngân hàng tư Cathay United Bank và E.SUN Commercial Bank đã sẵn sàng ký gia nhập Nguyên tắc Xích đạo. 

Theo tổ chức Global Voices, chính quyền Đài Loan cũng không chịu sửa đổi bản Statute for Industrial Innovation (Quy chế đổi mới công nghiệp), mà theo đó, Chính phủ Đài Loan không có quyền trừng phạt một công ty Đài Loan vì những hành vi sai trái của công ty này về nhân quyền và về môi trường tại nước ngoài 

Tuy nhiên, Thông cáo báo chí chung (tiếng Anh) (9) của: 

- Tổ chức Công lý cho Nạn nhân Formosa (JFFV), 

- Văn phòng Lao động và Di dân Việt Nam của Giáo phận Hsinchu (VMWIO), 

- Hiệp hội Luật sư bảo vệ môi trường (EJA), 

- Quỹ bảo vệ Quyền Môi trường (ERF), 

- Hiệp hội Thúc đẩy Nhân quyền Đài Loan (TAHR), và 

-Hiệp hội Theo dõi Thực thi Công ước Liên Hiệp Quốc (Covenant Watch), 

lại cho biết ngày 11/06/2019, những tổ chức này đã thay mặt gần 8000 nạn nhân trong vụ thảm hoạ Formosa, cùng đệ đơn trước Toà án Đài Loan (tại Đài Bắc) kiện: 

- Tập đoàn Formosa (FPC), 

- Tập đoàn thép Trung Quốc (Đài Loan) (CSC), 

- Tập đoàn thép Nhật (JFE), 

- cũng như Công ty Gang Thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), 

- và tất cả các Giám đốc của các Hội đồng quản trị. 

với lý do hầu hết tất cả các bị cáo đều ở Đài Loan và tất cả các liên quan đến chính sách quản lý của FHS đều nhận từ FPC cũng ở Đài Loan, Tòa án Đài Loan phải có thẩm quyền xét xử. 

Bên khởi kiện đòi bồi thường tất cả các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, cũng như quyền nhân thân cho các nạn nhân. Theo ông Zhang Yu-Yin, Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Bảo vệ môi trường (EJA), việc vi phạm là ở Việt Nam, vì vậy thực chất đòi hỏi phải áp dụng luật pháp Việt Nam. 

Trong thư thông báo tiếng Việt kêu gọi gây quỹ(10) giúp chi phí cho vụ kiện, tổ chức “Công lý cho Nạn nhân Formosa JFFV” còn cho biết mục đích của vụ kiện còn là đòi hỏi làm sạch vùng biển bị ô nhiễm, điều mà trong bản thông cáo báo chí tiếng Anh không nhắc tới. Cần kiểm chứng lại. 

Tuy chưa rõ Toà án Đài Loan có thẩm quyền xét xử và có thể áp dụng luật pháp Việt Nam để xét xử hay không, việc vận động được các tổ chức Đài Loan hợp tác để có thể khởi kiện đã là kết quả đáng khâm phục sau 2 năm làm việc cực khổ của Linh mục Nguyễn Văn Hùng tại Đài Loan và tổ chức “Công lý cho Nạn nhân Formosa” (JFFV) tại Mỹ. 

Nhầm lẫn đáng tiếc về tin khiếu nại tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc 

Tổ chức “Công lý cho Nạn nhân Formosa JFFV” loan báo (11) ngày 27/05/2019 đã được Văn phòng luật sư Philippe La Rochelle đại diện để nộp đơn khiếu nại tại Ủy ban Nhân quyền LHQ. 

Đúng ra đây là “Thủ tục khiếu nại với Hội đồng Nhân Quyền LHQ”. 

Khi loan báo “Đơn tố cáo cũng yêu cầu Ủy Ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hãy khuyến cáo và trừng phạt Nhà nước Việt Nam nếu họ không thực hiện những điểm sau...”., tổ chức JFFV đã thông tin sai lệch, cho thấy dù đứng đơn khiếu nại, JFFV không có sự hiểu biết về tinh thần của thủ tục này. 

Thủ tục Khiếu nại của Hội đồng Nhân quyền LHQ là một thủ tục làm việc kín trong suốt giai đoạn cứu xét và kết quả thường không được công bố. Hội đồng Nhân quyền dùng thủ tục này để giúp các nạn nhân bằng cách gia tăng sự hợp tác với quốc gia liên hệ để chỉnh sửa những vi phạm. Trong những trường hợp vi phạm qúa trầm trọng, các biện pháp đối phó mà Hội đồng Nhân quyền đưa ra cũng không bao giờ mang tính cách chế tài. Biện pháp nặng nhất là đưa vấn đề ra bàn luận trong một phiên họp công khai. 

Dù sao, quyết định của JFFV nhờ luật sư nộp đơn khiếu nại với Hội đồng Nhân quyền LHQ là rất đúng. Vì nếu đơn hội đủ một số những tiêu chuẩn nhận đơn và được chấp thuận cứu xét, thì nhà cầm quyền Việt Nam sẽ phải trả lời trước Hội đồng NQ về những vi phạm NQ cáo buộc bởi JFFV: một tình trạng hết sức bẽ mặt và có thể mang lại những thất bại về ngoại giao, thương mại. 

Vận động quốc tế 

Trong công việc vận động, không học hỏi kỹ càng, hiểu biết sai lầm, vô tình hay cố ý loan tin sai lệch, lẫn lộn những mơ ước với thực tế, là những điều cần phải tránh tối đa, để không làm lỡ những cơ hội có thể được quốc tế hỗ trợ mà đồng thời còn gieo hoang mang thất vọng cho những người đã tin tưởng để nuôi hy vọng rồi chờ đợi một điều không thể xảy ra 

II. Chuyện sắp tới: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Âu châu 

Tình hình hiện nay 

Hiện nay tình trạng của Hiệp định thương mại Việt Nam-Liên minh Âu châu (EVFTA) rất rõ ràng: chỉ cần Nghị viện Âu châu phê chuẩn thuận thì hiệp định này sẽ đi vào hiệu lực. (12) 

Nhà cầm quyền Việt Nam, qua cuộc phỏng vấn thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, trưởng đoàn đàm phán VN về EVFTA của VOV1 ngày 8/07/2019 (13), nhìn nhận "trước khi nói đến tận dụng cơ hội thì hiệp định phải được Quốc hội Âu châu phê chuẩn đã" và ông Khánh kêu gọi sự hợp tác của các doanh nghiệp VN cũng như các doanh nghiệp thuộc LMÂC để mong thuyết phục nghị viện Âu châu theo chiều hướng thuận. 

Lời kêu gọi của ông Khánh được các tổ chức doanh nghiệp như Phòng thương mại Âu châu tại VN Euro Cham, Liên đoàn ngành sản xuất quần áo và thiết bị thể thao Âu châu FESI (Federation of the European Sporting goods Industry)... hưởng ứng nhanh chóng bằng cách tích cực gửi lời yêu cầu phê chuẩn tới Nghị viện Âu châu và tán dương những việc làm mà họ gọi là "những nỗ lực của chính phủ VN về phát triển bền vững cũng như cố gắng thích ứng với những yêu cầu của EU bằng cách phê chuẩn Công ước ILO đầu tiên, vạch ra một lộ trình đầy tham vọng phê chuẩn tiếp tục các Công ước ILO còn lại và sửa đổi bộ luật lao động" (14). 

Trong khi đó, những nhóm xã hội dân sự, những tổ chức phi chính phủ quan tâm đến khía cạnh nhân quyền (và lao động) đã từng vận động Nghị viện Âu châu nhiệm kỳ 8 chỉ nên phê chuẩn EVFTA sau khi một số các đòi hỏi về tôn trọng và bảo vệ nhân quyền được nhà cầm quyền Việt Nam thực thi, còn rất im ắng. 

Một lý do có lẽ vì Nghị viện Âu châu nhiệm kỳ 9 sau cuộc bầu cử đã cần thời gian để tổ chức, và sau đó đã đi nghỉ hè tháng 8, nên thời gian chưa thuận tiện cho những người/ tổ chức muốn tiếp xúc vận động các nghị viên. 

Ngày 2/09/2019 các Ủy ban của Nghị viện bắt đầu nhóm họp làm việc, thí dụ như Ủy ban thương mại quốc tế INTA (của nghị viện Âu châu), và chương trình buổi họp đầu tiên ngày 9/09 của Tiểu ban nhân quyền DROI sẽ gồm những trao đổi về tình trạng nhân quyền các nước trên thế giới với ông Eamon Gilmore, Đại diện đặc biệt của EU về nhân quyền, và bà Lotte Knudsen, Vụ trưởng Nhân quyền cùng các Vấn đề toàn cầu và đa phương. 

Sự thật đơn giản: không thể đi tiếp xúc vận động nếu không nắm vững thể thức làm việc của Nghị viện Âu châu

Nghị viện Âu châu gồm có 751 thành viên thuộc 7 nhóm đảng, ngoại trừ 54 dân biểu không thuộc nhóm đảng nào. Thật là một nhầm lẫn lớn nếu nghĩ rằng tất cả những dân biểu đều nắm vững mọi sự việc trước khi họ phải bỏ phiếu quyết định một điều gì. Nhất là những dân biểu vừa mới trúng cử nhiệm kỳ 9 sẽ cần một thời gian để tìm hiểu, thí dụ như nghe và đọc những tường trình của những nhân viên thuộc Dịch vụ Nghiên cứu Nghị viện Âu châu (European Parliamentary Research Service EPRS). 

EPRS là một bộ phận nghiên cứu nội bộ, là nhóm chuyên gia tư tưởng (think tank) của Nghị viện Âu châu. Nhiệm vụ của EPRS là hỗ trợ công việc của các thành viên và các Ủy ban Nghị viện bằng cách cung cấp cho họ các phân tích khách quan, độc lập, có thẩm quyền, cũng như các nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến chính sách của Liên minh Âu châu. Những ấn bản của EPRS mọi người đều có thể vào trang nhà của họ để tiếp cận, tìm hiểu. 

Bầu cử phê chuẩn EVFTA sẽ theo hình thức bầu đa số tuyệt đối, có nghĩa là EVFTA chỉ được phê chuẩn nếu số phiếu thuận cao hơn và phải qúa 50% tổng số phiếu bầu. 

Do đó, muốn vận động hữu hiệu các dân biểu cần phải đánh giá chính xác mức độ tin tức họ nhận được cũng như nghiên cứu phương cách chuyển tải trực tiếp đến họ những tin tức chính xác hơn những gì họ đã có và lý luận thuyết phục

Hoạt động nhân quyền hay hoạt động xã hội dân sự khác với làm báo 

Gần đây một vài bài viết xuất hiện (15) với chiều hướng tiêu cực đổ tội cho LMÂC sẵn sàng bẻ cong các tiêu chuẩn nhân quyền khi có lợi ích kinh tế. Tìm lợi ích kinh tế là một mục tiêu lớn của mọi quốc gia trên thế giới và chắc chắn cũng là mục tiêu của LMÂC. Đạt được mục tiêu này không có nghĩa là phải đạp bỏ Nhân quyền mà chính sự tôn trọng bảo vệ Nhân quyền mới bảo đảm được phát triển bền vững. 

Người làm báo có thể suy luận hay đặt giả thuyết để viết bài với mục đích đánh động sự chú ý của người đọc về một khía cạnh của vấn đề, nhưng công việc của người hoạt động là phải cố gắng tích cực gây ảnh hưởng trên chiều hướng xảy ra của vấn đề: trong trường hợp EVFTA là phải tìm hiểu chỗ đứng của Nhân quyền trong chính sách của Liên Minh Âu châu, và những ràng buộc nhân quyền trong EVFTA mà LMÂC và Việt Nam đã ký kết phải tuân thủ, để tìm cách tranh đấu đòi hỏi những ràng buộc này phải được tôn trọng. Người hoạt động không chờ việc đã xảy ra để nhận định hay trách móc kết tội mà phải tích cực đóng góp để ngăn cản những tình trạng xấu có thể xảy ra. 

Những cơ hội lên tiếng đã bỏ lỡ 

Cuộc thương lượng EVFTA đã kéo dài từ năm 2012 tới tháng 12/2015. Sau đó là thời gian soạn thảo, sửa đổi và mãi tới ngày 30/07/2019 mới được chính phủ Việt Nam và LMÂC ký kết để trình lên Nghị viện xin phê chuẩn. 

Trong suốt thời gian đó, có 8 cuộc Đối thoại Nhân quyền giữa VN và LMÂC, mỗi năm một lần. Sau mỗi cuộc Đối thoại, LMÂC đều có ra một thông cáo báo chí với những nhận định về tình hình kinh tế, xã hội, văn hoá, môi trường và nhân quyền tại Việt Nam cũng như những thành quả hợp tác đôi bên. Tiếc thay, chưa bao giờ có một tổ chức xã hội dân sự nào của Việt Nam lên tiếng chính thức gửi đến LMÂC phê bình, dẫn chứng rằng những nhận định này đúng hay sai, chính phủ Việt Nam có thích ứng với những lời khuyên bảo hay cảnh cáo của LMÂC hay không, mặc dù Phái đoàn Liên Minh Âu châu có trụ sở ngay tại Hà Nội và hiện diện thường trực trên Facebook. 

Đại sứ LMÂC, ông Bruno Angelet, thỉnh thoảng cũng có lên tiếng về việc bắt giữ những nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam, nhưng chưa bao giờ phải đối mặt với trường hợp khó xử bị người Việt chất vấn về thái độ nhà nước VN bất cần những lời kêu gọi của ông và Phái đoàn LMÂC, nên ông đã có thể hãnh diện chấm dứt nhiệm kỳ vào cuối tháng 8/2019 với thành quả ký kết EVFTA, EVIPA (Hiệp định bảo hộ đầu tư) và VPA/FLEGT (Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản) 

Cơ hội lên tiếng trước mắt 

Tương lai của EVFTA tùy thuộc quyết định của Nghị viện Âu châu. 

Đây là lúc các nhà hoạt động Nhân quyền và các nhóm xã hội dân sự VN phải lên tiếng thẳng với các dân biểu Nghị viện Âu châu. 

Các dân biểu cần có trong tay những bằng chứng là Việt Nam có tôn trọng hay không bất cứ lời khuyến nghị hay yêu cầu nào của LMÂC nằm trong 8 bản thông cáo báo chí sau những cuộc họp Đối thoại Nhân quyền Việt Nam-EU, mà bản thứ 8 mới được gửi ra ngày 7/03/2019 (16). 

Ngoài ra trong thông cáo báo chí chung (17) của Cao uỷ Thương mại EU Cecilia Malmström và Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ngày 30/06/2019 nhân việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và EU, có đoạn: 

EU hoan nghênh những bước tích cực gần đây của Quốc hội Việt Nam trong các vấn đề về lao động, cụ thể là việc phê chuẩn Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Thương lượng tập thể cũng như kế hoạch thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi tại kỳ họp tiếp theo vào mùa thu năm 2019. EU cũng hoan nghênh kế hoạch của Chính phủ nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc trình Công ước 105 và 87 của ILO lên Quốc hội Việt Nam để tiến hành thủ tục phê chuẩn các công ước này vào các năm tương ứng là 2020 và 2023. 

Đây là lúc các luật gia, luật sư, những kinh tế gia VN, cần nghiên cứu và lên tiếng phê bình việc phê chuẩn Công ước ILO 98 trước Công ước 87, cũng như dự thảo Bộ luật Lao động có những khúc mắc nào, có thực tình dựng lên một khung pháp lý vững chắc để bảo đảm những quyền lợi của người lao động, phù hợp với những ràng buộc của PCA và EVFTA hay không? 

Đây là một việc làm hữu ích và tối cần thiết, mà không cần phải ra đường biểu tình, lifestream, chạm trán với công an để bị đàn áp. 

Những dân biểu Nghị viện Âu châu sẽ không có cơ hội nhìn rõ sự thực để cân nhắc và lấy quyết định đúng, nếu chính người Việt không nhận trách nhiệm đóng góp phần việc nằm trong khả năng của mình, để đạt tới một Hiệp định thương mại tự do thực tình mang lợi ích lại cho người dân VN. 

Chú thích:

(1) https://tuoitre.vn/chat-thai-formosa-co-nong-do-ph-vuot-nguong-nguy-hai-20190509212244097.htm

(2) https://tuoitre.vn/chat-thai-cua-formosa-duoc-quan-ly-giam-sat-chat-che-20190508220406837.htm

(3) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43643612

(4) https://www.voatiengviet.com/a/gm-nguyen-thai-hop-mot-chuyen-di-dau-long/3854840.html

(5) https://vietbao.com/a261780/vai-tin-lien-quan-den-formosa-plastics-lam-bai-hoc-cho-viet-nam

https://boxitvn.blogspot.com/2016/12/vai-tin-lien-quan-en-formosa-plastics.html

(6) https://vi.wikipedia.org/wiki/Formosa_V%C5%A9ng_%C3%81ng#%C3%9D_ki%E1%BA%BFn_chuy%C3%AAn_gia_kinh_t%E1%BA%BF

(7) https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-thi-sat-formosa-ha-tinh-201807201845401.htm

(8) https://globalvoices.org/2018/06/14/taiwanese-and-vietnamese-activists-are-working-together-to-pursue-justice-for-the-victims-of-the-vietnam-marine-life-disaster/

(9) https://jffv.org/2019/07/14/press-conference-for-indictment-in-taiwan-against-formosa-ha-tinh-steel-corporation-for-ocean-pollution/

(10) https://jffv.org/2019/06/05/thong-bao-viec-gay-quy%cc%83-cong-ly-cho-na%cc%a3n-nhan-formosa-san-jose/

(11) https://jffv.org/2019/05/30/truoc-nhung-sai-pham-moi-cua-nha-may-gang-thep-formosa-hoi-cong-ly-cho-nan-nhan-formosa-jfv-vua-chinh-thuc-nop-don-khieu-nai-tai-uy-ban-nhan-quyen-lien-hiep-quoc/









07.09.2019




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo