Giáo dân Công giáo Việt Nam không thích sử dụng danh xưng Tổng Giáo Phận Tp. Hồ Chí Minh - Dân Làm Báo

Giáo dân Công giáo Việt Nam không thích sử dụng danh xưng Tổng Giáo Phận Tp. Hồ Chí Minh

Nguyễn Văn Nghệ (Danlambao) - Ngày 19/10/2019 Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Giáo phận Phát Diệm làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Với sự kiện ấy, các trang web của các Giáo phận không có sự thống nhất về danh xưng của Tổng Giáo phận Tp. HCM.

Trang web Giáo phận Phát Diệm có các tin: 

- Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh 

- Tòa Thánh bổ nhiệm Tân Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - Tp. Hồ Chí Minh 

- Video về Đức Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng - Tổng Giáo phận Sài Gòn (nhưng nữ tu phát ngôn trong video không hề nhắc đến danh xưng Tổng Giáo phận Sài Gòn mà chỉ nhắc đến danh xưng Tổng Giáo phận Tp. HCM mà thôi). 

- Thông báo của văn phòng Tòa Gám mục Phát Diệm ghi: “… Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức cha Giuse Nguyễn Năng làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh”. 

- Đức Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng tiếp phái đoàn Tổng Giáo phận Sài Gòn - Tp. Hồ Chí Minh. 

Trang web của TGP Sài Gòn Tp. HCM có các tin: 

- Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh. 

- Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh Nguyện Thánh Thể ghi: “Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Giáo phận Phát Diệm, làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - Tp. Hồ Chí Minh. 

- Tổng Giám mục thứ tư của Tổng Giáo phận Sài Gòn - Tp. Hồ Chí Minh. 

Trang web Vietcatholic có các tin: 

- Đức cha Giuse Nguyễn Năng được bổ nhiệm Tổng Giám mục Sài Gòn. 

- Video: Đức Cha Giuse Nguyễn Năng được bổ nhiệm Tân Tổng Giám mục Sài Gòn. 

Trên các trang web liên kết giữa các giáo phận đại đa số ghi: “Tổng Giáo phận Sài Gòn”. 

Đọc xong các tin, khiến đầu óc người đọc rối bời lên, nào là Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh; nào là Tổng Giáo phận Sài Gòn; nào là Tổng Giáo phận Sài Gòn - Tp. HCM. 

Ngày 2/7/1976 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh. Về phía Giáo quyền danh xưng Tổng Giáo phận Sài Gòn vẫn tồn tại cho đến ngày 23/11/1976 với sự chấp thuận của Tòa thánh Vatican đã thay đổi danh xưng từ Tổng Giáo phận Sài Gòn thành Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh với tên Latin là Archidioecesis Hochiminhopolitanus. 

Hiện nay con dấu Giáo quyền đang sử dụng mang dòng chữ “TỔNG GIÁO PHẬN TP. HỒ CHÍ MINH”

Đại đa số người Công giáo Việt Nam không chuộng danh xưng “Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh” mà chỉ thích danh xưng “Tổng Giáo phận Sài Gòn” mà thôi! Trang Wikipedia ghi: “Hiện nay, việc sử dụng tên gọi Tổng Giáo phận Sài Gòn hay Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh gây tranh cãi và không nhất quán. Có xu hướng trung dung gọi ghép là Tổng Giáo phận Sài Gòn - Tp. Hồ Chí Minh.” 

Có người cho rằng cách gọi “Tổng Giáo phận Sài Gòn - Tp. Hồ Chí Minh” là cách gọi “ba phải” chớ chẳng “trung dung” gì cả! Bài học về “Con dơi” (Biển bức) trong sách Hán Văn của Trần Trọng San đáng để chúng ta suy ngẫm về cái gọi là “xu hướng trung dung”: “Điểu dữ thú hống, biển bức thường trung lập. Điểu thắng, tắc biển bức phi nhập điểu quần. Viết: “Ngô hữu lưỡng dực, cố điểu dã. Thú thắng, tắc biển bức tẩu nhập thú quần. Viết: “Ngô hữu tứ túc, cố thú dã” (Chim và muông đánh nhau huyên náo, con dơi thường trung lập. (Khi) chim thắng, thì dơi bay vào đàn chim, nói rằng: “Tôi có hai cánh vốn loài chim”. (Khi) muông thắng, thì dơi chạy vào đàn muông, nói rằng: “Tôi có bốn chân vốn loài muông). 

Sách Trung dung viết: “Quân tử Trung dung; tiểu nhơn phản Trung dung. Quân tử chi Trung dung dã, quân tử nhi thời trung; tiểu nhơn chi phản Trung dung dã, tiểu nhơn nhi vô kỵ đạn dã” (Đoàn Trung Còn dịch: Bực quân tử, tức là hạng người có đạo đức, thì giữ được đức Trung dung. Còn kẻ tiểu nhơn, tức là hạng người kém đạo đức thì trái với đức trung dung. Bực quân tử giữ được đức Trung dung là như vầy: bất kỳ giờ phút nào, người cũng giữ gìn cái tâm ở mức giữa[trung], không chênh bên này, không lệch bên kia, vì người biết tồn tâm dưỡng tánh, tỉnh sát đạo lý, không bị hoàn cảnh cám dỗ. Còn kẻ tiểu nhơn trái với đức Trung dung là như vầy; cái tâm nó chênh lệch, cái tánh nó tách khỏi Đạo, lòng tư dục nó xua đuổi theo cảnh ngoài, cho nên nó chẳng còn biết kiêng dè, sợ sệt chi cả). 

Khi Giáo quyền đổi danh xưng thành Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh có người mượn câu thơ của Tôn Thọ Tường để ví von: “Ai về nhắn với Chu Công Cẩn/Thà mất lòng anh đặng bụng chồng”. Và có người lại mượn câu thơ của Phan Văn Trị nhắn nhủ với Giáo quyền: “Anh hỡi Tôn Quyền, anh có biết/ Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng”. 

Trên đường Hàn Mặc Tử ở Huế có phủ thờ Anh Duệ Hoàng thái tử (Hoàng tử Cảnh), do kỵ húy nên lâu nay cứ gọi là phủ thờ Tăng Duệ. Vừa qua Phòng Anh Duệ mới ra một văn bản phục hồi lại tên Anh Duệ chứ không gọi Tăng Duệ nữa. 

Cũng vậy Giáo quyền ở Tp. HCM nên ra một văn bản phục hồi lại danh xưng Tổng Giáo phận Sài Gòn như nguyện vọng của giáo dân. Nếu không thì vẫn giữ danh xưng Tổng Giáo phận TP.Hồ Chí Minh, chứ không nên “lập lờ” như hiện nay: Trắng đen phân minh. Có như vậy mới “chính danh”: “Danh bất chính, tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận, tắc sự bất thành, sự bất thành, tắc lễ nhạc bất hưng...” 

21.10.2019

Phú Lộc Tây- Diên Khánh- Khánh Hòa 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo