Đỗ Thành Nhân (Danlambao) - Không rõ ngạn ngữ của nước nào có câu: “muốn được la (mắng) thì lấy vợ, muốn được khen thì hãy chết”. Nghiệm ra trong mấy ngày nay đúng ít nhất là 50%, khi xảy ra vụ có một ông Thứ trưởng “rơi tự do” từ tầng 8 xuống đất.
Lúc ông này còn sống thì dư luận xã hội chẳng mấy người biết mặt mũi, tên tuổi, tài năng như thế nào? Vừa đột tử thì cũng đột ngột dư luận ca ngợi, nào là tài năng trẻ, lãnh đạo trẻ, đầy triển vọng; nào là người sẽ tạo ra sự đổi mới; nào là trí tuệ, tâm huyết v.v...
Trước hết, trên quan hệ giữa người với người xin chân thành chia buồn với gia đình ông Thứ trưởng. Còn về mặt xã hội, mọi người nên kiềm chế cảm tính xuống một chút; trước sự bức xúc, không nhìn thấy lối ra thì có quyền hy vọng nhưng đừng hy vọng đến mức... hoang tưởng là sẽ có một vị thần đèn giải quyết tất cả.
Hãy dùng lý tính để xem, nếu ông Thứ trưởng không đột tử thì có thể giải quyết được chuyện gì?
I. Về cá nhân
“Muốn được khen thì hãy chết!”, những ý khen chính:
1. Một nhân tài
Xem lý lịch thì thấy ông là người được đào tạo, học hành nghiêm túc, đàng hoàng, minh bạch chứ không nhập nhèm như các vị khác. Có thể nói về mặt học thuật, chuyên môn, ông đạt loại giỏi. Nhưng nếu gọi là “nhân tài” trong lĩnh vực chuyên môn thì chưa chắc. Bởi vì, chưa thấy dư luận cả trong và ngoài nước vinh danh!
2. Một trí thức
Vị Thứ trưởng sinh năm 1971, đến 1975 thống nhất đất nước; học phổ thông hệ 12 năm, tốt nghiệp năm 1989. Lúc đó cả Đông Âu tan rã và thành trì xã hội chủ nghĩa Liên Xô sụp đổ. Đến ngày 3/2/1994 Mỹ bỏ hoàn toàn cấm vận Việt Nam.
Theo lý lịch trên Wikipedia, thì ông Thứ trưởng vào ĐCS cũng sau năm 1994; có nghĩa là ông đủ điều kiện để hiểu rõ bản chất cái đảng của ông tham gia.
Là một người có trình độ, đào tạo ở Liên Xô (Liên bang Nga) 1988-1995, chứng kiến các biến động lớn của Nga (Liên Xô), Châu Âu, thế giới. Nhưng ông vẫn kiên định chủ nghĩa Marx Lenin, vẫn yêu ĐCS.
Khi vào đảng, tối thiểu phải đọc-hiểu “Tuyên ngôn đảng cộng sản”, nghe-thuộc lòng “Quốc tế ca”; và viết “đơn xin vào đảng” với tâm tư, nhận thức của từng người.
“Trí thức” đúng nghĩa, ngoài trình độ chuyên môn còn có nhận thức xã hội và phản biện hiện thực; người có trình độ tất nhiên hiểu bản chất “Tuyên ngôn đảng cộng sản”, lời bài “Quốc tế ca”; người được đào tạo khoa học tự nhiên, kỹ thuật cũng hiểu rằng vạn vật, vũ trụ không có gì là tuyệt đối. Những người như vậy liệu có thể viết “đơn xin vào đảng” có những cụm từ như: “tuyệt đối trung thành”...
Ai nói ông Thứ trưởng là một “trí thức” chân chính thì xem lại có đúng không?. Theo tôi có thể gọi ông là “đại nhân”, “quân tử” thời đạo Nho, Khổng giai đoạn phong kiến thịnh hành thì được.
3. Một tài năng trẻ
47 tuổi làm Thứ trưởng thì không thể nói là trẻ. Tuổi này làm bộ trưởng không ít, thậm chí có người đã làm thủ tướng, nguyên thủ quốc gia đối với những nước dân chủ, bầu cử minh bạch.
Còn nói về “tài năng” thì phải trong từng lĩnh vực, chuyên ngành cụ thể. Một học sinh giỏi không thể gọi là một nhà sư phạm tài năng. Cũng vậy, một nhà khoa học nổi tiếng, một hiệu trưởng giỏi chưa chắc là một nhà quản lý tài năng, một nhà chính trị, chính khách tài năng.
Để lên Thứ trưởng, ông phải học qua quản lý nhà nước, chính trị cao cấp, từng làm hiệu trưởng, bí thư đảng ủy của một trường đại học. Vậy mà ký các văn bản hành chính là Quyết định thành lập hội đồng kỷ luật công chức và Thông báo về xem xét kỷ luật với 13 cán bộ chưa thực hiện đã bị hủy. Có thể đằng sau việc hủy còn nhiều vấn đề, nhưng bề nổi thì người hủy có cơ sở pháp lý để hủy; điều đó chứng tỏ kinh nghiệm quản trị của ông còn yếu.
Như vậy, nếu ông lên cao hơn Thứ trưởng thì các văn bản quy phạm pháp luật có bị hủy bởi vi pháp Hiến pháp, Luật hay không? Thực tế đã từng xảy ra.
Những “tài năng trẻ” kế thừa, được ca ngợi, cũng đã từng có những ủy viên trung ương như Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Xuân Anh... Có khi Nguyễn Xuân Anh bị tai nạn chết trước 2016 cũng được thương tiếc ngút trời xanh!
Ông Thứ trưởng chết vì nguyên nhân gì? không nói ở đây.
Một nhân tài, một tài năng, tối thiểu phải biết cách xử lý tình huống, thích nghi môi trường, trước hết giảm thiểu rủi ro và sau đó là những người khác để đạt được mục tiêu: điều đó ông vẫn chưa đạt được.
II. Về môi trường xã hội
Năm 2006, ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng Giáo dục, xã hội cũng kỳ vọng sẽ có nhiều thay đổi với những chính sách, khẩu hiệu: hai không, năm không, giáo viên sống bằng lương... Và, kết quả các chính sách như bản nhạc nền phim Trung Quốc cùng thời: “Rút dao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh / Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm”. Nhiệm kỳ sau cứ dọn dẹp cải cách của nhiệm kỳ trước.
Hệ thống giáo dục như con đường tàu lửa Bắc Nam, từ thời người Pháp đô hộ xây dựng cách đây hơn trăm năm. Dù cho anh lái tàu có được đào tạo ở đâu, giỏi cỡ nào, thì đoàn tàu cũng phải đi đúng quỹ đạo, không thể vượt quá 100km/h.
Nếu ông Thứ trưởng không đột tử, ông lên làm Bộ trưởng thì nền giáo dục sẽ “triển vọng” như thế nào?.
Lúc đó, Luật giáo dục 2019 có hiệu lực. Với Điều 3.1. Tính chất, nguyên lý giáo dục: “Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.”
Dù cho ông Bộ trưởng là người tài giỏi, từng được giải Nobel đi nữa cũng không thể nào xây dựng được một nền giáo dục không tưởng là “khoa học, hiện đại” trên nền tảng “chủ nghĩa Mác-Lê nin”; đơn giản là vì không thể đồng nhất hai thái cực đối lập, triệt tiêu với nhau. Thực tế, các quốc gia có nền giáo dục phát triển như Đức, Nga đã có nhiều người Việt Nam theo học, là quê hương của Mác-Lê nin họ cũng vứt bỏ cái nền tảng “chủ nghĩa Mác-Lê nin” ra khỏi hệ thống giáo dục từ lâu rồi.
Thế giới phẳng, mở ra cho tất cả các quốc gia, không gian ngày càng thu hẹp nhờ vào những chuẩn mực chung từ khoa học, kỹ thuật, công nghệ đến kinh tế. Các định luật trong tự nhiên và quy luật trong xã hội được cả thế giới vận dụng. Riêng hệ thống giáo dục của Việt Nam “lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng” mà không quốc gia nào có được, tất yếu nền giáo dục Việt Nam sẽ có một khoảng cách với nền giáo dục chung của thế giới phát triển: hoặc hiện đại hơn, hoặc lạc hậu hơn.
Ông Bộ trưởng mới có thể làm cho hiện đại hơn được không?.
Tri thức nhân loại là vô hạn, nhận thức từng con người là hữu hạn; điều chưa biết là vô hạn, điều đã biết là hữu hạn; tương lai là vô hạn, hiện tại là hữu hạn. Nghịch lý trong nền tảng giáo dục là lấy cái hữu hạn khống chế cái vô hạn.
Một con người của quá khứ, dù vĩ đại như thế nào đi nữa thì nhận thức, tư tưởng cùa họ cũng có giới hạn, hữu hạn trong không gian, thời gian họ sống. Cho nên nền giáo dục đào tạo ra những thế hệ chỉ được “học tập và làm theo” một hệ thống tư tưởng, nhận thức của một cá nhân hữu hạn là nền giáo dục hướng đến quá khứ.
Chính Bộ trưởng giáo dục cũng phải chịu sự khống chế bởi cái hữu hạn, thì làm sao có sự cải cách vượt quá chỗ ngồi làm việc!. Làm sao sản phẩm của nền giáo dục có tính “khoa học, hiện đại” được.
Với một thể chế chính trị, môi trường xã hội hiện nay; dù cho một ông Bộ trưởng có trí tuệ, tâm huyết, tài năng, triển vọng cỡ nào đi nữa thì thực nhiệm vụ quản lý giáo dục theo đúng Luật giáo dục cũng bất khả thi. Đừng có trông chờ gì một ông Bộ trưởng Giáo dục.
Hãy để cho ông Thứ trưởng ra đi thanh thản, đừng có “khen người chết” nữa!. Nếu kính trọng ông, thì hãy làm rõ nguyên nhân cái chết của ông để oan hồn siêu thoát.
Tóm lại: Người tử tế, tự trọng, có tài năng thực sự không ai muốn tự nguyện tham gia vào những băng đảng lưu manh, độc tài toàn trị cả.
*
Trước khi kết thúc bài viết:
Thể chế Việt Nam Cộng hòa cũng chưa phải có một xã hội tốt đẹp, nhưng ít ra cũng đã xây dựng nền tảng để nền giáo dục phù hợp với chuẩn mực chung của xã hội văn minh và Bộ trưởng và những người làm giáo dục phát huy tài năng.
Tham khảo Hiến pháp VNCH 1967, Điều 10: “1- Quốc Gia công nhận quyền tự do giáo dục. 2- Nền giáo dục cơ bản có tính cách cưỡng bách và miễn phí. 3- Nền giáo dục Đại Học được tự trị. 4- Những người có khả năng mà không có phương tiện sẽ được nâng đỡ để theo đuổi học vấn. 5- Quốc Gia khuyến khích và nâng đỡ các công dân trong việc nghiên cứu và sáng tác về khoa học, văn học và nghệ thuật.”
Chưa mong đến khi nào giáo dục chỉ thành công; chỉ mong xã hội được nói thật, chỉ mong không phải tất cả báo chí đều cho rằng: ông Thứ trưởng ngã từ lan can tầng 8 (xem hình) rơi xuống đất.
Sân thượng, vùng khoanh dây là hiện trường vụ án
“Thứ trưởng rơi từ tầng 8 xuống đất” -
lan can cao ngang ngực người lớn
19.10.2019