Trump mất thế thượng phong trong thoả thuận thương mại với Trung cộng - Dân Làm Báo

Trump mất thế thượng phong trong thoả thuận thương mại với Trung cộng

Vũ Ngọc Yên (Danlambao) - Ngày 12-10, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một phần của thỏa thuận thương mại sau vòng đàm phán cấp cao diễn ra tại Washington DC. Những tiến bộ đạt được trong cuộc đàm phán này sẽ tạo tiền đề cho một thỏa thuận toàn diện chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm rưỡi gây tổn hại lớn không chỉ cho hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này mà còn khiến thị trường toàn cầu chao đảo.

Với thỏa thuận một phần của "giai đoạn một", Mỹ sẽ nới lỏng thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc. Mỹ quyết định hoãn kế hoạch tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dự kiến có hiệu lực từ ngày 15-10 tới, đáp lại Trung Quốc đồng ý mua 40 tỷ - 50 tỷ USD hàng nông sản, đậu nành và thịt heo. 

Trump tự công bố thoả thuận này ông sẽ ký trong cuộc gặp Chủ tịch nhà nước Trung cộng Tập Cận Bình tại Hội nghị APEC ở Chí Lợi vào tháng 11. 

Trump thương thảo không ở vị thế kẻ mạnh 

Từ lâu Trump luôn cho mọi người biết cường quốc Mỹ luôn ở thế mạnh và sẽ thắng trong mọi cuộc thương thảo. Theo ông, Trung Quốc khẩn cần một thoả thuận thương mại hơn bao giờ hết, nên sẽ chấp nhận nhiều yêu sách của Mỹ. 

Tuy nhiên sự tương quan lực lượng đã thay đổi trong thời gian mấy tuần qua. 

Tình hình nội chính Mỹ căng thẳng đang gây áp lực cho Trump. Hằng ngày các chi tiết về vụ Ukraine được giới truyền thông loan báo rộng rãi làm nhân dân thêm nghi ngờ về cách hành xử chính trị của chính quyền Trump. Đài truyền hình bảo thủ Fox, một loại “đài nhà” cuả Trump cho biết hơn 50 % dân chúng đã ủng hộ cuộc điều tra luận tội truất quyền Tổng thống. Mức cử tri hâm mộ Trump đã xuống dưới 40% và ngày càng giảm. 

Trump cần cử tri ở các tiểu bang đang bị thiệt hại vì ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại. Trump biết rõ cử tri sẽ không bỏ ông nếu nền kinh tế còn phát triển. Nhưng các dự báo cho biết vận hội kinh tế đang suy thoái. Nhiều doanh nghiệp không muốn đầu tư thêm vì cuộc chiến thương mại. Công nghệ sản xuất trì trệ và sa thải công nhân. Nông dân ở vùng Trung Tây đang bị đe doạ sự tồn tại. Không có phiếu của các tiểu bang Ohio hay Wisconsin Trump không thể thắng cuộc bầu cử 2020. 

Một lý do khác, Trump từ chối áp thuế lên hàng nhập khẩu vì sợ giá hàng tăng chỉ làm dân Mỹ mất hứng thú tiêu thụ. 

Chiến thuật "hai bước lùi, một bước tiến". 

Nhiều người Mỹ có thiện cảm cho cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc, một cường quốc kinh tế cạnh tranh. Nhưng Trump chỉ lợi dụng chính sách thương mại cho chiến thuật tranh cử. 

Rất hiếm khi thấy Trump lúng túng khi công bố và đánh giá thoả thuận là một sự đình chiến của cuộc chiến thương mại do chính ông khởi động đã kéo dài hơn 18 tháng. Trước đó Trump từng cho biết ông sẽ tìm kiếm một thoả thuận toàn diện với Trung cộng. Nếu thoả thuận không đạt 100% như kỳ vọng thì ông sẽ không ký. Nhưng lần này ông phải chấp nhận thực tế là không có thành công lớn. 

Vì cần một sự thành công, dù nhỏ để quảng bá cho cuộc tranh cử Tổng thống nên Trump nhất trí thoả thuận với Trung Quốc. Sự kiện này cho thấy Donald Trump đã đặt quyền lợi cá nhân "ME FIRST" trước lợi ích đất nước. 

Thỏa thuận "giai đoạn một" với Trung cộng có thể là một chiến thuật giúp Trump tập trung tâm trí cho cuộc thương thảo kế tiếp với Liên minh Âu châu (EU). Tới giữa tháng 11, Trump sẽ có quyết định áp thuế lên hàng xe hơi nhập khẩu. Lấy lý do Liên minh Âu châu EU bao cấp phi pháp cho hãng sản xuất máy bay Airbus, Mỹ áp thuế 25% lên thực phẩm và rượu. 

Trung cộng được gì trong thoả thuận 

Thỏa thuận đình chiến thương mại mang cơ hội phục hồi xuất cảng cho Trung Quốc. Ngành ngoại thương Trung Quốc đã bị thiệt hại vì các biện pháp trả đũa giữa hai nước trong cuộc chiến thương mại. Cục hải quan Bắc Kinh cho biết kim ngạch xuất cảng của Trung qua Mỹ trong tháng 9 bị giảm 21,9 so với cùng tháng năm ngoái. Nhập cảng giảm 15,2%. Toàn bộ xuất cảng toàn cầu trong tháng 9 chỉ còn 218,1 tỷ USD bị giảm 3,2% so với cùng tháng năm ngoái. Còn nhập cảng toàn cầu giảm 8,5% xuống 178,5 tỷ USD. 

Tính từ năm 2017 đến ngày 18-2-2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả heo Châu Phi, trong đó nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Trung Quốc - nhà sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới. Từ tháng 8.2018 bệnh dịch đã lan ra 32 trong số 34 tỉnh. Tới tháng 10.2019 hơn 1,2 triệu con heo đã bị giết. Các lò sát sinh, nơi phát hiện bệnh dịch bị đóng cửa. Tháng 9.2019 giá thịt tăng 50 % - hơn 1/3 tổng số lượng thịt heo do nông dân cung cấp. Vì sợ cơn dịch lan nhanh, nhiều nông dân đã giết heo làm số heo nuôi hiện tại bị giảm gần một nửa. Thiệt hạ cho kinh tế và xã hội rất lớn... Lợi tức của 130 triệu hộ nuôi heo đang bị đe dọa. Trung cộng đến nay vẫn chưa làm chủ được tình hình và đang khổ sở tìm cách cứu vãn tình trạng khan hiếm nông phẩm và thịt heo. 

Qua thoả thuận, Trung cộng đã khôn ngoan "nhượng bộ" chấp nhận chi 40 tới 50 tỷ USD để Mỹ cung cấp nông sản, đậu nành và thịt heo thay vì tặng không cho quan thuế Mỹ. Trump đã giúp chính quyền Tập Cận Bình thoát được cuộc khủng hoảng thực phẩm đang đe doạ sự ổn định nội chính Trung cộng. 

Các nhà bình luận cho rằng Trung cộng đã tỏ ra cứng rắn không nhượng bộ trong cuộc thương thảo vì biết Tổng thống Trump đang đối mặt với vụ Ukraine. Trump muốn Bắc Kinh nên bắt đầu xét hồ sơ Hunter Biden con trai phó Tổng thống Joe Biden, liên hệ đầu tư cổ phiếu ở Trung Quốc. Cuộc điều tra luận tội Tổng thống càng kéo dài, càng khiến cơ hội tái thắng cử của Trump bị thuyên giảm. 

16/10/2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo