An ninh tỉnh Hoà Bình tước đoạt quyền có luật sư bào chữa của YouTuber “Tiến sỹ hớt tóc” - Dân Làm Báo

An ninh tỉnh Hoà Bình tước đoạt quyền có luật sư bào chữa của YouTuber “Tiến sỹ hớt tóc”

Mẹ Nấm (Danlambao) - YouTuber “Tiến sỹ hớt tóc” tên thật là Nguyễn Văn Nghiêm (sinh năm 1963) bị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hoà Bình khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 5/11/2019 với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nôị dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, có nội dung bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân”, theo khoản 1, Điều 117 BLHS. Đây có lẽ là người sử dụng mạng xã hội YouTube bày tỏ quan điểm chính trị - xã hội đầu tiên bị bắt vì “tuyên truyền chống nhà nước”.


Thông tin đa chiều những vấn đề thời sự, chính trị, kinh tế văn hóa xã hội đương đại Việt Nam và Thế giới.” là lời giới thiệu trên trang YouTube “Tiến sỹ hớt tóc”. Những chủ đề được chia sẻ trên kênh này là các bài bình luận tình hình thời sự được cập nhật hàng ngày. Kênh YouTube “Tiến sỹ hớt tóc” thu hút một lượng lớn khán giả, và có rất nhiều người nhận xét đây là một kênh thông thông tin trung thực, gần gũi, dễ hiểu.

Sáng ngày 5/11/2019, khi công an ập vào khám xét và đọc lện bắt giữ, toàn bộ máy tính, điện thoại đều bị thu giữ. Trong buổi sáng cùng ngày, công an tỉnh Hoà Bình đã nắm quyền truy cập tài khoản YouTube “Tiến sỹ hớt tóc” nên các clip đã được phát sóng đều bị chuyển về chế độ riêng tư. Khi bị đưa về trại tạm giam Công an tỉnh Hoà Bình, anh Nguyễn Văn Nghiêm không được mang theo quần áo ấm. Sau khi bị bắt hai tuần, chị Phạm Thị Xuân là vợ anh mới được phép gửi cho chồng hai quần dài. 

Ngay khi chồng bị bắt giữ, chị Xuân đã xuống Hà Nội và mời luật sư Hà Huy Sơn làm người trợ giúp pháp lý. Qua trao đổi với chị, tôi được biết trước đó anh Nghiêm có dặn chị nếu anh gặp chuyện không may chị nhớ tìm luật sư cho anh với sự trợ giúp của các anh em bạn bè ở Hà Nội.

Sau khi thông tin anh Nguyễn Văn Nghiêm bị bắt giữ được công bố trên mạng, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hoà Bình triệu tập chị Xuân đến làm việc và đưa một tờ giấy có chữ ký được cho là của anh Nghiêm với nội dung đại ý "anh đã suy nghĩ lại, anh có thể tự bào chữa và rút hết toàn bộ thông tin đã đưa trên mạng xuống”. Thật là "nhân văn" ngoài sức tưởng tượng bởi hiếm có trường hợp bị kết tội xâm phạm an ninh quốc gia mà điều tra viên nhanh chóng chuyển thư tay ra cho người thân.

Song song đó, công an cũng lập biên bản làm việc và thuyết phục chị Xuân chấm dứt hợp đồng với luật sư Hà Huy Sơn.

Đây rõ ràng là hành vi vi phạm tố tụng nghiêm trọng của công an tỉnh Hoà Bình, bởi theo khoản 1, điều 75 Bộ luật Tố tụng Hình sự về việc Lựa chọn người bào chữaNgười bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn.

Thông tư 46/2019 do Bộ Công an quy định trách nhiệm của lực lượng CAND trong việc thực hiện các quy định của BLTTHS 2015 liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, người bị bắt, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, đương sự... có hiệu lực từ ngày 2/12/2019, quy định về việc có luật sư bên cạnh sớm nhất được xem là có tiến bộ. Luật sư có thể dùng làm thông tư này làm 'bửu bối' khi CQĐT, điều tra viên, trại tạm giam, nhà tạm giữ làm khó. 

Việc Cơ quan ANĐT tỉnh Hoà Bình sử dụng “nghiệp vụ” để hạn chế quyền có người bào chữa của anh Nguyễn Văn Nghiêm cho thấy cơ quan tiến hành tố luật đang sử dụng luật rừng.

Với trường hợp của “Tiến sỹ hớt tóc” Nguyễn Văn Nghiêm, có thể thấy công an tỉnh Hoà Bình đang tố cáo với thế giới về tình trạng coi thường luật pháp của ngành công an Việt Nam.

3.12.2019




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo