Nhìn lại Việt Nam 2019: Trung cộng - nội thù bao vây - Dân Làm Báo

Nhìn lại Việt Nam 2019: Trung cộng - nội thù bao vây

Phạm Trần (Danlambao) - Sau 45 năm độc tài cai trị đất nước, đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đang phải đối mặt với giặc ngoại xâm Trung Cộng trên đất liền và ngoài Biển Đông, trong khi nội thù “phai nhạt lý tưởng, lợi ích nhóm, tự diễn biến-tự chuyển hóa và quốc nạn Tham nhũng” đe dọa sự sống còn của chế độ khi Việt Nam bước qua năm 2020.

Kết luận này không do “các thế lực thù địch”, “diễn biến hòa bình”, hay “những kẻ cơ hội chính trị” đưa ra để nói xấu chế độ mà do tình hình thực tế và từ miệng lưỡi Lãnh đạo Tuyên giáo, Tổng cục Chính trị quân đội, Công an và Bộ Thông tin-Truyền thông.

Trước hết, khi nói về hiểm họa mất nước vào tay Bá quyền Trung Cộng, không người Việt Nam nào quên sự kiện Trung Cộng đem tầu khảo sát dầu khí Hải Dương 8 (HD-8) vào tự do hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở bãi Tư Chính, cách Vũng Tầu khoảng 370 cây số về hướng Đông Nam, từ ngày 03/07 đến 24/10/2019 mà Việt Nam không dám xua đuổi.

Trong suốt thời gian này, chỉ có một lần họp của khối ASEAN (Hiệp hội các nước Đông Nam Á), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là người duy nhất đã lên án đích danh Trung Cộng vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính và đòi Bắc Kinh rút tầu. Nhưng sau đó, trong diễn văn ngày 28/09 (2019), ông Minh lại tránh lên án Trung Cộng tại Liên Hiệp Quốc. 

Mọi người chỉ nghe ông nói: "Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) – “Hiến chương của Biển và Đại dương”….Các bên liên quan cần kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982."

Lối nói chung chung này đã thể hiện nỗi sợ Bắc Kinh trả đũa của nước nhỏ lệ thuộc Việt Nam, theo chủ trương của Bộ Chính trị, lãnh đạo bởi ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Nhưng khi “tam đầu chế” gồm ông Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng không dám công khai lên án Trung Cộng trong thời gian HD-8 tự do khuấy nhiễu thì thấy tập đoàn này đã không giấu được thói nhu nhược hổ thẹn trong cương vị lãnh đạo.

Bên cạnh nỗi nhục thuần phục này, ông Trọng cũng không dám kiện Trung Cộng ra trước tòa án Quốc tế như Phi Luật Tân đã đối phó với Bắc Kinh năm 2016 và thắng kiện, mặc dù nhiều Đảng viên cao cấp và nguyên lãnh đạo và các chuyên gia Quốc tế đã thúc đẩy ông Trọng theo gương Phi Luật Tân. Tòa năm 2016 đã bác yêu sách của Trung Cộng đòi chủ quyền trong phạm vi đường Lưỡi Bò, hay đường 9 Đoạn, chiếm ¾ diện tích của trên 3 triệu cây số vuông Biển Đông.

Nỗi sợ Trung Cộng của đảng CSVN còn thể hiện qua việc nhà nước tiếp tục khủng bố, ngăn chận và bắt bỏ tù những ai dám chống Tầu trong các dịp kỷ niệm đau thương ngày mất Hoàng Sa 19/1 (1974) ; chiến tranh biên giới Việt-Trung 17/2 (1979) và trận Gạc Ma 14/3 (1988). Đảng CSVN còn cấm dân không được tổ chức truy diệu và ghi ơn những chiến sỹ đã hy sinh trong các cuộc chiến chống Tầu xâm lược này, đặc biệt đối với 74 Quân nhân Việt Nam Cộng hòa đã bỏ mình ở Hoàng Sa.

Hành động chia rẽ, hận thù dân tộc Bắc-Nam của nhà nước Cộng sản đã xác nhận thêm sự giả dối của chế độ ngay cả đối với những người đã chết khi bảo vệ lãnh thổ.

Vì vậy, ngay cả trong sách sử, các Sử gia Cộng sản cũng chỉ dám ghi lại hời hợt cho có những cuộc chiến giữa quân Tầu xâm lược và quân đội Việt Nam, thay vì phải ghi lại đầy đủ để lưu truyền tinh thần giữ nước hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc.

Lệ thuộc kinh tế - mất chủ quyền đất

Trên đất liền, nét rõ mất chủ quyền kinh tế và đất đai đã chứng minh trong hai dự án Bauxite Tây nguyên và Formosa Hà Tĩnh. Đảng CSVN đã để cho các Nhà thầu Trung Quốc tự do làm giầu trên lưng lao động của người Việt Nam để thu vét tài nguyên từ quặng Bauxite ở Lâm Đồng, Nhơn Cơ và gang thép ở Hà Tĩnh, nơi Công ty Formosa đã thải chất độc làm chết hải sản và ô nhiễm môi trường ngày 06/04/2016. Cho đến nay, ba năm sau, chưa có bất cứ cuộc khảo sát nào có chứng minh quốc tế là biển miền Trung đã an toàn ở 4 Tỉnh bị ô nhiễm gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Ngoài ra rất nhiều nhà máy , hãng xưởng do Trung Cộng đầu tư hay cho Việt Nam vay chịu nợ đã được thiết lập ở dọc theo các địa điểm chiến lược bờ biển trọng yếu từ Nam ra Bắc. Tất cả các vị trí này thuộc quyền kiểm soát tuyệt đối ra vào của Trung Cộng, kể cả quyền đưa công nhân Tầu vào làm và cướp việc của người Việt.

Bên cạnh đó là việc CSVN đã cho Công ty InnovGreen của Trung Cộng, một số công ty khác của Hồng Kong và Đài Loan thuê đất trồng cây kỹ nghệ, dài 50 năm ở nhiều vùng biên giới Việt-Lào.

Theo một bài viết trên báo Đất Việt ngày 18/06/2014 thì việc cho thuê đất đã xẩy ra ở các tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương.

Đất Việt cho biết: "Các địa phương đã cho 10 DN nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích hơn 300 ngàn ha, trong đó doanh nghiệp từ Hongkong, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 ngàn ha, 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới.”

Như vậy, câu hỏi được đặt ra là Việt Nam được lợi gì khi cho người Tầu thuê đất ở các địa điểm chiến lược biên giới, và có ai biết họ đã và đang làm gì trong các khu rừng này?

Trong lĩnh vực trao đổi thương mại, chỉ riêng 11 tháng năm 2019, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Cộng là 31 tỷ Mỹ kim với đủ mặt hàng và máy móc. Thêm vào đó, tổng số tiền nợ Trung Cộng của Việt Nam được ước tính khoảng 6 tỷ dollars vào năm 2013, trong khi Việt Nam không bao giờ công số các khoản nợ nước ngoài.

Vì nhà nước đã chi nhiều hơn thu trong dài hạn, nhất là khi đến hạn phải trả nợ nước ngoài nên báo cáo của Chính phủ về nợ công đã thừa nhận Việt Nam đang ở ngưỡng 3,2 triệu tỷ đồng. Trung bình mỗi người dân gánh 32 triệu đồng nợ công. (VNNET, 17/06/2019)

Quay lưng chống đảng

Về mặt chính trị, năm 2019 cũng đánh dấu nội bộ đảng cầm quyền đã và đang nát từ thất bại trong công tác “bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng” và “bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Tình trạng suy thoái tư tưởng, chán đảng, nhạt đoàn và ngại học tập Nghị quyết và tự ý làm sai Chỉ thị của đảng đã đền mức báo động. Nghiêm trọng đến độ Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân phải cảnh báo: "Đây là "cuộc đấu tranh một mất một còn, quyết liệt, nóng bỏng, cấp bách và không nhân nhượng." (theo báo Thanh Niên, ngày 23/12/2019)

Lên tiếng tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 tại Hà Nội, Tướng Nghĩa giải thích lý do khẩn trương vì: "Âm mưu thủ đoạn của thế lực thù địch, phản động, ngày càng tinh vi, phức tạp, trực diện và triệt để khai thác công nghệ, bóp méo, làm sai lệch, gán ghép thông tin, gây hoang mang, lo lắng cho dự luận."

Ông nói: "Mục đích của chúng là làm tan rã, suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, chế độ và lực lượng vũ trang nhân dân."

Đáng chú ý, lần đầu tiên Thượng Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đã tiết lộ các thành phần chống đảng hiện nay gồm: "Ngoài lực lượng hoạt động thù địch của chế độ cũ thì hiện nay đã có lực lượng mới là những cán bộ thoái hóa, biến chất, những người đã bị xử lý kỷ luật, xử lý về pháp luật, thậm chí có những cán bộ cao cấp, có cả những tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, rồi thanh niên, sinh viên và tầng lớp khác, do đó, công tác đấu tranh diễn ra trên nhiều lĩnh vực và rất phức tạp."

Tướng Nghĩa không cho biết “lực lượng” của mỗi phe chống đảng có bao nhiêu người, nhưng ông nhìn nhận “có lợi ích nhóm trên mặt trận tư tưởng”.

Như vậy là rối beng, có nhiều thành phần trong xã hội, trong đảng và quân đội đã hợp lực với nhau chống đảng là hiện tượng chưa hề có từ trước tới nay.

Tướng Nghĩa nói: "Trong công tác tư tưởng, có hay không “lợi ích nhóm”? Tôi cho cho là có. Nhiều đồng chí nói các thông tin này do ai đưa ra? Thực tế nhiều thông do nội bộ chúng ta đưa ra để thế lực thù địch lợi dụng chống phá.”

Công an - thông tin vào cuộc

Tiếp lời ông Nghĩa là báo cáo của Thứ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Nguyễn Văn Thành. Báo VNNET (23/12/2019) trích lời ông Thành nói: "Trong lực lượng công an đã có hơn 50 đơn vị địa phương thành lập ban chỉ đạo, bộ phận thường trực của công an trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch phản động."

Cụ thể, Tướng Nguyễn Văn Thành chi tiết: "Thời gian qua, ngành công an đã xây dựng 20 kế hoạch; đăng tải 1.500 tin bài trên các báo chính thống; 113.000 tin bài viết, video clip; 304 trang web, blog để đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái thù địch, đưa ra 1.260 bình luận để phản bác những thông tin đó.

Công an địa phương đã chủ động nắm tình hình, đấu tranh với 300 trang mạng xã hội (Facebook, blog, kênh Youtube).”

Ngoài ra, vẫn theo ông Thành thì: "Công an đã tập trung ngăn chặn kích động biểu tình với các nhóm hội mạng xã hội trên Facebook có hoạt động phá hoại; tiến hành vô hiệu hoá 50 trang tin điện tử mang tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ gỡ bỏ hàng trăm link Youtube có nội dung kích động biểu tình, gây rối và vi phạm pháp luật.”

Về phần mình, Thứ trưởng Thông tin và Truyền Thông (TT&TT) Hoàng Vĩnh Bảo nêu ra những khó khăn trong quản lý thông tin trên báo chí, dù toàn là báo của Đảng.

Ông nói: "Năm tới (2020) là năm tổ chức đại hội Đảng các cấp hướng tới đại hội Đảng khóa 13, nên nếu quản lý không tốt thì rất dễ dẫn tới tình trạng lợi dụng báo chí gây ra mất đoàn kết nội bộ.”

Theo báo VNNET thì: "Ông lưu ý lãnh đạo các địa phương về tình trạng thông tin bên nọ cung cấp để "chiến đấu" với bên kia dẫn đến những khó khăn trong xử lý của cơ quan quản lý báo chí như Bộ TT&TT.”

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo tiết lộ trước Hội nghị: "Tình trạng đơn thư của địa phương chuyển lên về báo chí rất nhiều. Khi gửi yêu cầu báo cáo thì bên này nói thế này, bên kia nói thế kia, chúng tôi rất khó xử lý”. 

Tư tưởng -báo chí diễn biến 

Nội bộ đảng ở địa phương mà chống nhau như thế, báo chí cũng phe đảng bênh và chống thì Tuyên giáo cũng dao động và suy thoái là chuyện phải có.

Việc này được ông Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nhìn nhận đã có những hạn chế.

Theo báo cáo của ông Phuông thì những yếu kém là: "Tính dự báo, phát hiện các vấn đề phức tạp, các xu hướng vận động trong diễn biến tư tưởng chính trị, dư luận xã hội có lúc, có nơi chưa thực sự chủ động, tính nhạy bén chưa cao. Sự phối hợp với các cơ quan liên quan để phát hiện, nắm bắt tình hình tư tưởng chính trị, dư luận xã hội trong các giai tầng xã hội chưa đi vào chiều sâu, chủ yếu mới ở những vụ việc, sự kiện cụ thể. Ngoài ra, một số cán bộ, đảng viên chưa tự giác, gương mẫu trong học tập nghị quyết. Việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng chưa kịp thời, chưa quyết liệt.

Đặc biệt, trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, hiện nay vẫn còn có một số bài báo, ấn phẩm tính chính trị, tính tư tưởng không cao, thậm chí gây ảnh hưởng đến công tác đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội, hoặc có biểu hiện “thương mại hóa”, xa rời tôn chỉ, mục đích của một số cơ quan báo chí chưa được chấn chỉnh hiệu quả.”

Rối ren - đối phó

Ngoài chuyện bên trong Hội nghị, Tuyển giáo còn kêu gọi các cấp đảng bộ từ địa phương đến Trung ương, nhất là các cơ quan Báo chí, phải tập trung và phối hợp chặt chẽ trong mặt trận đấu tranh bảo vệ Đảng, trước thềm Đại hội đảng XIII, diễn ra vào tháng 01/2021.

Bài viết chung của Thượng tướng, Viện sĩ. TS. Nguyễn Huy Hiệu,

Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại tá, PGS. TS KHQS Trần Nam Chuân đã đề xuất những việc phải khẩn trương làm như sau:

1. "Chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm hoạt động chống phá của đối tượng để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Công tác nắm tình hình cần tập trung vào những vấn đề cụ thể như: Phát hiện các trang web, blog, “diễn đàn” thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch; phát hiện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá của chúng trên không gian mạng, kịp thời nhận diện những phương thức, thủ đoạn mới; phát hiện cá nhân, tổ chức sở hữu, quản lý, điều hành các trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh, video tuyên truyền phá chống phá cách mạng Việt Nam; phát hiện những bất cập, hạn chế của các biện pháp, công tác nghiệp vụ đã và đang được triển khai...”

2. “Để nắm tình hình có hiệu quả, đòi hỏi các cơ quan báo chí cách mạng cần sử dụng tổng hợp các lực lượng, phương tiện, biện pháp; thường xuyên rà quét, lên danh sách các trang web, blog, diễn đàn có nội dung phức tạp, các đối tượng viết bài trên những trang mạng này (có thể là tên thật hoặc nickname, bút danh); khai thác thông tin trên các trang web, blog để xác định được đối tượng sở hữu, quản lý bài viết và đề xuất biện pháp kịp thời xử lý.”

3. “Tập trung lãnh đạo kiện toàn, xây dựng phát triển lực lượng đấu tranh theo hướng chủ động tạo thế liên hoàn, vững chắc, có bộ phận nòng cốt, chuyên sâu, tập hợp lực lượng rộng rãi; quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, nắm, dự báo, xử lý kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh. Trong tổ chức thực hiện, cần duy trì tốt các chuyên trang, chuyên mục chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở các cơ quan, đơn vị. Các cơ quan báo chí cần phát huy vai trò nòng cốt đấu tranh vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, góp phần định hướng dư luận xã hội.”

4. "Tăng cường hoạt động quản lý, kiểm soát đối với các trang mạng xã hội và chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng “độc hại” một cách có hiệu quả. Chủ động phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ, tính toán sử dụng các giải pháp về công nghệ để ngăn chặn một cách triệt để các tin tức xấu độc trên các trang mạng. Đặc biệt, phải chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để xâm nhập, chiếm quyền quản trị, điều hành các trang web, blog, diễn đàn mạng xã hội, sau đó xóa dữ liệu, vô hiệu hóa hoặc ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng có nội dung “độc hại” trong một thời gian nhất định. Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Các cấp ủy và tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; nghiêm cấm để lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, lan truyền những thông tin sai lệch hoặc tán phát những đơn thư nặc danh, mạo danh, hoặc thư có danh nhưng có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động."

Với 4 nhiệm vụ “sống chết gian nan” này, liệu ngành Tuyên giáo, các tổ chức đảng và báo chí có giúp đảng vượt qua để tồn tại hay, sau những bất lực, sẽ bị chôn cùng một lỗ trong vòng tay của Trung Cộng? -/-

(Cuối 2019)

--> --> --> -->


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo