LS Đào Tăng Dực (Danlambao) - Đầu xuân 2020 và trước thềm Tết Âm Lịch, nhân loại bước vào một thập niên mới của thế kỷ 21. Người Việt Nam còn quan tâm đến vận mệnh đất nước và tiến trình dân chủ hóa tại quê nhà cần làm gì trong thời gian tới?
Trước khi có thể trả lời câu hỏi này hợp lý, chúng ta cần phải có một cái nhìn tổng quan về tình hình chính trị Việt Nam và thế giới vì có nhiều biến chuyển chính trị ảnh hưởng đến công cuộc tranh đấu của chúng ta.
I. Những biến chuyển nội bộ tại Việt Nam:
Gần đây nhất, một biến cố quan trọng xảy ra khi đảng CSVN quyết tâm đàn áp dã man Nhân Dân xã Đồng Tâm vào ngày 9 tháng Giêng 2020, tức chỉ còn khoảng 2 tuần trước tết Âm Lịch nhằm ngày 25 tháng 12 này.
Cuộc đàn áp này được công an bày binh bố trận quy mô và đưa đến tử vong của 3 công an cũng như cụ Lê Đình Kình và theo nguồn tin thì con trai của cụ là Lê Đình Chức cũng tử vong.
Theo tin tức BBC thì:
“Con gái ông Kình, bà Lê Thị Nhung là người đại diện gia đình nhận thi thể. Sau đó, trên mạng xã hội lan truyền video được cho là thi thể cụ Kình tại tư gia, với một vết rạch dài từ cổ xuống bụng, có một lỗ trên ngực vị trí tim. Các nguồn tin trên mạng xã hội cho hay, vợ cụ Kình là người chứng kiến cụ bị bắn chết tại nhà, trên tầng hai, trong vụ tấn công của khoảng 3000 cảnh sát cơ động vào làng Sênh, thôn Hoành, xã Đồng Tâm, rạng sáng 9/1. Và rằng cụ bị bắn 4 phát đạn, một phát vào ngực, trúng tim, một phát ở chân, hai phát ở đầu. Một chân cụ bị gãy lìa.”
Câu hỏi trên vành môi mọi người là: Tại sao đảng CSVN lại tàn ác như thế đối với nhân dân Đồng Tâm?
Nguyên nhân thì rất phức tạp nhưng tựu trung phát xuất từ bản chất gian ác vô giới hạn của đảng CSVN, như là một thành phần cốt tủy của phong trào Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản do Lê Nin sáng tạo, và tại Đông Á thì chịu thêm sự rèn luyện của Mao Trạch Đông, là một tư tưởng gia chính trị cộng sản tôn sùng Tào Tháo thay vì Lưu Bị hay Khổng Minh Gia Cát Lượng.
Đối với Mao Trạch Đông thì câu nói của Tào Tháo “Thà rằng ta phụ người chứ không bao giờ để người phụ ta” là câu châm ngôn hàm chứa mọi tư tưởng, chiến thuật và chiến lược của các đảng cộng sản trên thế giới. Các đảng cộng sản trên thế giới thà phụ nhân dân còn hơn để nhân dân phụ mình.
Một trong những thủ thuật rẻ tiền của đảng là khắc ghi trong hiến pháp những điều khoản mập mờ đánh lận con đen như điều 65 hiến pháp 2013:
“Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.”
Trong hiến pháp của các quốc gia dân chủ thực sự thì tổ quốc và nhân dân dĩ nhiên là đối trung thành của các lực lượng vũ trang như quân đội và công an, nhưng các đảng phái chính trị làm gì có thể là đối tượng trung thành?
Tuy nhiên đảng CSVN cứ ngang nhiên tự “nhét” mình vào điều 65 và mục đích chính của đảng là khi quyền lợi của nhân dân và đảng trái ngược nhau như đang xảy ra tại Đồng Tâm thì công an vũ trang sẽ đứng hẳn về phía đảng và nổ súng về phía nhân dân không thương tiếc.
Hâu quả là đảng CSVN rất giỏi về chiến lược chiến thuật gian manh chống nhân dân như lợi dụng nhân dân đang lơ là ăn tết vào Tết Mậu Thân 1968 tấn công miền Nam và chôn sống hằng ngàn người dân cố đô Huế. Năm nay họ cũng lợi dụng nhân dân Đồng Tâm chuẩn bị đón xuân đánh bất ngờ gây tử vong cho gia đình cụ Lê Đình Kình.
Tuy nhiên đối với kẻ ngoại xâm thực sự như Trung Quốc thì các lực lượng vũ trang lại rất khiếp nhược và ngu si.
Cái ngu si của người CSVN là áp dụng theo quán tính và không biết che đậy tính ác của mình trong thời đại tin học và tính ác này đang bị phanh phui trên không gian mạng toàn cầu, gây xôn xao và giao động trong toàn dân, toàn thể nhân loại và ngay cả hàng ngũ hạ tầng của đảng.
Trong khi tiến trình “tự diễn tiến, tự chuyển hóa” này trong hàng ngũ cán bộ và đảng viên ngày càng gia tốc nhờ vào hệ thống tin học toàn cầu và sự hội nhập vào trào lưu dân chủ của nhân loại, đảng CSVN có gắng chống chỏi để sống còn qua các biện pháp sau đây:
1. Luật An ninh Mạng của Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2019, sau khi được thông qua tại Quốc hội Việt Nam vào tháng 6 năm 2018. Luật này tăng cường sức mạnh cho chính phủ trong biện pháp giám sát hệ thống thông tin và truyền thông ở Việt Nam, chặn và xóa nội dung dữ liệu trực tuyến.
2. Dự Luật Đơn Vị Hành Chính- Kinh Tế Đặc Biệt (gọi tắc là Luật Đặc Khu Kinh Tế).
Luật Đặc Khu Kinh Tế sẽ hầu như nhượng cho Bắc Kinh các đảo chiến lược Vân Đồn (Quảng Ninh) miền Bắc, Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) miền Trung và Phú Quốc (Kiên Giang) miền Nam để thành lập những đặc khu kinh tế tương tự Hồng Kong, Ma Cao... với những hợp đồng thuê đất lên đến 99 năm tứ 4 đến 5 thế hệ con dân Việt Nam.
Tuy bị phản đối dữ dội và phải hoãn vô hạn định dự luật này, nhưng Quốc hội Việt Nam hôm 25/11 thông qua 'Luật Nhập cảnh xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam'... cho miễn thị thực vào các khu kinh tế ven biển trong vòng 30 ngày. Tác động này của CSVN bị đánh giá như một tác động lòn lách giúp cho kiều dân TQ tiếp cận 3 đặc khu trên.
3. Ngày 25 tháng 11 vừa qua, “Sách trắng Quốc phòng” đưa ra chủ trương chính sách quốc phòng “4 không”:
(1) Không tham gia liên minh quân sự;
(2) Không liên kết với nước này để chống nước kia;
(3) Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác;
(4) Không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
4. Dưới áp lực của CPTPP và EVFTA, Bộ luật lao động sửa đổi của Việt Nam vào ngày 20/11/2019 đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành gần như tuyệt đối tới 90,6%. Trong Bộ luật sửa đổi có 17 chương, 220 điều và có 10 điều mới áp dụng cho người lao động và 6 điều cho các doanh nghiệp sử dụng lao động.
Một điểm sửa đổi mà được người lao động quan tâm đó là việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam. Điều này cho thấy, Bộ luật lao động sửa đổi đã có những bước chuyển biến quan trọng đưa khuôn khổ pháp luật Việt Nam gần hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Điều kiện cho phép thành lập công đoàn độc lập bị khắc khe giới hạn với 3 điều kiện:
(1) Giao cho hành pháp quá nhiều quyền theo điều 172 (3) (Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Điều 172, 173, 174 của Bộ luật này về hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký, cấp đăng ký, thu hồi đăng ký và quyền liên kết của tổ chức đại diện người lao động với nhau…) và chính phủ có quyền quy định 50% phải là đoàn viên chẳng hạn;
(2) Không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia;
(3) Chỉ giới hạn tại từng cơ sở doanh nghiệp, không nêu rõ cho liên kết thành liên đoàn, tổng liên đoàn.. làm giảm đi khả năng thương thuyết tập thể mạnh.
Trong tình huốn khó khăn này, qua các biện pháp trên, đảng CSVN chỉ chống trả lấy lệ và kéo dài hơi thở trước bước đi bất khả vãn hồi của trào lưu dân chủ khắp nhân loại.
II. Bối cảnh chính trị thế giới:
Bối cảnh chính trị thế giới tại các quốc gia và thực thể chính trị sau đây ảnh hưởng sâu đậm cho nền chính trị và kinh tế Việt Nam.
A. Hoa Kỳ:
Chủ trương “Make America Great Again” của Tổng Thống Donald Trump tóm gọn như sau:
1. Coi việc phát triển kinh tế và khai thác tài nguyên thiên nhiên là quan trọng hàng đầu.
2. Đòi hỏi một sự đóng góp lớn lao hơn (ít nhất 2% tổng sản lượng GDP của mỗi quốc gia) về quốc phòng từ các đồng minh của Hoa Kỳ như các nước khác trong khối Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối diện với Nga Sô, hoặc các đồng minh Nam Hàn cũng như Nhật Bản tại Đông Á đối diện với Trung Quốc.
3. Thương thuyết lại các hiệp ước thương mại, ngay cả với các đồng minh cố hữu của Hoa Kỳ như Mexico và Canada, hầu đạt đến những hiệp ước thương mại công bằng hơn cho Hoa Kỳ.
4. Một mặt giảm sự chú tâm của Hoa Kỳ về nhân quyền, nhưng mặt khác tấn công CSTQ mạnh mẽ về thương mại, đưa CSTQ đến ngưỡng cữa suy thoái kinh tế trầm trọng.
5. Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP - Trans-Pacific Partnership) và hậu quả là Việt Nam phải ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giữa 11 quốc gia Thái Bình Dương còn lại, không có Hoa Kỳ. Dân số 11 nước còn lại là 500 triệu và GDP $13.5 trillions.
B. Trung Quốc:
Qua nhiều thập niên phát triển kinh tế ngoạn mục và trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, TQ với GNI per capita (nominal) $9470 (2018 theo World Bank Data Catalogue) lại vẫn là một quốc gia đang phát triển. Nếu muốn đạt đến mức độ phát triển của một quốc gia có GNI trung bình cộng (upper middle income) ở mức độ GNI $12,370 vào năm 2019 như Argentina, thì TQ phải vượt khỏi sự lệ thuộc vào công nhân rẻ và tài nguyên thiên nhiên, đồng thời phát triển kỹ thuật cao và sự sáng tạo trí tuệ của chính lực lượng lao động nội tại.
Các quốc gia vượt thoát thử thách này thông thường là những quốc gia dân chủ và chỉ có chế độ chính trị này mới khai phóng được sự sáng tạo và trí tuệ của toàn dân. Trong khi Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Hồng Kong và Singapore làm được thì TQ và Nga Sô ($10,230) đang vật lộn.
Tập Cận Bình là một nhà độc tài nhiều tham vọng, đã tu chính hiến pháp TQ hầu nắm quyền độc tôn suốt đời. Họ Tập cũng xướng lên các chủ thuyết mới bao gồm 2 vế chính:
1. Giấc mơ Trung Hoa: Để thực hiện giấc mơ này, ông Tập đã đặt ra hai mục tiêu là xây dựng Trung Quốc trở thành một xã hội khá thịnh vượng về mọi mặt vào năm 2021 khi đảng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập và đạt mục tiêu phục hưng Trung Hoa vào năm 2049 khi nước này kỷ niệm 100 năm ngày ra đời. Trung Quốc còn 32 năm phía trước để thực hiện các mục tiêu đó.
Giấc mơ Trung Hoa của ông Tập dường như gồm ba giai đoạn: dân tộc Trung Hoa trỗi dậy, giàu có và hùng mạnh.
2. Bốn tự tin rằng"toàn đảng và toàn đất nước phải giữ vững và nâng cao tự tin vào (1) con đường xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc, (2) tự tin về lý luận, (3) tự tin về hệ thống và (4) tự tin văn hóa".
Ngoài ra, để đánh dấu sự vươn lên của TQ họ Tập còn chủ trương sách lược “Một vành đai, một con đường” hầu nới rộng ảnh hưởng toàn cầu của TQ, thách đố với Hoa Kỳ trên đường bộ lẫn đường thủy.
Tuy nhiên giấc mơ Trung Hoa của họ Tập đang gặp những trở lực lớn lao:
1. Cuộc chiến kinh tế và thương mại với Hoa Kỳ: Trung Quốc đang trên đà lép vế và suy thoái.
2. Sự trỗi dậy đòi dân chủ của nhân dân Hồng Kong đang làm chấn động hế giới và rung chuyển hệ thống chính trị Trung Hoa.
C. Liên Hiệp Âu Châu:
1. Cuối cùng ngày 30 tháng 6 năm 2019 Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu được ký kết.
EU dân số 512 triệu so với Hoa Kỳ 327 triệu, TQ 1.4 tỷ và Ấn Độ 1.3 tỷ.
Theo World Bank, vào năm 2018 GDP như sau:
EU 18.7 trillions
USA 20.5 trillions
China 13.6 trillions
India 2.6 trillions (2017)
Một trong những điều kiện tiên quyết của CPTPP cũng như EVFTA là sự hình thành xã hội dân sự và nhất là các nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam.
2. Ngày 9 tháng 12. 2019 Hội Đồng Ngoại Vụ của Liên Hiệp Âu Châu (EU Foreign Affairs Council) gồm các ngoại trưởng đã đồng ý sẽ đề nghị Liên Hiệp Âu Châu thông qua một sắc luật trừng phạt những cá nhân, thay vì quốc gia, vi phạm nhân quyền qua phong tỏa tài sản và cấm vận di chuyển (Assets freezes and travel bans) theo mô hình của Luật Magnitsky Hoa Kỳ được TT Obama ký ban hành ngày 14 tháng 12, 2012.
23 trong 28 quốc gia đã lên tiếng ủng hộ và 5 quốc gia còn lại không phản đối.
Đây là một thắng lợi lớn cho tiến trình dân chủ hóa toàn cầu.
III. Đánh giá đảng CSVN trong khung cảnh toàn cầu:
Đảng CSVN cướp chính quyền và duy trì quyền lực vì 3 yếu tố chính:
1. Chính trị: đu dây giữa Liên Xô và Trung Quốc trong quá khứ và giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong hiện tại.
2. Kinh tế: kiểm soát được lạm phát và phát triển kinh tế bền bỉ khoảng trên dưới 7% một năm
3. Tôn giáo: chia rẽ tôn giáo giữa tôn giáo quốc doanh và tôn giáo độc lập, giữa Công Giáo và Phật Giáo.
Ngược lại họ cũng đang lội ngược dòng và gặp phải môt số trở lực đe dọa sự sống còn của họ như sau:
1. Công đoàn & xã hội dân sự.
2. Bước đi bất khả vãn hồi của quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên.
3. Tiến trình tự diễn biến, tự chuyển hóa hầu như không thể kiểm soát trong hàng ngũ cán bộ.
IV. Chúng ta phải làm gì?
Như những người hướng dẫn dư luận và quan tâm đến công cuộc tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền chúng ta phải tập trung vào các lãnh vực quan trọng. Sau đây là một vài lãnh vực chính yếu:
(1). Những khuyết điểm trần trọng của hiến pháp 2013 trong sách lược đả phá hiến pháp 2013 vốn là nền tảng tinh thần và lẽ sống còn của đảng CSVN. Hủy diệt hiến pháp 2013 chính là hủy diệt linh hồn của đảng CSVN.
(2). Thúc đẩy tiến trình “Tự diễn biến. Tự chuyển hóa” trong hàng ngũ cán bộ CSVN. Đây chính là kẻ “nội thù” của đảng CSVN và đảng đang bó tay trước kẻ nội thù này.
(3). Thành lập một hay một vài cơ cấu hầu nới rộng lãnh vực công tác đấu tranh tư tưởng chung trong những liên minh các tổ chức chính trị để tạo thêm sức mạnh. Một liên minh chính trị có thực lực đối trọng với CSVN là bước đầu đưa đến sự hủy diệt của đảng.
(4). Tạo ra những Phong trào chỉ điểm những các nhân CSVN vi phạm nhân quyền, trong khung cảnh của Luật Magnitsky Toàn Cầu tại Hoa Kỳ cũng như khối Liên Âu.
(5). Cảnh giác toàn dân trước hiểm họa Bắc thuộc lần thứ 5 dưới triều đại CSVN nhất là những hiểm nguy Bắc thuộc từ sách trắng quốc phòng 2019 của đảng CSVN.
(6) Vạch trần những âm mưu và xảo thuật của đảng CSVN trong Bộ Luật Lao Động sửa đổi ngày 20 tháng 11, 2019 hầu cho phép thành lập các công đoàn độc lập. Đây là bước đầu trong công cuộc xây dựng và phát triển xã hội dân sự tại Việt Nam, kẻ tử thù của mọi chế độ độc tài.
(7). Phổ biến các sách lược cải tổ hệ thống hành chánh, công an và quân đội hậu cộng sản hầu tách rời guồng máy cai trị, các lực lượng vũ trang ra khỏi sự khống chế của đảng CSVN và chuyên nghiệp hóa cũng như hiện đại hóa các lực lượng vũ trang hầu chỉ trung thành với tổ quốc và bảo vệ nhân dân. Nếu chúng ta thành công trong sách lược này thì thảm nạn tại Đồng Tâm sẽ không bao giờ lập lại trên đất nước Việt Nam.
Kính chúc quý độc giả một năm mới an khang thịnh vượng và dân tộc Việt Nam đạt nhiều thắng lợi trong tiến trình dân chủ hóa đất nước.
15.01.2020