Người Quan Sát (Danlambao) - Báo Tuổi Trẻ có bài viết "Thiếu luật, Khánh Hòa xin Thủ tướng tạm dừng làm đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong" có rất nhiều điểm đáng chú ý. Thông tin lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa "kiến nghị Thủ tướng cho điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong đến 2030 theo hướng hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển khu kinh tế Vân Phong, phù hợp với tình hình thực tế để kêu gọi đầu tư" khiến người ta nghĩ tới khả năng lách luật để tiếp tục đặc khu.
Thông tin "Văn phòng Chính phủ vừa lấy ý kiến 4 bộ Kế hoạch - đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp về việc dừng lập quy hoạch đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định" cho thấy có những tính toán lách luật để Bắc Vân Phong tiếp tục trở thành đặc khu kinh tế trong tương lai.
Thông tin trên báo Tuổi Trẻ cho hay "Tháng 8-2017, Văn phòng Chính phủ đã có công văn 8489 truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Khánh Hòa tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển đặc khu Bắc Vân Phong và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu vực Bắc Vân Phong theo định hướng phát triển thành đặc khu kinh tế." Đây chính là bằng chứng cho thấy việc trì hoãn thông qua Dự luật Đặc khu trong năm 2017 chỉ là một động tác giảm nhịp, trên thực tế chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn cương quyết làm đặc khu.
Dự kiến quy hoạch đặc khu kinh tế sẽ chia làm nhiều phần trong đó có việc dành tới 920ha đất để làm khu phi thuế quan do vướng các thủ tục luật khác nên Khánh Hòa chưa thể kêu gọi đầu tư được. Trong khi đó, khu kinh tế Vân Phong nhiều năm qua vẫn phát triển theo quy hoạch đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt điều chỉnh vào năm 2014.
Theo đề án thành lập đặc khu Bắc Vân Phong đến năm 2025, Khánh Hòa cơ bản cần 53.000 tỉ đồng để xây dựng 9 tuyến đường trục chính, 5 gói đường nội khu với 49 tuyến, 20km đường sắt từ cảng trung chuyển Vân Phong đến đường sắt Bắc-Nam và 2 nhà ga. Ngoài ra, cần 46.500 tỉ đồng xây dựng trường học, bệnh viện, sân vận động, cung văn hóa; 15.000 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, và 80 tỉ đồng làm quy hoạch. Số tiền này sẽ lấy từ đâu, ai sẵn đổ ra nếu không phải là Tàu cộng với tham vọng "Một Vành Đai, Một Con Đường"?
Rút kinh nghiệm từ các đại án tham nhũng vừa bị phanh phui vừa qua, cộng với việc hàng loạt quan chức đầu tỉnh Khánh Hòa hiện bị kỷ luật, các lãnh đạo đương nhiệm hiện nay muốn né tránh trách nhiệm do nhận lệnh từ Thủ tướng nên tiếp tục thực hiện quy hoạch theo khu kinh tế Vân Phong trước đó có lẽ an toàn hơn đặc khu kinh tế? Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 với vốn vay từ Tàu cộng cũng đã được động thổ xem ra sẽ sớm giúp Bộ Chính trị thành công trong việc lách luật để tiếp tục làm đặc khu như đã từng thực hiện ở Phú Quốc và Vân Đồn.
17.01.2020