Lời đường mật - Dân Làm Báo

Lời đường mật

Đỗ Hồng (Danlambao) - Một cách thông thường, lời đường mật có những tác dụng hay mục đích như sau: 1/ làm hài lòng người nghe; 2/ chiêu dụ hay lường gạt người nghe để họ tin tưởng và làm theo điều mình muốn. Tác dụng thứ hai thường được xem là xấu xa. Nếu dùng lời đường mật với mục đích xấu này cho cá nhân thì hậu quả tương đối nhỏ; thế nhưng khi áp dụng cho cả một dân tộc thì ắt sẽ có hậu quả khôn lường.

Đảng Cộng sản Việt Nam, một cách tổng quát, đã áp dụng lời đường mật cho cả dân tộc khi tổ chức này mới được hình thành vào tháng 2 năm 1930 dưới tên gọi là Đảng Cộng Sản Đông Dương. Trong cương lĩnh thứ nhất, Đảng này tuyên bố sẽ làm cách mạng và xây dựng một xã hội tự do, nam nữ bình quyền, phổ cập giáo dục, đánh đổ thực dân Pháp và chế độ phong kiến, xây dựng chính phủ công nông binh, thành lập quân đội của giai cấp công nhân và nông dân, tịch thu sản nghiệp của tư bản thực dân Pháp, lấy ruộng đất của đế quốc chia cho dân cày nghèo... Những chiêu bài ngọt ngào này đã thu hút không ít người. Nhưng cho tới nay, sau vài lần sửa đổi vào các năm 1951 và 1991, những lời đường mật đó vẫn chỉ là những cái bánh vẽ, không hơn không kém (1).

Đến ngày 19/5/1941, đảng này núp dưới danh xưng Việt Minh (Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội), với chiêu bài đường mật là "Liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật-Pháp làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa" (2). Và vào ngày 2/9/1945, Việt Minh đã cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim. Hồ Chí Minh lại đưa ra những lời đường mật khác tại quảng trường Ba Đình qua cái gọi là “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập” với khẩu hiệu “độc lập hay là chết” (3). Thật ra, Hoàng Đế Bảo Đại đã tuyên bố độc lập đầu tiên đối với Pháp từ ngày 11/3/1945 rồi (4). Và Bản Tuyên Ngôn đó chỉ rập khuôn theo Bản Tuyên Ngôn Độc Lập 1776 của Hoa Kỳ và Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền 1791 của cuộc Cách Mạng Pháp (1789) để nói về quyền bình đẳng và tự do. Trong khi tại hai nước tư bản này, dân chúng đã thực sự hưởng quyền tự do bình đẳng từ lâu thì tại VN đến gần 75 năm sau người dân VN vẫn chưa bao giờ có được tự do và bình đẳng.

Tại miền nam vào thời kỳ chiến tranh, bọn du kích thuộc cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, vốn ra đời vào tháng 12-1960, đã dùng lời đường mật gọi các bà nhẹ dạ là “Má Nuôi” hay “Mẹ Chiến Sĩ”… để tìm nguồn tiếp tế và được che giấu tung tích trước sự ruồng bố của quân đội VNCH. Tệ hại hơn thế, các thanh niên miền Nam đã nghe những lời đường mật của cộng sản để bỏ quê hương và người thân lên đường tập kết ra Bắc rồi khi được trở về quê cũ, họ đã phải ngỡ ngàng, ân hận vì nhận rõ được sự dối trá, lừa phỉnh của cộng sản đã làm hỏng và phí phạm cả tuổi xuân của đời mình.

Còn nhớ trước năm 1975, sinh viên từ miền Nam đi du học đã nghe những lời đường mật của các Tòa Đại Sứ VC ở nước ngoài, nhất là ở Pháp, nên nhiều người đã mang tư tưởng thiên tả, thậm chí còn hoạt động cho VC nữa. Lúc ấy, chính phủ VNCH chưa chú trọng nhiều đến vấn đề ngoại vận vì có lẽ họ nghĩ rằng mình có chính nghĩa sáng ngời, không cần thiết phải tuyên truyền láo khoét như đối phương.

Sau khi cưỡng chiếm miền Nam vào ngày 30/4/1975, Việt Cộng, lúc đầu, đã gọi những người bỏ nước ra đi là “thành phần đĩ điếm, bám chân đế quốc Mỹ…”, nhưng về sau vì để chiêu dụ thành phần này đầu tư hay gửi tiền về nước hoặc trở về làm việc cho chúng, chúng đã dùng lời đường mật gọi họ là “khúc ruột xa ngàn dặm…”. Không ít người ở hải ngoại đã nghe lời dụ dỗ đó để ôm tiền về nước đầu tư và đến khi họ được vỗ béo thì Việt Cộng đã viện cớ chụp mũ họ là trốn thuế hay vi phạm pháp luật để tịch thu tất cả vốn liếng và giam họ lại để mong moi thêm tiền chuộc của thân nhân họ ở nước ngoài. Có người may mắn hơn đã bỏ của chạy lấy người.

Gần đây nhất, Việt Cộng lại tung ra Nghị Quyết 36 với những lời lẽ đường mật để đưa ra chính sách chiêu dụ Việt kiều cùng tìm cách lũng đoạn, thao túng, và gây chia rẽ các cộng đồng người Việt hải ngoại. Và tỏ vẻ “đường mật” hơn nữa để hy vọng lấy lại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Cộng đã bỏ đi danh từ “ngụy quân, ngụy quyền” vốn được dùng trước đó để chỉ chính thể VNCH (5).

Lần này, nhờ kỹ thuật truyền thông tân tiến, những lời đường mật đó khó có thể mê hoặc được phần lớn người Việt hải ngoại. Họ đã tinh tế hơn nên không còn tin vào những gì cộng sản rêu rao nữa mà tin theo lời tuyên bố bất hũ của cố Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu “đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”.

Tuy nhiên, vẫn còn một số người sau bao năm hăng hái chống cộng bỗng dưng quay lại nghe lời đường mật dụ dỗ của VC để về nước “bưng bô” cho chúng hay “nằm vùng” lại tại hải ngoại, hòng gây chia rẽ cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản. Chính thành phần này mới đích thực là nguy hiểm, đáng lưu ý và cần phải bị vạch mặt chỉ tên để cô lập, vô hiệu hóa mọi hoạt động nối giáo cho giặc của họ.

Lời đường mật thường là gian xảo
Lũ cộng nô lếu láo tuyên truyền
Ai còn tin chúng là điên
Đừng quên nước mất vì chuyên nghe xàm
Hãy nhìn kỹ việc làm của chúng
Đừng nghe theo mà trúng mê lầm
Cộng sản sinh chốn cơ bần
Lớn trong dối trá, chết dần trong khinh.

Tài liệu tham khảo: 


12.01.2020




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo