Không thể phủ nhận trình độ và công sức của các chuyên viên nghiêm cứu ở Việt Nam trong việc khẩn trương hoàn thiện để có thể đưa vào sản xuất bộ test kit. Tuy nhiên hệ thống tuyên truyền lề đảng lúc nào cũng sẵn sàng áp dụng phép ngoa ngôn để khơi dậy lòng tự hào quá trớn của đám đông.
Theo quy trình, bộ dụng cụ xét nghiệm với các hóa chất kèm theo sử dụng công nghệ sinh học phân tử nhằm truy tìm dấu vết gene di truyền của virus và từ đó có thông tin cho vào máy "đọc" (phân tích và kiểm tra kết quả với gene di truyền mẫu của virus).
Bước 1 là bộ dụng cụ, bước 2 là đọc / phân tích kết quả, bước 3 là kiểm tra kết quả để cho ra kết quả cuối cùng. Đây là một quy trình khép kín và theo đúng chuẩn của các phòng thí nghiệm thì mới có "kết quả dương hay âm tính" với độ chính xác theo đòi hỏi của y khoa. Chính vì thế điều quan trọng không kém chính là phải có thiết bị phòng lab, nhân lực chuyên nghiệp có thể vận hành mọi quy trình liên quan đến "xét nghiệm chẩn đoán".
Nay Việt Nam đã thành công bước 1 và chủ động được chính là thành công thêm một bước nữa trong kế hoạch phòng và chống dịch. Đây chính là công sức của các nhà khoa học.
Với thông tin sản xuất 10.000 bộ kit và so sánh giữa hai bản tin tiếng Việt và tiếng Anh của truyền thông Việt Nam sẽ thấy có một nội dung được nhắc đến trong tiếng Việt nhưng không hề thấy nhắc đến trong tiếng Anh.
Đó là gì? Đó chính là sự lên gân quá đà của báo chí với thông tin "WHO đã lập tức liên hệ với Học viện Quân y xin phép chia sẻ nghiên cứu tới các phòng thí nghiệm khác".
Đây là thông tin không chính xác với cách tiếp nhận và xử lý những bước quy chuẩn có liên quan đến các đề tài khoa học ờ sàn quốc tế.
Nếu WHO có yêu cầu, thì điều này nên được hiểu là yêu cầu các báo cáo khoa học để có thể họ "bình duyệt" và kiểm địch cho các công trình này, để xem có thể thay thế những phương pháp (thiết bị hoặc dụng cụ) đã được kiểm định và chuẩn hóa và áp dụng đại trà. Khó lòng có chuyện WHO không làm động tác này mà vội vàng chia sẻ cho các phòng thí nghiệm khác. Nhưng cũng có thể WHO chia sẻ các báo cáo này để "bình duyệt - peer review" cho bất kỳ báo cáo khoa học nào theo đúng chuẩn và các bước cần thiết trong nghiên cứu khoa học.
Nên có lẽ từ chuyện Việt Nam gởi kết quả cho WHO để được bình duyệt, kiểm định và nếu được cấp chuẩn cho áp dụng xét nghiệm theo đúng yêu cầu của WHO đối với dụng cụ, hiết bị mới áp dụng công nghệ sinh học phân tử (với phương pháp RT-PCR). Đây là quy trình bình thường mà Việt Nam và WHO thực hiện và không có gì đáng bàn nếu như truyền thông đừng "nổ" kiểu như cách họ đưa tin nói trên.
Hơn nữa việc chia sẻ các kết quả nghiên cứu cho một đề tài khoa học nào đó cũng đều được các nhà khoa học gởi đển các tạp chí chuyên khoa để công bố và mời gọi các chuyên gia khác vào mổ xẻ, phân tích để bình duyệt cho nghiên cứu đó nhằm có thêm điểm cộng cho nghiên cứu. Vì thế việc gởi báo cáo khoa học cho "Tạp chí Virus học quốc tế Vigology" là động tác cần và đủ mà các nhà nghiên cứu khoa học họ vẫn làm. Hiện chưa rõ là do lỗi đánh máy hay cố tình viết sai tên tạp chí, bởi không có tạp chí nào tên "Vigology" đủ uy tín nào để công bố báo cáo khoa học cho các đối tác quan tâm bình duyệt.
Chi tiết liên quan đến WHO (Tổ chức Y tế thế giới) không thấy xuất hiện trong các bản tin tiếng Anh về sản xuất test kit tại Việt Nam. WHO họ đọc được tiếng Anh. Tạp chí virus học quốc tế họ đọc được tiếng Anh! Các đối tác này họ nắm rõ các quy chuẩn, quy định kiềm định báo cáo nghiên cứu khoa học và các bước thực hiện. Nhưng chắc gì họ không "đọc được tiếng Việt"?! Và nếu họ đọc được thì họ nên hiểu thế nào cho chính xác với cách truyền thông Việt Nam đang làm?
Phải chăng truyên thông đã quá tay trong tuyên truyền mà đem các nhà khoa học chân chính của Việt Nam ra làm trò cười trước quốc tế!?
06.03.2020