Mẹ Nấm (Danlambao) - Ngày 6/4/2020, trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ, phát ngôn nhân Morgan Ortagus đã lên tiếng quan tâm đến vụ việc tàu hải cảnh Trung Cộng đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngã (Việt Nam) tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Thông cáo được phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố nêu rõ:
"Chúng tôi rất quan tâm đến các báo cáo có liên quan đến CHND Trung Hoa trong việc tàu cá Việt Nam bị đâm chìm ở vùng lân cận quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.
Vụ việc này (vụ tàu cá bị chìm) là hành động mới nhất trong chuỗi hành động lâu dài của CHND Trung Hoa nhằm củng cố những yêu sách phi pháp trên biển và gây bất lợi cho các quốc gia láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông.
Kể từ khi đại dịch toàn cầu bùng phát, Bắc Kinh cũng đã công bố các trạm nghiên cứu mới, trên các căn cứ quân sự được xây dựng trên Fiery Cross Reef (Đá Chữ Thâp) và Subi Reef (Đá Subi), và hạ cánh máy bay quân sự đặc biệt trên Fiery Cross Reef. Ngoài ra, CHND Trung Hoa cũng đã tiếp tục triển khai lực lượng dân quân hàng hải quanh quần đảo Trường Sa. Đường lưỡi bò chín đoạn của Trung Quốc bị xem là một yêu sách hàng hải bất hợp pháp được công bố bởi Tổ trọng tài quốc tế được triệu tập theo Công ước Luật Biển 1982 vào tháng 7 năm 2016, một vị trí được chia sẻ bởi Chính phủ Hoa Kỳ.
Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tiếp tục tập trung vào việc hỗ trợ các nỗ lực quốc tế nhằm chống lại đại dịch toàn cầu và ngừng khai thác sự xao lãng hoặc khó khăn của các quốc gia khác để mở rộng các yêu sách phi pháp của ở Biển Đông."
Có thể thấy việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên tiếng về việc Trung Cộng đâm chìm tàu cá Việt Nam là chính sách quan tâm xây dựng quan hệ chiến lược với các nước trong khu vực Đông Nam Á của Mỹ.
Trong khi đó, tại Việt Nam, quốc gia thường xuyên bị xâm phạm lãnh hải, công dân thường xuyên bị đánh đuổi trên ngư trường tổ quốc thì không hề có phản đối cấp cao nào từ phía các lãnh đạo.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin tàu cá QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân Việt Nam gặp nạn tại khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lặp lại bài khẳng định chủ quyền vốn đã được phát đi phát lại nhiều năm nay và cho biết:
"Đại diện Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu Hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thoả đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam."
"Giao thiệp" với kẻ cướp, kiểu sử dụng ngôn ngữ "ngoại giao, mềm dẻo, khéo léo" này chắc chỉ có Ba Đình sử dụng.
Và vì "giao thiệp" quá khéo léo, nên Hoa Xuân Oánh, cái loa của Bắc Kinh đã lớn tiếng đổ lỗi cho ngư dân Việt Nam đã đánh bắt cá bất hợp pháp tại quần đảo Hoàng Sa và chuyển hướng để "tự đâm vào mũi tàu mặc dù tàu hải cảnh của Trung Quốc đã cố hết sức để tránh".
Ngư dân Việt Nam rồi sẽ tiếp tục bị đánh đập, bị cướp bị xua đuổi trên chính ngư trường Tổ quốc dài dài. Bởi họ chính là những cột mốc sống, bám biểm bằng niềm tin, bằng những lá cờ được nhuộm đỏ bằng chính máu của mình.
Cuối cùng, sau bao nhiêu năm tuyên bố "đánh Mỹ cứu nước", thì Ba Đình hôm nay lại im lặng cúi đầu "giao thiệp" với Bắc Kinh, để Hoa Kỳ lên tiếng khẳng định công lý trên biển Đông.
Nguồn:
7.04.2020