Hạt lúa và khẩu trang - Dân Làm Báo

Hạt lúa và khẩu trang

Tú Kép (Danlambao) - Sách Đông Châu liệt quốc là một bộ tiểu thuyết lịch sử Tàu viết về chuyện hoàng đế nhà Châu và nhiều nhứt là chuyện vua các nước nhỏ (tiểu quốc) là chư hầu của hoàng đế nhà Châu, trong thời kỳ phong kiến Đông Châu, từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, gồm có 108 hồi (ngày nay gọi là chương). Phong kiến là phong hầu kiến địa. Hoàng đế nhà Châu ở trung ương, dưới hoàng đế là vua các nước nhỏ, trên danh nghĩa thần thuộc hoàng đế nhà Châu.

Các hồi từ 80 đến 82 viết về việc vua nước Việt là Câu Tiễn trả thù vua nước Ngô là Phù Sai. Xin chú ý là nước Việt nầy không phải là Việt Nam chúng ta ngày nay. Nước Việt của Câu Tiễn nằm ở vùng Triết Giang bên Trung Hoa.

Câu chuyện như sau: Việt vương Câu Tiễn bị Ngô vương Phù Sai bắt cầm tù và hành hạ khổ sở. Khi được thả về nước, Câu Tiễn nuôi chí phục thù, âm thần rèn luyện binh mã. Nhân một năm mất mùa, đại phu nước Việt là Văn Chủng đề nghị vua Việt Câu Tiễn cử người qua xin Ngô Phù Sai giúp lúa cho dân Việt ăn. Chính Văn Chủng cầm đầu đoàn sứ giả đi mượn lúa.

Triều đình nước Ngô không đồng ý, nhưng Ngô Phù Sai nghĩ rằng Câu Tiễn trung thành với mình, nên vẫn quyết định cho nước Việt mượn lúa. Nhờ thế dân nước Việt vượt qua được nạn đói năm đó. Năm sau, nước Ngô bị mất mùa, dân tình đói kém. Trong khi nước Việt của Câu Tiễn lại được mùa và bội thu. Việt vương Câu Tiễn dự tính đem trả lại số lúa vay mượn để đền ơn đáp nghĩa.

Đại phu nước Việt là Văn Chủng lúc đó mới bày mưu, đề nghị mượn bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, lựa lúa hạt tốt và to mà trả, nhưng trước khi trả, thì đem luộc hết số lúa đó, để dân nước Ngô không trồng lại lúa được. Thấy lúa hạt to, giống tốt, vua Ngô Phù Sai phát cho dân nước Ngô dùng làm giống gieo trồng.

Những hạt lúa do Câu Tiễn trả lại đã bị luộc chín, nên không mọc được. Năm đó nước Ngô mất mùa, mà không biết lý do vì sao lúa không mọc được. Dân Ngô lại thêm đói kém. Về sau, nước Ngô bị Câu Tiễn thôn tính để trả thù. Ngô Phù Sai tự tử.

Trên đây là sơ lược câu chuyện theo Đông Châu liệt quốc của Phùng Mộng Long, do Nguyễn Đỗ Mục dịch, các hồi 80 đến 82. Chắc chắn tóm lược nầy còn thiếu sót nhiều chi tiết. Khi đọc chuyện nầy, ai cũng nghĩ rằng đây chỉ là chuyện tiểu thuyết bên Tàu cổ xưa về âm mưu trả lúa đã luộc chín, nhằm hại người của Câu Tiễn để trả thù.

Ngày nay, từ cuối năm ngoái, đầu năm nầy, xuất hiện đại dịch tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc (Trung Cộng). Đại dịch Vũ Hán nhanh chóng lan truyền khắp thế giới. Vị bác sĩ phát hiện ra dịch nầy tại Vũ Hán lên tiếng báo động, liền bị nhà cầm quyền Trung cộng bịt miệng ngay.

Thiên hạ đồn rằng đây chính là chiến tranh tranh sinh học do Trung Cộng phát động, nhưng vì nhân viên nghiên cứu của Trung Cộng bất cẩn, làm sẩy ra con virus nầy ngay tại Vũ Hán, khiến cho người Tàu bị nạn trước, rồi mới truyền ra khắp thế giới và làm cho thế giới hỗn loạn.

Trên tạp chí National Review số ngày 3-4-2020, có bài của tác giả Bruno Macaes nhan đề “China Wants to Use the Coronavirus to Take Over the World” (Tạm dịch: “Trung Quốc muốn sử dụng siêu vi khuẩn Corona để nắm quyền kiểm soát thế giới”), đã tố cáo rằng “the medical equipment provided by Chinese companies and even the Chinese state turned out to be faulty”. [tạm dịch: “những dụng cụ trang bị y khoa do các công ty Trung Quốc và ngay cả của nhà cầm quyền Trung Quốc sản xuất đều hư hỏng.”] (Vào Google, chữ khóa: “China Wants to Use the Coronavirus to Take Over the World”.)

Sự tố cáo nầy hữu lý ở chỗ chẳng những Trung Cộng bịt ngay tiếng nói trung thực của vị lương y trên đây, mà Trung Cộng còn tính trước rằng các nước trên thế giới sẽ rất cần các thiết bị y tế chống virus corona, như khẩu trang, bộ thử vi khuẩn cho kết quả nhanh để chống dịch, nên Trung Cộng tích trữ sẵn khẩu trang, sản xuất sẫn thiết bị y tế để thử nhanh virus Vũ Hán, hoặc thuốc trị virus Vũ Hán là chloroquine, vốn được dùng để trị bệnh sốt rét.

Khi dịch virus Vũ Hán lan tràn khắp thế giới, thiên hạ chạy đôn chạy đáo tìm kiếm khẩu trang ngừa bệnh. Thế là Trung Cộng tung khẩu trang do Trung Cộng sản xuất ra bán với giá rẻ. Ai lại không ham rẻ, liền đặt mua hàng. Tuy nhiên, sau đó tin tức các hãng thông tấn quốc tế nhanh chóng loan tin rằng Hòa Lan thu hồi 600,000 khẩu trang do Trung Cộng bán, vì hoạt động không đúng cách, mặc dầu có ghi nhãn hiệu đúng tiêu chuẩn chất lượng. Còn các nước Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Tiệp Khắc thì phàn nàn rằng 80% các dụng cụ xét nghiệm virus Vũ Hán của Trung Cộng cho kết quả nhanh sai.

Thế là thế nào? Trong vụ nầy, có người nghĩ rằng thông thường hàng rẻ là hàng dỏm, hay Trung Cộng thường sản xuất hàng nhại nên rẻ tiền và xấu? Tuy nhiên cũng có người cho rằng chính Trung Cộng chủ ý cung cấp hàng không đúng chất lượng để làm cho bệnh dịch càng dễ lây lan nhanh chóng, vì đây là chủ ý của ông chủ của con virus khó trị nầy? Để tăng cường phát tán virus Corona nhanh hơn, nhiều hơn, Trung Cộng bán hàng dỏm cho thiên hạ dùng để bệnh càng tăng, như chuyện Câu Tiễn trả lúa đã luộc rồi cho Phù Sai để dân Ngô càng đói? 

Trong bài viết kể trên, tác giả Bruno Macaes nhắc lại câu nói của Mao Trạch Đông “[When] everything under heaven is in utter chaos, the situation is excellent.” (Tạm dịch: “Khi mọi thứ dưới bầu trời nầy hoàn toàn hỗn loạn, hoàn cảnh thật tuyệt vời.”] Đó là cơ hội tuyệt vời bằng vàng để cho Trung Cộng lợi dụng nước đục thả câu, khuynh đảo thiên hạ. Phải chăng Trung Cộng muốn phát tán con Virus Corona để làm thế giới xáo trộn, theo lý thuyết của Mao Trạch Đông, tạo cơ hội cho Trung Công thoát khỏi thế bí hiện nay do chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ đưa đến?

Nếu như vậy thì độc quá, quá độc, quá ác. “Sông sâu còn có kẻ dò, / Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng.” (Ca dao Việt) Đúng là theo thuyết âm mưu bí hiểm không phải chỉ chuyện Câu Tiễn, mà nhan nhãn trong truyện Đông Châu liệt quốc, hay trong truyện Tam quốc. Không biết thiên hạ sáng mắt chưa? Từ nay phải canh chừng hàng hóa Trung Cộng, sụp bẫy khi nào không hay. Thật khó biết được! Hãy coi chừng!!!

06.04.2020




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo