CTV Danlambao - Tuyên bố của chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho thấy gần 100 triệu người dân Việt đang đứng trước hiểm hoạ vô cùng nghiêm trọng. Nếu con số người bị nhiễm dịch vi khuẩn Vũ Hán gia tăng như ở Tàu, Mỹ, Ý, Tây Ban Nha... người bị nhiễm nặng chỉ có đường nằm chờ chết.
Theo Nguyễn Đức Chung, cả Hà Nội với dân số 7,8 triệu người nhưng chỉ có 300 máy thở. Riêng tại Sài Gòn thì các quan chức chưa... tiện công bố. Xuống đến các tỉnh thành thì số máy thở có thể ước tính không xa sự thật là vài chục máy cho mỗi tỉnh là cao.
Điều đáng lo ngại là các quan chức xem như... bó tay chấm còm trước tình trạng thiếu thốn máy thở. Hoàn toàn không thấy có một phương án nào được đưa ra để gia tăng số lượng máy trợ thở. Ngược lại các quan chức chỉ loay hoay với bài toán "kiểm soát tốt các nguồn lây nhiễm bệnh".
Nhưng nếu không kiểm soát được thì sẽ ra sao?
Giải quyết chỉ đạo của chế độ là bằng... báo cáo. Như Nguyễn Đức Chung tuyên bố “Báo cáo của các quận huyện cho thấy, chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt các nguồn lây nhiễm dịch bệnh”. Và kết luận của Nguyễn Đức Chung là “cách tốt nhất là chúng ta phải phòng ngừa dịch bệnh”.
Chưa nói gì đến cả hệ thống chính trị hay chính phủ quốc gia, mỗi người dân bình thường đều biết bước đầu để chống dịch là phòng ngừa dịch. Nhưng không có gì để bảo đảm là nỗ lực phòng dịch sẽ thành công và đại dịch không bùng phát. Dịch có thể gây ra những tác hại ở những mức độ khác nhau. Chúng ta có thể hy vọng cho viễn ảnh tốt nhất nhưng phải chuẩn bị cho tình thế xấu nhất.
Tình thế xấu nhất có thể xảy ra cho VN - một nước 100 triệu dân, hệ thống y tế còn đứng sau những nước tiên tiến - là số người chết còn cao hơn Ý, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và Tàu cộng.
Với 300 máy thở ở thủ đô của nước, nếu tình thế xấu nhất xảy ra thì dân Việt chỉ có đường nằm chờ chết một mình và cả hệ thống chính trị sẽ vào cuộc để... giấu nhẹm thông tin.
02.04.2020