Thảo Ngọc (Danlambao) - Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14 của nhà nước Việt Nam năm nay có nhiều chủ đề nóng. Nhưng có lẽ nội dung nóng nhất và được nhiều người quan tâm nhất là việc người Trung Quốc đang ào ạt thu gom đất tại nước ta.
Việc người Trung Quốc đã tìm mọi cách để thâu tóm những vùng đất đắc địa, với diện tích lớn, có ví trí chiến lược rất quan trọng, được sự tiếp tay của kẻ nội gián trong nước, không phải là vấn đề mới. Nhưng nay được dư luận quan tâm nhiều là vì Trung Quốc ngày càng phơi bày bộ mặt giả nhân giả nghĩa của anh bạn vàng “Bốn Tốt,” không giấu giếm dã tâm xâm lược nước ta. Do đó những âm mưu đề hèn đó đã được dặt lên nghị trường Quốc hội và được báo chí rất quan tâm.
Báo Thanh Niên ra ngày 22/05/2020 có bài: “Người Trung Quốc “núp bóng” mua đất khu vực trọng yếu: Dân rất quan tâm”!
Theo đó: “Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc người nước ngoài núp bóng mua đất ở những khu vực nhạy cảm, trọng yếu đã được chất vấn trước Quốc hội. Đây là vấn đề mà cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm.
Trong báo cáo trả lời chất vấn cử tri gửi tới Quốc hội, Bộ Quốc phòng cho biết người Trung Quốc đang sở hữu hơn 162.000 ha đất tại Việt Nam, trong đó có khoảng 6.300 ha đất biên giới, ven biển. Việc sở hữu đất này thông qua hai hình thức thành lập doanh nghiệp liên doanh và đầu tư tiền cho người Việt gốc Hoa mua đất.”(1)
Và người Trung Quốc sau khi thâu tóm đất đai, họ đã ngang nhiên lập xóm, lập phố nhiều nơi tại nước ta, coi những vùng đất ấy như là lãnh thổ riêng của họ vậy.
“Theo báo cáo tập hợp trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội sau kỳ họp thứ 8 của Ban Dân nguyện, cử tri tỉnh Bình Dương bày tỏ quan ngại về việc người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc, “lập xóm, lập phố” tại một số địa phương”(2).
Thủ đoạn gom đất bằng hình thức “liên doanh, góp vốn”. Đây là hình thức lách luật theo kiểu “ở đậu rồi tranh cả nhà”.
Báo Ev Econo ngày 02/10/2019 viết: “Trước đây giấy chứng nhận quyền sử dụng những lô đất này được cấp cho người Việt Nam; trong quá trình hợp tác làm ăn, người Trung Quốc góp vốn, đóng cổ phần nên được đứng tên”.(3)
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết: “Từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển TP Đà Nẵng có 134 lô và một thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê đất của UBND TP Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có bảy doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc sở hữu một số lô đất ven biển và thuê đất 50 năm”(4).
Và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã nói về vấn đề này như thế nào?
Trước những chứng cớ rõ ràng như vậy, thế mà ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà, khi trả lời các ĐBQH vẫn nói rằng “Không thấy gì”?
“Đại biểu Quốc hội cho rằng, báo cáo của Bộ Quốc phòng về việc người Trung Quốc núp bóng sở hữu các khu đất đắc địa tại Việt Nam được người dân rất quan tâm vì trước đó, Bộ trưởng TN-MT khẳng định là không có”.
"Tình hình người nước ngoài núp bóng mua đất ở những khu vực nhạy cảm đã được chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ TN-MT, và Bộ trưởng trả lời trước Quốc hội là chưa thấy gì. Cử tri cũng lại vừa phản ánh vấn đề người Trung Quốc lập xóm lập phố, Bộ trưởng Công an cũng không thấy gì. Vì thế, báo cáo của Bộ Quốc phòng vừa rồi được người dân hoan nghênh. Vì người dân biết là có chuyện đó"(5).
Đẩy trách nhiệm cho địa phương:
Ngày 25/5, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho hay: “Sở TN&MT TP. Đà Nẵng đã trả lời về vấn đề này rồi. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư theo Luật Đầu tư, nhà ở… Còn theo Luật Đất đai thì không ai cấp quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp nước ngoài cả”(6).
Cũng trong ngày 25/5, khi trả lời pv báo Người Lao Động, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Người Trung Quốc thuê, mua đất đai là "không sai theo Luật Đất đai"!(7).
Phải chăng Bộ trưởng Trần Hồng Hà đang bao biện và muốn hợp thức hóa cho việc người Tàu đang thâu tóm những khu đất rộng lớn và có giá trị chiến lược trên đất Việt Nam?
Đến ngày 28/05/2020, trả lời báo Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Không có người nước ngoài nào sở hữu đất, ai cấp báo tôi xử lý ngay”: "Họ mua, thuê không liên quan đến nội dung Luật Đất đai quy định. Theo Luật đầu tư, theo Luật nhà ở họ hoàn toàn được làm. Còn Luật Đất đai không cấp giấy quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp nước ngoài"(8).
Cũng trong ngày 28/5, trả lời báo Đầu Tư, ông Trần Hồng Hà nói: “Tôi chưa thấy cá nhân người nước ngoài nào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Ở đây ông Trần Hông Hà đã cố tình nói việc cá nhân người nước ngoài không được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, mà lại giấu, không nói đến việc người Trung Quốc góp vốn, đóng cổ phần nên được đứng tên trong giấy CNQSDĐ(9).
Đến đây thì “con tắc kè hoa có làn da biến đổi theo môi trường” đã lộ nguyên hình. Cách trả lời của ông Bộ trưởng Bộ TN&MT nghe cứ lúng ta lúng túng như gà mắc tóc.
Trước thì ông Trần Hồng Hà nói “Người Trung Quốc thuê, mua đất đai là "không sai theo Luật Đất đai". Sau đó lại nói “Luật Đất đai không cấp giấy quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp nước ngoài". Còn việc người Trung Quốc được đứng tên chủ quyền sử dụng đất do góp vốn đầu tư, liên doanh liên kết thì ông ỉm đi không đề cập đến.
Nhiều người đặt câu hỏi: Là người chịu trách nhiệm chính về quản lý tài nguyên quốc gia là đất đai, mà ông Trần Hồng Hà không biết hay giả vờ không biết việc người Trung Quốc đang nấp bóng đủ các kiểu, các loại hình để thâu tóm tài nguyên đất đai nước ta, thì ông quản lý cái gì? Nếu cứ chờ cho các địa phương nắm tình hình và báo cáo thì giải tán ngay cái bộ tài môi vô tích sự này đi.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng việc nhà đầu tư nước ngoài "núp bóng" chiếm dụng đất ở vị trí đắc địa, trọng yếu quốc phòng cần nhớ tơi nguyên lý cổ điển "tiên trách kỷ hậu trách nhân"
"Chúng ta lỏng lẻo, sơ hở thì họ mới vào được. Thế nên bên cạnh việc xử lý theo đúng luật, thông lệ quốc tế với đối tác nước ngoài để không tạo ra sự phân biệt thì phải "trị" người trong nước nếu tiếp tay cho họ làm".
Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, người nước ngoài mua đất của Việt Nam là không được phép. Theo ông, không có quy định nào cho người nước ngoài mua đất Việt Nam.
"Có thể cho họ mua nhà, không được mua đất. Nhà dính liền với đất thì đất vẫn là công thổ".
Hiện nay hiện tượng người Trung Quốc thâu tóm các khu đất đai có vị trí đắc địa, lập làng lập phố như kiểu “làm vua một cõi” ngay trên lãnh thổ Việt Nam không chỉ ở Huế, Đà Năng, Nha Trang hay Bình Dương, mà họ có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước.
Nếu nhà nước Việt Nam không có những chính sách cụ thể, rõ ràng đối phó với tình trạng người Trung Quốc nấp bóng mua đất này, mà cứ chờ cho đến lúc ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà “thấy được những cá nhân người nước ngoài được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, thì có lẽ lúc đó non sông Việt Nam đã liền một dải “núi liền núi sông liền sông” với Tàu từ lâu rồi.
Chú thích:
29.05.2020