Lãnh tụ - Dân Làm Báo

Lãnh tụ

Sơn Nghị (Danlambao) - Thời loạn ly thường sinh những anh hùng. Họ xuất hiện giữa đám đông, làm những việc không ai dám làm hoặc không có khả năng làm. May mắn cho một dân tộc khi có những anh hùng như thế vươn lên đứng sừng sững giữa thời đại nhiễu nhương. Và thật bất hạnh nếu không có họ, vì dân tộc đó sẽ mãi mãi đắm chìm trong nỗi xót xa của một kiếp người.

Cuộc sống hàng ngày cũng sản sinh nhiều anh hùng. Có người xông vào đám cháy để cứu một em bé bị kẹt bên trong. Có kẻ bênh đỡ những người thế cô bị chèn ép, ức hiếp. Họ hành động và bất chấp hiểm nguy cho chính mạng sống mình. Anh hùng thời nào cũng thế, họ xem cái chết nhẹ tựa lông hồn. Anh hùng xuất hiện ở một thời điểm nhất định, giải quyết xong một mâu thuẫn, rồi lặng lẽ biến trôi theo dòng đời. Hành động anh hùng vẫn được mọi người nhắc nhở nhưng anh hùng thì không màng được gọi tên. Người đời ngưỡng mộ gọi họ là anh hùng vì chứ bản thân họ không hề nghĩ đến việc được phong vương nhận tước hoặc lời khen tặng. Chính tình trạng xã hội hoặc tình huống dầu sôi lửa bỏng xảy ra vào một thời điểm nhất định đã thúc đẩy họ phải làm một cái gì để thay đổi, đem lại một cái gì mới hơn, tốt hơn. Đây chính là ý nghĩa cao cả nhất của nghĩa cử anh hùng.

Thời Bắc thuộc lần thứ nhất (111 trước TCGS - 39 sau TCGS), quan thái thú Tô Định nổi tiếng tàn ác, khiến lòng dân uất ức oán hận. Nhân vì thù chồng, Trưng Trắc và Trưng Nhị nổi dậy cầm quân đánh đuổi Tô Định quyết dành lại độc lập cho nước nhà thoát ách đô hộ của phương Bắc. Hai bà là vị nữ lưu anh hùng đầu tiên của nước Việt. Sau này vì thua quân Mã Viện nên hai bà đành phải nhảy xuống sông Hát giang trầm mình tự tận.

Khi làm xong những việc phi thường, người anh hùng âm thầm quay trở lại nếp sống bình thường nếu có cơ may còn sống sót. Nếu không, sẽ có những ngậm ngùi thương tiếc quyện với khói hương và những khuôn mặt nhạt nhoè nước mắt ẩn khuất sau tấm vải sô màu tang trắng.

Có ai xuôi vạn lý,
Nhắn đôi câu giúp nàng,
Lấy cây hương thật quý,
Thắp lên thương tiếc chàng...
Lê Thương (Hòn Vọng Phu)

Anh hùng đích thực chỉ có thế! Họ xuất hiện để kéo đám mây đen, trả lại cho nhân gian một ngày rực sáng. Hình ảnh dũng cảm của chàng trai áo vải Lam Sơn xông phá vòng vây ở rừng Chí Linh đánh dấu mười năm gian khổ, để bẻ gãy xiềng xích nô lệ của giặc Minh vẫn còn ghi đậm nét trong sử sách. Anh hùng luôn có những hành động anh hùng. Lê Lai chấp nhận hy sinh để cuộc khởi nghĩa còn có vị minh chủ chỉ huy, giữ lấy chính nghĩa. Cái chết của Lê Lai thật đơn giản; mặc áo ngự bào giả làm Lê Lợi để quân nhà Minh vây giết nhưng để lại một triều đại nhà Lê kéo dài đến 360 năm, đánh dấu một thời nước nhà độc lập. Quyết định tự vẫn để chết theo miền Nam của thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam sau ngày mất nước cũng là một hành động anh hùng. Cái chết của ông luôn nằm trong tâm tưởng những người lính hy sinh một đời ôm súng bảo vệ quê hương. 

Thuở xa xưa, nét phác họa của anh hùng là một chàng trai xếp bút nghiên theo việc kiếm cung, sẵn sàng lấy da ngựa bọc thây, với ý chí sắt đá xuống Đông Đông tĩnh lên Đoài Đoài tan. Chàng đứng hiên ngang, trầm mặc dưới bóng chiều tà, tay nắm chặt đốc kiếm, mắt đăm chiêu nhìn về phía chân trời, mong một ngày quê hương độc lập, hưởng thanh bình. Bóng chàng vẽ lên khung trời đỏ ối như dáng hình một phiến đá đen xám. Trông buồn như thật bi tráng. Thời đại tân tiến này, ở thế kỷ 20 vừa qua và vẫn còn tiếp diễn sang thiên niên kỷ mới, lại có những lãnh tụ tự hào xưng tên nhập nhằng với hai chữ anh hùng.

Thật ra, lãnh tụ là một danh xưng thơm. Lãnh tụ là người đứng ra lãnh đạo một nhóm người, có thể vài người, có thể hàng trăm nghìn người để thực hiện một mục tiêu nào đó. Như Martin Luther King, Jr., vị mục sư da đen dùng phương pháp bất bạo động để tranh đấu quyền bình đẳng cho người da đen. Ngày 28/8/1963, hơn 250 nghìn người tụ họp tại thủ đô Washington, D.C., cùng nhau đi bộ đến điện Capitol để ủng hộ Đạo luật Bình đẳng (Civil Rights Act). Mục sư King bước đi lẫn trong đoàn người đông đảo, cùng nắm tay nhau, hát vang trên đường phố. Ngày hôm đó, ông bắt đầu bài diễn văn hùng hồn bằng câu: Tôi có một giấc mơ. Giấc mơ bình dị của ông là muốn được mọi người bình đẳng, sống an bình trong một quốc gia phồn thịnh.

Không lãnh tụ nào mà không có ước mơ. Họ mơ ước nước nhà độc lập, có tự do và người dân hạnh phúc. Đó là giấc mơ lớn. Nhưng đôi khi lãnh tụ bắt đầu bằng một ước mơ thật bình thường... cho riêng mình. Năm 1911, chàng trai Nguyễn Tất Thành xuống tàu Admiral Latouche-Tréville đi Tây để tìm kiếm tương lai. Vốn liếng tiếng Tây của chàng được dăm ba chữ, thế mà cũng cầy cục xin được chân làm việc dưới tàu để bôn ba sang Tây miễn phí. Tài xoay xở, khôn lanh của Nguyễn Tất Thành đã lộ ra ngay từ khi mới 19 tuổi (nếu năm sinh 1892 là đúng). Bức thư gửi cho Bộ trưởng Thuộc địa đề ngày 15/9/1911 nói rõ ước mơ của cậu con trai út của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy. Trong thư cậu nói thẳng là muốn được nhận vào trường thuộc địa để học thành tài phục vụ cho mẫu quốc. Ước mơ của Paul Thành thật đơn giản thế mà lại bị từ chối. Có thể vì lúc đó cậu vô danh tiểu tốt nên không được ai chú ý đến, trừ tên cai trên tàu Tréville nơi cậu giúp việc, hoặc ông Bộ trưởng có chuyện buồn nên chẳng hề đọc hết lá đơn, vung tay phóng bút gạch ngang một cái. Buồn cho cậu Thành lúc đó và khốn khổ cho dân tộc Việt kéo dài cả hơn nửa thế kỷ sau này. Chính vì bị từ chối nên cậu Thành dứt khoát đem hết tâm huyết học hỏi lý thuyết cộng sản, và đem du nhập vào đất nước nông nghiệp lạc hậu Việt Nam thời bấy giờ, mở đầu cho những trang sử kinh hoàng triền miên không hề thấy dấu chấm hết.

Thật không ngờ tiền đồ của dân tộc lại tuỳ thuộc vào một lá đơn con con gửi cho ông Bộ trưởng thực dân. Giá hôm đó ông Tây phê ngay cho tiếng “oui” thì đỡ cho hơn 90 triệu người dân biết mấy! Không chừng tiếng “oui” hôm đó lại biến một nước Việt Nam thành phú cường, thịnh vượng trong cộng đồng châu Á hôm nay; vì không bị họa cộng sản làm trì hoãn bước tiến của dân tộc. Cái vận mạng của con cháu Lạc Hồng quá xui xẻo nên ông “non, non” luôn miệng rồi xếp xó lá đơn.

Trở lại cuộc tranh đấu bình quyền của vị mục sư da đen Martin Luther King, Jr.. Khởi đầu từ cuộc đấu tranh bất bạo động, các sắc dân da màu gọi ông là lãnh tụ, và sau khi ông bị ám sát chết, người da đen gọi ông là anh hùng. Như thế có những anh hùng xứng đáng làm lãnh tụ, và ngược lại có những lãnh tụ bắt đầu sự nghiệp bằng những hành động anh hùng. 

Nhưng cũng không thiếu những tay gian hùng trở thành lãnh tụ. Họ ngoi lên địa vị độc tôn bằng mưu mô quỷ quyệt; bằng máu của bạn bè đồng chí, và bằng nước mắt của rất nhiều người. 

Nguyễn Tất Thành sau một thời gian bôn ba, học hỏi và say mê chủ thuyết cộng sản, trở về nước lập phong trào Việt Minh, cùng với các đảng phái khác quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp. Lúc này Nguyễn Tất Thành đã cải danh là Hồ chí Minh sau nhiều lần thay đổi tên họ vì lý do an ninh, tránh mật thám Pháp. Có lần đi ngang đền thờ Trần Hưng Đạo (1213-1300), Hồ Chí Minh gật gù làm một bài thơ so sánh sự nghiệp đánh đuổi quân Mông cổ của ngài và sự nghiệp chống quân Pháp của ông. Bài thơ mở đầu bằng câu: Bác anh hùng tôi cũng anh hùng...

Mặc dù Hồ Chí Minh lúc đó đã trở thành lãnh tụ nhưng không thể so sánh với sự nghiệp quân sự lẫy lừng của viên đại tướng đã từng đánh bại chúa tể miền đồng cỏ Thành Cát Tư Hãn. Trần Hưng Đạo là một vĩ nhân, Hồ Chí Minh cũng tự thấy mình xứng đáng là vĩ nhân nên gật gù vỗ vai viên đại tướng họ Trần, cảm khái bằng một bài thơ. Khẩu khí thật cao ngạo và hỗn, quá hỗn. Tôi không dám nghĩ cụ đồ nho Nguyễn Sinh Huy quên dạy cho cậu con út thế nào là Lễ trong lẽ cương thường của Nho bản nhưng tôi nghĩ đến lòng tự tôn tự đại đã bốc hào khí của Hồ Chí Minh đến tận mây xanh.

Hồ Chí Minh lập lờ quên đi một sự kiện trong lịch sử nhân loại: gian hùng cũng trở thành lãnh tụ. Và ông đã cố tình lạm dụng từ ngữ anh hùng. Danh xưng “anh hùng” phải ở các ngôi vị khác, không thể ở ngôi thứ nhất số ít hoặc số nhiều. Một người có thể nói: “anh là anh hùng” nhưng không thể vỗ ngực tự khoe: “tôi là anh hùng”. Khi vỗ ngực tự xưng tụng, chính người đó đã đánh mất vẻ đẹp truyền thống của “anh hùng” vì đơn giản đó phải là một danh xưng ban tặng chứ không thể là một danh xưng chọn lựa. Và không gì hợm hĩnh cho bằng tự khen chính mình.

Đành rằng làm chính trị phải mưu mô quỷ quyệt, phải lừa đảo, phải gian manh nhưng kiểu làm chính trị của Hồ Chí Minh vẫn mang một sắc thái đỏ riêng biệt. Phải nói là đỏ vì nó dính máu của rất nhiều người. Năm 1940, ông bán đứng cụ Phan Bội Châu, một nhà cách mạng, cho mật thám Pháp ở Hương cảng để lấy mười nghìn đô-la Hong Kong. Cái chết của cụ Huỳnh Thúc Kháng (bị máy bay Pháp bỏ bom) cũng là một bí ẩn. Và còn nhiều cái chết của các đồng chí khác đảng phái nhưng cùng một chí hướng đánh đuổi thực dân Pháp dành lại độc lập cho nước nhà.

Phong trào chống Pháp bừng bừng khí thế, nhất quyết đánh đuổi thực dân ra khỏi bờ cõi. Chưa bao giờ toàn dân lại cùng chung một lý tưởng đến thế. Người ta nghĩ đến một Hội nghị Bình than của Trần Quốc Toản, một Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, một Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Vương. Bên cạnh Việt Minh, các đảng phái khác cũng sát cánh chiến đấu bên ông, thế nhưng ông không muốn chia sẻ vinh quang của một nước Việt Nam độc lập với một người nào khác. Vai trò lãnh tụ độc tôn của ông cần được đánh bóng cấp bách hơn bao giờ vì vai trò Nhật sắp bị cáo chung ở Á Châu khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt. Và đúng như ông mơ ước, ngày tuyên bố độc lập mùng 2-9-1945, chỉ một mình ông đứng ở quảng trường Ba Đình, cất giọng hỏi đồng bào bằng một câu hết sức bình thường: đồng bào nghe tôi rõ không? Tôi không tin ông tình cờ hỏi đồng bào một câu như thế nhưng tôi tin chắc ông đã chuẩn bị kỹ càng từng chữ, từng lời nói, từng hành động... nhất nhất đều nằm trong kế hoạch huyền thoại hóa con người của ông. Vì thế, sau này người ta thấy ông thường cầm khăn tay màu đỏ, và lấy khăn chậm chậm nước mắt vì ông có thể khóc bất cứ lúc nào. Những giọt nước mắt ông rơi rớt trên khuôn mặt gân guốc, khắc khổ đáng lẽ nên khóc thương cho số phận hàng trăm nghìn người chết oan trong cuộc cải cách ruộng đất thì hơn.

Ở chốn đông người, nhất là những lúc quay phim, ông thận trọng về cách ăn mặc - thường một màu chàm giản dị - ngay cả đến đôi dép râu làm bằng vỏ lốp của ông cũng không nằm ngoài kế hoạch bình dị hoá hình ảnh một chủ tịch có nhiều tham vọng, đôi khi cuồng vọng. Vì thế người ta không lạ gì có thật nhiều huyền thoại thêu dệt chung quanh hình ảnh một ông già râu bạc trắng, đôi mắt sáng, trán cao, vươn mình đứng lớn hơn mọi vĩ nhân của nước Việt. Khi một nhân vật có quá nhiều huyền thoại, lẽ tất nhiên mặt trái của “vĩ nhân” rất khó bị lộ tẩy.

Vậy mà mặt trái của Hồ Chí Minh vẫn bị lộ tẩy theo thời gian. Và đây là một trong những góc cạnh chân thực nhất của bản chất Hồ Chí Minh. 

Hãy tưởng tượng đến một ông già ngồi ở căn nhà gọi là Phủ Chủ tịch, khoan thai đốt một điếu thuốc Dunhill, loại thượng hạng của Anh. Ngòi bút của ông phóng xuống mặt giấy, chỉ một loáng là có ngay phần phi lộ của cuốn sách nổi tiếng: “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch” như thế này: Nhiều nhà văn, nhà báo Việt Nam và ngoại quốc muốn viết tiểu sử của vị chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nhưng mãi đến nay, chưa có người nào thành công. Nguyên nhân rất giản đơn, Chủ tịch Hồ chí Minh không muốn nhắc đến thân thế của mình. Ông thở ra một hơi khói, đọc lại hàng chữ, mỉm cười gật gù thỏa mãn. Nhưng rồi trán ông cau lại, tỏ vẻ chưa vừa ý. Ngòi bút phóng vội xuống mặt giấy, ông có ngay một đoạn phi lộ nữa: Một người như Hồ Chủ tịch của chúng ta, với đức khiêm tốn nhường ấy và đương lúc bề bộn biết bao nhiêu công việc, làm sao có thể kể cho tôi nghe bình sinh của người được?

Mặc dù ông già viết không muốn nhắc đến thân thế của Hồ Chí Minh, nhưng sau đó toàn bộ cuốn sách đều nói đến thân thế sự nghiệp của vị chủ tịch qua lối phỏng vấn. Ở trang cuối của cuốn sách, ông già ký tên Trần Dân Tiên.

Và ông già ngồi viết những dòng chữ “khiêm tốn” đó không ai khác hơn là Hồ Chí Minh. Vâng, chính ông. Ông tự thuật nhưng lại ký bút hiệu nên ai cũng nghĩ cái khách quan của anh nhà báo Trần Dân Tiên. Ngay khi cuốn sách phát hành năm 1948, và nhiều lần sau này, huyền thoại lại càng có dịp vây bủa quanh hình ảnh ông như một đám mây dày đặc. Các chính khách khi về hưu thường viết hồi ký, chuyện đó hiển nhiên. Viết hồi ký chỉ nói đến cái hay của mình và phớt lờ những khuyết điểm đã vấp, điều đó cũng dễ hiểu nữa vì ít ai có can đảm soi bóng mình trong gương. Nhưng lối viết “khiêm tốn” của Hồ Chí Minh quả thật có một không hai, không một nhà lãnh tụ nào trên thế gian này có thể nghĩ đến. Tự cổ chí kim chưa có một ai, từ nay về sau có lẽ cũng không thấy một người.

Cái gian hùng của Hồ Chí Minh thật hiếm có, có lẽ Tào Tháo phải chào thua, Hitler cũng phải lắc đầu khâm phục. Và chính vì sợ cái gian hùng của ông mà cha mẹ tôi đành phải bỏ mồ mả tổ tiên di cư vào Nam năm 1954. Thế hệ chúng tôi sinh ra trong khung cảnh cha mẹ bồng bế dắt díu con cái, gạt nước mắt bước lên tàu há mồm ra đi. Chúng tôi lại lớn lên trong một cuộc chiến Nam Bắc tương tàn, và rồi sau năm 1975 cũng sợ cái gian hùng của đám lãnh tụ đàn em ông nên đành phải tha phương cầu thực ở xứ người, bỏ lại một nước Việt đầy dẫy hình ảnh Hồ Chí Minh qua những hình tượng bán thân đắp nổi, bức hoành tráng treo trong đại sảnh, chân dung lồng khung gỗ trong mọi căn nhà, tượng toàn thân dựng sừng sững ở các công viên.

Stalin cũng không thoát khỏi căn bệnh tự suy tôn. Một bức tượng toàn thân của Stalin dựng bên bờ sông Volga to lớn đến nỗi chỉ mỗi cái mũ nằm ngửa ông cầm trên tay đủ để lọt 3 chiếc xe hơi. Nghệ thuật đánh bóng lãnh tụ trở thành một căn bệnh liệt kháng trong các chế độ độc tài. Nếu Stalin tự xưng là “cha của dân tộc” (father of the nation) thì Hồ Chí Minh cũng tự phong cho mình cái tên tương tự: “cha già của dân tộc”. Ông khôn ngoan thêm chữ “già” vào danh xưng cho trang trọng. Một thời người miền Bắc không ai được dùng chữ “bác” để xưng hô trong sinh hoạt hàng ngày, và chữ “bác” trân quý này chỉ được dùng riêng cho Hồ Chí Minh, mặc dù lúc đó ông mới 55 tuổi. Kim Nhật Thành, một vị “cha già của dân tộc” khác của Bắc Hàn cũng mắc cùng một căn bệnh kinh niên. Họ Kim tự phong cho mình là “lãnh tụ vĩ đại”. Người con, Kim Chính Nhật, tự phong là “lãnh tụ thân yêu”. Người cháu, Kim Chính Ân, tự phong là “lãnh tụ tối cao”. Ở đường phố Bắc Hàn, người ta chỉ thấy hình ảnh của vị lãnh tụ họ Kim nhan nhản khắp đường phố, in hệt như hình ảnh Hồ Chí Minh ở nước Việt Nam khốn khổ. Những bài ca suy tôn, có những lời ca tụng chói tai nghe đến xấu hổ vẫn vang vang trong khắp hang cùng ngõ hẻm. Các trẻ em thiếu dinh dưỡng mỗi ngày vẫn tập đi đứng diễu hành trước bức tượng của vị lãnh tụ họ Kim, miệng không ngớt la to những khẩu hiệu chống đế quốc tư bản. Ông Kim không hề đếm xỉa gì đến hàng triệu đồng bào ruột ruột thịt của ông xanh xao, gầy còm, hàng ngày bị cơn đói hành hạ; thậm chí có người phải ăn cỏ rồi chết, trong khi khuôn mặt của vị lãnh tụ vẫn hồng hào, mỡ chảy quyện thành nọng vấn quanh cổ...

Khuôn mặt Hồ Chí Minh cũng vậy, phương phi, hồng hào, chỉ khác với lãnh tụ Mao và Kim là không có nọng.

Bác Hồ cùng với bác Tôn,
Hai bác rất thích ôm hôn nhi đồng
Khuôn mặt hai bác thì hồng,
Khuôn mặt các cháu nhi đồng thì xanh
Giữa hai cái mặt bành bành,
Những khăn quàng đỏ bay quanh cổ cò.
Thơ Nguyễn chí Thiện

Trong cuốn phim K-19: The Widowmaker (tạm dịch: K-19: Con Tàu Tạo Goá Phụ), kể lại một câu chuyện có thật xảy ra năm 1961, thời kỳ cao điểm của chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Đây là loại tàu ngầm mang đầu đạn nguyên tử tuần hành trong vùng biển thuộc khối NATO, một hãnh diện cho nền kỹ thuật nước Nga thời bấy giờ. Trước khi bắt đầu cuộc hải hành, thuyền trưởng Alexei Vostrikov tập họp tất cả các thuỷ thủ lại và dõng dạc nói: without me, you are nothing; and without you, I am nothing. Qua câu nói này, thuyền trưởng Vostrikov đã thấu hiểu được vai trò của lãnh tụ. Nếu không có lãnh tụ, quần chúng chỉ là đám quân ô hợp. Còn nếu không có quần chúng, lãnh tụ chỉ là con số không, vì lẽ đơn giản một mình không thể làm được việc gì. Chính vì thế, khi đạt được mục tiêu, lãnh tụ cần biết ơn quần chúng, không thể ngồi tự mãn, chỉ lo đánh bóng thân thế sự nghiệp lãnh đạo của mình và quên đi công lao của đám quần chúng đã một thời xả thân vì ngai vàng cho lãnh tụ.

Bất cứ đất nước nào có những lãnh tụ đánh bóng... mình thái quá đều lạc hậu, nghèo nàn, bước chân rùa trên con đường dẫn nước nhà đến ấm no, hạnh phúc. Họ sống trong mộng tưởng chính họ là “vĩ nhân” duy nhất của đất nước và mỗi ngày đứng chiêm ngưỡng bóng mình trong gương, họ tự ban những danh hiệu không tưởng, tự phong những tước hiệu hão huyền. Từ đó sinh ra độc tôn và độc tài.

Lãnh tụ cần phải có trái tim bằng sắt. Nước mắt thật hiếm hoi rơi rớt trên những khuôn mặt lạnh lùng, không hề biết thương xót. Ở nước Việt Nam hiện nay lại có những ông trời con với khuôn mặt lạnh lùng, không hề biết thương xót; không ai khác hơn là con của những lãnh tụ, một thời là đàn em Hồ Chí Minh. Những “thái tử” này vừa giàu có, vừa có uy quyền tuyệt đối, tiêu tiền không hề chép miệng. Một người bạn của tôi quê ở Long An vừa về thăm nhà cho biết, công ruộng một ngày đáng giá 30 nghìn, nghĩa là được hơn một đô-la. Nói rõ thêm định nghĩa của một ngày công ruộng là phải làm từ sáng đến chiều, dầm sương dãi nắng, chân lấm tay bùn, mồ hôi ướt đẫm. Trong khi các cậu ấm chỉ một đêm thôi, ngồi vung tiền ở các hộp đêm cho các em gái nhảy có thể lên đến cả nghìn đô-la; vì chỉ riêng chai rượu SOP cậu vừa uống vừa đổ đã ngốn mất 250 đô, bằng sức lao động gần cả năm của một người. Những “thái tử” này có thể mua tặng cho bạn gái một chiếc máy điện thoại di động cỡ 20 nghìn đô, chỉ với mục đích phô trương khả năng xài tiền. Còn tầng lớp cha ông của những tay “thái tử” ăn chơi trác táng này hơn hẳn con cháu bằng những lần đánh cá trận bóng đá lên đến mấy triệu đô. Chức vụ của người này chỉ ở cấp cao nhưng chưa nắm trọn quyền hành như một lãnh tụ thực sự. Thế mà đã biển lận và công khai đánh bạc lên đến triệu đô như thế. Từ đó suy ra một lãnh tụ ở nước VN nghèo khổ hiện nay có thể làm bất cứ việc gì mà họ muốn. Cái đám lãnh tụ (13 người) nằm ở Bộ Chính Trị có thể thu vén của công đem về cho mình bất cứ lúc nào, bao nhiêu cũng được, miễn là đừng gây mâu thuẫn giữa các lãnh tụ với nhau. Tôi có cảm giác như 13 con kên kên xúm lại rỉa mớ thịt rữa của xác chết. Đau khổ hơn, đây chưa hẳn là một xác chết mà là một nước VN đang còn thoi thóp thở. Thế mà các lãnh tụ vẫn nhẫn tâm rỉa Mẹ VN cho đến tận xương tủy. Đây là sự thật đau xót xảy ra mỗi ngày ở Việt Nam. Chưa bao giờ trong lịch sử nước Việt cái khoảng cách giữa các lãnh tụ và con dân lại cách biệt đến thế. Nó còn biểu hiện cái khoảng cách của lương tri, của lương tâm và lương thiện.

Lại thêm số tiền mà những “khúc ruột ngàn dậm” gửi về hàng năm lên đến mấy tỷ đôla. Theo báo Thanh Niên, ngoại tệ đổ về Việt Nam từ 2 nguồn: hơn hai triệu người Việt định cư tại các quê hương thứ hai (đừng gọi họ là Việt kiều nhé) và 4,5 triệu Việt kiều xuất cảng lao động ở 103 nước trên thế giới (đây mới đúng là Việt kiều, vì họ còn mang quốc tịch của nước CHXNCHVN). Trong 26 năm, lượng ngoại tệ đã tăng gần 120 lần, từ mức $0.14 tỷ năm 1993 lên 16 tỷ năm 2018, Riêng năm 2019, theo dự kiến của Ngân Hàng Thế Giới, kiều hối đổ về là 16,7 tỷ đôla. Đây là số tiền chính quyền kiểm soát được, còn nếu kể những đồng bạc xanh gói kỹ dấu trong ruột tượng, hoặc gửi lén lút thì số tiền đổ về nước phải gấp rưỡi mới đúng. Làm một con toán nhỏ, cứ tính khoảng 70%-80% tổng số tiền lọt vào tay các lãnh tụ thì con số đã ngót nghét 13 tỷ. Thảo nào các công tử Bạc liêu tân thời cứ việc vung tiền tiêu pha cho thoả thích.

Lượng kiều hối theo báo Người Việt (1/12/2019)

Các lãnh tụ lập thành tích thi đua hút máu của dân, miệng đỏ choét nhưng bụng lại xanh lè (đôla xanh). Nhìn quả thì biết cây. Tương lai con cái của họ sẽ thay thế cha làm lãnh tụ, vẫn i tờ không tri thức, cứ hống hách, cửa quyền, tham ô như bố thì thật tội cho nước Việt Nam quá, biết bao giờ mới thoát khỏi cảnh diệt vong trí tuệ và nhân phẩm đây.

Hậu quả thảm khốc hiện nay của một nước Việt Nam đều bắt nguồn từ việc Hồ Chí Minh du nhập cái lý thuyết cộng sản bệnh hoạn không hề suy nghĩ. Ông chỉ nghĩ đến ông, đánh bóng những huyền thoại để ông trở thành một nhân vật như trong chuyện cổ tích. Bởi thế nên mới có bài Đêm qua em mơ gặp bác Hồ. Ở các nước tiên tiến, con nít đi ngủ mơ thấy được quà, hoặc sung sướng hơn mơ gặp được bà tiên có đôi đũa thần như cô bé Lọ Lem thần thoại. Còn những đứa con nít Việt Nam, cả tuổi thơ chỉ thấy Hồ Chí Minh vì ông hiện diện từ trong nhà cho đến ngoài ngõ, kể cả trong lớp học. Ngay đến giấc ngủ mà ông cũng lững thững bước vào đòi ban phát “mộng lành” cho các em nữa thì quả thật tội cho các cô cậu Lọ Lem ở nước Việt Nam quá!

Và điều này giải thích tại sao phần lớn thế hệ sinh sau năm 1975 vẫn nể trọng Hồ Chí Minh, mặc dù trong số đó vẫn có người không ưa thích chế độ đương thời. Lý do là với lối giáo dục nhồi sọ trong học đường, cố bưng bít tất cả sự thật nên hình ảnh Hồ Chí Minh không lạ gì vẫn chiếm một vị trí đáng kể. Năm 1969, tình cờ tôi thấy hình bìa tờ báo Times của cậu tôi, chụp hình một chị nhà quê tay cầm nón lá khóc nức nở. Chị lả người gần như không đứng vững, nước dãi chảy thành dòng một bên mép. Tôi hình dung được nỗi đau đớn của chị qua những giọt nước mắt lăn trên gò má. Nhìn lên phía trên, tôi thấy dòng chữ: Ho Chi Minh died. Quả thật lúc đó tôi không hiểu Hồ Chí Minh chết mà có người khóc thương đến vậy sao? Tôi nghĩ thầm nếu cha tôi có chết ngay bây giờ, có lẽ tôi cũng không khóc lóc sướt mướt đến vậy. Lớn lên một chút tôi chợt hiểu ra cả một guồng máy có hệ thống bóp nặn lên hình ảnh Hồ Chí Minh tuyệt vời đến nỗi khi ông chết, cả nước phải để tang, thương khóc. Hồ Chí Minh và đám đàn em ông rất thành công về điểm này. Ôi! Tội cho những giọt nước mắt thật xót xa rơi trên thân xác của một lãnh tụ giả.

Vì thế Hồ Chí Minh đi sầm sập vào sinh hoạt của người dân miền Bắc với vóc dáng của một vị lãnh tụ tuyệt luân, một người cha khoan dung, một người ông hiền lành mặc dù cả nước chưa hề thấy ông lấy vợ sinh con đẻ cái. Người ta vẫn tin vào hình ảnh một ông già cả đời hiến thân vì độc lập nước nhà, không màng đến hạnh phúc cho riêng mình (sic!) chứ không ngờ rằng ông vẫn có những đòi hỏi sinh lý như một người bình thường. Những tài liệu khám phá được vào khoảng đầu thập niên 90 đã thổi bay những đám mây huyền thoại của con người Hồ Chí Minh, để lộ một ông già thường thở dài nằm trằn trọc mỗi đêm, bứt rứt khó ngủ.

- Ngay từ những ngày đầu bôn ba trên đất Pháp, theo tài liệu ở Pháp, khi trẻ tuổi, làm thợ ảnh, Hồ Chí Minh có quan hệ với một cô đầm tên là Marie Bière nào đó...

- Trong cuốn hồi ký của ông Bùi Tín, một nhà báo VC mang quân hàm đại tá sống lưu vong ở Pháp (đã qua đời), viết như sau: “theo chị Sophia, có người kể với chị là Hồ Chí Minh còn có lúc yêu cả vợ ông Chu Ân Lai là bà Đặng Dĩnh Siêu, khi gặp nhau ở Hoa Nam thời trẻ; ông cũng có lúc có tình cảm mặn nồng với cả chính bà Vera Vasilieva, một phụ nữ Nga. Chị Sophia kể con gái bà Vera Vasilieva nhớ lại rằng anh thanh niên Quốc (tên Hồ Chí Minh lúc đó) ăn mặc rất chải chuốt, luôn mang cà vạt màu rất diện, xức cả nước hoa thơm lừng...”

- Thời gian lưu lạc sang Tàu, Hồ Chí Minh (lúc này mang tên Lý Thụy) đã chính thức lập gia đình với bà Tăng Tuyết Minh vào tháng 10, 1926. Hoàng Tranh (Huang Zheng) là nhà sử học, viện phó Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, tác giả cuốn “Hồ Chí Minh với Trung Quốc” (xuất bản năm 1990) đã kể rõ sự kiện này. Lúc kết hôn, Hồ Chí Minh đã 36 tuổi và Tuyết Minh mới 21 tuổi. Họ tổ chức đám cưới ở nhà hàng Thái Bình, cũng là nơi một năm trước Chu Ân Lai mời đông đảo quan khách đến dự tiệc cưới của ông. Vợ chồng Hồ Chí Minh chỉ sống với nhau đến tháng 4, 1927 thì phải chia tay, Hồ Chí Minh phải rút vào bí mật vì Tưởng Giới Thạch thẳng tay đàn áp các đảng viên cộng sản. Do cuộc sống hoạt động chính trị của Hồ Chí Minh nên sau đó ông không có cơ hội liên lạc với người vợ Tàu nữa. Bà Tuyết Minh cũng không ngờ đó là lần chia tay vĩnh viễn. 

Tôi có người bạn Tàu, làm chung sở hơn 10 năm nay, quê cũng ở Quảng Châu. Nhân bàn về chuyện Hồ Chí Minh có vợ, anh ta xác định bà Tuyết Minh ở ngay thành phố nơi anh ta cư ngụ. Và chuyện bà lập gia đình với Hồ Chí Minh, cả thành phố ai mà không biết. Tôi nói thêm là chính quyền cộng sản Việt Nam phủ nhận sự kiện này và cấm trích dịch và lưu hành cuốn “Hồ Chí Minh với Trung Quốc” của Hoàng Tranh ở trong nước, anh ta chỉ cười cười nói: That’s the truth, man. He’s (Hồ) just an ordinary person, like you and me...

- Khi ở Hương cảng năm 1930, Hồ Chí Minh nẩy sinh tình cảm với cô Nguyễn Thị Minh Khai, lúc đó cô mới 20 tuổi. Tên thật Minh Khai là Nguyễn Thị Vịnh, cũng gốc Nghệ an; một đồng chí, một học trò chính trị của Hồ Chí Minh. Năm 1935, lúc đến Moscow dự đại hội đảng cộng sản quốc tế, Minh Khai khai báo đã có chồng tên là Lin (bí danh của Hồ Chí Minh lúc đó). Họ đã sống chung ở nhà tập thể trong suốt thời gian đại hội.

- Sau khi ở Tàu một thời gian, Hồ Chí Minh về nước cùng với một số cán bộ đã được huấn luyện. Trong số đoàn tuỳ tùng có một người đàn bà tên Đỗ Thị Lạc. Về đến hang Pắc Bó, Đỗ Thị Lạc sống chung với Hồ Chí Minh một thời gian, lo dạy trẻ em và vận động vệ sinh ăn ở của dân chúng ở Khuổi Nậm, một làng gần đó. Sử gia Trần Trọng Kim cho biết Đỗ Thị Lạc có một đứa con gái với Hồ Chí Minh.

- Theo Vũ Thư Hiên, trong cuốn Đêm Giữa Ban Ngày có viết lại lời kể của bố ông là Vũ Đình Huỳnh (bí thư của Hồ Chí Minh) một chuyện thật thương tâm. Qua câu chuyện, người ta lại càng hiểu rõ thêm bộ mặt thật của lãnh tụ. 

Sau ngày chia đôi đất nước, Hồ Chí Minh trở thành lãnh tụ miền Bắc. Để giữ tình trạng tâm sinh lý bình thường cho ông, ban bảo vệ sức khoẻ của các nhân vật cao cấp tuyển một cô gái sắc tộc Nùng, tên Nông Thị Xuân quê ở Cao Bằng về Hà nội để chăm lo sức khoẻ của Hồ Chí Minh. Năm 1955, cô Xuân cùng với người cô em ruột tên Vàng về cư trú ở ngôi nhà số 66 phố Hàng Bông Nhuộm và chính thức ra vào Phủ Chủ tịch (dĩ nhiên vào ban đêm và ra về khi tờ mờ sáng và chỉ bằng xe hơi do Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đích thân đưa đón). Lúc này Hồ Chí Minh đã 65 tuổi, cô Xuân 22 tuổi. Hồ Chí Minh rất thích cô Xuân và có một đứa con trai với cô, sinh năm 1956 và đặt tên là Nguyễn Tất Trung. Bà Xuân lúc này đòi ăn ở công khai vì đã có con, (giấy khai sinh của con phải có tên cha chứ!) nhưng Hồ Chí Minh không chịu viện lẽ phải tuỳ thuộc đảng nữa... Thế rồi một buổi sáng mùa xuân năm 1957, người ta thấy xác của một người đàn bà bị xe hơi đụng chết ở Cổ Ngư. Người đàn bà đó là bà Xuân. Theo hồ sơ khám nghiệm tử thi của bác sĩ tại bệnh viện Hà Nội thì bà Xuân chết vì nứt sọ; có thể bị búa đánh vào đầu. Ông Huỳnh (bố ông Hiên) còn xác nhận là tên bộ truởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã hãm hiếp dày vò bà Xuân chán chê rồi mới quăng xác ra ở Cổ Ngư dàn cảnh tai nạn xe hơi. Cô Vàng chứng kiến cảnh chị mình bị hãm hiếp rồi bị đem đi giết nên khoảng 9 tháng sau cũng bị giết chết tại Cao Bằng để bịt mệng. Bé Trung về sau được Vũ Kỳ, thư ký của Hồ Chí Minh, đem về nuôi và đổi thành Vũ Trung.

Tôi bâng khuâng tự hỏi, ngay đến con ruột mà Hồ Chí Minh không hề rơi một giọt nước mắt, lại giao cho người khác nuôi. Thằng bé mới sinh chưa được 2 tháng thì mồ côi mẹ, mà cái chết của mẹ nó không hiểu có bàn tay của bố nó dính vào không? Giọt máu của chính mình, ông cũng không màng, trước sau vẫn chỉ lo đến uy tín của ông, uy tín của đảng. Rõ ràng ông chẳng thương yêu gì bé Trung. Chính con ruột của mình mà không hề yêu thương, thì nói gì đến con người khác. Qua sự kiện này, chưa bao giờ tôi lại ghê tởm những bài hát ca tụng lòng yêu thương của Hồ Chí Minh đối với các em nhi đồng đến thế!

- Trước vụ cô Xuân, ban lãnh đạo đảng Cộng sản Hà nội đề cử cô Nguyễn Thị Phương Mai, tỉnh ủy viên tỉnh ủy Thanh Hóa, sống chung với Hồ Chí Minh. Khi gặp Hồ Chí Minh, cô Phương Mai đồng ý lấy ông nhưng với điều kiện là phải làm lễ cưới đàng hoàng. Chuyện bất thành vì đảng Cộng sản muốn huyền thoại hóa hình ảnh Hồ Chí Minh như một nhân vật hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng. Rất may cho cô Mai, chứ nếu ăn ở trước rồi mới xin công khai hóa thì chắc chắn chốn thâm cung sẽ có thêm một xác người đàn bà nữa. Không bằng lòng cưới hỏi danh chính ngôn thuận nên cô bỏ. Sau này, cô Mai du học ở Nga và về nước làm đến chức thứ trưởng Bộ Thương binh.

Như thế cuộc đời tình cảm của Hồ Chí Minh khá long đong; có tình lớn, tình nhỏ, tình si, tình lỡ, tình hờ, tình chết. Hồ Chí Minh sẵn sàng giải quyết sinh lý ở cửa sau, nhưng không hề muốn đón nhận một người đàn bà nào bằng cửa trước. Đàn bà vẫn là một món đồ chơi để ông thoả mãn những cơn thèm khát nhất thời như những hôn quân trong thời phong kiến.

Đàn bà là một trong những bí mật của các lãnh tụ, nhất là lãnh tụ độc tài. Nổi bật nhất trong các lãnh tụ đỏ trên thế giới là đời sống tình dục của Mao. Theo lời bác sĩ Li, người chăm sóc sức khoẻ cho Mao trong suốt 22 năm, từ 1954-1976, viết trong cuốn The Private Life of Chairman Mao tiết lộ rằng Mao hàng đêm lên giường với nhiều cô gái trẻ, có thể 2, 3, đến 5 cô cùng một lúc. Mỗi lần đi công tác ở các địa phương bằng xe lửa, Mao dành riêng một toa xe để giải trí tình dục. Đến một nơi công tác, các nhân vật cao cấp địa phương đều dâng hiến cho Mao những cô gái trẻ đẹp để cung phụng. Mao có thể cả tuần không tắm, biếng đánh răng thích nằm dài trên giường để làm tình liên tiếp nhiều ngày. (sđd, tr. 356-364)

Bác Mao cân một tạ hai,
Thịt đùn lên mặt những hai ba cằm
Bà con Trung quốc thì thầm,
Nó là Đổng Trác nhưng dâm hơn nhiều.
Thơ Nguyễn chí Thiện

Hồ Chí Minh có thể không mang tính chất hoang dâm thác loạn như Mao nhưng khẳng định rõ ràng một điểm là Hồ Chí Minh cũng có những ham muốn đòi hỏi tình dục ít nhất cũng bình thường như mọi người vậy. Điều này hoàn toàn trái ngược với hình ảnh thần thánh của Hồ Chí Minh mà đảng Cộng sản đã dày công tô vẽ. Thật ra, có một đời sống tình dục như thế là điều bình thường, không có gì sai trái cả nếu không nói là hợp lẽ tự nhiên. Trừ những vị tu hành dâng hiến đời sống mình vào những mục đích cao thượng hơn, còn hầu hết chúng ta đều có một nếp sống gia đình trong khuôn khổ của xã hội.

Hồ Chí Minh trong lúc sinh tiền hãnh diện về con người siêu phàm của mình bằng những cuốn sách tự viết, qua bài vở và những lời lẽ ca tụng thật chướng tai của đám đàn em sẵn sàng lạm dụng chữ nghĩa để suy tôn lãnh tụ. Có thể ban đầu ông không nghĩ mình là siêu nhân nhưng khi đám lãnh tụ đàn em thúc dục cả nước hồ hởi tung hô thì một lúc nào đó Hồ Chí Minh cũng ngồi rung đùi nghĩ mình là siêu nhân thật. Nghe mãi đâm quen thành nghiện, nên ông hoàn toàn đắm chìm trong hào quang được vẽ vời một cách vụng về vô liêm sỉ của tầng lớp văn nghệ sĩ nô bộc và bằng lòng với hình ảnh siêu thực đó. Nền điện ảnh Hollywood đã đẻ ra một nhân vật “Superman” trên màn bạc trong khi ở Việt Nam đảng Cộng sản đương thời lại đẻ ra một hình ảnh siêu phàm là Hồ Chí Minh, và vẫn hì hục đánh bóng hình ảnh một ông già sống mãi trong lòng dân tộc. Nếu Superman của Hollywood vẫn còn ăn khách thì hiện nay hình ảnh Hồ Chí Minh đã mất lớp sơn mỹ lệ bên ngoài, và để lộ nguyên hình một con người có đầy đủ hỉ nộ ái ưu ai ố dục, như mọi người bình thường khác trên cõi đời ô trọc này. 

Ngày 24 tháng 2 năm 1956, trong Đại hội đảng Cộng sản Nga lần thứ 20, Khrushev đọc bài diễn văn trước một số đồng chí được tuyển chọn. Bài diễn văn nẩy lửa mang tên secret speech (diễn văn bí mật). Qua bài này, Khrushev đã lên tiếng tố cáo Stalin, một kẻ độc tài, ngu dốt, tàn ác đã giết hại hàng triệu đồng chí và đưa Liên bang Sô viết đến chỗ lụn bại. Khi những lời tố cáo của Khrushev vang rền trong đại sảnh thì câu thơ “thương cha thương một thương ông (Stalin) thương mười” của Tố Hữu lại trở nên trơ trẽn và sống sượng hơn bao giờ. Cuối cùng, Khrushev cũng trả lại bản chất tầm thường cho con người Stalin.

Ngày 7 tháng 5 năm 2010, hai ngày trước lễ kỷ niệm 65 năm chiến thắng Đức Quốc Xã cùng với đại diện của quân đội Đồng Minh đổ về Điện Cẩm Linh, Tổng thống Nga, ông Dmitri Medvedev lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ tên đồ tể Josef Stalin. Ông nói: “Cho dù Stalin có làm việc cật lực và tạo được những thành công cho nước Nga, nhưng việc ông ta đã giết hại biết bao nhiêu thường dân là một điều không thể tha thứ được.” Ông ta nói thêm: “Sự chiến thắng chế độ Phát Xít là do hy sinh công sức của nhân dân Nga, không phải của Stalin... chế độ xây dựng lên Liên bang Sô Viết là một chế độ toàn trị, trong đó mọi quyền căn bản của con người và tự do đều bị đàn áp.”

Một ngày nào đó, sẽ có một Khrushev hoặc một Medvedev Việt Nam mạnh dạn đứng lên nói rõ những công, những tội của Hồ Chí Minh và lịch sử sẽ trả lại bản chất đích thực cho ông. Nói cho cùng, cuộc đời của ông có cái hơn người, có cái kém người; và tựu chung ông cũng là một người bình thường như chúng ta. Và việc đầu tiên để phục hồi bản chất đích thực cho Hồ Chí Minh là nên trả lại tên Sài Gòn cho Hòn ngọc Viễn đông, một danh hiệu đã đi vào lòng người và lịch sử thế giới. Ngày 10/11/1961, thành phố Stalin được hồi phục tên cũ Volgograd (thành phố bên bờ sông Volga). Năm 1991, thành phố Lênin cũng được mang lại tên cũ St. Petersburg. Chỉ còn một thành phố duy nhất trên thế giới mang tên Hồ Chí Minh, nằm chơ vơ, lạc lõng giữa những quốc gia tân tiến chung quanh.

Qua tìm tòi và hiểu biết được mặt trái cuộc đời của những lãnh tụ, chưa bao giờ thế hệ chúng tôi lại chán chường hình ảnh của lãnh tụ đến thế. Nó vẽ lên một khuôn mặt sắt máu, háo thắng, tự kiêu, độc ác, có đầy đủ tham sân si, và nhiều cuồng vọng.

Hãy chấp nhận giới hạn của một con người, cho dù là vĩ nhân. Và xin đừng bao giờ lạm dụng hai chữ “lãnh tụ” để lừa bịp chúng tôi nữa. 

29.05.2020




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo