Lối thoát nào cho vụ án Bưu điện Cầu Voi? - Dân Làm Báo

Lối thoát nào cho vụ án Bưu điện Cầu Voi?

Thảo Ngọc (Danlambao) - Sau phiên tòa Giám đốc thẩm vụ án bưu điện Cầu Voi kết thúc hôm 8/5/2020, theo đó mặc dù Hội đồng thẩm phán TANDTC đã thừa nhận quá trình tố tụng có rất nhiều sai sót trầm trọng, nhưng HĐTP vẫn kiên quyết bác kháng nghị của VKSNDTC. Có nghĩa là ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình và 16 đệ tử trung thành của ông ta đã quyết tâm giết cho bằng được Hồ Duy Hải.

“Vậy là chúng nó, 17 đứa đã đồng loạt giơ dao chém thằng bé” (lời LS Phạm Quốc Bình).

Điều thú vị là khi ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng: “Quyết định kháng nghị của VKSNDTC là trái pháp luật vì kháng nghị diễn ra trong khi Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực”. Ngay lập tức ông Viện trưởng Viện KSND tối cao đã gửi báo cáo đến Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải, khẳng định kháng nghị giám đốc thẩm do Viện KSND tối cao ban hành là đúng pháp luật, đúng thẩm quyền, có căn cứ và cần thiết.

Điều thú vị thứ hai là trong phiên tòa này, giữa Viện và Tòa hoán đổi vị trí cho nhau. Bên Tòa lúc này làm vai trò chức năng của Viện là buộc tội bị cáo, và bên Viện lại làm chức năng gỡ tội cho bị cáo, khác với lúc ông Nguyễn Hòa Bình còn làm Viện trưởng VKSNDTC là bác đề nghị Giám đốc thẩm vụ án. Nay Viện đổi chủ thì chức năng cũng thay đổi trong vụ này.

Như vậy là chính ông Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã đẩy vụ án giết người tại bưu điện Cầu Voi năm 2008, sau hơn 12 năm hồ sơ vụ án được lật đi lật lại ở các cơ quan chuyên môn của QH, đi vào ngõ cụt. Và vụ án đã vượt ra khỏi kiểm soát của ngành tòa án.

Trên tờ Tạp chí Tòa án Nhân dân ra ngày 12 tháng 05 năm 2020 có bài: “Vụ án Hồ Duy Hải: “Nhiễu thông tin, Truyền thông bẩn” đã làm ảnh hưởng đến chính trị và cả nền tư pháp”.

Không biết họ dựa vào đâu, dựa vào tài liệu nào, cuộc điều tra khảo sát nào họ dám viết răng: “Phán quyết của HĐTP đưa ra tại phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vừa qua được đồng đảo người dân đồng tình, ủng hộ”?(1).

Ở đây Tạp chí Tòa án muốn kết án “Truyền thông bẩn” là những cơ quan truyền thông nào? Chẳng lẽ những tờ báo lớn và có lượng độc giả nhiều nhất Việt Nam như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp luật TP.HCM, Phụ nữ TP.HCM, Người Lao Động, Lao Động, Tiền Phong... và hàng trăm tờ báo khác, khi đưa tin trung thực, khách quan về vụ án này là “bẩn”? Và chỉ những tờ báo của ngành tòa án là… báo sạch?.

Tệ hại hơn nữa, cánh thân Tòa sử dụng đến là bài hạ sách cuối cùng là xua bọn bò đỏ và DLV hạng bét, như một bầy “cẩu xực”, nhảy ra thi nhau sủa điên cuồng, lao vào cắn xé bất cứ ai bênh vực chính nghĩa, bênh vực lẽ phải, bằng những ngôn từ sặc mùi cống rãnh. Bọn này chỉ biết chửi bậy rất tục tằn bằng thứ ngôn từ hạ cấp của các mụ hàng tôm hàng cá, thậm chí là đưa “của quý” ra khoe, mà không hề đưa ra được một ý phản biện có văn hóa nào. Chứng tỏ “sức khỏe” của cánh thân Tòa trong vụ này đã suy tàn, họ đã lâm vào cảnh “thế cùng lực kiệt”.

Nay vụ án đã vượt ra ngoài khuôn khổ của ngành tòa án. Nó đã đi vào Văn phòng TBT-CTN, và cuốc “đấu súng” trên nghị trường QH đã bắt đầu.

Về tập thể trên nghị trường, cuộc đấu đang ở thế 3 chọi 1: Là Ủy ban Tư pháp QH, Ban Dân nguyện QH và của VKSNDTC, chọi với bên Tòa án NDTC.

Về phía cá nhân, cán cân lại quá chênh lệch và ở thế 5 chọi 1: Đó là các vị ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Trương Trọng Nghĩa, Lê Thị Nga và ông Lê Minh Trí. Bên Tòa một mình Chánh án Nguyễn Hòa Bình “đơn thương độc mã.”

Ngoài ra bên phía Viện còn có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của báo chí và nhân dân cả nước. Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu QH TP.HCM hôm 13/5, cử tri đã lên tiếng kiến nghị Quốc hội xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải. Cử tri cũng kiến nghị Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuộc để vụ án Hồ Duy Hải được xem xét lại một cách thấu đáo(2).

Và khi nhắm mắt biểu quyết việc bác Kháng nghị của VKSNDTC, 17 vị Thẩm phán ngồi ghế HĐTT với đầy rẫy bằng cấp đầy mình này, và cả ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình không hình dung nổi cơn bão dư luận như những đợt sóng thần đang ập xuống trên đầu họ, và họ đang bị dồn vào chân tường, không lối thoát.

Với những diễn biến như trên cho thấy ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSNDTC đang chiếm thế thượng phong trước ông Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình.

Điểm lại diễn biến gần đây của vụ án bưu điện Cầu Voi, dư luận đánh giá rằng, sai lầm lớn nhất của ông Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình là chọn thời điểm đưa vụ án ra ngay trước Hội nghị T.Ư 12, và trước kỳ họp QH, là việc làm thiếu khôn ngoan bởi chỉ vì ông quá tự tin vào uy thế và sự hậu thuẫn của phe cánh ông.

Thêm nữa, ông Nguyễn Hòa Bình đã bưng bít thông tin bằng cách chỉ cho báo Công lý của ông được dự phiên tòa, còn các báo khác như của Viện KS, Công An, Bộ Tư pháp, Hội Luật sư…đều bị cấm hết. Việc bưng bít thông tin, và chỉ cung cấp thông tin một chiều theo hướng có lợi cho mình đã biến phiên tòa trở nên mất dân chủ và bị công luận lên án.

Khi bị dư luận phản ứng thì một số thẩm phán đã có phát ngôn rất thiếu chuẩn mực, đồng thời chụp mũ những vị Đại biểu Quốc hội bênh vực lẽ phải, tức là đã tự húc đầu vào đá.

Lối thoát duy nhất cho vụ án bưu điện Cầu Voi này là, theo đề xuất của LS Trương trọng Nghĩa, là phải hủy hết các bản án trước, tiến hành điều tra lại từ đầu và xét xử lại toàn bộ vụ án.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện thì đề nghị Cần khởi tố ngay, ít nhất là 5 vụ án để làm rõ mọi chuyện:

1- Vụ án vi phạm nghiêm trọng pháp luật của phiên tòa Giám đốc thẩm.

2- Vụ án Che giấu tội phạm trong quá trình điều tra làm án và xử án sơ thẩm, phúc thầm và giám đốc thẩm.

3- Vụ án làm sai lệch hồ sơ: Hủy tang vật, làm sai quy trình và quy định về thu thập và xử lý hiện trường: hủy hung khí, không phân tích mẫu dịch và máu thu được tại hiện trường, trong khi đó lại mua dao thớt và ghế để làm tang vật, thu giữ tro đốt ngoài vườn sau 2 tháng xảy ra vụ án để làm chứng cứ kết tội.

4- Vụ án các điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư, công an chết bất thường sau vụ án tổng cộng 6 người

5- Vụ án cung cấp tin không chính xác cho báo chí; định hướng dư luận.

Tất cả phải làm độc lập, khách quan, với sự giám sát của Quốc hội và các nhà báo độc lập.

Muốn vậy cần Bộ Công an vào cuộc. Quyết không để cho tỉnh Long An nhúng tay vào bất cứ nội dung nào liên quan vụ án.

Với những hành động như trên, có thể nói ông Nguyễn Hòa Bình đã tự bắn vào chân mình, đang tự ngồi vào đống rơm và tự châm lửa đốt mình.

Xin mượn câu nói vui của ĐBQH, Tiến sĩ luật Lưu Bình Nhưỡng khi nhận xét về vụ án này, đại ý rằng: Vụ án này không những phải tái thẩm, mà có lẽ phải …ninh thẩm. Nghĩa là cho vào nồi áp suất để ninh cho nhừ thì mới “ra môn ra khoai”.

Chú thích:



21/5/2020



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo