Thảo Ngọc (Danlambao) - Vụ án 5 cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng đòi doanh nghiệp “chung chi'” hàng tỉ đồng tại Vĩnh Phúc hồi tháng 6 năm 2019 đã làm dư luận cả nước “sôi sùng sục”. Nhóm người này đã bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc “bắt tận tay, giay tận trán”. Họ đã bị lập biên bản về hành vi vòi tiền lên tới hàng tỉ đồng khi thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, và đang bị tạm giữ.
Theo Kết luận điều tra của Công an tỉnh Vĩnh Phúc, bà Nguyễn Thị Kim Anh và tổ thanh tra, vì động cơ vụ lợi, mặc dù biết rõ UBND các xã, thị trấn thuộc huyện Vĩnh Tường không phải là đối tượng thanh tra và không được thanh tra đối với các dự án, công trình xây dựng do cấp xã làm chủ đầu tư, nhưng đã dùng danh nghĩa cá nhân, yêu cầu UBND huyện Vĩnh Tường báo cáo về các dự án, công trình xây dựng do UBND các xã, thị trấn làm chủ đầu tư để kiểm tra, làm quyết định thanh tra.
Bằng thủ đoạn này, bà Kim Anh và các đồng phạm chiếm đoạt và thu lợi bất chính số tiền hơn 2 tỉ đồng. Trong đó, bà Kim Anh được xác định là chủ mưu, chiếm đoạt 1,3 tỉ đồng (1).
Dư luận cho rằng: Đoàn Thanh tra của bộ Xây dựng đã “vuốt mặt không nể mũi”, khi tổ chức thanh tra ngay trên quê hương của ông Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, từng là cựu Bộ trưởng Bộ Xây dựng, chứng tỏ thế lực của nhóm chống lưng cho Đoàn thanh tra mạnh cỡ nào.
Chúng ta đều biết rằng trong xã hội Việt Nam hiện nay, với cơ chế quản lý lỏng lẻo và nhiều sơ hở trên tất cả mọi lĩnh vực, sẽ là miếng mồi ngon cho các quan tham tranh thủ vơ vét. Và đây là miếng đất màu mỡ để ngành Thanh tra “phát huy tài năng” nghiệp vụ của mình.
Không “chỉ vạch lá tìm sâu” trong những lĩnh vực được làm, mà họ dám làm những việc không được phép. Vậy thì phải có chỗ dựa vững chắc họ mới dám “bước qua hàng rào”?
Sau một thời gian im ắng, dân tình đang mong ngóng các cơ quan chức năng sẽ xử lý những kẻ tham nhũng táo tợn này đúng người đúng tội, để răn đe và làm gương cho những kẻ khác đang có kế hoạch tham nhũng tiếp hãy kịp thời dừng lại (mượn ý của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng), thì bất ngờ người dân được biết: “Công an xin giảm nhẹ hình phạt cho trưởng đoàn thanh tra "vòi tiền tỷ",với những lý do rất mơ hồ, làm cho người dân hết sức ngỡ ngàng.
Theo báo Dân Trí, dù kết luận điều tra xác định, hành vi của bị can Kim Anh là “đặc biệt nghiêm trọng”, “là người chủ mưu, chỉ đạo điều hành vừa là người thực hiện tội phạm,” nhưng cơ quan công an vẫn đề nghị giảm nhẹ hình phạt đối với bị can này.
Theo cơ quan công an: “Trong quá trình điều tra, bà Kim Anh đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án.
Đồng thời, số tiền chiếm đoạt và thu lợi bất chính chưa bị tẩu tán. Bị can này còn có đơn đề nghị xin khắc phục hậu quả thay em gái.
Bản thân Kim Anh một mình đang nuôi 3 con nhỏ, gặp nhiều khó khăn. Chồng bị can hiện vẫn đang công tác, học tập tại nước ngoài. Vì vậy, đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt khi lượng hình”.
Không biết “thế lực thù địch” trong nhóm lợi ích này đã “bôi thuốc” gì mà có kết quả hiệu nghiệm như vậy?
Với việc giảm nhẹ hình phạt này, bị can Kim Anh thay vì sẽ bị xét xử theo khoản a, điểm 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự, có mức hình phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Nay sẽ bị xét xử theo Điều 355 Bộ luật Hình sự, với tội lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản, bà kim Anh chỉ bị phạt tối đa 20 năm tù.
Phải chăng hình phạt dành cho vị “Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Bộ Xây dựng” đã được biến đổi một cách ngoạn mục như có phép màu là nhờ bà này nằm trong cơ quan chống tham nhũng?
Thao Báo Thanh Niên: “Khi các PV đặt câu hỏi tại sao cơ quan điều tra đã thay đổi tội danh đối với 4 bị can, từ tội nhận hối lộ sang tội lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản, vốn có khung hình phạt nhẹ hơn?
Trung tướng Lương Tam Quang cho biết, ban đầu Công an tỉnh Vĩnh Phúc khởi tố vụ án, khởi tố các bị can về hành vi nhận hối lộ. Tuy nhiên, quá trình điều tra xác định, hành vi các bị can liên quan không cấu thành tội nhận hối lộ, mà liên quan đến hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản. Đến ngày 11.5.2020, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định thay đổi vụ án, thay đổi tội danh đối với các bị can. Theo ông Quang, toàn bộ quá trình điều tra vụ án này đã được Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm sát, giám sát theo quy định pháp luật” (2).
Đúng là quá trình thay đổi tội danh cho các bị cáo này “Rất đúng quy trình”.
Cái sự tài tình của ngành công an, thể hiện qua câu trả lời này là: “Quá trình điều tra xác định, hành vi các bị can liên quan không cấu thành tội nhận hối lộ, mà liên quan đến hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản”. Có nghĩa là tội danh cũng có thể biến đổi theo “tình hình thời tiết”như con tắc kè hoa.
Không biết sau khi nghe câu giải thích này của tướng Quang, bà Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân có lấy làm “tâm tư” hay không? Vì nhóm này đã ăn quá dày. Mà theo bà Ngân, nếu ăn mong mỏng thì được.
Thực tế cho thấy, để được tuyển dụng vào cơ quan thanh tra đã khó, vào bộ phận phòng chống tham nhũng của cơ quan thanh tra lại càng khó hơn, nghĩa là phải “chung chi” nhiều hơn. Vì vậy việc các đoàn thành tra tích cực đi thanh tra hết nơi này đến nơi nọ, và dám đụng đến cả những lĩnh vực ngoài chức năng nhiệm vụ của mình, nhằm tích cực thu hồi vốn và tiếp tục tái đầu tư để có cơ hội “chui sâu leo cao,”cho thấy quyền lực của ngành thanh tra như một thế lực bát khả xâm phạm.
Việc Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng lần này bị vạch mặt chỉ là một “tai nạn nghề nghiệp” mà thôi. Còn hàng trăm ngàn vụ khác trot lọt thì cha con hả hê mang tiền về xây biệt phủ và tậu xe sang, cho con du học nước ngoài...
Đến đại quan tham như Trần Văn Truyền, sau khi ôm khối tài sản khổng lồ về hưu, mà cũng chỉ bị cảnh cáo cũng chẳng làm rụng cộng lông nào của ông ta.
Và càng cho thấy câu nói này rất có ý nghĩa như một chân lý của thời mạt sản:
“Thanh cha, thanh mẹ, thanh gì
Hễ có phong bì là nó... thanh-kiu”!
Chú thích: